5 Điều Tôi Đã Học Được Sau 2 Năm Viết Blog
Cách đây đúng 2 năm (27/2/2014), tôi tạo ra blog Conversion.vn trong một lần hứng chí cảm thấy muốn viết một cái gì đó. Lúc này khi nhìn lại, tôi mới thấy đó là một trong những quyết định nhất thời nhưng đúng đắn của mình. Cái blog nhỏ ngày xưa cho tới giờ đã đi được một đoạn đường cũng khá xa và dù không phải là một trang web có nhiều traffic nhất nhưng tôi cảm thấy tự hào vì nó là mang lại được giá trị cho nhiều người. Và bản thân tôi nhận thấy rằng mình cũng đã học được và nhận lại được rất nhiều thứ từ việc viết blog. Dưới đây là 5 điều mà tôi đã rút ra được trong suốt quá trình viết blog Conversion.vn trong 2 năm qua:
1. Sắp xếp lại được kiến thức
Source: freepik
Hằng ngày chúng ta thu thập rất nhiều kiến thức khác nhau, ở nhiều chủ đề và nhiều mảng khác nhau. Những kiến thức này nằm đó, rời rạc và không có liên kết với nhau. Chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta nắm được chúng và sử dụng các kiến thức này khi cần thiết nhưng sự thật là lúc đó chúng ta lại ít khi có thể sắp xếp nó thành một tổng thể kiến thức trong đầu chúng ta để có thể diễn giải nó ra một cách mạch lạc.
Ví dụ như việc bạn biết rằng:
– Bạn có thể chạy quảng cáo banner display trên Adwords
– Những website tham gia kiếm tiền với Adsense sẽ trở thành một phần của GDN
Nhưng khi bất ngờ bị hỏi Adsense và Adwords có quan hệ thế nào thì bạn lại có thể không trả lời được.
Viết blog giúp tôi sắp xếp lại được những kiến thức rời rạc đã biết thành một tổng thể rõ ràng hơn. Khi tôi cố giải thích một vấn đề gì đó bằng cách viết nó ra, tôi dần dần học được cách tạo ra mối liên kết giữa những kiến thức rời rạc đó và biến chúng thành một mảnh ghép hoàn chỉnh.
2. Nắm vững những kiến thức cơ bản và đào sâu các chủ đề liên quan
Source: freepik
Đôi khi có những kiến thức tưởng chừng rất cơ bản và bạn cứ đinh ninh là hiểu và nắm nó rồi nhưng khi cần phải nêu nó ra thì bạn lại không biến nó thành lời được. Việc viết blog đôi khi khiến tôi nhận ra một số lỗ hổng kiến thức căn bản của mình và qua đó tự mình phải trau dồi thêm để lấp những lỗ hổng đó.
Ngoài ra khi bạn viết và đăng tải một thứ gì đó mà bạn biết là có thể sẽ có người đọc, bạn sẽ cảm thấy có một áp lực là những thứ mình viết ra cần phải đúng (nếu không sẽ bị ăn gạch đá). Áp lực này khiến bạn cảm thấy rằng mình cần phải kiểm tra lại kỹ những gì mình viết và đôi khi đi sâu vào hơn một chủ đề nào đó để đảm bảo rằng mình hiểu tường tận cốt lõi của vấn đề mình đang đề cập. Lúc này tôi sẽ phải tự ép mình đào sâu và tìm hiểu kỹ hơn về một chủ đề nhất định mỗi khi viết để đảm bảo tính chính xác cao nhất của những gì mình viết.
Khi bạn nắm vững được kiến thức cơ bản và hiểu sâu được vấn đề, bạn sẽ thấy bản thân mình có thể tự tin thuyết giản về một vấn đề nào đó mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
3. Rèn luyện được sự kiên định và điều đặn
Source: pinterest
Bạn đã bao giờ bắt đầu tập gym/ thể dục hay ăn kiêng gì đó? Rồi sau đó vì bận rộn quá và bắt đầu lơi lỏng những việc đó? Bạn tự đặt ra cho mình bao nhiêu là lý do để bắt đầu tự buông ra như nào là bận quá bỏ tập một ngày thì có sao hay ăn món này một chút thì chẳng ảnh hưởng gì. Những lý do viện dẫn nhỏ nhỏ đó sẽ khởi điểm cho mọi vấn đề sau này. Tới một lúc nào đó bạn dừng hẳn việc tập gym/ thể dục hay ăn kiêng vì bạn tự cho rằng mình chúng không còn quan trọng nữa. Viết blog cũng không ngoại lệ.
Tôi là một người luôn luôn bận rộn (vì tôi cố gắng giữ bản thân mình như vậy), trong khi đó viết blog lại đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức. Có một số bài viết chuyên sâu (ví dụ như bài viết về Google Analytics này) có khi tốn cả tháng để viết vì phải sửa đi sửa lại, thay đổi cấu trúc cho hợp lý, chỉnh sửa cho dễ hiểu – dễ đọc, cập nhật hình ảnh, v.v… Đôi khi tôi bận rộn quá cũng cảm thấy muốn buông bỏ một thời gian để làm cái khác nhưng rồi lại tự nhắc mình là cần phải giữ sự kiên định và điều đặn trong những thứ đang làm. Nhiều lần tôi đặt quyết tâm phải viết cho xong một bài viết để sáng hôm sau đăng tải và có khi phải thức tới 2 – 3 giờ sáng để hoàn chỉnh bài viết và schedule nó để sáng hôm sau đăng. Đơn giản là vì tôi nghĩ nếu trong hôm nay mình không hoàn thành thì mình đã tự dễ dãi với bản thân và tự cho phép mình đặt ra một lý do viện dẫn để không hoàn thành việc cần làm.
Việc viết blog đã giúp tôi rèn luyện tốt hơn sự kiên định trong những thứ mình làm dù đó là công việc hay những thứ khác trong cuộc sống. Qua đó tôi nhận ra rằng tính kiên định với những thứ gì mình làm chính là yếu tố quyết định sự thành công và việc mình có thể tiến xa được.
4. Cải thiện khả năng diễn đạt và nói chuyện
Source: pinterest
Albert Einstein từng nói: “Nếu bạn không thể giải thích một vấn đề nào đó một cách dễ hiểu thì tức là bạn vẫn chưa hiểu đủ rõ vấn đề đó“. Tôi cảm thấy điều đó là đúng và đó là lý do tại sao tôi thường chú trọng đến việc giảng giải mọi thứ một cách chi tiết và rõ ràng hết mức có thể trong các bài viết của mình.
Sự thật là khoảng hơn 3 năm về trước, tôi là một người rất ít nói chuyện (trừ những thứ hợp chủ đề) và khả năng để diễn đạt một điều gì đó cũng tương đối kém. Tuy nhiên từ khi bắt đầu viết blog, tôi nhận thấy khả năng về ngôn ngữ và diễn đạt của mình đã được cải thiện đáng kể. Một phần có lẽ đến từ yếu tố (1) và (2) đã nêu ở trên. Một phần tôi nghĩ rằng việc viết ra những gì mình nghĩ cũng đã giúp tôi rèn luyện được cách sắp xếp câu chữ tốt hơn và qua đó cải thiện rất nhiều khả năng nói của mình. Khi bạn nói chuyện một cách rõ ràng và rành mạch hơn thì bạn sẽ làm tốt hơn trong việc biểu hiện thế mạnh và chuyên môn của mình, khiến người khác hiểu rõ hơn những gì bạn muốn trình bày và tác động không ít đến kết quả của một cuộc đối thoại / đàm phán / bán hàng.
5. Hiểu được giá trị của việc chia sẽ
Blog Conversion.vn ban đầu chỉ là một trang blog cá nhân nơi tôi lưu lại những thông tin và kiến thức mà mình biết được nhưng theo thời gian tôi dần nhận ra rằng việc chia sẽ của mình mang lại những giá trị lớn hơn nhiều. Giá trị của việc chia sẽ đến cho cả 2 phía: người đọc và người viết.
Những người vào blog đọc và cảm thấy những thông tin được chia sẻ thật sự hữu ích, giúp họ hiểu thêm về một chủ đề mà họ đang tìm kiếm, giúp họ giải đáp được những câu hỏi hiện đang có hay đơn thuần là tiết kiệm được thời gian cho người đọc trong quá trình tìm kiếm.
Đối với người viết thì giá trị không chỉ ở lợi ích từ những điều được nêu bên trên, mà còn đến từ niềm vui khi cảm thấy những gì mình làm ra tạo ra lợi ích cho mọi người và cho cộng đồng. Bạn càng tạo được nhiều lợi ích mang tính chia sẽ, có lợi cho cộng đồng và cho những người khác thì bạn cũng sẽ đồng thời nhận lại những giá trị khác ví dụ như việc mở rộng thêm những mối quan hệ và có dịp gặp gỡ thêm nhiều người tài giỏi, nâng cao uy tín trong ngành, mở rộng thêm những cơ hội của mình.
Bên trên là 5 lợi ích mà tôi nhận được từ việc viết blog và tôi cảm thấy rằng những điều này đang giúp tôi tốt hơn mỗi ngày. Và nếu có điều kiện thì tôi khuyên mỗi người hãy trở thành một blogger, hãy viết ra những gì bạn thích và có kiến thức với mục đích giúp đỡ những người khác cũng đang trong quá trình học hỏi như bạn. Và có thể như cũng như tôi, bạn sẽ rút ra được những bài học dành riêng cho mình từ việc viết blog.
Tôi muốn bắt đầu viết blog thì phải bắt đầu thế nào?
Điều đầu tiên bạn cần làm là phải có một cái blog. Ngày nay việc tạo 1 cái blog hoàn toàn không khó, bạn sẽ cần có 2 thứ để tạo thành 1 website: domain (tên miền) và hosting.
Cho domain, bạn cần nghĩ tới việc mình muốn blog của mình sẽ tên gì. Một số người sẽ dùng tên mình để đặt tên cho blog, một số thì sẽ sử dụng một cái tên có liên quan đến chủ đề của blog. Sau khi chọn được tên cho blog của mình, bạn có thể dễ dàng tìm được domain từ những nhà cung cấp như PAVietnam, MatBao hoặc iNet, đơn giản là lên Google và tìm “mua domain” hay “mua tên miền” là sẽ có rất nhiều lựa chọn. Lưu ý là thật ra bạn không mua tên miền, mà chỉ là thuê và trả phí theo năm.
Cho hosting thì ban đầu blog của bạn chưa có nhiều truy cập và cũng chưa nhiều nội dung, có thể sử dụng các gói hosting với giá rẻ nhất, khoảng vài chục ngàn đồng / tháng. Sau đó khi nhu cầu tăng lên thì bạn có thể nâng cấp lên từ từ. Tương tự, chỉ cần lên Google tìm kiếm “dịch vụ hosting” thì cũng sẽ có một mớ lựa chọn. Hosting thì có một số nhà cung cấp lâu đời và có tiếng như PAVietnam, NhanHoa, VinaHost, v.v…
Tiếp theo bạn cần suy nghĩ là mình sẽ sử dụng CMS (Content Management System) nào để quản lý toàn bộ nội dung, giao diện và mọi thứ khác trên blog. WordPress là lựa chọn tốt nhất và đơn giản nhất cho bạn. Lên Google và tìm “hướng dẫn cài đặt WordPress” sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều bài viết về cách làm thế nào để cài đặt.
Hoặc nếu bạn cảm thấy những điều trên là quá sức về khả năng kỹ thuật của mình thì bạn có thể tạo một cái blog miễn phí tại WordPress.com hoặc Blogspot. Hoàn toàn miễn phí và nhanh chóng. Cách này sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí domain và hosting.
Hoặc nếu bạn vẫn muốn có domain riêng nhưng không biết gì về kỹ thuật thì tìm một người chuyên làm web giúp set up một cái website WordPress đơn giản. Chi phí cũng sẽ không quá cao, nếu cao quá thì nên tìm người khác.
Làm thế nào để tôi viết blog tốt hơn?
Source: freepik
Sau khi có một cái blog thì phần quan trọng tiếp theo là viết blog và dưới đây là một số góp ý rút ra từ kinh nghiệm của tôi cho việc viết blog tốt hơn:
– Hãy khác biệt: blog của bạn về mặt nội dung có gì khác so với hàng chục website khác có cùng chủ đề? Bạn có thể nói về cùng một chủ đề nhưng hãy khám phá, hãy viết nó theo một cách khác biệt. Ví dụ: conversion.vn tập trung vào các nội dung chuyên sâu mang tính phân tích hơn và hữu ích hơn cho người dùng với những bài viết chi tiết.
– Phân đoạn dễ nhìn: chẳng ai muốn đọc một bài viết gần 1,000 chữ mà viết liền nhau cả. Hãy tập cách phân đoạn, sử dụng hình ảnh bỗ trợ thêm để nội dung của bạn dễ đọc hơn cho người xem. Các bài viết trên blog conversion.vn là những ví dụ điển hình.
– Viết blog và viết văn không giống nhau: bạn không cần phải gò bó mình vào nguyên tắc văn viết như ở trường dạy. Cứ thoải mái viết theo ngôn ngữ của bạn, blog cá nhân của bạn mà.
– Đừng nhấn đăng ngay: mọi thứ bạn viết xong, đừng đăng ngay mà hãy để đó 1 – 2 ngày sau vào xem lại. Có thể lúc này bạn sẽ thấy 1 vài thứ cần chỉnh lại (về cả ngữ pháp lẫn văn phong) mà lúc viết bạn không để ý. Tuân thủ quy tắc này giúp tôi tránh được khá nhiều sai sót trong bài viết.
– Chăm chút cho tựa đề hơn: cùng một nội dung nhưng nếu tựa đề của bạn hấp dẫn, bạn sẽ có thêm 20% – 30% số người đọc bài viết của bạn. Có đáng để chăm chút không? Có chứ. Tôi có thể dành từ 15 – 20 phút chỉ để list ra nhiều câu tựa đề khác nhau trước khi quyết định chọn 1 câu nào đó.
– Theo dõi và rút kinh nghiệm: ít nhất bạn nên cài đặt Google Analytics để biết được tình hình traffic như thế nào, bài viết nào được nhiều traffic nhất và tại sao để lần tới bạn có thể lập lại điều đó với các bài viết sau.
– Hiểu đối tượng người đọc của bạn muốn gì: cái này cũng liên quan đến ý vừa bên trên. Bằng cách theo dõi xem những nội dung nào được nhiều traffic nhất, nhiều tương tác nhất, bạn có thể hiểu hơn về người đọc blog và qua đó biết cách tạo các nội dung phù hợp hơn sau này.
– SEO, nên làm nhưng không phải là tất cả: hãy tập cách sử dụng từ khóa cho mỗi bài viết, tập cách cài đặt và sử dụng các plugin SEO cho blog của bạn để tối ưu những yếu tố SEO cơ bản. Hướng dẫn thì search Google 1 cái là ra, tôi nghĩ không thiếu. Nhưng đừng vì chú trọng đến SEO mà làm ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.
– Niềm vui: viết blog mà không vui thì bạn viết để làm gì? Mỗi lần có bài viết mới lên blog là tôi rất vui.
Nếu bạn là 1 blogger, hãy chia sẽ thêm bên dưới. Nếu bạn đang muốn bắt đầu viết blog và có các câu hỏi, hãy đặt câu hỏi bên dưới.