5 Câu hỏi phỏng vấn xin việc đã lỗi thời nhưng bạn vẫn phải trả lời
Có những câu hỏi phỏng vấn xin việc tuy đơn giản nhưng rất có tính “đánh đố” ứng viên. Nhiều nhà tuyển dụng hy vọng với 1 câu hỏi kiểu này, khi hỏi 10 ứng viên họ sẽ tìm được 10 câu trả lời khác nhau.
Nhưng thực tế họ chỉ nhận được 10 câu trả lời hao hao nhau, vì tuy đánh đố, các câu hỏi kia đã quá quen thuộc. Chỉ cần vài cú gõ là bạn đã có thể tìm thấy cách trả lời “thông minh.”
Điều đáng lưu ý là các câu hỏi kiểu như vậy vẫn còn được nhiều doanh nghiệp sử dụng, để rồi bên tuyển dụng và ứng viên cùng đưa nhau vào thế khó. Bên dưới là 5 câu hỏi được tổng hợp từ nhiều ý kiến của các chuyên gia tuyển dụng.
Mục Lục
1. Bạn hãy tự giới thiệu về bản thân
Trong đa số các buổi phỏng vấn, đây là “miếng trầu mào đầu câu chuyện.” Các nhà tuyển dụng thường ưa chuộng câu hỏi này vì nó đưa ra một góc nhìn tổng thể về bản thân ứng viên, bao gồm năng lực, tính cách và sự nghiệp của họ.
Tuy nhiên, trong thực tế, mỗi người lại thường có nhiều nhân cách khác nhau. Khả năng cao là ứng viên sẽ chọn thể hiện những đặc điểm về bản thân mà họ nghĩ là sẽ làm hài lòng hoặc gây ấn tượng tốt. Đến khi vào việc thì sự thật có khi không hẳn vậy.
Cũng có trường hợp các ứng viên không cố ý lựa chọn thông tin có lợi cho mình, nhưng góc nhìn chủ quan của họ về chính mình có thể ít nhiều mang thiên kiến nhận thức.
“Hãy giới thiệu về bản thân bạn” – Một câu hỏi phỏng vấn đơn giản nhưng có thể khiến bạn “khủng hoảng hiện sinh.” | Nguồn: imgflip.com
Giải pháp cho vấn đề này, theo chuyên gia Gary Burnison (CEO tập đoàn tuyển dụng Korn Ferry) là sử dụng câu hỏi thay thế: “Bạn đã làm qua những công việc gì?” hay “Hành trình dẫn đến lựa chọn công việc hiện tại của bạn?”
Câu hỏi này sẽ trực tiếp nhắm vào những hành động thực tế, và cung cấp minh chứng cho những từ ngữ “tích cực” mà ứng viên muốn mô tả về chính họ (nhiệt tình, cầu tiến, hòa đồng…). Ngoài ra mục đích cũng là xem xét cách ứng viên diễn đạt thành lời và thêm chi tiết vào những gì họ đã trình bày trên CV.
Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng câu hỏi giới thiệu về bản thân vẫn cần thiết vì thông qua nó họ có thể kiểm tra khả năng tự nhận thức và thuyết trình về bản thân của ứng viên. Tuy nhiên, đây là một cuộc đánh cược vì câu hỏi quá mở có thể khiến họ không tìm được đúng thông tin cần tìm.
2. Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Trong nền kinh tế tri thức với muôn vàn thay đổi chóng mặt, vấn đề bối cảnh là cực kỳ quan trọng. Tùy vào hoàn cảnh mà một tính cách có thể là “điểm yếu” hay “điểm mạnh.”
Ví dụ, trong những trường hợp ứng biến khẩn cấp, khả năng “mạo hiểm và có quyết định nhanh chóng” có thể được coi là lợi thế. Nhưng với trường hợp cần xem xét và đào sâu nghiên cứu cẩn thận để lên kế hoạch lâu dài, tính cách này lại có nhiều phần là nguy cơ hơn.
Câu hỏi này còn mang đến sự chênh lệch quyền lực rõ ràng giữa bên tuyển dụng và bên ứng tuyển, dù thực tế cả hai đều có vị thế lựa chọn ngang bằng nhau. Vì những điểm yếu là phạm trù khá riêng tư, nên khi thổ lộ ứng viên sẽ có cảm giác nhà tuyển dụng sẽ đặc biệt đánh giá họ dựa trên điều đó.
Mặt khác, ở khía cạnh tâm lý học, não bộ luôn có khuynh hướng ưu ái tự nhiên đối với các thông tin tiêu cực, hay còn được gọi là thiên kiến tiêu cực. Điều này khiến chính các nhà tuyển dụng cũng có thể không ý thức được hành động đánh giá dựa theo thiên kiến của mình.
Tốt hơn hết, nếu cần đánh giá về mức độ cầu tiến và tự nhận thức của ứng viên nhà tuyển dụng có thể hỏi một trong những câu sau:
- Lĩnh vực chuyên môn nào bạn nghĩ sẽ giúp mình thực hiện công việc này hiệu quả hơn?
- Những kỹ năng nào bạn muốn được đào tạo thêm để làm việc hiệu quả nhất?
- Mô tả về một lần bạn có quyết định (hay cảm xúc) quyết liệt nhất trong công việc?
Đừng quên hỏi kèm cả về điểm mạnh của ứng viên, nhưng cần thể hiện câu hỏi cụ thể hơn như “Mô tả một lần bạn nghĩ hành động của bạn mang đến niềm vui hoặc sự thành công cho bản thân hay người khác?”
Lưu ý: Nhà tuyển dụng thậm chí có thể bỏ câu hỏi này nếu nó không liên quan quá nhiều đến vị trí công việc (ví dụ như lập trình, kế toán,…)
3. Bạn có thể làm việc tốt trong môi trường áp lực không?
Câu hỏi tương tự là “Bạn có khả năng chịu stress và deadline đến mức nào?”
Tự tin không khó. | Nguồn: r/DarkSouls2
Công việc nào cũng có những áp lực rất khác nhau. Đặc biệt trong nhịp sống vội vã như hiện nay, áp lực trong công việc của bất cứ ai cũng đều rất lớn.
Ngoài việc ứng viên chỉ có một câu trả lời duy nhất là “có,” vấn đề của câu hỏi này còn nằm ở chuyện nó cho thấy áp lực là vấn đề của riêng người lao động. Có thể hiểu ngụ ý của câu hỏi này là “Nếu bạn đã đi làm thì bạn phải tất yếu chịu được áp lực và deadline của công việc này.”
Trên thực tế, áp lực và deadline là những khía cạnh đòi hỏi khả năng quản trị tốt của các bộ phận khác nhau trong công ty. Khi khối lượng công việc và stress được phân bổ ở mức lành mạnh cho nhân viên, sự hợp tác trong công việc mới có thể hiệu quả và lâu dài.
Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng có thể tìm hiểu trên góc độ quản lý thời gian cá nhân như “Bạn sắp xếp thời gian của mình để xử lý khối lượng công việc như thế nào?”
4. Tại sao bạn lại nghỉ công việc cũ?
Tại công ty đổi địa chỉ văn phòng nhưng không cho em biết… | Nguồn: Phim Clean With Passion for Now
Thông thường, lý do một người kết thúc công việc cũ khá riêng tư và nhạy cảm (tiền bạc, bất đồng quan điểm, môi trường độc hại/không còn phù hợp với giá trị cá nhân, vấn đề tâm lý,…).
Dù quá khứ có thế nào, thì hiện tại ứng viên đã cố gắng và sẵn sàng đón nhận vị trí mới rồi. Nên có thể nói, lý do ứng viên rời công việc cũ thực sự không đóng góp được nhiều giá trị tham khảo.
Ngoài ra, dạng câu hỏi “tại sao” có thể kích hoạt bản năng ức chế và chống trả của đối phương. Câu hỏi này mang ngụ ý “báo động” rằng người trả lời chuẩn bị nhận một sự đánh giá nào đó. Vì thế người trả lời sẽ đưa họ vào thế “tự vệ” và đưa ra những câu trả lời kém tự nhiên hơn.
Thay vào đó, nhà tuyển dụng có thể cân nhắc hỏi những câu sau:
- Để có thể tiến tới làm việc ổn định và lâu dài bạn có những yêu cầu gì với môi trường làm việc?
- Bạn sẽ không thỏa hiệp với những điều gì trong quá trình làm việc?
5. Hình dung của bạn về bản thân sau 3-5 năm nữa?
Câu hỏi tương tự là “Bạn muốn làm một công việc như thế nào trong 5 năm tới?”
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp xung quanh tôi kể khi nhận được câu hỏi này, họ thường trộm nghĩ “Có khi chưa biết ngày mai ăn gì, huống hồ là 5 năm.”
Đôi khi sống thôi đã khó. | Nguồn: ahseeit.com
Khoảng thời gian này quá dài với một thực tế đầy biến động như hiện nay (ví dụ như đại dịch, khủng hoảng kinh tế, chuyển đổi công nghệ thần tốc).
Câu hỏi này hoàn toàn đến từ thiên kiến rằng ứng viên có lộ trình nghề nghiệp cụ thể sẽ trưởng thành hoặc có trách nhiệm hơn. Lập kế hoạch chỉ là một trong rất nhiều cách thể hiện hai yếu tố này.
Bên cạnh đó chính bản thân nhà tuyển dụng cũng không thể đảm bảo sẽ cung cấp lộ trình thăng tiến cho ứng viên với khoảng thời gian dài như thế.
Để câu hỏi này phù hợp với thị trường hiện tại, nhà tuyển dụng có thể giảm thời gian xuống 1-2 năm hoặc ít hơn. Nhà tuyển dụng cũng có thể dùng một cách hỏi khác tổng thể hơn, chẳng hạn “Có khía cạnh chuyên môn nghề nghiệp nào bạn muốn ưu tiên phát triển (trong 3 tháng/1 năm tới không)?”
Tốt nhất, câu hỏi này nên được đi kèm với lời nhắn rằng đây không phải câu hỏi gây áp lực. Mục đích là để hai bên thẳng thắn về mục tiêu nghề nghiệp, nếu có, để hợp tác tốt hơn.
Kết
Thị trường lao động ngày càng phát triển với chất lượng nhân sự ngày càng cao đòi hỏi doanh nghiệp cần có những cách tiếp cận mới trong phỏng vấn, để có thể tìm hiểu ứng viên hiệu quả hơn.
Những câu hỏi thay thế được đề xuất trong bài viết về bản chất cũng xoay quanh chủ đề mà câu hỏi gốc đặt ra. Điểm khác là chúng đi vào trực diện vấn đề hơn. Người sử dụng có thể điều chỉnh các chi tiết trong câu hỏi, sao cho phù hợp với tính chất hoặc mức độ yêu cầu về kinh nghiệm của vị trí mình đang tuyển dụng.