48 giáo viên không được xét tuyển công chức và nâng lương?

Không được “vào biên chế”, bị cắt phụ cấp ưu đãi 35%, không được tăng lương nên mỗi tháng, 48 giáo viên hợp đồng ở huyện Tây Hòa, Phú Yên có hệ số tiền lương 1,78 phải sống bằng khoản tiền lương hết sức khiêm tốn: 801.000 đồng.

Trong những lá đơn gửi tới VPĐD Báo CAND tại miền Trung – Tây Nguyên vào giữa tháng 6, nhiều bạn đọc hiện là giáo viên hợp đồng giảng dạy tại một số trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS) ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên bày tỏ nỗi bức xúc trước câu hỏi: Vì sao sau nhiều năm công tác họ không được xét tuyển công chức, không được nâng lương? Vì sao họ không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi 35% như những giáo viên khác?

Để chia sẻ nỗi bức xúc đó, chúng tôi đã tìm hiểu những vấn đề liên quan đến vụ việc nêu trên.

Điển hình là trường hợp của anh Ngô Trọng Cư (38 tuổi), giáo viên hợp đồng giảng dạy tại Trường THCS Tây Sơn ở xã miền núi Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa. Tốt nghiệp hệ cao đẳng Khoa Sư phạm âm nhạc Trường Đại học Nghệ thuật Huế vào năm 2001, anh Cư được Phòng Giáo dục huyện Tuy Hòa (cũ) ký hợp đồng lao động dài hạn từ ngày 1/11/2001, trực tiếp giảng dạy môn âm nhạc tại Trường THCS Tây Sơn.

Liên tục 4 năm học sau đó, anh Cư được Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Hòa cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Đặc biệt, anh Cư không chỉ được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm học 2005 – 2006 mà còn được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Cũng trong năm học này, giáo viên Ngô Trọng Cư đã đạt giải nhất “Báo cáo khoa học cấp tỉnh về phương pháp dạy âm nhạc”.

Thế nhưng, 6 năm học trôi qua, anh Cư cùng nhiều giáo viên hợp đồng khác không được xét tuyển vào ngạch công chức, và cũng ngần ấy năm anh chỉ được hưởng hệ số tiền lương 1,78 vì chưa bao giờ được xét nâng lương.

Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Hòa (bên trái) đang trao đổi với phóng viên.

Thêm một nghịch lý trớ trêu là đến tháng 1/2007, những giáo viên hợp đồng mới được hưởng mức lương tối thiểu 450.000 đồng, trong khi giáo viên trong biên chế được hưởng mức lương này từ tháng 10/2006. Ngay cả khoản tiền phụ cấp ưu đãi 35% cũng bị cắt từ tháng 11/2006.

Theo đó, mỗi tháng những giáo viên hợp đồng có hệ số tiền lương 1,78 phải sống bằng khoản tiền lương hết sức khiêm tốn: 801.000 đồng. Với số tiền này, họ sẽ phải đối mặt không ít khó khăn trong đời sống thường nhật. Nhưng điều đáng lưu tâm hơn nữa là tâm lý giáo viên hợp đồng thiếu an tâm công tác khi chưa được tuyển dụng công chức, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Tiếp xúc với phóng viên Báo CAND ngày 14/6, ông Nguyễn Văn Hồng – Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Hòa cho biết: Khi thực hiện việc phân cấp quản lý giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên bàn giao cho Phòng Giáo dục huyện Tuy Hòa (cũ) 447 trường hợp hợp đồng ngoài quỹ lương.

Năm 2003, Hội đồng xét tuyển dụng công chức tỉnh Phú Yên tiếp nhận 447 hồ sơ dự tuyển biên chế, và đã xét chọn 120 giáo viên theo chỉ tiêu cho phép. Để giải quyết nhu cầu về giáo viên, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có Văn bản 1136/UB ngày 12/11/2003 hướng dẫn việc ký kết hợp đồng lao động ngoài quỹ lương phải được Sở Nội vụ thống nhất về số lượng và đối tượng cụ thể.

Theo đó, ngày 5/8/2004, UBND huyện Tuy Hòa đã có tờ trình đề nghị chuyển số giáo viên, nhân viên chưa được tuyển dụng biên chế sang diện hợp đồng theo Công văn 1136 nêu trên. 34 trường hợp trong số đó không được UBND và Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên xét duyệt vì chưa đủ các tiêu chuẩn cần thiết, nên phải tiếp tục chuyển sang loại hợp đồng khác do không có sự thỏa thuận của Sở Nội vụ Phú Yên.

Đến giữa năm 2005, huyện Tuy Hòa tách ra thành hai huyện Tây Hòa và Đông Hòa, trong đó huyện Tây Hòa có 33 giáo viên hợp đồng theo Công văn 1136 và 15 giáo viên thuộc diện hợp đồng khác. Như vậy, 48 giáo viên hợp đồng ở huyện Tây Hòa đã nộp hồ sơ dự tuyển biên chế từ năm 2003, nhưng chưa được xét duyệt, nên phải hợp đồng ngoài quỹ lương.

Hai năm qua, tỉnh Phú Yên chưa phân bổ chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục đào tạo cho huyện Tây Hòa, nên chưa thể đề nghị xét tuyển dụng biên chế cho 48 giáo viên hợp đồng. Khi có chỉ tiêu biên chế, huyện Tây Hòa sẽ tiếp tục đề nghị xét tuyển số giáo viên này.

Trả lời câu hỏi vì sao 48 giáo viên hợp đồng không được xét nâng bậc lương và bị cắt phụ cấp ưu đãi 35%, ông Nguyễn Văn Hồng cho biết: Do chưa có văn bản pháp luật quy định việc xét nâng bậc lương cho các đối tượng giáo viên hợp đồng, nên không có căn cứ để giải quyết(?).

Theo Quyết định 244/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch 01/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/1/2006 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thì chế độ phụ cấp ưu đãi chỉ áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, nên giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế không thuộc diện được chi trả phụ cấp ưu đãi, nên phải cắt phụ cấp từ tháng 11/2006.

Không ít ý kiến cho rằng, trong lúc chưa thể xét tuyển biên chế, UBND huyện Tây Hòa và UBND tỉnh Phú Yên cần sớm xem xét giải quyết nâng bậc lương cho những giáo viên hợp đồng theo Công văn 1136, bởi họ là lao động đã được thỏa thuận với Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên.

Lẽ nào sau 6 năm công tác, họ vẫn phải hưởng mức lương khởi điểm và không có một khoản phụ cấp chế độ nào khác?

Mặt khác, đến thời điểm này chưa có văn bản nào thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động dài hạn của họ đã ký kết với Phòng Giáo dục huyện Tuy Hòa trước đây, nên việc hành xử cần phải thực hiện theo quy định pháp luật về lao động