4 thay đổi về chính sách BHXH, BHYT, BHTN áp dụng từ 01/7/2022

Ảnh hưởng từ việc tăng lương tối thiểu vùng, từ ngày 01/7/2022, việc đóng và hưởng các loại bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng có sự điều chỉnh.

1. Tăng tiền lương tháng đóng BHXH, BHTN, BHYT tối thiểu

Theo khoản 2 Điều 3 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2014, mức đóng BHYT của người lao động được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.

Cùng với đó, khoản 2 Điều 58 Luật Việc làm 2013 cũng ghi nhận, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động làm việc tại doanh nghiệp chính là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người đó.

Đặc biệt, điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 còn yêu cầu mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu phải đảm bảo:

– Với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

– Với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề: Cao hơn ít nhất 7% lương tối thiểu vùng.

– Với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 5% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện bình thường.

– Với người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 7% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện bình thường.

Như vậy, từ ngày 01/7/2022, khi lương tối thiểu vùng tăng, mức tiền lương tính đóng BHXH, BHYT, BHTN tối thiểu của người lao động cũng sẽ tăng tương ứng.

2. Tăng tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa

Khoản 2 Điều 58 Luật Việc làm năm 2013 đã nêu rõ:

2. Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Với quy định này, mức tiền lương tối đa tính đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

Do đó, từ ngày 01/7/2022, khi chính sách tăng lương tối thiểu vùng được đưa vào thực hiện thì mức tiền lương tối đa đóng BHTN cũng sẽ được điều chỉnh tăng. Cụ thể:

Đơn vị: đồng/tháng

Người lao động làm việc cho doanh nghiệp thuộc vùng

Tiền lương tính đóng BHTN tối đa

(Áp dụng đến hết 30/6/2022)

Tiền lương tính đóng BHTN tối đa

(Áp dụng từ 01/7/2022)

Vùng I

88.400.000

93.600.000

Vùng II

78.400.000

83.200.000

Vùng III

68.600.000

72.800.000

Vùng IV

61.400.000

65.000.000

chinh sach moi ve bao hiem xa hoi tu 01/7/2022

3. Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa

Khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 đã quy định cụ thể mức hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất mà người lao động có thể nhận hằng tháng sau khi nghỉ việc là bằng 05 lần mức lương tối thiểu vùng.

Sắp tới, nhờ việc tăng lương tối thiểu vùng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động thất nghiệp cũng sẽ tăng theo. Cụ thể như sau:

Người lao động làm việc cho doanh nghiệp thuộc vùng

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa/tháng

(Áp dụng đến hết 30/6/2022)

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa/tháng

 (Áp dụng từ 01/7/2022)

Vùng I

22.100.000

23.400.000

Vùng II

19.600.000

20.800.000

Vùng III

17.150.000

18.200.000

Vùng IV

15.350.000

16.250.000

4. Trở lại mức đóng 0,5% hoặc 0,3% nộp vào quỹ tai nạn lao động

Để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Chính phủ đã cho phép người sử đụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) đối với những người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Lưu ý, chính sách hỗ trợ không tính người lao động là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Lưu ý, chính sách hỗ trợ không tính người lao động là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Điều này đồng nghĩa rằng, đến ngày 01/7/2022, chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ kết thúc. Doanh nghiệp sẽ phải quay lại mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước đó.

Căn cứ Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01/7/2022 sẽ được áp dụng như sau:

– Doanh nghiệp đủ điều kiện đóng vào Qũy tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn, có văn bản đề nghị gửi tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và được chấp nhận: Đóng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

– Doanh nghiệp còn lại: Đóng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Trên đây là thông tin về 4 chính sách mới về bảo hiểm xã hội từ 01/7/2022, ai cũng nên biết. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.