4 hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính
Mục Lục
Khái niệm quy phạm pháp luật hành chính
Quy phạm pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật, được ban hành để điều chỉnh các các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính theo phương pháp mệnh lệnh – đơn phương.
Thực hiện quy phạm pháp luật hành chính là gì ?
Thực hiện quy phạm pháp luật hành chính là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân xử sự phù hợp với các yêu cầu của quy phạm pháp luật hành chính khi tham gia vào quản lí hành chính nhà nước. Tùy thuộc vào nội dung của quy phạm pháp luật hành chính được thực hiện và tư cách tham gia vào quản lý hành chính nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà việc thực hiện các quy phạm này.
Các hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính
Thứ nhất, sử dụng quy phạm pháp luật hành chính là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi được pháp luật hành chính cho phép. Ví dụ: Công dân thực hiện quyền khiếu nại đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính,( thực hiện quyền khiếu nại quy định tại điều 30 HP 2013 và Luật khiếu nại), thực hiện quyền tự do đi lại, cư trú ( Điều 23, HP Nước CHXHCNVN 2013)… Các chủ thể sử dụng quy phạm pháp luật hành chính nhà nước với tư cách là đối tượng quản lí nhằm mục đích trước hết và chủ yếu là bảo đảm các quyền và lợi ích của chính họ.
Thứ hai, tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân kiềm chế không thực hiện các hành vi mà pháp luật hành chính ngăn cấm.
Ví dụ: Người dân không được đi ngược đường một chiều ( Quy định tại khoản 4 điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông), công dân không được tẩy xóa chứng minh thư, sổ hộ khẩu… Các chủ thể sử dụng quy phạm pháp luật hành chính nhà nước với tư cách là đối tượng quản lí nhằm mục đích trước hết và chủ yếu là bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền hoặc lợi ích hợp pháp của của các cơ quan, tổ chức cá nhân khác.
Việc sử dụng quy phạm pháp luật hành chính phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể thực hiện cho nên việc không sử dụng quy phạm pháp luật hành chính không phải là trái pháp luật. Trong khi đó việc tuân thủ quy phạm pháp luật luật hành chính là yêu cầu pháp lí khách quan đối với chủ thể thực hiện pháp luật, nên không tuân thủ quy phạm pháp luật luật hành chính được xác định là hành vi trái pháp luật. ( Sử dụng phụ thuộc vào ý chí chủ quan, thực hiện hay không tùy vào chủ thể. Tuân thủ là yêu cầu chủ thể phải kiềm chế không thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm. Không tuân thủ tức là hành vi trái pháp luật.)
Thứ ba, chấp hành quy phạm pháp luật luật hành chính là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiên những hành vi mà pháp luật buộc họ phải thực hiện. Ví dụ: Thực hiện việc đăng kí tạm trú, tạm vắng (quy định tại luật cư trú năm 2006 sửa đổi bổ sung 2013), thực hiện nghĩa vụ lao động công ích, thực hiện việc luân chuyển công tác dối với cán bộ, công nhân, viên chức… Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính và tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính có nhiều điểm tương đồng về chủ thể và mục đích thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản giữa hai hình thức này là việc chấp hành quy phạm pháp luật hành chính là thực hiện những hành vi nhất định ( xử sự tích cực) còn tuân thủ pháp luật hành chính là kiềm chế không thực hiện những hành vi nhất định.
Thứ tư, áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền căn cứ vào các quy phạm pháp luật hành chính để giải quyết các công việc cụ thể phát sinh trong quá trình quản lí hành chính nhà nước. Các chủ thể quản lí hành chính nhà nước đơn phương ban hành các quyết định hành chính hay thực hiện các hành vi hành chính để tổ chức việc thực hiện pháp luật một cách trực tiếp đối với các đối tượng quản lí thuộc quyền.
Ví dụ: Quyết định xử phạt của cảnh sát giông thông đối với hành vi vượt đèn đỏ của người dân. Ở đây cảnh sát giao thông đã áp dụng quy định về xử lí hành chính đối với trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ, …. Việc áp dụng quy phạm hành chính phải đáp ứng những yêu cầu nhất định để đảm báo hiệu lực quản lí của nhà nước và các quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan.
Việc phân biệt các hình thức thực hiện pháp luật như trên chỉ có tính tương dối. Mỗi hình thức có đặc thù và vai trò nhất định trong quản lí hành chính nhà nước. Song chúng vẫn có mối quan hệ mật thiết với nhau.Mối quan hệ của áp dụng quy phạm pháp luật luật hành chính đối với các hình thức khác của thực hiện pháp luật:
Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng, tuân thủ hay chấp hành là tiền đề hoặc căn cứ cho việc áp dụng quy phạm pháp luật luật hành chính.
Trong phần lớn các trường hợp không tuân thủ hay chấp hành đúng quy phạm pháp luật hành chính sẽ dẫn đến việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính.
Việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính đều là cơ sở cho việc sử dụng, tuân thủ hay chấp hành các quy phạm pháp luật luật hành chính của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Giải thích từ ngữ trong bài
1: “ Quản lý hành chính hành chính nhà nước” là một dạng quản lí nhà nước do các cá nhân, tổ chức, cơ quan được sử dụng quyền hành pháp mà trước hết và chủ yếu là cơ quan hành chính nhà nước nhằm tổ chức và thực hiện quyền hành pháp thông qua hoạt động chấp hành quyền lực nhà nước và điều hành tổ chức thực hiện pháp luật.
Thực chất quản lý hành chính hành chính nhà nước là hoạt động quản lý nhà nước ở lĩnh vực hành pháp của các chủ thể có thẩm quyền. ( Quản lí nhà nước hiểu đơn giản là công việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước).
2: “ mệnh lệnh – đơn phương” là phương pháp điều chỉnh của luật hành chính. Phương pháp là cách thức nhà nước áp dụng trong việc điểu chỉnh bằng pháp luật để tác động vào các quan hệ xã hội. Có thể hiểu phương pháp này được xây dựng dựa trên việc xác nhận sự không bình đằng của các bên tham gia quan hệ quản lí hành chính nhà nước: một bên nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra các quyết định hành chính, còn bên kia phải phục tùng quyết định đó. ( Tính mệnh lệnh). Bên nhân danh nhà nước sử dụng quyền lực nhà nước có quyền đơn phương ra quyết định trong phạm vi thẩm quyền để bảo vệ lợi ích của nhà nước, xã hội. Quyết định đơn phương của bên có quyền sử dụng quyền lực nhà nước có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên liên quan và được đảm bảo thi hành bằng bp cưỡng chế nhà nước. ( Tính đơn phương)
3: “Đối tượng quản lí” : cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ thủ tục thực hiện quyền hành pháp.
“ chủ thể quản lí”: cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng quyền hành pháp.
4: “Quyết định hành chính”: là một dạng quyết định pháp luật do các chủ thể quản lí hành chính nhà nước ban hành theo thủ tục hành chính nhằm thực hiện quản lí hành chính.
( Có thể hiểu nó là quyết định của các chủ thể trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện quyền lực nhà nước để quản lí hành chính nhà nước, những quyết định này được thể hiện dưới hình thức văn bản.
Thủ tục hành chính là cách thức tổ chức thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết các công việc của quản lý hành chính nhà nước.)
Bài viết cùng chủ đề:
6 đặc điểm quan hệ pháp luật hành chính
Nguồn của luật hành chính
Chuyên mục tham khảo: Hỏi đáp pháp luật
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề 4 hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: [email protected] để được luật sư tư vấn hỗ trợ
5/5 – (2 bình chọn)