4 dấu hiệu cha mẹ nuôi dạy con đúng cách
Sự trưởng thành của một đứa trẻ là một quá trình dạy dỗ, vun đắp. Để biết mình nuôi dạy con có tốt hay không, bạn hãy nhìn vào 4 dấu hiệu sau đây.
Nhà giáo dục người Ukraine, Vasyl Oleksandrovych Sukhomlynsky, từng nói: “Một thời điểm nào đó, khi bạn nhìn vào con, bạn sẽ nhìn thấy chính mình. Khi bạn giáo dục con cũng là bạn giáo dục chính mình và kiểm tra nhân cách của chính mình”.
Như thế, con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, phản ánh trình độ học vấn, đạo đức của cha mẹ. Các nhà nghiên cứu đã tổng kết 4 dấu hiệu cho thấy một đứa trẻ được nuôi dạy và trưởng thành lành mạnh.
Trẻ biết bày tỏ cảm xúc thật của mình
Theo các chuyên gia giáo dục, cha mẹ biết cách chấp nhận cảm xúc của con cái là chìa khóa cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Ngược lại, nếu cha mẹ không chấp nhận cảm xúc thực của đứa trẻ và từ chối lắng nghe chúng bày tỏ, trẻ dần khép kín, không dám bày tỏ, không dám lên tiếng.
Cha mẹ cho con cái cơ hội tự do thể hiện bản thân là điều đáng trân trọng, bởi lẽ, những cảm xúc bị kìm nén lâu dài chính là hố sâu trong con đường trưởng thành của trẻ. Khi cảm xúc của đứa bé bị bỏ quên, chúng thường tự ti, nhạy cảm, yếu đuối. Trẻ được lắng nghe tự tin, mạnh dạn, luôn sẵn sàng sống đúng như con người thật. Ở các trẻ này, EQ của chúng cao hơn hẳn. Kết quả nghiên cứu từ Khoa phát triển gia đình và trẻ em thuộc Đại học Georgia, Mỹ cho thấy trí thông minh cảm xúc (EQ) quyết định 80% hạnh phúc, thành công trong cuộc sống của một người khi trưởng thành.
Trẻ có tính nhẫn nại
Cốc Ái Lăng – vận động viên trượt tuyết người Trung Quốc vừa giành huy chương vàng Olympic 2022 – đã khiến công chúng nể phục, khi có màn biểu diễn thành công và giành huy chương vàng. Trước đó, cô ngã trong lúc trình diễn phần thi và nhận về điểm số thấp nhất trong hai ngày 5 và 6/2. Không nản lòng vì thất bại, tới 8/2, cô vượt lên chính mình và giành huy chương vàng môn trượt tuyết nhào lộn trên không. Trả lời phỏng vấn, cô gái cho biết thành tích kém ở hai vòng thi trước từng khiến cô thấy không tốt lắm, nhưng sau đó, cô cố gắng phát huy hết khả năng và thể hiện bản thân.
Theo khoa học, trẻ có chỉ số nghịch cảnh cao (Adversity Quotient, viết tắt là AQ) – tức khả năng chống lại áp lực cao, khi mọi thứ diễn ra không như ý – sẽ có cơ hội thành công hơn những người khác trong cuộc sống.
Những đứa trẻ có chỉ số nghịch cảnh cao thường kiên trì và ngoan cường. Chúng có thể đối mặt với những thất bại và tìm cơ hội mới từ đó, trong khi những đứa trẻ có chỉ số nghịch cảnh thấp khó chấp nhận thất bại. Chúng dần trở nên ghen tị, ích kỷ, dễ làm tổn thương người khác hay tự hủy hoại bản thân.
George S. Patton, vị tướng nổi tiếng của Mỹ, nói: “Thước đo thành công của một người không phải ở đỉnh cao bao nhiêu, mà là kiên cường thế nào khi rơi xuống đáy vực”.
Do đó, bậc cha mẹ khôn ngoan không giúp con né nghịch cảnh mà để con tự mình đương đầu và tìm cách vượt qua nó.
Trẻ có khả năng đồng cảm
Đồng cảm là khả năng có thể đặt mình vào vị trí của người khác và hiểu hoàn cảnh của họ. Khi một đứa trẻ đồng cảm, chúng sẽ biết yêu thương mọi người.
Con cái thiếu sự đồng cảm là nỗi buồn lớn nhất của cha mẹ. Trẻ có xu hướng không quan tâm đến người khác và thờ ơ với những đau khổ của họ. Những đứa trẻ này, dù giỏi đến đâu, cũng không thể được đánh giá cao về nhân cách. Trong khi đó, trẻ có sự đồng cảm sẽ hình thành quan hệ tốt với mọi người, tự tạo “phúc lành” cho mình.
Giáo sư trường Wharton của Đại học Pennsylvania, Mỹ, Adam M. Grant, nhận định: “Bài kiểm tra thực sự trong việc giáo dục con cái không phải là con bạn có thể đạt được gì, mà là chúng sẽ trở thành gì và đối xử với người khác ra sao”.
Trẻ biết làm việc nhà
Diễn viên Hong Kong Thái Thiếu Phân – một bà mẹ ba con – thường chia sẻ những video, bức hình trên Weibo, cho thấy cô giao cho con nhiều việc nhà như lau bàn ghế, chọn thực phẩm… Khi một phóng viên hỏi cô vì sao lại để trẻ làm việc như vậy mà không lo sợ trẻ đứt tay, làm vỡ đô, cô nói dạy trẻ nấu nướng, làm việc nhà cũng là một cách giúp trẻ thực hành rèn luyện tính cách.
Một nghiên cứu kéo dài 20 năm tại Đại học Harvard cho thấy, trẻ làm việc nhà và trẻ không làm việc nhà có tỷ lệ có công việc làm là 15: 1 và tỷ lệ phạm tội là 1:10 khi trưởng thành. Như vậy, có thể thấy tác động tích cực của làm việc nhà đối với trẻ em rất rõ ràng.
Thùy Linh (Theo QQ)