4 Lợi Ích Hàng Đầu Khi Chơi Thể Thao Điện Tử • Leep.app

Trước đây, khi nghe đến chơi game, đa số bố mẹ đều phản đối và cho rằng việc làm này là vô bổ, lãng phí thời gian, có nhiều tác hại cho sức khỏe. Thế nhưng, bạn có thể chưa biết rằng, cách đây hơn 10 năm, bộ môn thể thao điện tử đã phát triển ở nước ngoài rất mạnh và mang lại nhiều lợi ích.  

Thể thao điện tử, Esport là gì?

Esport là gì? Đây là từ viết tắt của Electronic Sport, nghĩa là thể thao điện tử. Bộ môn này là sự cạnh tranh giữa nhiều người chơi thông qua một trò chơi điện tử. Trong trận đấu, người chơi sẽ so tài với nhau để tìm ra người chiến thắng.

Các trò chơi này thường được vận hành chủ yếu thông qua các thiết bị điện tử (PC, điện thoại… ), người chơi sẽ thao tác trên các thiết bị như chuột, bàn phím.

Môi trường thi đấu sẽ là một không gian ảo. Các thể loại game thường được sử dụng trong thi đấu Esports thường là nhập vai, chiến đấu, mang tính chiến lược cao.

Top Esport nổi tiếng như Liên Minh Huyền Thoại (LOL), Dota2, Counter-Strike: Global Offensive (CS:GO – bắn súng), Fifa Online 4 (FÕ – bóng đá online), PlayerUnknown’s Battlegrounds (PUBG – đấu trường sinh tử), Crisis Action’s Battlegrounds (CABG – Tập kích)…

Quá trình phát triển của Esport

Thời kỳ đầu (1972 – 1989)

Cuộc thi trò chơi điện tử đầu tiên được tổ chức vào ngày 19/10/1972 tại Đại Học Stanford với trò chơi Spacewar và giải thưởng là một năm sử dụng tạp chí âm nhạc Rolling Stone. Năm 1980, Atari tổ chức Space Invaders Championship, là cuộc thi chơi trò chơi điện tử quy mô lớn đầu tiên, thu hút hơn 10.000 người tham gia trên khắp nước Mỹ.

spacewar game

Spacewar là một trò chơi video chiến đấu trong không gian được phát triển vào năm 1962 bởi Steve Russell với các cộng sự

Bạn có thể xem thêm video dưới đây.



















 

Trong những năm 1970 – 1980, tuyển thủ và các giải đấu bắt đầu được săn đón trên các tờ báo nổi tiếng như Life và Time.

Thể thao điện tử trực tuyến lên ngôi (1990 – 1999)

Trong những năm 1990, nhiều trò chơi được hưởng lợi từ việc tăng khả năng kết nối Internet, đặc biệt là các trò chơi điện tử PC. Các trò chơi điện tử dùng để thi đấu trong giải 1994 gồm NBA Jam và Virtua Racing.

Thời kỳ của các giải đấu toàn cầu (Từ năm 2000 trở đi)

Sự phát triển Esports tại Hàn Quốc được cho là đã bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng khối lượng băng thông internet rộng sau cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997.

Gần đây, Esports đã trải qua sự tăng trưởng to lớn, cùng với đó là sự gia tăng lớn cả về lượng người xem và giá trị giải thưởng. Tuy rằng các giải đấu lớn mới được tổ chức trước thế kỷ 21 nhưng số lượng và phạm vi của các giải đấu đã tăng lên một cách đáng ấn tượng, từ khoảng 10 giải năm 2000 lên đến khoảng 260 giải vào năm 2010.

Thể thao điện tử tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 (SEA Games 31) được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội từ ngày 13 – 22/5/2022. Đội GAM Esports đã vượt qua được các đấu thủ để giành được chiếc huy chương vàng cho nước nhà.

GAM Esport tại SEA Games 31

GAM Esports tại SEA Games 31

Thể thao điện tử có thể đưa vào thi đấu tại Olympics?

Câu trả lời: “Có thể”. Các nhà tổ chức Olympics đang thảo luận về việc liệu họ có đưa Esports vào thi đấu như một môn thể thao biểu diễn (Demonstration sports) tại Thế vận hội 2024 không.

Về cơ bản, thể thao biểu diễn là những môn thể thao được thi đấu với mục đích tự quảng bá, thường được đưa vào chương trình Thế vận hội và một số sự kiện thể thao khác. Một số môn sau này đạt đủ điều kiện để trở thành môn chính thức ở các kỳ Thế vận hội sau. Thông thường, huy chương dành cho môn thể thao biểu diễn có kích cỡ nhỏ hơn so với huy chương môn chính thức và không được tính vào thành tích của đoàn thể thao.

Ví dụ về môn cầu lông. Đây là môn thể thao biểu diễn trong các kỳ Olympics 1972 và 1988. Đến năm 1992, cầu lông đã trở thành một môn thể thao nhận huy chương chính thức.

Một số người nói rằng Esports sẽ là một môn thể thao trình diễn, nhưng không bao giờ là một môn thể thao giành huy chương tại Thế vận hội. Điều này có thể đúng với thời gian hiện tại (và 20 – 50 năm tới). Nhưng khi các thế hệ cũ không còn và các thế hệ mới lớn lên, mọi thứ có thể sẽ thay đổi.

Trong một thế kỷ khác, chúng ta có thể có một số thế hệ người lớn quan tâm đến việc xem thể thao điện tử hơn và sự phổ biến có thể buộc người giành huy chương Olympics phải cân nhắc.

Olympics

(Ảnh: webthethao.vn)

Để thể thao điện tử được Thế vận hội công nhận, cần phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định:

  • Môn thể thao cần phải có một liên đoàn quốc tế được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) chấp nhận. Trên thực tế, Esports là một môn thể thao đã có hơn 10 năm. Liên đoàn Thể thao điện tử Quốc tế là cơ quan quản lý về thể thao điện tử và được thành lập vào năm 2008. Vì vậy, thể thao điện tử đã đi được nửa chặng đường và chỉ cần được IOC công nhận và chấp nhận.
  • Môn thể thao phải có nam giới tập luyện rộng rãi ở 75 quốc gia khác nhau trên 4 châu lục và / hoặc phụ nữ tập luyện ở 40 quốc gia trên 3 châu lục. Tiêu chuẩn này đã được thiết lập một thời gian trong thể thao điện tử với khoảng nam giới và phụ nữ ở 150 quốc gia trên 6 lục địa tham gia.
  • Esports được phân loại là một môn thể thao. Một môn thể thao được định nghĩa là một hoạt động thể chất đòi hỏi kỹ năng hoặc sức mạnh thể chất và thường có tính chất cạnh tranh. Kỹ năng và bản chất cạnh tranh là những thuộc tính hiển nhiên đối với thể thao điện tử. Chỉ còn sức mạnh thể chất là một vấn đề đáng bàn.

Chỉ riêng lượng người xem của thể thao điện tử sẽ khiến IOC phải cân nhắc nhiều đến việc thêm nó vào danh sách các môn thể thao. Trong Thế vận hội 2016, NBC có khoảng 27 triệu người xem trong suốt sự kiện này. Cùng năm đó, Giải Chung kết thếgiới Liên minh huyền thoại 2016 có khoảng 43 triệu người xem. Ở nhiều khía cạnh, thể thao điện tử đã đáp ứng các tiêu chuẩn mà Thế vận hội tổ chức và đã không ngừng phát triển kể từ khi ngành công nghiệp này bắt đầu.

Lợi ích khi chơi thể thao điện tử

1. Giảm căng thẳng

Có lẽ đây là điều thu hút nhiều người tìm đến thể thao điện tử để giúp đối phó với căng thẳng. Thoát khỏi căng thẳng và dành thời gian tham gia vào một hoạt động mà bạn yêu thích có thể tốt cho sức khỏe của bạn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chơi game là một cách để thoát khỏi mọi vấn đề của bạn. Chơi game cũng giống như bất kỳ sở thích nào khác như làm vườn, đọc sách hay chơi golf.

giảm căng thẳng khi chơi thể thao điện tử

Nếu bạn thích chơi game và nó làm bạn vui thì bạn không nên cảm thấy xấu hổ vì điều đó. Chơi game giúp tâm trí của bạn hoàn toàn tập trung vào điều bạn muốn hay giúp bạn thoát khỏi những căng thẳng, lo lắng thường ngày.

2. Phối hợp tay mắt

Chơi game không phải là bộ môn thể thao duy nhất yêu cầu sự phối hợp giữa tay và mắt. Hầu hết các môn thể thao đều yêu cầu điều này như bóng bàn, quần vợt và cầu lông.

Điều làm cho thể thao điện tử trở nên độc đáo là yêu cầu về sự phối hợp tay và mắt không đối xứng. Có nghĩa là các game thủ cần thực hiện các hành động khác nhau với mỗi tay cùng một lúc. Hãy nghĩ về cách bạn chơi LoL hoặc CS:​​GO, chuột và bàn phím yêu cầu hai thao tác rất khác nhau nhưng phải được phối hợp hoàn hảo.

Nghiên cứu của Giáo sư Ingo Froböse, người Đức, về các vận động viên thể thao điện tử đã phát hiện ra rằng sự phối hợp giữa tay và mắt cần thiết vượt xa yêu cầu đối với môn bóng bàn. Tất cả sự phối hợp giữa tay và mắt phải đồng bộ hoàn hảo với những gì đang diễn ra trước mắt game thủ trên màn hình (điều này thường xảy ra với tốc độ cực nhanh).

phối hợp giữa tay và mắt khi chơi thể thao điện tử

Hầu hết các game thủ đều bắt đầu chơi game từ khi còn trẻ và đã hoàn thiện khả năng phối hợp tay mắt, thời gian phản ứng và trí nhớ cơ bắp cần thiết trong nhiều năm.

Một nghiên cứu thực hiện tại Ý đăng trên tờ Plos One cho thấy các bác sĩ phẫu thuật chơi trò chơi điện tử đã cải thiện khả năng phối hợp tay và mắt của họ và các chuyển động cơ chính xác. Điều này rất cần thiết cho phẫu thuật.

3. Tư duy phản biện

Điều này là hiển nhiên đối với những bạn thích chơi thể thao điện tử hoặc thậm chí là chơi game giải trí. Bạn không biết mức độ chơi game có thể cải thiện tư duy phản biện hoặc chưa thực sự nghĩ về nó.

Chơi game, đặc biệt là thể thao điện tử, đòi hỏi người chơi phải tiếp nhận một lượng lớn thông tin, xử lý và phân tích nó, sau đó lặp đi lặp lại đưa ra các quyết định trong tích tắc. Chơi game cạnh tranh giống như cờ vua có tính tốc độ.

Chơi game đòi hỏi bạn phải suy nghĩ đối thủ đang nghĩ gì và thậm chí đối thủ đang nghĩ bạn sẽ làm gì. Khi đã tiếp nhận thông tin, xử lý và phân tích nó, bạn cần phải phản ứng theo cách mà mình cho rằng hợp lý nhất. Thông thường, phản ứng này cần diễn ra trong tích tắc. Trong đó, nhiều quyết định trở thành bản năng của người chơi.

4. Giải quyết vấn đề

Ở cấp độ cơ bản nhất, chơi game bắt đầu với một vấn đề cần được giải quyết. Trong thể thao điện tử, một khi trận đấu bắt đầu, có một  vấn đề xảy ra và bạn cần phải  giải quyết nó.

Vì vậy, có thể nói chơi game giúp cải thiện khả năng giải quyết vấn đề vì bạn liên tục giải quyết vấn đề với tốc độ cực kỳ nhanh. Điển hình trong Liên minh huyền thoại, bạn làm sao để tướng địch không thể hạ gục bạn. Bạn không thể ngồi lại và suy nghĩ các bước tiếp phải làm trong vài phút mà bạn cần phải giải quyết vấn đề ngay lập tức.

Chơi liên minh huyền thoai

“Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo”. Thực hành tốt việc giải quyết vấn đề trong các game sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề tốt hơn và chơi game là một cách hay, nhanh chóng để giúp bạn hình thành kỹ năng giải quyết nhiều vấn đề.

Một khía cạnh khác của việc giải quyết vấn đề là suy nghĩ trước. Suy nghĩ trước giúp bạn tránh rủi ro. Điều này giống như bạn sẽ giải quyết một vấn đề tiềm ẩn trong tương lai.

Dưới đây là một số điểm thú vị được tìm thấy trong nghiên cứu của Giáo sư Ingo Froböse:

  • Vận động viên thể thao điện tử có thể đạt tới 400 chuyển động trên bàn phím và chuột mỗi phút
  • Các phần khác nhau của não đang được sử dụng đồng thời khi chơi
  • Vận động viên thể thao điện tử cũng bị căng thẳng thể chất tương tự như các môn thể thao khác
  • Sự phối hợp giữa tay và mắt cần thiết vượt xa bóng bàn vì cả hai tay hoạt động không đối xứng
  • Lượng cortisol được tạo ra tương đương với lượng cortisol của người lái xe đua
  • Vận động viên thể thao điện tử có nhịp tim cao tới 160 – 180 nhịp mỗi phút (tương tự như chạy nhanh)

Cách chơi thể thao điện tử không ảnh hưởng sức khỏe

Game thủ chuyên nghiệp trung bình luyện tập tối thiểu 50 giờ mỗi tuần. Điều này có nghĩa là cơ thể của họ buộc phải trải qua rất nhiều hoạt động lặp đi lặp lại có thể gây ra căng thẳng, đau đớn hoặc thậm chí bị chấn thương từ các bệnh như hội chứng ống cổ tay đến các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Khi các tuyển thủ Esports chuyên nghiệp được trả mức lương hàng nghìn đô la mỗi tháng, họ cũng sẽ cảm thấy áp lực khi phải làm thêm giờ để đảm bảo rằng họ có thể thi đấu ở đẳng cấp cao nhất. Với số tiền thưởng khổng lồ giành được, rõ ràng là bất kỳ chấn thương nào cũng có thể gây ra tác động nghiêm trọng. Do đó, giữ thể lực là chìa khóa để thành công trong lĩnh vực thể thao điện tử.

Các đội thể thao điện tử nổi tiếng như Fnatic và Team Vitality đã đầu tư số tiền khổng lồ vào thể lực của người chơi. Nhưng ngay cả những game thủ bình thường cũng có thể giữ sức khỏe khi chơi game bằng cách làm theo những mẹo đơn giản sau.

Fnatic

Các bài tập tay và cổ tay

Những chấn thương liên tục như hội chứng ống cổ tay đã tàn phá sự nghiệp thi đấu của các ngôi sao thể thao điện tử như Lee ‘Flash’ Young Ho và Hải Lâm. Tuy nhiên, nếu nghỉ ngơi thường xuyên, bạn sẽ có thể tránh những căn bệnh này.

Ngoài ra, hãy thử các bài tập như xoay cổ tay theo vòng tròn, uốn cong các ngón tay và căng cổ tay ít nhất một lần một giờ. Mọi trò chơi đều có một số thời gian chết. Vì vậy, hãy tận dụng thời gian này để tập cho tay và cổ tay của bạn bớt căng thẳng.

Cải thiện tư thế

Hầu hết chúng ta thường ngồi cong lưng trước máy tính sẽ khiến việc giữ bàn tay và cổ tay thẳng hàng khó khăn hơn nhiều. Hãy ngồi chơi với tư thế thẳng lưng, màn hình ngang tầm mắt. Bạn sẽ tránh được nhiều vấn đề.

Nếu ngồi khòm lưng quá nhiều, bạn có thể gây ra các vấn đề với các cơ khác trong cơ thể và thậm chí gây ra một số vấn đề về tiêu hóa. Nhớ cố gắng đứng dậy ít nhất 15 phút mỗi giờ để tránh gây căng thẳng quá mức cho cơ thể.

Tránh mỏi mắt

Bạn rất dễ bị cuốn hút vào một trò chơi, nhưng điều cần thiết là phải cho mắt của bạn được nghỉ ngơi. Thời gian sử dụng màn hình quá nhiều sẽ khiến mắt bạn căng thẳng và điều này có thể dẫn đến đau đầu, khô mắt hoặc thậm chí là nhìn đôi.

tránh mỏi mắt khi chơi thể thao điện tử

Đảm bảo rằng màn hình của bạn không quá sáng và cố gắng nhắm mắt vài phút mỗi giờ để cơ mắt có cơ hội được thư giãn.

Dinh dưỡng phù hợp

Mặc dù chơi game và đồ ăn vặt có xu hướng song hành với nhau, nhưng bạn sẽ thấy rằng lối chơi của mình sẽ cải thiện nếu bạn không chỉ ăn pizza và bánh mì kẹp thịt. Hãy nhớ rằng Philadelphia Fusion đã ghi nhận phần lớn thành công của họ trong mùa giải đầu tiên của Overwatch League là do họ có một đầu bếp riêng giúp họ quản lý chế độ ăn của mình.

Philadelphia Fusion

Philadelphia Fusion (Ảnh: fusion.overwatchleague.com)

Cuối cùng, bạn cần có một chế độ ăn uống cân bằng. Ba bữa ăn mỗi ngày sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt cho việc chơi game trong một ngày, giúp bạn tránh ăn vặt và tăng cường mức độ tập trung của bạn. Nếu bạn cảm thấy cần phải ăn nhẹ để giữ cho lượng đường trong máu của mình tăng lên, hãy cố gắng áp dụng các lựa chọn lành mạnh hơn.

Uống đủ nước khi chơi thể thao điện tử

Mặc dù Red Bull đã rất thành công trong việc tài trợ cho các giải đấu thể thao điện tử, nhưng bạn không nên chỉ dùng nước tăng lực để cung cấp nước cho cơ thể. Tương tự, quá nhiều cà phê và đồ uống có đường cũng có thể khiến bạn căng thẳng và khiến bạn khó ngủ.

Vì vậy, bạn chỉ cần uống nhiều nước lọc. Ngay cả khi lượng nước uống vào giảm 5% cũng có thể khiến mức năng lượng của chúng ta giảm đi 1/3. Nếu quản lý được việc uống khoảng 6 ly nước mỗi ngày, bạn sẽ cung cấp đủ nước, mức độ tập trung và năng lượng của bạn sẽ được tăng lên.

Uống đủ nước khi chơi thể thao điện tử

Tốt nhất bạn có thể trang bị cho mình một bình nước lọc để kế bên và thường xuyên uống để bổ sung nước

Ngủ đủ giấc cần thiết cho các game thủ chuyên nghiệp

Hầu hết các game thủ thường thức khuya để chơi game. Nhưng nếu bạn làm điều này thì ánh sáng phát ra từ thiết bị chơi game sẽ làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể khiến bạn khó ngủ hơn.

Bạn nên dành cho mình ít nhất một giờ tránh xa màn hình trước khi đi ngủ. Không ai có thể hoạt động tốt khi có thói quen ngủ kém.

Giữ sức khỏe tinh thần

Chúng ta đã từng chứng kiến ​​nhiều câu chuyện về những game thủ chuyên nghiệp suy sụp vì áp lực quá lớn mà họ phải chịu đựng. Có thể bạn sẽ không cảm thấy áp lực này, nhưng những căng thẳng là hiện hữu và có thể tích tụ theo thời gian.

Giữ sức khỏe tinh thần

Vì vậy, hãy nói chuyện với bạn bè hoặc đơn giản là ngồi thiền, tập yoga nếu bạn đang bị căng thẳng. Thỉnh thoảng, hãy nhớ tạm dừng hoạt động chơi game.

tập yoga

>>> Xem thêm: LEEP đã hỗ trợ GAM Esports những gì khi đến với Chung Kết Thế Giới 2022?

Ảnh: Fanpage GAM Esports

Nguồn tham khảo

Thể thao điện tử https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%83_thao_%C4%91i%E1%BB%87n_t%E1%BB%AD Ngày truy cập 5/10/2022

Top 10 Negative Effects of Gaming and Esports https://cyberathletiks.com/top-10-benefits-of-gaming-esports/ Ngày truy cập 5/10/2022

Should Professional Gaming be Considered a Sport? http://cyberathletiks.com/should-professional-gaming-be-considered-a-sport/ Ngày truy cập 5/10/2022

How to stay healthy while gaming: esports health tips https://www.esports.net/wiki/guides/how-to-stay-healthy-while-gaming/ Ngày truy cập 5/10/2022

When Will Esports Be Officially Part of The Olympics? https://smartlaunch.com/when-will-esports-be-officially-part-of-the-olympics/ Ngày truy cập 5/10/2022