4 Hiểu lầm thường gặp của Blogger LẦN ĐẦU đưa web lên Google
4 Hiểu lầm thường gặp của Blogger LẦN ĐẦU đưa web lên Google
Đưa web lên Google khá dễ nếu bạn đã biết, nhưng có một số Blogger mới sẽ hiểu lầm một số vấn đề xoay quanh quá trình này.
Trước tất cả, khi muốn SEO website lên top của Google thì ít nhất website bạn phải được Google đưa vào cơ sở dữ liệu tìm kiếm người dùng.
Nếu bạn thất bại trong việc để Google index (lập chỉ mục) website của bạn thì hiển nhiên không còn gì để nói, website của bạn sẽ không ai có thể tìm thấy được.
Có một số hiểu lầm xoay quanh quá trình này, đặc biệt thường gặp nhất khi bạn là LÍNH MỚI.
Đây là bài viết khá cơ bản dành cho các bạn blogger mới hay blogger tập sự trang bị kiến thức đúng và cần thiết cho mình trước khi tạo blog.
Đưa web lên Google là tự động bởi vì Google luôn tự dò tìm các website mới
Đừng nghĩ rằng Google Bot sẽ tự tìm đến bạn
Nếu bạn nghĩ rằng Google sẽ tự động dò tìm các trang web mới và đưa nó vào cơ sở dữ liệu tìm kiếm của mình thì bạn đã lầm.
Thực tế, Google không thể làm vậy bởi vì mỗi ngày có hàng tỷ website mới được tạo ra và mỗi website sẽ có cấu trúc web khác nhau, không phải website nào cũng là blog.
Vì vậy bạn phải tự khai báo cho Google biết rằng website mình “tên gì”. Hay nói cách khác là bạn nộp đơn xin đưa web lên Google và sau đó là CHỜ.
Tất cả quá trình này sẽ được thực hiện rất đơn giản thông qua Google Search Console (tên cũ là Google Webmaster).
Về mặt kỹ thuật, bạn phải xác minh tên miền mình là chính chủ trước (verify domain) là xong, rồi ngồi chờ Google index (chỉ mục) website bạn mà thôi.
Tuy nhiên, bạn có thể đẩy nhanh quá trình index bằng cách gửi Google sitemap website của mình (các plugin SEO đều có chức năng tạo sitemap).
Nên nhớ rằng vai trò của chúng ta giống như là partner của Goolge, nên việc chủ động liên hệ và hoàn thành trách nhiệm của mình là PHẢI LÀM.
Bạn đừng nghĩ mình là khách hàng của Google mà bắt Google phải làm mọi thứ từ A-Z. (có bắt cũng không được, hiện tại Google quá mạnh và chúng ta cần họ).
Chú Ý
Quá trình xác minh tên miền chính chủ rất quan trọng và có nhiều cách để xác minh. Bạn cần xác minh càng nhiều cách càng tốt. Tránh tình trạng bạn quên xoá mất một trong những phương pháp xác minh và Google sẽ ngừng index website bạn..
Tôi khuyến khích bạn xác minh cả 3 cách qua DNS, Google Analytics và Meta Tag (cấu hình trong các SEO plugin) cho chắc ăn.
Ngoài ra, Google mới cập nhật phương thức xác minh website mới đầu năm 2019 là Domain Property và tôi khuyên bạn nên dùng phương thức xác minh này thay vì kiểu cũ rườm rà và dễ bị sai lầm. Tham khảo cách làm ở cuối bài…
Muốn đưa website lên Google tôi phải xuất bản ít nhất vài bài viết
Điều này nghĩa là bạn tạo một website mới và chưa viết được bài viết nào thì không thể lên Google?
Mình không biết tại sao lại có hiểu lầm này và điều kiện index của Google cũng chưa bao giờ đề cập đến đòi hỏi này. Đây có thể là một nhầm lẫn về thủ thuật đẩy nhanh tiến độ index website của bạn với Google mà các blogger khác hướng dẫn.
Chắc chắn với bạn một điều là thậm chí không cần nội dung, website của bạn vẫn được lên Google như thường.
Việc bạn xuất bản một vài bài viết chỉ nhằm phát tín hiệu cho Google là website bạn có hoạt động thường xuyên (Google ưu ái những website xuất bản nội dung mới thường xuyên).
Google sẽ ưu tiên index website bạn nhanh hơn một chút (cũng chẳng nhanh hơn là bao).
Theo kinh nghiệm của tôi thì Google sẽ index một website mới sau khi đã xác minh chính chủ, nộp sitemap và ping sitemap trong vòng 2 ngày. Vì vậy bạn cứ an tâm, không cần sức ép từ việc viết bài chỉ để đưa website lên Google. Cứ thong thả bình thường.
Chú Ý
Nhiều bạn tạo sitemap và nộp cho Google nhưng quên ping sitemap thì có thể chờ lâu hơn một chút. Nhưng cuối cùng đường nào cũng về La Mã mà thôi, website bạn sẽ bị index chậm đi một chút.
Tôi phải trả phí hoặc chạy quảng cáo Google Ads để website được lên Google
Đây là trường hợp khi web bạn đã lên Google nhưng bạn không biết cách kiểm tra và khi gõ thử một vài từ khoá thì cũng không thấy, bạn bắt đầu bị “rối”.
Bạn sẽ bắt đầu nhầm lẫn rằng đưa web lên Google đồng nghĩa với việc website phải nằm trong trang #1 của Google.
Thực tế để kiểm tra xem website đã được Google index hay chưa bạn chỉ cần gõ vào thanh tìm kiếm site:domain.com
thay thế bằng tên miền domain của bạn.
Cách kiểm tra nhanh xem website đã được Google Index hay chưa
Khi thấy kết quả trả về là website của bạn nghĩa là CHẮC CHẮN bạn đã lên Google.
Quảng cáo Google Ads giúp bạn lập tức lên top trang 1 của Google dựa vào những từ khoá bạn đăng ký chạy, đây là cách giúp trang web bạn lên top 1 chứ không phải là đòi hỏi bắt buộc để được Google index.
Sau khi web bạn đã được Google Index thì khi bạn xuất bản những bài viết mới, Google sẽ tự động xếp hạng những bài viết đó (dựa vào thuật toán xếp hạng của Google).
Chú Ý
Google thường sẽ chỉ mục những bài viết mới nên khi bạn sửa đổi nội dung của bài viết cũ, Google sẽ không tự động re-index bài viết cho bạn. Khi đó bạn phải ping thủ công để Google reindex lại bài viết đó của bạn bằng Google Search Console.
Website tôi đã lên được Google. Tôi đã SEO thành công
Nếu bạn nghĩ rằng Google là SEO thì giống như bạn hiểu xe máy là Honda. SEO là tên gọi chung của việc tối ưu hoá các công cụ tìm kiếm trong đó Google chỉ là một trong những công cụ đó.
Vì vậy việc bạn đưa web lên Google vẫn chỉ mới là một phần của SEO. Có điều Google hiện tại chiếm thị phần quá lớn đặc biệt ở Việt Nam.
Các công cụ tìm kiếm khác như Bing Search, Yahoo Search và Yandex Search bạn cũng cần phải index giống như Google Search. Mặc dù các công cụ này chiếm thị phần nhỏ hơn nhưng không có nghĩa là VÔ GIÁ TRỊ.
Ngược lại, do các công cụ có ít người xài hơn nên cũng ít cạnh tranh nên cơ hội thăng hạng bài viết sẽ tốt hơn cho bạn và một khi đã xếp top trang 1 thì lượng tìm kiếm nhỏ đó cũng rất đáng giá.
Để nói thêm, Bing Search luôn là công cụ mặc định trên Window nên việc người dùng làm biếng chuyển sang Google Search và dùng luôn Bing Search là bình thường.
Thêm vào đó, các nước Mỹ và Châu Âu lại thích Bing Search hơn Google vì nó ít quảng cáo hơn nên Bing vẫn giữ được một lượng người dùng tốt.
Bên cạnh đó, Yahoo Search lại là công cụ tìm kiếm mặc định của Safari và bạn cũng biết độ phổ biến của các thiết bị IOS rồi. Không phải ai cũng biết cách chuyển công cụ tìm kiếm mặc định thành Google.
Bing Search vẫn chiếm một lượng người dùng nhỏ, bạn không nên bỏ qua bất cứ cơ hội nào
Vài suy luận để cho bạn thấy rằng ngoài Google Search thì các công cụ tìm kiếm khác cũng khá phổ biến và nhiều cơ hội.
Quy tắc của tất cả các nhà kinh doanh là bạn không bỏ sót bất cứ cơ hội nào dù có nhỏ đi nữa.
Cách để bạn được Bing, Yandex hay Yahoo index cũng giống như cách để được Google Index.
Hiện nay các SEO plugin luôn có tính năng hỗ trợ nhanh bạn index các công cụ đó. Bạn nên chú ý và đưa website mình lên các công cụ tìm kiếm đó luôn một thể.
Khi được các công cụ tìm kiếm index thì bạn chỉ mới bắt đầu cuộc chơi SEO mà thôi (lên được các công cụ tìm kiếm này vẫn chưa thành công gì đâu). Nếu muốn SEO tốt hơn bạn nên đọc thêm bài viết Hướng dẫn tối ưu SEO căn bản để Blog lên rank hiệu quả. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn SEO on-site trước.
Chú Ý
Yahoo ngày nay sử dụng Bing API nên chỉ cần bạn được Bing index nghĩa là website của bạn cũng được Yahoo index. Đó là lý do tại sao bạn chỉ thấy Bing site verification trong các SEO plugin mà không có Yahoo site verification.
Mục Lục
Lời kết…
Sau khi đã đọc đến đây, chắc bạn sẽ hơi tò mò về việc làm thế nào để lên Google đúng cách vì vậy sẵn tiện tôi sẽ trình bày nhanh cách khai báo một website lên Google là như thế nào.
Một quy trình đưa web lên Google tiêu chuẩn 2019 sẽ gồm 3 bước đơn giản như sau:
#1
Khai báo tên miền
Thêm “Domain Property” ở Google Search Console
#2
Xác minh tên miền
Xác minh bạn là chủ sở hữu tên miền bằng DNS record
#3
Gửi và Ping Sitemap
Nộp sitemap và ping Google
Tại sao bạn lại thêm Domain Property thay cho URL Prefix Property ?
Domain Property giúp bạn tránh khai báo nhầm website là http://
thay vì https://
.
Ví dụ: nếu bạn thêm website là http://domain.com
nhưng trong khi đó bạn quên rằng website bạn đã được cấp chứng chỉ SSL trở thành https://domain.com
. Với nhầm lẫn này thì website bạn sẽ không được index.
Google cho lựa chọn cách thêm Domain Property (mới cập nhật 2019)
Ở bước #2, việc xác minh tên miền bằng DNS có thể làm những bạn mới bối rối. Thật tế cách làm rất đơn giản.
Thêm 1 TXT record khá đơn giản với Cloudflare DNS (nếu không dùng Cloudflare thì cách làm cũng tương tự)
Ở bước #3, bạn dùng SEO plugin như SEOPress, YoastSEO, Rankmath,… để tạo Sitemap dễ dàng (chắc bạn đã biết). Sau khi nộp sitemap đó cho Google thông qua Google Search Console, bạn tiến hành ping sitemap cho Google index sitemap nhanh hơn.
https://www.google.com/webmasters/sitemaps/ping?sitemap=https://domain.com/sitemaps.xml
Thay https://domain.com/sitemaps.xml
thành URL sitemap của bạn là xong. Việc còn lại là kiên nhẫn chờ Google index website của bạn mà thôi (thông thường mất vài ngày).
Cá nhân tôi đã từng bị Google ngừng index blog giữa chừng vì lỗi xác minh tên miền mà tôi cũng không nhớ tại sao. Nhưng cũng may vì thói quen kiểm tra mọi thứ lúc rãnh rỗi nên phát hiện ra và sửa (Google sẽ không email cho bạn vì lỗi này).
Tôi cũng rất tò mò bạn đã hiểu lầm về việc đưa web lên Google như thế nào khi lần đầu tạo blog, hãy chia sẻ bằng cách để lại bình luận bên dưới những câu chuyện “vui”của mình nhé.