35 triệu fan, có thể nuôi hoặc ‘phế truất’ 1 ngôi sao K-pop
Nhóm nhạc nam BTS của Hàn Quốc – Ảnh: REUTERS
Theo báo SCMP, với cách ăn mặc, trang điểm đẹp, phong cách trình diễn sôi động, hấp dẫn, các nhóm nhạc nam, nữ như Big Bang, Super Junior, Girl’s Generation, EXO và gần đây nhất là BTS đã tạo được sức hút toàn cầu, đưa K-pop trở thành một trong những sản phẩm văn hóa xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc.
Theo Cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc, trong năm 2016, giá trị ước tính của ngành này đạt 4,7 tỉ USD. Mức tăng trưởng doanh thu chủ yếu lệ thuộc vào quy mô khuyếch trương lượng fan trong nước và quốc tế.
35 triệu fan K-pop
Thống kê năm 2016 của Korea Foundation – một tổ chức thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc – cho biết thế giới có hơn 35 triệu fan K-pop, tăng hơn 60% so với năm 2014.
Ngôn ngữ Hàn Quốc cũng có riêng một từ là “sasaeng” để mô tả những fan cuồng chuyên săm soi đời tư của thần tượng. Truyền thông Hàn Quốc cho biết các ngôi sao K-pop lớn có trung bình từ 500-1.000 sasaeng.
“Bản sắc” fan K-pop
Trải qua nhiều năm, lượng fan K-pop trở thành nhân tố chính tạo nên sự thành công của các nhóm nhạc Hàn cả ở trong nước lẫn quốc tế. Nhóm BTS chẳng hạn, để trở thành nhóm nhạc nam Hàn Quốc nổi tiếng nhất tại Mỹ, họ phải nhờ tới sự giúp sức của đội ngũ fan năng nổ, nhiệt tình tại quốc gia này.
Chính họ đã kêu gọi các đài phát thanh Mỹ mua album của BTS, tập hợp lực lượng trên mạng giúp nhóm này lọt vào các bảng xếp hạng nhạc pop tại Mỹ.
Tất cả các công ty giải trí Hàn Quốc đều hiểu rõ tầm quan trọng của lượng fan đông đảo. Với hơn 9 triệu người sống tại Seoul, việc tổ chức các câu lạc bộ fan hay các sự kiện đông người cũng đơn giản hơn.
Theo bà Jenna Gibson, giám đốc truyền thông của Viện Kinh tế Hàn Quốc, điều này rất khác so với ở Mỹ. Tại Mỹ fan của các ngôi sao lớn không sống tại New York hay Los Angeles, họ phải chờ nhiều năm mới có dịp xem một chương trình biểu diễn trực tiếp tại địa phương họ.
Sự gần gũi về địa lý cũng kéo theo gần gũi về cảm xúc. Khi ra một đĩa đơn hay một album mới, các ngôi sao K-pop sẽ quảng cáo rất mạnh trên mạng xã hội, tổ chức nhiều chương trình talk show và sự kiện giao lưu, tiếp xúc với người hâm mộ.
Ngay cả điều này cũng khác Mỹ, nơi mà giới nghệ sĩ thường giữ một khoảng cách an toàn với công chúng.
Tại Hàn Quốc, gần như mọi sự kiện dành cho các fan K-pop đều được mở cho cộng đồng. Chỉ cần đến sớm xếp hàng, người hâm mộ nào cũng có thể được gặp mặt thần tượng của họ nhiều lần một tuần.
Ban nhạc Big Bang – Ảnh: AP
“Vì ta cần nhau”?
Tuy nhiên, để tận hưởng sự hâm mộ nhiệt tình đó, theo bà Gibson, các ngôi sao K-pop cũng bị chi phối, thậm chí lệ thuộc rất nhiều vào các fan của họ, không dám làm mếch lòng, dù chỉ là hành vi nhỏ nhất.
Năm ngoái, khi T.O.P (nghệ danh của ca sĩ Choi Seung-hyun), thành viên nhóm Big Bang bị cáo buộc tội dùng cần sa, anh đã phải gửi tới người hâm mộ lá thư dài viết tay với những nội dung đầy day dứt, hối hận, thậm chí cảm thấy như mang tội “tày đình”.
Trong thư viết: “Tôi đã để lại một vết sẹo không sao lành lại trong trái tim mọi người, tôi tin mình đáng bị trừng phạt”. Sau đó ca sĩ này đã phải nhập viện cấp cứu nghi vì tự tử, thật may sau đó anh đã bình phục.
Hay như trường hợp của ngôi sao Sungmin trong nhóm Super Junior từng bị các fan tẩy chay, đòi phải đuổi anh ra khỏi nhóm nhạc vì đã không chịu thông báo trước với họ về việc kết hôn của anh.
Ca khúc MIC Drop do ban nhạc BTS trình diễn – Nguồn: YOUTUBE
Một trường hợp đáng kể nữa là Jay Park, người đã rời khỏi nhóm nhạc nam rất nổi tiếng 2PM vào thời điểm đỉnh cao sự nghiệp của họ.
Truyền thông Hàn Quốc từng tiết lộ một loạt những nội dung trao đổi của Park với một người bạn trên mạng xã hội MySpace nhiều năm trước, trong đó anh phàn nàn về cuộc sống tại Hàn Quốc với những bình luận kiểu như “Tôi ghét người Hàn Quốc”.
Sau những phanh phui của truyền thông và hứng nhận đủ loại “gạch đá” từ dư luận, rất nhiều người đã giận dữ yêu cầu anh phải rời khỏi Hàn Quốc.
Trước khi sang Mỹ định cư và có một sự nghiệp thành công trong ngành công nghiệp giải trí Mỹ, Jay Park đã rất nhiều lần phải xin lỗi về sự việc này.
Những điều đó cho thấy các fan K-pop có thể gây dựng, nhưng cũng có thể phá tan một sự nghiệp âm nhạc, như bà Gibson nhận xét: “Nếu có vấn đề gì đó, hoặc các fan cảm thấy họ không được tôn trọng, họ có thể dễ dàng tụ tập lại với nhau và yêu cầu hành động. Rốt cuộc thì khi túi tiền của họ đi về đâu thì các công ty giải trí sẽ phải đi theo đó”.