3.4. Cách thức xây dựng kế hoạch giáo dục của giáo viên
Hãy trình bày tóm tắt quy trình xây dựng kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học.
Bước 1. Xác định nhiệm vụ/ nội dung công việc
Nhiệm vụ/Nội dung công việc của GV trong nhà trường phổ thông được phân làm 3 nhóm chính: (1) Dạy học/ tổ chức hoạt động giáo dục; (2) Chủ nhiệm lớp; (3) Công việc/nhiệm vụ khác như bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn HS nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật…; Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ/nội dung công việc khác của GV cũng cần được xác định, như: (4) Tự học, tự bồi dưỡng; (5) Công tác Đảng, Đoàn, Đội, Công đoàn kiêm nhiệm khác….
Khi xác định nhiệm vụ/công việc cần làm, GV cần xác định đối tượng, thời gian, địa điểm thực hiện, nguồn hỗ trợ… Đồng thời, GV cần xác định rõ cái nào nên làm trước, cái nào làm sau, sắp xếp các công việc một cách hợp lí theo thứ tự cấp bách, mức độ quan trọng hoặc theo trình tự thời gian… là một yếu tố quan trọng khi lập kế hoạch hiệu quả. Việc này giúp GV loại bỏ những công việc không cần thiết, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Bước 2. Xây dựng kế hoạch giáo dục của giáo viên
★Xây dựng kế hoạch dạy học các bài học và các chuyên đề lựa chọn: Ở giai đoạn này, GV căn cứ vào căn cứ vào nội dung dạy học của khối lớp được phân công đảm nhận, căn cứ vào phân phối chương trình chung đã được tổ chuyên môn thống nhất để xác định bài học, số tiết, thời điểm dạy học, thiết bị dạy học, địa điểm dạy học.
(1) Đối với tên gọi, số tiết các bài học và các chuyên đề lựa chọn cũng như trình tự sắp xếp của nó GV xác định dựa trên kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn.
(2) Để xác định thời điểm dạy học các bài học và chuyên đề lựa chọn, GV cần căn cứ vào: Khung thời gian thực hiện chương trình môn học (số tiết/tuần) và quy định về thời lượng dành cho môn học do nhà trường quy định; Thời lượng (số tiết) để dạy bài học/chuyên đề lựa chọn đã được xác định trong kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn. Khi xác định thời điểm dạy học các bài học và các chuyên đề lựa chọn cần chú ý tránh thời gian tiến hành các bài kiểm tra đánh giá định kì mà đã được xác định trong kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn. Bên cạnh đó, thời điểm dạy học đối với các chuyên đề lựa chọn cần được sắp xếp phù hợp với logic nội dung các bài học để thuận lợi cho việc tiếp nhận tri thức của học sinh.
(3) Để xác định thiết bị dạy học, GV căn cứ vào tình hình thiết bị dạy học được mô tả ở phần đặc điểm tình hình trong kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn, căn cứ đặc điểm nội dung bài học, chuyên đề lựa chọn và khả năng của bản thân trong việc thu thập, xây dựng phương tiện dạy học để xác định và liệt kê các phương tiện dạy học phù hợp.
(4) Đối với địa điểm dạy học, GV căn cứ trên đặc điểm nội dung bài học và các ý tưởng dạy học của cá nhân, căn cứ trên đặc điểm phòng học bộ môn/phòng thí nghiệm/phòng đa năng/sân chơi, bãi tập được mô tả trong kế hoạch của tổ chuyên môn để xác định và liệt kê địa điểm dạy học.
★Xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ khác (nếu có): Ngoài các nội dung trên, nếu GV được phân công hoặc có dự kiến các nhiệm vụ khác như bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu và tổ chức các hoạt động giáo dục… thì cũng cần xây dựng kế hoạch cho các nội dung này. Không có khuôn mẫu trình bày cho các nhiệm vụ này, tuy nhiên GV cần chú ý đối với kế hoạch cho mỗi nhiệm vụ cần thể hiện được mục tiêu, nội dung, thời gian, địa điểm, các phương tiện và lực lượng hỗ trợ, phối hợp (nếu có). Bên cạnh đó, GV có thể dự kiến và thể hiện rõ bằng các số liệu cụ thể về một số nhiệm vụ liên quan khác như: số tiết dự giờ, số tiết thao giảng, báo cáo chuyên đề…
Ví dụ minh họa:
★Rà soát, chỉnh sửa và trình tổ trưởng chuyên môn kí duyệt: Sau khi hoàn thiện kế hoạch, GV cần rà soát lại để đảm bảo các nội dung trong kế hoạch là chính xác. Kế hoạch sau đó được trình để tổ trưởng chuyên môn xem xét phê duyệt, nếu kế hoạch phù hợp và được phê duyệt, GV sẽ sử dụng để triển khai trong năm học.
Bước 3. Tổ chức thực hiện
Để đáp ứng mục tiêu đề ra, sự tập trung là yếu tố cần thiết nhằm giúp GV làm việc hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trong 1 khoảng thời gian, GV chỉ làm 1 công việc/thực hiện 1 nhiệm vụ nhất định, nếu có thể hãy kết hợp làm nhiều việc trong một khoảng thời gian một cách hợp lí. Ví dụ: Vừa giảng dạy trên lớp theo thời khóa biểu, vừa thực hiện công tác chủ nhiệm lớp và hỗ trợ HS còn yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi,…
Bên cạnh việc tập trung làm việc, GV hãy dành khoảng thời gian hợp lí cho những sự cố phát sinh. Vì vậy, khi lên kế hoạch cá nhân, GV cố gắng dự trù, dự đoán một số tình huống phát sinh, những khó khăn, thách thức có thể gặp phải, từ đó đưa ra các phương án dự phòng.
Bước 4. Đánh giá và hoàn thiện kế hoạch
Để biết bản thân đã làm đươc đến đâu và liệu có hoàn thành được kế hoạch hay không, GV cần phải liên tục theo dõi, kiểm tra và đối chiếu lộ trình và kết quả đạt được với kế hoạch đã đề ra. Một kế hoạch được chuẩn bị kĩ lưỡng, cập nhật và chỉnh sửa qua các giai đoạn thực hiện sẽ giúp GV đánh giá chính xác được chất lượng của công việc. Đồng thời, việc kiểm tra, đánh giá mức độ đạt được của công việc sẽ giúp GV định hướng những việc làm tiếp theo, biện pháp khắc phục khó khăn, tìm kiếm nguồn hỗ trợ khác và thực hiện các phương án dự phòng nhằm đảm bảo hiệu quả công việc đã đề ra.