3 mẹo ngủ ngon cho mẹ bầu theo 3 giai đoạn thai kỳ
Tùy theo mỗi đặc trưng riêng của các giai đoạn thai kỳ, hãy áp dụng các mẹo ngủ ngon cho mẹ bầu dưới đây để có thể ngủ ngon hơn trong suốt thời kỳ mang thai.
Nguyên nhân gây mất ngủ ở phụ nữ mang thai
Hầu hết phụ nữ trong giai đoạn mang thai đều bị rối loạn về giấc ngủ, tập trung chủ yếu vào các tháng cuối thai kỳ, do các nguyên nhân chính sau:
Khó thở
Mang thai khiến cơ thể phụ nữ thay đổi hormone, hơi thở chậm và sâu hơn dẫn đến cảm giác khó chịu khi ngủ. Ngoài ra, thai nhi càng lớn thì phần dạ con chèn ép lên cơ hoành khiến mẹ khó chịu, dẫn tới tình trạng mất ngủ.
Đi tiểu nhiều lần
Dạ con không ngừng lớn lên chèn ép bàng quang làm mẹ bầu cảm thấy khó chịu và đi tiểu nhiều lần trong đêm. Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng mất ngủ ở hầ hết phụ nữ mang thai.
Đau lưng và nhức chân
Chân và lưng của thai phụ ngày càng phải chịu sức nặng từ thai nhi gây nên cảm giác khó chịu khi ngủ. Không ít bà bầu trong những tháng cuối thai kỳ do sự gia tăng trọng lượng của thai hoặc thiếu canxi, kali dẫn tới chứng chuột rút ban đêm. Tình trạng chuột rút khiến mẹ bầu không thể ngon giấc.
Vấn đề tiêu hóa
Vào những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu thường gặp tình trạng trào ngược dạ dày (thức ăn bị đẩy ngược lên thực quản) do thai nhi lớn dần khiến dạ dày bị chèn ép. Ngoài ra còn do thừa chất dinh dưỡng khi mang thai khiến mẹ bầu không hấp thụ hết gây đầy hơi, chướng bụng. Tình trạng này ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến mẹ bị mất ngủ, ngủ không ngon.
Tác hại của việc mất ngủ của phụ nữ mang thai đối với thai nhi
Sức khỏe của thai nhi bị ảnh hưởng xấu nếu mẹ bầu ngủ thường xuyên đi ngủ muộn hoặc mất ngủ.
Trẻ sinh ra dễ thiếu máu
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu ngủ muộn sau 23 giờ không chỉ tác động xấu tới sức khỏe của mẹ mà còn vô tình làm chậm quá trình tự tạo máu tự nhiên của thai nhi trong bụng. Bởi khoảng thời gian từ 23 giờ – 3 giờ sáng là thời điểm thuận lợi cho sự tạo máu trong cơ thể trẻ.
Trẻ sinh ra chậm phát triển
Thông thường khi các mẹ thức quá khuya dẫn tới sự thay đổi đồng hồ sinh học làm rối loạn hormone tăng trưởng thùy trước tuyến yên của trẻ. Vì thế, khi phụ nữ mang thai thiếu ngủ hay ngủ quá muộn sẽ kìm hãm sự phát triển và tăng trưởng của thai nhi, trẻ sinh ra có thể nhẹ cân, chậm phát triển…
Trẻ sinh ra hay quấy khóc
Mẹ bầu ngủ muộn đồng hồ sinh học của trẻ cũng thay đổi theo người mẹ và dần dần trở thành thói quen. Tình trạng này kéo dài khiến cho đứa trẻ sinh ra hay quấy khóc, tức giận.
Mẹo ngủ ngon cho mẹ bầu theo từng giai đoạn thai kỳ
3 tháng đầu thai kỳ
Trong 3 tháng đầu, phụ nữ mang thai thường phải đối diện với một loạt cảm xúc từ sợ hãi, lo lắng đến vui sướng với tin mang bầu. Đây là thời kỳ cơ thể cũng sản xuất thêm các kích thích tố mới.
Sự gia tăng hormone progesterone trong thai kỳ khiến mẹ bầu thường xuyên mệt mỏi và phải đi tiểu nhiều vì nó tăng cường chức năng của thận.
Chưa kể, những dấu hiệu của “ốm nghén” như chóng mặt, buồn nôn cũng làm cho giấc ngủ bà bầu khó khăn hơn khi nằm xuống hoặc khi bị kích hoạt bởi mùi vị.
Mẹo ngủ ngon cho bà bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ:
– Nghỉ ngơi và ngủ nhiều nhất có thể.
– Uống nhiều nước và ăn thực phẩm chứa nhiều chất lỏng trong ngày. Lưu ý nên tránh ăn hay uống chúng vào buổi tối để giảm thiểu tình trạng đi tiểu nhiều vào ban đêm.
– Ngủ trong tư thế nghiêng về bên trái càng nhiều càng tốt. Đây là tư thế tốt nhất để đảm bảo sự lưu thông máu. Mẹ có thể sử dụng thêm gối chữ U để đặt giữa hai đầu gối hoặc dưới bụng giúp cảm thấy thoải mái hơn.
– Khi thức dậy ban đêm, mẹ bầu không nên bật đèn sáng mà chỉ bật đèn có ánh sáng dịu nhẹ để có thể tiếp tục ngủ lại dễ dàng.
– Hãy cố gắng đi ngủ cùng một thời điểm mỗi đêm. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn dần xây dựng một lịch trình cho giấc ngủ.
3 tháng giữa thai kỳ
3 tháng giữa thai kỳ thời giai đoạn vàng dành cho mẹ bầu. Đây là thời kỳ chị em không phải đối diện nhiều với nguy cơ sảy thai, những triệu chứng buồn nôn, đi tiểu thường xuyên và chứng buồn ngủ cũng có nhiều khả năng biến mất. Ngoài ra, giai đoạn này, đa số mẹ bầu không còn ốm nghén, ăn uống ngon miệng hơn nên cân nặng cũng bắt đầu tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị mất ngủ, khó ngủ ở giai đoạn này. Để lấy chỗ cho tử cung mở rộng, cơ hoành bị hạn chế và hơi thở của bà bầu trở nên ngắn và nông hơn. Điều này khiến mẹ thường xuyên phải đối mặt với chứng ợ nóng khó chịu. Hoặc nhiều bà bầu lại xuất hiện những giấc mơ về sự phát triển của thai nhi thường xuyên, những giấc mơ này có thể rất đáng sợ hoặc sống động với họ.
Mẹo ngủ ngon cho bà bầu trong 3 tháng giữa thai kỳ:
– Để tránh ợ nóng, bà bầu nên cố gắng tránh gia vị, thức ăn chứa nhiều chất béo hoặc đồ chiên rán.
– Luôn ngủ với tư thế gối đầu và cổ cao để giữ cho axit dạ dày không trào ngược lên cổ.
– Chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
– Khi ngủ, bạn nằm nghiêng với đầu gối và hông cong. Đặt gối giữa hai đầu gối, dưới bụng và sau lưng của bạn. Điều này giúp giảm áp lực khi kích thước bụng bầu ngày càng to ra.
– Để tránh những cơn ác mộng, cố gắng không ăn quá nhiều trước khi đi ngủ và luôn chia sẻ bất cứ lo ngại bạn đang lo lắng với chồng hoặc bác sĩ chuyên khoa của bạn.
3 tháng cuối thai kỳ
Đây là giai đoạn bị mất ngủ và ngủ khó nhất trong suốt thời gian mang thai. Với tần suất đi tiểu quá nhiều, các bà bầu thường không thể thoải mái, cộng với cân nặng tăng thêm và phải chuẩn bị tâm lý cho cuộc vượt cạn, mẹ bầu thường rất khó ngủ vào ban đêm. Thậm chí, có nhiều mẹ bầu tăng cân quá nhiều, bụng bầu to mẹ không thể nằm thoải mái được và phải ngủ ngồi.
Bên cạnh đó, thai nhi trong bụng lại hay chuyển động. Điều này cũng có thể cản trở giấc ngủ bà bầu. Ngoài ra, chứng chuột rút chân gây đau đớn, căng thẳng và khiến mẹ bị mất ngủ vào ban đêm.
Mẹo ngủ ngon cho bà bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ:
– Ngủ nghiêng bên trái sẽ cho phép lưu thông máu tốt nhất cho thai nhi, tử cung và thận của mẹ. Nó cũng giúp cải thiện lưu thông máu trở lại với tim.
– Hãy ôm một chiếc gối khi ngủ cũng sẽ giúp mẹ bầu ngủ tốt hơn.
– Tránh dùng nước ngọt và đồ uống có ga khác vì chúng có thể gây ra hoặc trầm trọng hơn tình trạng chuột rút ở chân.
– Nếu bị phù chân hoặc ngáy ngủ quá nhiều, hãy hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để khắc phục.
– Nếu bạn không thể ngủ, hãy đừng cố ngủ mà ngược lại nên ngồi dậy, đọc sách, xem TV, nghe nhạc… vì khi ấy bạn có thể cảm thấy mệt mỏi để muốn tiếp tục ngủ trở lại.
– Nếu bị chuột rút chân, hãy duỗi thẳng chân và uốn cong bàn chân, điều này sẽ giúp giảm bớt đau đớn. Hãy duy trì thói quen này nhiều lần trước khi đi ngủ để tránh tình trạng chuột rút.
Mất ngủ kéo dài có thể khiến mẹ bị suy nhược và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, mẹ hãy cố gắng thực hiện các biện pháp cải thiện sớm. Bên cạnh đó, hãy đi khám thai thường xuyên để theo dõi sức khỏe và sự lớn lên của em bé.
Mẹ có thể lựa chọn dịch vụ Thai sản và sinh con trọn gói của Bệnh viện Hồng Ngọc để được thăm khám, siêu âm, thực hiện các xét cần thiết trong suốt thai kỳ cho đến khi sinh bé. Sinh con tại Hồng Ngọc, mẹ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều, không còn phải chịu những cơn đau thập tử nhất sinh vì được bác sĩ và đội ngũ điều dưỡng hỗ trợ tận tình.
Đăng ký nhận tư vấn Thai sản trọn gói tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc