3 loại mục tiêu cơ bản cần phân biệt trong kinh doanh
Mục Lục
Bất kể một doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng cần phải lập ra các mục tiêu phát triển thương hiệu cho mình. Bước này có vai trò rất quan trọng và nếu các mục tiêu không được xác định rõ ràng hay có nhầm lẫn nào đó thì chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình tiếp cận người tiêu dùng, cũng như quảng bá sản phẩm, dịch vụ và hình ảnh của doanh nghiệp. Trong kinh doanh có 3 mục tiêu cơ bản cần được xác định và phân biệt: Business Objectives, Marketing Objectives và Communication Objectives.
Business Objectives – mục tiêu kinh doanh
Khi bắt đầu công việc kinh doanh, mục tiêu đầu tiên cần xác định đó chính là Business Objectives – những kết quả mà công ty muốn đạt được, bao gồm cả khung thời gian và các nguồn lực sẵn có. Đồng thời, Business Objectives cần phải đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể và có khả năng đo lường kết quả từ quá trình thực hiện kế hoạch. Chúng ta cũng cần phân biệt giữa Business Objectives và Business Goals – mục tiêu cuối cùng mà doanh nghiệp hướng tới, nội dung của hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Có thể hình dung quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp như một hành trình và Business Objectives giống như những bước chân mà doanh nghiệp phải đi để tới điểm đích đã đặt ra – Business Goals.
Ví dụ, mục tiêu của doanh nghiệp đứng đầu ngành công nghiệp chế biến sữa tại Việt Nam – Vinamilk đã đặt ra cho mình vào năm 2015: Business Goals – trở thành thương hiệu toàn cầu, Business Objectives – đạt top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới. Trước “điểm đích” là sản phẩm được sử dụng trên thế giới thì Vinamilk đã đặt ra những mục tiêu cụ thể như trên, từng bước thâm nhập và ghi lại dấu ấn tại những thị trường này.
Những mục tiêu kinh doanh có thể được xem xét và đánh giá lại ở các cuộc họp định kỳ của công ty. Bởi vì, chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển doanh nghiệp nên cần phải cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp và tìm ra phương án giải quyết các vấn đề đang gặp phải – Business Challenge, nhằm loại bỏ các trở ngại ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Trong 3 loại mục tiêu được phân tích trong bài viết thì Business Objectives là mục tiêu cần được xác định trước tiên, phải có cốt lõi của doanh nghiệp trước khi bắt đầu “chinh chiến” trên thị trường kinh doanh. Và những yếu tố căn bản để lập ra Business Objectives bao gồm: doanh số (sales) – thị phần (share) – sự tăng trưởng (growth) – lợi nhuận.
Những yếu tố này sẽ luôn giao động, có thể theo hướng tích cực hay tiêu cực, chính vì thế mà Business Objectives đôi lúc sẽ được thay đổi và điều chỉnh để đảm bảo tiến độ về tới đích của doanh nghiệp. Thông qua các cuộc khảo sát định kỳ mà công ty sẽ quyết định: tăng hoặc giảm cạnh tranh, chỉ số kinh tế, phát triển công nghệ liên quan đến sản phẩm và dịch vụ của công ty. Ngoài ra, hiệu quả của quá trình điều chỉnh Business Objectives còn dựa vào tính linh hoạt của những người tạo lập nó, từ sự am hiểu về nội bộ và thị trường bên ngoài để xây dựng chiến lược tốt, tăng sức cạnh tranh cho công ty.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng đạt được Business Objectives và Business Goals thì chúng ta cần có phối hợp với 2 mục tiêu sau: Marketing Objectives và Communication Objectives.
Marketing Objectives – mục tiêu Marketing
Marketing Objectives là những mục tiêu liên quan đến việc bán sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và chúng ta cũng cần xác định mục tiêu marketing trước khi bắt đầu lên kế hoạch để đạt được thành tựu mình mong muốn. Những mục tiêu marketing tốt sẽ thúc đẩy quá trình phát triển của doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn.
Vai trò của Marketing Objectives trong kinh doanh là định hướng cho các chiến dịch, thu hút sự chú ý và tiếp cận người tiêu dùng. Khi làm công tác tiếp thị, Marketers cần phải nắm bắt tâm lý của khách hàng để tạo ra thông điệp phù hợp, đưa thương hiệu tiếp cận nhóm khách hàng mục tiêu – “mời gọi” trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ của mình.
Cũng có thể xem Marketing Objectives giống như kim chỉ nam trong quá trình thiết kế chiến lược kinh doanh, với vai trò hướng mũi tên của bạn nhắm vào đúng vào mục tiêu của mình. Cụ thể, Marketing Objectives định hướng cho những mục tiêu cụ thể như: tăng doanh số bán hàng, nâng cao nhận thức về sản phẩm, dịch vụ,… và công việc của Marketers là tạo ra kế hoạch để đạt được những mục tiêu này. Bên cạnh đó, kết quả từ các hoạt động tiếp thị đều có thể đo lường từ các yếu tố như: phân tích các chỉ số website – traffic, hiệu quả inbound link, phản hồi của khách hàng, doanh thu,… Các chỉ số này rất quan trọng, vì qua đó chúng ta có thể đánh giá được tình hình hoạt động của doanh nghiệp hiện tại.
Thực tế, chiến lược Marketing có hiệu quả hay không đều được thể hiện cụ thể qua các yếu tố: tăng lượng tiêu thụ (consumption) – tăng mức độ thâm nhập thị trường (penetration) – tăng giá trị sử dụng (value) – tăng độ trung thành (loyalty).
Từ các giá trị trên thì có thể thấy rằng, Marketing Objectives khá quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Vậy làm cách nào chúng ta tự chấm điểm cho kế hoạch của mình? Và SMART Goal chính là câu trả lời cho các Marketer. Mô hình SMART là một bước quan trọng để “kiểm duyệt” kế hoạch của người làm tiếp thị về tính hiệu quả và chất lượng mà chiến lược có thể mang lại cho công ty. Cụ thể, SMART là viết tắt theo chữ cái đầu của những nguyên tắc sau:
Specific: Mục tiêu cụ thể là gì?
Mục tiêu của bạn có rõ ràng, chi tiết hay không, ví dụ: Khi bạn lên kế hoạch tiếp cận người tiêu dùng để quảng bá ứng dụng của mình thì mục tiêu cụ thể là “ Có 10,000 người dùng ứng dụng trong tháng đầu tiên” chẳng hạn.
Measurable: Có thể đo lường được không?
Nguyên tắc này hàm ý rằng mục tiêu phải được gắn với những con số và có thể đo lường được kết quả của kế hoạch. Cụ thể, khi bạn lập ra chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng trên mạng xã hội thì bạn cần kiểm soát số lượng người truy cập và kế hoạch của bạn đạt được bao nhiêu phần trăm so với dự kiến.
Achievable: Có khả thi hay không?
Câu hỏi này giúp bạn xác định kế hoạch hiện tại có phù hợp với công ty hay không? Có khả năng thành công hay không?
Relevant: Có tính thực tế hay không?
Đương nhiên, mục tiêu Marketing cần phải theo xu hướng và phù hợp với tình hình hiện tại của doanh nghiệp và thị trường.
Time – bound: Cần thiết lập thời gian thực hiện như thế nào?
Thời gian luôn là yếu tố quan trọng, cho dù đó là kế hoạch kinh doanh, kế hoạch truyền thông hay kế hoạch cá nhân của bạn thì đều cần hoạch định thời gian cụ thể, nhằm đảm bảo kế hoạch được thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ.
Thực tế, mô hình này có tính ứng dụng khá rộng rãi, chúng ta có thể sử dụng nó để rà soát lại kế hoạch trong mọi lĩnh vực, ngay cả khi sử dụng cho những mục tiêu trong cuộc sống thì SMART vẫn hoạt động tốt.
Communication Objectives – mục tiêu truyền thông
Marketing Objectives và Communication Objectives là những mục tiêu cần thực hiện để thúc đẩy hoàn thành Business Objectives và sau đó là Business Goals. Về cách thức hoạt động, cả 2 đều là các chiến lược thu hút và có thể đo lường các chỉ số hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp. Nhưng khác nhau ở chỗ Marketing Objectives là phương thức đo lường các hành vi của khách hàng như: truy cập vào website, tỷ lệ mua hàng, yêu cầu thông tin gửi đến nhãn hàng,… và Communication Objectives là phương thức đo lường thái độ của khách hàng như: độ tin cậy, chất lượng sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu.
Communication Objectives có thể xác định phương hướng cho Marketing Plan và Marketing Campaign thông qua các mục tiêu sau:
Creating awareness – tạo nhận thức cho khách hàng
Imparting knowledge – truyền đạt kiến thức
Projecting an image – quảng bá hình ảnh thương hiệu
Shaping attitudes – định hình quan điểm
Stimulating a want or desire – kích thích mong muốn của khách hàng
Effecting a sale – thúc đẩy bán hàng
Về cơ bản, mục tiêu truyền thông được sử dụng để tác động vào tâm lý của người tiêu dùng thông qua các chiến dịch quảng cáo. Vậy “làm thế nào để thu hút sự chú ý của khách hàng?” Đây cũng chính là thách thức chung cho những người làm tiếp thị quảng cáo hiện nay. Thực tế, việc tạo ra được nội dung truyền thông thú vị là điều không dễ dàng, tuy nhiên bạn đọc có thể tham khảo mô hình AIDA – các bước để có được nội dung thu hút, mô hình này đã được nhiều chuyên gia khẳng định về tính hiệu quả trong quá trình tạo ra một nội dung ấn tượng. Cụ thể, AIDA là tên viết tắt từ các chữ cái đầu của các bước sau đây:
A – Attention: Thu hút sự chú ý
I – Interest: Tạo sự thu hút
D – Desire: Tiến xa hơn với mong muốn của khách hàng
A – Action: Biến mong muốn của khách hàng trở thành hành động
Có thể thấy rằng, Communication Objectives là mục tiêu truyền thông cho sản phẩm, dịch vụ và hình ảnh của doanh nghiệp, với hoạt động cụ thể là tác động vào nhận thức của khách hàng từ nhiều nền tảng khác nhau. Trong thời đại công nghệ 4.0 ngày nay, nếu doanh nghiệp có kế hoạch tốt cho mục tiêu truyền thông thì nó sẽ tạo động lực cho quá trình phát triển thương hiệu diễn ra mạnh mẽ hơn.
Tạm kết
Tóm lại, việc tìm hiểu và xác định những mục tiêu cho doanh nghiệp là một điều cần thiết. Bởi vì, khi bạn có thể liệt kê mục tiêu một cách rõ ràng cho từng bộ phận và khéo léo liên kết chúng thì chiến lược kinh doanh của công ty sẽ có được hướng đi cụ thể, cũng như đạt được hiệu quả tối đa. Tất cả những mục tiêu này đều góp sức cho quá trình chạm tới “điểm đích” mà bạn đang hướng đến.
Theo Advertisingvietnam.com