3 lễ hội văn hóa đặc sắc chỉ có ở Tây Nguyên

Vùng đất Tây Nguyên không chỉ có nắng gió mà còn là nơi hội tụ các lễ hội truyền thống của nhiều dân tộc khác nhau. Dưới đây là 3 lễ hội đặc trưng của vùng đất này khiến du khách thích thú bởi không đâu có ngoài Tây Nguyên.

Lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên

Thời gian: Lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên được tổ chức hằng năm vào các thời điểm khác nhau, không có thời gian cụ thể.  Năm 2018, lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức từ ngày 30/11 đến 02/12/2018.

Địa điểm:  Được tổ chức luân phiên ở 5 tỉnh đó là Đăk Lăk, Lâm Đồng, Kon Tum, Đăk Nông và Gia Lai.

images2606837_B_o_t_n_VHCC_6.jpg

Cồng chiêng mang ý nghĩa thiêng liêng từ lâu đời với người Tây Nguyên (Ảnh: nhiếp ảnh gia Bảo Hưng)

Về nguồn gốc, cồng chiêng được coi là “hậu duệ” của đàn đá. Trước khi văn hóa đồng xuất hiện, người xưa đã dùng những loại khí cụ bằng đá như chiêng đá, cồng đá… Rồi sau đó xuất hiện chiêng đồng. Từ xưa đến nay, cồng chiên được đánh trong rất nhiều dịp quan trọng của người Tây Nguyên như lễ xuống đồng, lễ mừng lúa mới, lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh (được tổ chức để chúc phước, đặt tên cho em bé mới sinh và tạ ơn các thần linh, cầu cho đứa trẻ khoẻ mạnh), lễ đâm trâu…

Lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên là một lễ hội quan trọng đã được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Trong mỗi lễ hội, con người dùng cồng chiêng làm phương tiện duy nhất để thông linh với thần, giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng, chính vì “Một cảm giác hoành tráng, thiêng liêng sẽ trỗi dậy trong ta khi nghe dàn cồng chiêng Gia Rai và Bahnar trình diễn” (GS Tô Ngọc Thanh).

cong_cheng_1.jpg

Người dân biểu diễn cồng chiêng trong trang phục truyền thống (Ảnh: anninhthudo.vn)

Đến với lễ hội, bạn sẽ trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau theo giai điệu được phát ra từ những chiếc cồng chiêng do hàng chục người dân Tây Nguyên biểu diễn, lúc hào hùng, lúc nhẹ nhàng trầm bổng hòa cùng ánh lửa bập bùng. Điệu múa với cồng chiêng không chỉ cầu mong sự ấm no, sung túc, mùa màng bội thu mà còn là điệu múa kết nối mọi người với nhau

tinhte_2.jpg

Lễ hội thu hút sự tham gia của nhiều người (Ảnh: tintuc.vn)

Bên cạnh đó, đến tham gia Lễ hội Cồng chiêng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các nghệ nhân tái hiện văn hóa dân tộc mình như đan lát, dệt thổ cẩm, hát dân ca, diễn xướng sử thi, tạc tượng… Ngoài ra, lễ hội còn là nơi giới thiệu các đặc sản của mảnh đất Tây Nguyên đến du khách như gà nướng, phở khô, cơm lam, thịt nướng, măng rừng, lá mì cà đắng, bò một nắng, cá sông Sê San, gỏi lá, giảo cổ lam, các loại thức uống đặc trưng cà phê, rượu cần…

Lễ hội đua voi ở Buôn Đôn

Lễ hội đua voi là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong các lễ hội cổ truyền của người Tây Nguyên và chỉ ở Tây Nguyên mới có. Buôn Đôn ở Đắk Lắk là nơi thường tổ chức hội đua voi. Đây là lễ hội nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài thuần dưỡng voi của đồng bào Tây Nguyên.

Huyền thoại về thuần dưỡng voi rừng là ông N’Thu K’Nul năm (1828 -1938) với danh hiệu “Vua săn voi” do Hoàng gia Thái Lan ban tặng. Ông được xem là người khai sinh nghề thuần dưỡng voi ở Buôn Đôn và từng là tù trưởng quyền lực được nhiều dân tộc nể phục.

dua voi ban don .jpg

Voi thi chạy tại lễ hội (Ảnh: daklak.gov.vn)

Lễ hội thường được tổ chức ở một khu đất trống, bằng phẳng, ít cây trong Quốc gia Yok Đôn hoặc một cánh rừng thưa ven sông Sêrêpốk. Người ta cho voi dàn hàng ngang khoảng 10 – 15 con. Trước khi bắt đầu đua, voi sẽ đưa vòi lên cao rồi hạ xuống chào mọi người. Sau một hồi tù và vang lên báo hiệu xuất phát, đàn voi bật dậy chạy thẳng về phía trước. Đường đua ngắn khoảng 400-500m, đường dài khoảng 1-2km. Có 2 anh nài voi ngồi trước và sau voi để điều khiển voi chạy đúng đường, tăng tốc, giữ được sức… Ngoài đua  voi còn có cuộc thi voi bơi vượt sông Sêrêpốk. Người dân địa phương cho biết, trước khi bắt đầu lễ hội, voi sẽ được dưỡng sức bằng cách đưa đến các đồng cỏ xanh tốt và không làm nặng.

tim-hieu-su-doc-dao-trong-le-hoi-dua-voi-o-buon-don-2.jpg

Không khí lễ hội đua voi rất náo nhiệt (Ảnh: zing.vn)

Không gian lễ hội không chỉ náo nhiệt với cồng chiêng, tiếng reo hò mà còn rực rỡ sắc màu từ trang phục của rất nhiều khán giả là người dân tộc đến góp vui, cổ vũ. Theo truyền thống, chỉ những gia đình giàu có mới có voi thuần dưỡng từ voi rừng. Con voi chính là thể hiện sức mạnh của bộ tộc, sự sung túc của gia đình. Hiện nay, chỉ Tây Nguyên mới có voi và số lượng đang giảm khá nhiều.

Thời gian: Lễ Hội Đua Voi được tổ chức định kì 2 năm 1 lần vào tháng 3 âm lịch, là mùa khô, nắng đẹp, đường xá đi lại dễ dàng.

Địa điểm: Huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk

đua voi.jpg

Phần thi khó nhất của các chú voi là vượt sông Sêrêpốk (Ảnh: baobinhphuoc.com.vn)

Lễ mừng lúa mới

Lễ hội mừng lúa mới là lễ hội truyền thống lâu đời của người dân Tây Nguyên nhằm tôn vinh hạt thóc mà theo họ là do Giàng (Trời) ban cho. Họ không tổ chức đồng loạt mà tuần tự từ nhà này sang nhà khác trong buôn làng tùy theo giao ước từ trước. Quy mô lễ hội sẽ tùy thuộc vào khả năng thu hoạch lúa của từng gia đình và thời gian có thể là một hay vài ngày. Đây cũng là dịp để gia chủ mờ họ hàng, bà con, bạn bè ở các buôn lân cận tới. Nhà nào càng đông khách càng vinh dự. Do đó, lễ hội này không chỉ cúng thần, tổ tiên với mong muốn cầu sức khỏe mà người dân còn đánh cồng chiêng, vui chơi ca hát nhiều ngày đêm liền.

baodantoc_nguoi_xo_dang.jpg

Người dân cùng nhau chuẩn bị thức ăn và lễ vật cho lễ mừng lúa mới (Ảnh: baodantoc.vn)

Với người Ê đê, lễ mừng lúa mới sẽ được tổ chức khi lúa trên nương rẫy đã được đem hết về kho. Lễ hội sẽ được tổ chức lần lượt từng nhà trong buôn. Đàn ông sẽ giết thịt heo, gà, chuẩn bị rượu cần còn phụ nữ nấu nướng.

Với người Mạ, lễ mừng lúa mới còn được gọi là lễ ăn cơm mới, theo tiếng Mạ là “Du rê”. Thời gian tổ chức thường là cuối năm. Vật hiến trong lễ hội thường là các con vật như gà, heo, dê và trâu. Có nơi tổ chức lễ khi thu hoạch những gùi lúa đầu tiên, có nơi lại thu hoạch toàn bộ rẫy xong mới cúng. Thông thường, gia đình nào thu hoạch xong trước sẽ tổ chức trước.

phuc-dung-lai-le-hoi-mung-lua-moi-cua-cac-dan-toc-tay-nguyen-2.jpg

Các già làng là người thực hiện nghi lễ cúng bái trong lễ hội (Ảnh: baogialai.com.vn)

7.jpg

Dân làng nhảy múa, ca hát (Ảnh: Hongchien)

Người Xơ Đăng thường tổ chức lễ hội mừng lúa mới khi những cánh đồng lúa vào mùa chín rộ. Lễ hội thường được chia thành 2 phần là lễ mừng tại nhà và mừng tại cộng đồng. Lễ mừng lúa mới tại cộng đồng sẽ được tổ chức tại nhà rông. Đúng giờ chính lễ, các gia đình sẽ đem lễ ra nhà rông để làm lễ cúng. Lễ vật thường là có thịt heo, thịt gà, cơm nấu từ gạo của vụ mùa vừa kết thúc… Đặc biệt nhất trong lễ cúng phải có con chuột và người nào cũng phải ăn thịt chuột để chuột không còn đi phá hoại mùa màng, năm sau có vụ mùa bội thu hơn. Khi cúng, già làng sẽ báo cáo thần linh, trời đất về tình hình sản xuất nông nghiệp đồng thời cầu xin vụ mùa sau không bị thú rừng phá hay không bị dịch bệnh. Sau đó, mọi người sẽ cùng ăn cơm gạo mới và uống ché rượu cần. Lễ kết thúc ở nhà rông cũng là lúc già làng và người dân bắt đầu đến từng nhà để chúc mừng mùa vụ lúa mới thóc luôn đầy ắp trong nhà. Các gia đình cũng tổ chức ăn cơm mới, uống rượu cần, đánh cồng chiên và múa hát tưng bừng. Đáng chú ý, cơm sẽ được tung vãi quanh nhà bởi người Xơ Đằn quan niệm như vậy mùa sau sẽ nhiều lúa ngô hơn, tha hồ vung vãi hơn.

Thời gian: Sau vụ mùa thu hoạch vào đầu năm mới của năm Dương lịch. 

Địa điểm: Tại nhà rông hoặc nhà riêng từng gia đình

phuc-dung-lai-le-hoi-mung-lua-moi-cua-cac-dan-toc-tay-nguyen-3.jpg

Khung cảnh nhộn nhịp của lễ hội mừng lúa mới (Ảnh: Daklak.city)

Tây Nguyên không chỉ là mảnh đất hoang sơ với núi rừng đại ngàn mà còn có những lễ hội độc đáo mang đậm văn hóa bản sắc các dân tộc. Hãy thử một lần tham gia các lễ hội này, chắc chắn bạn sẽ ấn tượng và nhớ mãi với những hoạt động hết sức sôi nổi.