3 góc nhìn mới về vai trò của giáo viên
3 góc nhìn mới về vai trò của giáo viên
Sự xuất hiện của Internet đã giúp cho việc chia sẻ và truy cập thông tin trở nên dễ dàng. Bên cạnh đó, sự phát triển của Internet vạn vật (Internet of Things), Dữ liệu lớn (Big data) không ngừng thúc đẩy quá trình kết nối, tổng hợp và phân tích thông tin để tạo nên kiến thức mới.
Ngày nay, người giáo viên và sách giáo khoa không còn là nguồn tri thức duy nhất và quan trọng nhất trên hành trình phát triển của học sinh. Với Internet, học sinh có thể dễ dàng tìm thấy đáp án của bài tập trong SGK, tra cứu kiến thức mở rộng liên quan đến bài học hoặc tìm đọc những viết phản biện kiến thức đã được học. Học sinh cũng có thể lựa chọn và tham gia các chương trình học tập trực tuyến theo sở thích và nhu cầu cá nhân thay vì học tập dựa trên lộ trình chỉ dựa vào người giáo viên đứng lớp.
Sự thay đổi không ngừng của công nghệ tạo điều kiện để chúng ta cùng đánh giá lại vai trò vốn được đề cao của giáo viên: “Người lái đò, ĐƯA học sinh tới bến bờ TRI THỨC”. Sự thay đổi này đã góp phần đưa người giáo viên đến với những vai trò mới, thử thách song cũng đầy thú vị và sáng tạo.
- Người điều phối
Với sự hỗ trợ của sách và Internet, học sinh có thể tự tìm hiểu kiến thức tại nhà và sử dụng thời gian tại lớp học vào việc thảo luận hoặc thực hiện các nhiệm vụ học tập để hiểu sâu kiến thức và phát triển các năng lực tư duy bậc cao (ví dụ: phân tích, đánh giá).
Giáo viên không còn là người trình bày, giải thích toàn bộ kiến thức mà sẽ (1) cung cấp tài liệu học tập phù hợp, (2) Gợi ý, hướng dẫn cách tự học; (3) Tổ chức hoạt động thảo luận hoặc làm việc nhóm để củng cố, tổng kết và mở rộng kiến thức
Ví dụ: Sinh học 11, Bài 8 – Quang hợp ở thực vật
- Bài tập về nhà: Mỗi HS đọc sách giáo khoa và tìm hiểu trên Internet về 1 phần của bài, trình bày nội dung ngắn gọn vào vở
- Hoạt động tại lớp:
- Học sinh chia sẻ kiến thức với nhau theo nhóm và tổng hợp nội dung dưới dạng Sơ đồ tư duy.
- Các nhóm thảo luận câu hỏi tình huống do giáo viên đặt ra và phát biểu trước lớp.
- Giáo viên tổng hợp kiến thức và nhấn mạnh những điểm quan trọng.
Với cách tiếp cận này, nội dung của hoạt động kiểm tra không còn tập trung vào khả năng ghi nhớ chính xác kiến thức mà nhấn mạnh năng lực áp dụng kiến thức trong bối cảnh cụ thể hoặc trình bày quan điểm đối với kiến thức đã học. Giáo viên có thể sử dụng phần trình bày hoặc sản phẩm của học sinh tại lớp làm cứ liệu đánh giá.
Như vậy, bài tập về nhà của học sinh cũng sẽ trở nên thú vị hơn khi được khám phá điều mới hoặc thực hiện một nhiệm vụ có mục đích thay vì làm bài tập để “trả bài”.
Từ khóa tìm hiểu thêm: lớp học đảo ngược, flipped classroom
- Người đồng hành
Internet tạo điều kiện cho hành trình học tập của mỗi học sinh trở nên cá nhân hóa. Để tối ưu được nguồn tài nguyên trên Internet, mỗi học sinh cần biết cách lựa chọn học liệu phù hợp với chính mình. Lúc này, giáo viên không chỉ là người thầy, người cô đứng trên bục giảng mà còn là người đồng hành, thấu hiểu đặc điểm học tập và năng lực của từng học sinh để đưa ra định hướng phù hợp.
Ví dụ:
- Những bạn học sinh tiếp nhận thông tin hiệu quả thông qua chữ viết nên được giới thiệu tài liệu như sách, bài viết. Những bạn học sinh tiếp nhận thông tin hiệu quả thông qua âm thanh – hình ảnh thì nên được hướng dẫn tìm kiếm video trên Youtube.
- Nếu một vài học sinh đã đạt được mục tiêu bài học trong khi phần lớn các bạn khác cần thêm thời gian, GV có thể gợi ý những từ khóa mở rộng để học sinh tự tìm hiểu trên Internet và chia sẻ lại với lớp.
Để làm được điều này, ngoài năng lực sư phạm để đánh giá đúng năng lực của người học, giáo viên cần dành thời gian quan sát, trò chuyện để thấu hiểu nhu cầu học tập thực sự của từng học sinh.
- Người học
Trong khi kiến thức ngày càng tăng thì tuổi thọ hữu ích của kiến thức ngày càng giảm, những kiến thức lỗi nhanh chóng bị thay thế bởi kiến thức mới. Bởi vậy, hành trình tự học của giáo viên trong kỷ nguyên số càng trở quan trọng hơn bao giờ hết. Tương tự như vai trò của Internet trong việc hỗ trợ việc học tập của học sinh, giáo viên cũng có thể tích cực sử dụng Internet trong quá trình phát triển chuyên môn của mình.
Bên cạnh đó, người giáo viên cũng cần có một tâm thế cởi mở để việc coi quá trình giảng dạy cũng là một quá trình học tập, mà ở đó, GV có thể học được rất nhiều từ học sinh và từ những gì các em tiếp thu được bên ngoài lớp học. Việc sẵn sàng nói rằng “Thầy/cô chưa biết điều này. Chúng ta cùng về nhà tìm hiểu trên Google nhé!” là cần thiết và sẽ mở ra cơ hội cho cả giáo viên, học sinh phát triển bản thân trở thành người học tập suốt đời.