3 cách cầm máu nhanh chóng tại nhà hiệu quả kịp thời

Cơ thể người trưởng thành với cân nặng từ 65kg đến 80kg có khoảng 4,5 – 5,7 lít máu. Mỗi năm, thế giới có khoảng 2 triệu người tử vong do mất máu, trong đó nguyên nhân do chấn thương thể chất chiếm hơn 1,5 triệu ca. Dù vết thương nhỏ hay lớn cũng cần có cách cầm máu nhanh chóng để tránh những rủi ro nghiêm trọng hơn. Dưới đây là 3 cách cầm máu nhanh chóng tại nhà hiệu quả kịp thời để có thể xử trí khi gặp tai nạn. 

cách cầm máu hiệu quả

 

Nếu không cầm máu kịp thời, sẽ xảy ra tình trạng gì?

Máu chảy liên tục trong thời gian dài dẫn đến tình trạng thiếu máu. Lúc này, cơ thể không sản xuất đủ tế bào hồng cầu để mang oxy đến các cơ quan. Mất máu gây suy nhược, khó thở, xanh xao, chóng mặt. Trường hợp nặng sẽ đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong nhanh chóng.

3 cách cầm máu nhanh chóng hiệu quả ngay tại nhà

Một trong những sự thật gây sốc nhất là có khoảng 20% số người chết do mất máu vì chấn thương đáng lẽ được cứu sống nếu như họ và những người xung quanh biết các biện pháp cầm máu kịp thời. Đó là lý do tại sao mọi người cần biết cách cầm máu để xử trí phù hợp khi có tai nạn xảy ra. 

Giữ chặt miệng vết thương

Cầm máu tốt nhất bằng cách đè chặt miệng vết thương. 

Với vết thương nhỏ như đứt tay hay kim đâm, bạn đặt băng hoặc gạc sạch lên miệng vết thương, dùng lực ấn xuống. 

Với vết thương hở lớn hơn như rách da mảng lớn, cần duy trì lực ấn trong thời gian lâu hơn cho đến khi ngừng chảy máu. Khi thấy máu chảy chậm hoặc ngừng chảy, hãy buộc miếng băng quanh vết thương. Tuy nhiên không nên buộc quá chặt sẽ cản trở máu lưu thông ở vết thương, làm tắc mạch gây phù nề.

cách cầm máu nhanh

Nâng cao vùng bị thương

Nâng vết thương lên cao hơn tim, dùng miếng gạc sạch hay bông hoặc khăn sạch ấn mạnh trực tiếp lên vết thương. Lưu ý, sau khi vết thương khô miệng không vội loại bỏ miếng băng vì điều này sẽ làm cho máu chảy trở lại, vì vết thương vừa mới khép miệng. (1)

Nếu máu đã thấm hết bông băng, hãy đặt một miếng băng mới lên trên, tiếp tục ấn xuống. Nếu người bệnh có vết thương ở tay, hãy nâng tay cao lên trên đầu. Trong trường hợp vết thương ở chân, người bệnh nên nằm xuống, nâng vết thương cao hơn tim. Việc nâng cao vùng bị thương sẽ làm chậm lưu lượng máu chảy, giúp máu nhanh đông hơn.

Dùng nước đá để cầm máu

Chườm đá lạnh lên vết thương được nhiều người sử dụng để cầm máu, giúp giảm sưng tấy. 

Đắp một viên đá bọc trong gạc hoặc khăn sạch lên vết thương. Không nên đắp đá trực tiếp vào vết thương. Tuyệt đối không dùng đá để cầm máu nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn hoặc thấp hơn so với bình thường.

Ngăn ngừa nhiễm trùng sau khi cầm máu vết thương

Việc da tổn thương có nhiều vết thương hở rất dễ bị các tác nhân ngoại lai như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… xâm nhập vì lượng vi khuẩn có trong các bề mặt tiếp xúc và không khí cực kỳ lớn. Chính vì vậy, việc ngăn ngừa nhiễm trùng rất quan trọng. Ngăn ngừa nhiễm trùng sau khi cầm máu vết thương sẽ giúp quá trình lành thương diễn ra nhanh, phục hồi tốt hơn và hạn chế để lại sẹo.

cách cầm máu tại nhà

Sát trùng 

Với vết thương nhỏ (Những vết thương nông hoặc vùng da bị xây xước nhẹ)

Dùng nước hoặc nước muối sinh lý rửa sạch vết thương. Có thể sử dụng xà bông làm sạch vùng da xung quanh nhưng lưu ý tránh để xà bông chạm vào vết thương vì dễ gây kích ứng. 

Với vết thương lớn

(thường nặng và sâu, nằm ở nơi cần vận động nhiều hoặc dễ bị nhiễm bẩn)

Đầu tiên nếu có dị vật hay mảnh vụn ở trong vết thương thì cần dùng dụng cụ đã được khử trùng lấy ra nhẹ nhàng. 

Rửa nhẹ vết thương bằng nước hay nước muối (không dùng xà bông).

Dùng dung dịch sát khuẩn nhỏ hoặc xịt trực tiếp vào vết thương đã được làm sạch. 

Trường hợp vết thương sâu do dị vật sắc nhọn còn cắm trực tiếp, tuyệt đối không tự ý rút ra. Cần cầm máu và liên hệ cấp cứu 115 hoặc đưa đến cơ sở y tế  gần nhất để được hướng dẫn xử lý đúng cách.

Lưu ý, khi lựa chọn dung dịch sát khuẩn: cần chọn loại có hiệu quả nhanh, phổ tác dụng rộng, không gây kích ứng, không làm tổn thương các mô hạt, giúp vết thương tự lành an toàn và nhanh chóng

Băng bó

Với vết thương nhỏ

Việc băng bó đối với những vết thương không quá nặng không cần thiết, vì chúng cản trở tuần hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và kéo dài thời gian tự lành thương. Nên để vết thương thông thoáng và lành tự nhiên.

Với vết thương lớn

Giữ vết thương sạch là điều kiện tiên quyết để vết thương mau lành. Vì vậy, nên tiến hành băng bó để tránh bụi bẩn hoặc vi khuẩn vi trùng có thể xâm nhập vào vết thương nặng. Sau khi cầm máu, dùng băng hoặc gạc sạch nhẹ nhàng che phủ vết thương và cố định lại bằng băng dính y tế.

Tình trạng chảy máu khi nào cần gặp bác sĩ? 

Rất khó để có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của vết cắt hoặc vết thương bằng lượng máu chảy ra. Một số vết thương nghiêm trọng có lượng máu chảy ra rất ít. 

Vết thương nằm ở vùng đầu, mặt và miệng thường chảy nhiều máu vì quanh đó chứa rất nhiều mạch máu. 

Vết thương ở bụng và ngực khá nghiêm trọng vì chứa nhiều cơ quan nội tạng và dễ tổn thương. Vì vậy, việc bị thương ở những vùng này không những khiến cho máu chảy ồ ạt mà còn làm cho người bệnh bị sốc, tăng huyết áp làm lưu lượng máu chảy nhanh hơn. Đây chính là trường hợp khẩn cấp và nên gọi trợ giúp y tế ngay lập tức. Điều này đặc biệt quan trọng nếu có các triệu chứng sốc, có thể bao gồm: chóng mặt yếu đuối da nhợt nhạt và ẩm ướt hụt hơi tăng nhịp tim. (2)

cách cầm máu nhanh chóng

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ chuyên gia bác sĩ giàu kinh nghiệm và hệ thống máy móc tối tân luôn sẵn sàng cấp cứu 24/7 cho những ca cấp cứu khẩn cấp. Với sự nhiệt huyết, tận tâm và chuyên nghiệp, các bác sĩ có thể can thiệp và giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở người bệnh tới mức thấp nhất, tăng khả năng điều trị giúp người bệnh sớm phục hồi và hạn chế để lại di chứng.

Trước khi bắt đầu điều trị cầm máu cần xác định mức độ nghiêm trọng của vết thương một cách kỹ càng nhất có thể. Sẽ có một vài trường hợp không nên thực hiện sơ cứu hay áp dụng bất kì cách cầm máu nào. Nếu nghi ngờ xảy ra tình trạng xuất huyết nội bộ hoặc nếu có dị vật xung quanh vị trí bị thương, hãy gọi ngay cho trung tâm cấp cứu 115 hoặc các dịch vụ y tế khẩn cấp tại địa bàn.