24 câu hỏi phỏng vấn kinh điển cho các bạn ứng tuyển việc làm
Phỏng vấn xin việc làm là một thử thách mà bất cứ ai cũng phải vượt qua để có một công việc như ý. Đối với các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm về phỏng vấn thì tâm lý chung sẽ là hồi hộp, lo lắng, sợ hãi. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả phỏng vấn của bạn. Để có một phong thái tự tin và tâm lý thoải mái, bạn nên chuẩn bị tốt các câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn trong buổi phỏng vấn. Sau đây là 25 câu hỏi kinh điển trong một buổi phỏng vấn mà nhà tuyển dụng thường đặt ra cho bạn. Hãy cùng tìm hiểu câu hỏi và cách trả lời để thuyết phục nhà tuyển dụng nhé!
Xem thêm: Headhunter là gì?
Các câu hỏi phỏng vấn về giới thiệu bản thân
Làm sao để giới thiệu bản thân một cách đầy đủ và ngắn gọn nhất?
Câu 1: Bạn hãy tự giới thiệu về bản thân?
Đây chắc chắn sẽ là câu hỏi mà nhà tuyển dụng nào cũng sẽ đặt ra cho bạn đầu tiên. Bạn nên trả lời ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ các thông tin: Họ và tên, nơi ở; quá trình học tập; quá trình làm việc; thành tích nổi bật mà bạn đạt được trong quá trình học tập và làm việc.
Câu 2: Hãy nói một chút về sở thích của bạn?
Nhà tuyển dụng không chỉ muốn tìm hiểu về sở thích cá nhân, mà thông qua câu hỏi này để tìm hiểu thêm một phần tính cách của bạn và liệu nó có liên hệ gì đến công việc bạn ứng tuyển hay không. Giả sử bạn đang ứng tuyển vị trí kiến trúc sư cho một công ty xây dựng, và bạn trả lời rằng bạn đam mê môn nghệ thuật gấp giấy origami. Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ phân tích rằng bạn ắt hẳn là người có tính kiên trì, tỉ mỉ và rất sáng tạo nữa. Đây chẳng phải là tố chất của một kiến trúc sư tài năng sao?
Câu 3: Bạn đã đạt được những thành tích gì trong thời gian làm việc?
Nếu bạn may mắn sở hữu bộ sưu tập thành tích đáng ghờm thì việc của bạn là liệt kê chúng ra một cách chi tiết, nếu bao gồm những con số cụ thể sẽ càng thêm phần thuyết phục. Ví dụ: “Tôi là saleman xuất sắc nhất trong 3 năm liên tiếp”, “tôi đã góp phần giúp công ty vượt qua khủng hoảng và tăng doanh thu gấp đôi trong vòng 2 năm”.
Nếu bạn không có các thành tích nổi trội vì bạn chỉ mới bắt đầu đi làm, hoặc công việc của bạn đơn giản là công việc hành chính, không liên quan đến doanh số bán hàng. Bạn có thể trình bày về hiệu quả công việc của bạn đã đóng góp gì cho sự phát triển cho công ty. Ví dụ bạn ứng tuyển vị trí nhân sự và bạn có thể nói “Tôi đã tuyển dụng và đào tạo hàng trăm lượt công nhân viên cho công ty. Tất cả đều đáp ứng đầy đủ yêu cầu và giúp công ty tôi đạt được tiến độ sản xuất. Công ty chưa bao giờ bị trễ đơn hàng vì thiếu nhân sự cả”
Câu 4: Hãy dùng ba từ để miêu tả về bản thân bạn?
Một câu hỏi có vẻ đơn giản nhưng không hề dễ dàng chút nào. Nếu bạn chưa có sự chuẩn bị về câu hỏi này, đừng tỏ ra bối rối trước mặt nhà tuyển dụng. Bình tĩnh và suy nghĩ những tính cách tích cực nào xây dựng nên hình tượng bản thân bạn trong công việc. Sau đó, chọn lọc 3 từ mang tính đại diện và bao quát nhất. Ví dụ: “Trung thực, nhiệt huyết, nhạy bén”; “Cần mẫn; quyết đoán; sáng tạo”… Tuy nhiên, nên nói đúng những gì về bạn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được liệu bạn có trung thực không dựa vào các câu hỏi phía sau đấy.
Các câu hỏi phỏng vấn về sự phù hợp với công ty
Các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá xem bạn có phù hợp với công ty không?
Câu 5: Vì sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này?
Không nên trả lời một cách sơ sài nếu gặp câu hỏi này. Đầu tiên hãy liệt kê những lợi ích bạn có thể đạt được nếu làm công việc này: cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, cơ hội phát triển bản thân; cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng…Tiếp theo, hãy nói về những khía cạnh của công ty đã thu hút sự quan tâm của bạn và bạn yêu thích công ty như thế nào. Sau cùng, hãy nhấn mạnh bạn sẽ nỗ lực hết mình để đóng góp cho sự phát triển và mục tiêu chung của công ty nếu như được chọn lựa.
Câu 6: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá xem liệu mục tiêu nghề nghiệp của bạn có phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển và công ty bạn ứng tuyển hay không. Bạn cần nêu rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bản thân trong thời gian sắp tới. Để trả lời tốt thì bạn nên tìm hiểu trước về mục tiêu, sứ mệnh của công ty và đưa ra mục tiêu của bản thân cho phù hợp. Không nên đưa ra mục tiêu nghề nghiệp của bản thân quá xa vời với mục tiêu chung của công ty bạn nhé.
Câu 7: Bạn đã có những kinh nghiệm gì trong công việc này?
Đây chắc chắn là câu hỏi thường gặp và quan trọng nhất trong một buổi phỏng vấn. Khi nhận được câu hỏi như vậy, bạn nên trả lời một cách thành thật và tốt nhất là đúng với những gì CV của bạn đã liệt kê. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm hoặc quá ít kinh nghiệm về công việc này, thì hãy thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là một người ham học hỏi và sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.
Câu 8: Mô tả một chút về cách làm việc của bạn?
Câu trả lời của bạn sẽ giúp nhà tuyển dụng nhìn nhận được thái độ và phương pháp làm việc của bạn. Vậy nên, hãy chuẩn bị cho câu hỏi này một cách kỹ càng ở nhà. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn làm việc một cách tận tâm và nghiêm túc như thế nào, phương pháp làm việc của bạn chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả ra sao…
Câu 9: Bạn có những điểm mạnh và điểm yếu gì?
Câu hỏi này nhằm đánh giá sự khôn khéo trong câu trả lời của bạn, đồng thời qua đây nhà tuyển dụng có thể hiểu rõ hơn về bản thân bạn.
Khi nói về điểm yếu của bản thân, bạn chỉ nói sơ qua và không nên đi chi tiết vào những điểm yếu. Đặc biệt bạn không nên liệt kê những điểm yếu liên quan đến kỹ năng mà công việc của bạn đòi hỏi. Ví dụ: bạn ứng tuyển vị trí nhân viên bán hàng thì bạn không thể nói điểm yếu của bạn là rụt rè, thiếu tự tin, hay khi bạn ứng tuyển vị trí kế toán, bạn không thể nói điểm yếu của bạn là bất cẩn, vụng về được. Và nhớ thuyết phục nhà tuyển dụng bằng cách nói rằng bạn sẽ cố gắng khắc phục những điểm yếu đó và không để nó ảnh hưởng đến công việc.
Về điểm mạnh, bạn nên nói chi tiết và nhấn nhá đôi chút để lưu lại ấn tượng với nhà tuyển dụng. Lưu ý, nói rõ các điểm mạnh sẽ giúp ích cho công việc bạn đang ứng tuyển như thế nào.
Câu 10: Bạn dự định sẽ làm việc với chúng tôi bao lâu?
Bạn không nên trả lời cụ thể thời gian là bạn làm trong bao lâu, vì nhà tuyển dụng sẽ nghĩ rằng bạn không có ý định gắn bó với công ty lâu dài. Hãy nói bạn chắc chắn sẽ gắn bó lâu dài với công ty nếu những nỗ lực của bạn được công ty nhìn nhận.
Câu 11: Bạn có ngại khi phải làm việc tăng ca không?
Nhà tuyển dụng muốn biết liệu bạn có phải là người tận tâm với công việc, sẵn sàng hy sinh một chút thời gian riêng tư để hoàn thành công việc đúng tiến độ hay không. Vì vậy, bạn hãy mạnh dạn trả lời là mình sẳn sàng làm việc thêm giờ trong trường hợp cần thiết miễn là điều đó đem lại lợi ích chính đáng cho công ty.
Câu 12: Bạn muốn làm việc độc lập hay theo nhóm?
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao nếu bạn trả lời rằng tôi có thể làm cả hai tùy theo yêu cầu công việc. Điều đó chứng tỏ bạn là một người linh hoạt, đa năng, có thể thích ứng với các môi trường làm việc khác nhau.
Nhóm các câu hỏi phỏng vấn đánh giá khả năng phản ứng
Phản xạ nhanh và linh hoạt là yếu tố cần thiết cho công việc của bạn
Câu 13: Bạn mong muốn gì ở công ty chúng tôi?
Bạn không nên trả lời “tôi không có bất cứ mong muốn gì đặc biệt cả” chỉ để chứng tỏ rằng bạn là người dễ chịu, dễ chiều. Ngược lại, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người không có chính kiến rõ ràng. Hãy trả lời đại loại như: “Tôi mong muốn công ty hãy tạo điều kiện cho tôi được thử sức ở các dự án lớn, tôi tin rằng với năng lực, kinh nghiệm và tinh thần học hỏi của mình tôi sẽ hoàn thành các dự án một cách tốt nhất”.
Câu 14: Mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu?
Bạn nên tìm hiểu rõ công việc mà bạn ứng tuyển chính xác là những gì. Sau đó tham khảo mức lương của vị trí này ở một số công ty cùng lĩnh vực để đưa ra mức lương hợp lý. Tuy nhiên, nếu công việc mang tính thử thách cao hoặc trách nhiệm nặng nề hơn thì bạn có thể đề xuất một mức lương nhỉnh hơn mặt bằng chung. Đó là quyền lợi chính đáng của bạn.
Câu 15: Bạn nghĩ sao về việc phải đi công tác?
Đi công tác không chỉ là thay mặt công ty đi thực hiện nhiệm vụ mà bạn còn phải trong tư thế sẵn sàng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình công tác. Hơn nữa, bạn cần có một sức khỏe tốt và khả năng chịu áp lực cường độ làm việc cao. Vậy nên, nếu tự tin vào năng lực và sức khỏe của mình, hãy nói rằng bạn rất sẵn lòng. Nếu vị trí của bạn ứng tuyển bắt buộc phải đi công tác trong khi bạn chưa sẵn sàng thì có lẽ bạn phải học cách thích nghi và điều chỉnh bản thân để phù hợp với yêu cầu công việc rồi.
Câu 16: Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?
Bạn nên mạnh dạn đặt câu hỏi về các vấn đề bạn vẫn còn thắc mắc, ví dụ như về chế độ đãi ngộ nhân viên, quy trình tăng lương, chính sách bảo hiểm của công ty…
Xem thêm: Mục Tiêu Nghề Nghiệp Trong CV
Các câu hỏi khi phỏng vấn về việc làm cũ
Câu 17: Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?
Việc bạn nghỉ việc chắc chắn là xuất phát từ một lý do nào đó. Nếu như lý do đó là chính đáng, ví dụ công việc đó không đúng chuyên ngành của bạn, bạn mới chuyển chỗ ở hay bạn muốn được thử thách bản thân mình trong một môi trường năng động hơn…; bạn hãy trình bày một cách thẳn thắn với nhà tuyển dụng. Nếu vì một lý do tế nhị nào đó như mâu thuẫn với cấp trên, xích mích với đồng nghiệp, hay vấn đề nợ lương của công ty, bạn chỉ cần nói một cách đại khái để không gây ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng. Ví dụ: Môi trường làm việc ở công ty cũ không phù hợp với tôi, tôi muốn được học hỏi và phát triển mình hơn nữa.
Câu 18: Bạn nhận xét như thế nào về cấp trên và công ty của bạn?
Bạn hãy trình bày một số điểm tích cực của cấp trên và công ty cũ của bạn, sau đó nêu ra một số tồn tại về cách làm việc của cấp trên và công ty cũ theo quan điểm cá nhân của riêng bạn. Hãy chỉ bàn đến khía cạnh công việc và tránh nói xấu hay chỉ trích cấp trên và công ty cũ. Nó sẽ làm các nhà tuyển dụng đánh mất thiện cảm ở bạn đấy.
Câu hỏi đánh giá sự quan tâm của bạn dành cho công ty như thế nào
Câu 19: Bạn biết gì về công việc, vị trí mà bạn đang ứng tuyển ?
Với câu hỏi phỏng vấn này, nhà tuyển dụng muốn biết liệu bạn có chuẩn bị nghiêm túc cho cuộc phỏng vấn này hay không. Đầu tiên, bạn phải biết công ty bạn ứng tuyển sản xuất, kinh doanh sản phẩm hay dịch vụ gì? Vị trí bạn ứng tuyển có chức năng, nhiệm vụ gì. Các yêu cầu liên quan đến công việc này như thế nào? Những thông tin này đã có trong phần mô tả công việc ở trang tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn trên các website hoặc điện thoại trực tiếp để hỏi nhân viên tuyển dụng trước khi nộp hồ sơ.
Câu 20: Bạn biết gì về công ty chúng tôi?
Cũng tương tự như câu hỏi trên, bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng một số thông tin quan trọng về công ty bạn đang ứng tuyển như: lịch sử hình thành và phát triển của công ty, sản phẩm của công ty, cơ cấu tổ chức, sứ mạng, tầm nhìn và chiến lược dài hạn của công ty là gì…
Phỏng vấn về khả năng xử lý tình huống
Câu 21: Nếu khách hàng đang giận dữ, bạn sẽ xử lý như thế nào?
Mục đích câu hỏi này là để đánh giá về khả năng xử lý vấn đề, giải quyết tình huống của bạn liệu có tốt hay không. Người làm dịch vụ phải là người biết điều khiển cảm xúc của mình, vậy nên đối mặt với tình huống này, bạn không thể quát mắng hay giằng co với khách hàng được. Hãy giúp khách hàng bình tĩnh lại bằng cách thể hiện thiện chí tôn trọng khách hàng. Sau đó lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của khách hàng. Nếu nó thuộc thẩm quyền xử lý của bạn, hãy giải quyết mọi việc đúng theo quy định của công ty, hoặc giải quyết sao cho đôi bên cùng có lợi. Nếu nó vượt thẩm quyền, bạn có thể đề xuất vấn đề lên cấp trên hoặc nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan chức năng giải quyết.
Câu 22: Nếu bạn và sếp bất đồng ý kiến, bạn sẽ làm gì?
Bạn nên trả lời câu hỏi này dựa trên khía cạnh công việc, không nên mang các yếu tố riêng tư ra bàn luận sẽ làm mất tính chuyên nghiệp trong cách xử lý vấn đề. Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao nếu bạn tìm cách giải quyết vấn đề theo một trình tự logic. Ví dụ: Đầu tiên, tôi sẽ đánh giá lại quan điểm của tôi đã thực sự đúng hay chưa, nó mang tính chất khách quan hay cảm tính, nó có phù hợp với tình hình hoạt động của bộ phận hay không. Nếu quan điểm của tôi sai, tôi buộc phải thừa nhận điều đó. Nếu như tôi thấy ý kiến của mình là phù hợp, tôi sẽ trình bày các lập luận của mình để có được sự đồng tình của sếp, từ đó đi đến một phương án giải quyết chung.
Câu hỏi về kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng tiếng Anh
Câu hỏi 23: Bạn có thành thạo về tin học văn phòng không?
Tin học văn phòng bao gồm rất nhiều nội dung như window, bộ phần mềm microsoft office, internet, và rất nhiều phần mềm khác liên quan đến chuyên môn. Đây là một kiến thức rộng lớn và thay đổi từng ngày từng giờ. Ngày nay tất cả các lĩnh vực đều cần đến sự trợ giúp của công nghệ. Nó giải quyết được các vấn đề một cách nhanh chóng và chính xác. Nếu bạn nói bạn không biết về tin học, tức là bạn đã bị tụt hậu rất xa so với thời đại. Vì vậy, dù bạn không phải là một người xuất sắc về tin học, thì tin học văn phòng vẫn phải là kiến thức tối thiểu mà các bạn phải biết.
Vậy nên, nếu nhận được câu hỏi này, chắc chắn câu trả lời của bạn phải là: “có, tôi sử dụng tin học văn phòng rất tốt trong quản lý công việc và tôi thực hành nó hàng ngày”.
Và nếu bạn chưa thành thạo tin học văn phòng, thì mình khuyên bạn nên đăng ký một lớp tin học để bổ sung kiến thức của bạn; hoặc tự tìm tòi, học hỏi qua bạn bè, sách vở, internet nha!
Trình độ giao tiếp tiếng Anh của bạn như thế nào? Bạn thành thạo cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết chứ?
Nếu bạn xin việc ở một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc công ty Việt Nam nhưng có khách hàng, đối tác là công ty nước ngoài thì chắc chắn trình độ tiếng anh của bạn phải từ mức khá trở lên. Đó là mức để bạn có thể đọc hiểu tài liệu, biên soạn tài liệu và trao đổi công việc với đồng nghiệp hay cấp trên người nước ngoài. Còn nếu bạn là người làm việc trực tiếp với khách hàng nước ngoài thì dĩ nhiên ngoài 4 kỹ năng trên thì giao tiếp tiếng Anh của bạn phải cực kỳ lưu loát và chuẩn xác nữa. Vì vậy khi được hỏi câu hỏi này, hãy trả lời thẳng thắn trình độ hiện tại của bạn và nhấn mạnh bạn sẽ học tập và trau dồi thêm kiến thức về ngoại ngữ này để đáp ứng được nhu cầu công việc.
Trên đây là 24 câu hỏi chung thường gặp nhất trong một buổi phỏng vấn bất kể bạn đang ứng tuyển vị trí và ngành nghề nào. Tất nhiên nhà tuyển dụng sẽ có những câu hỏi hoặc bài test chuyên môn để đánh giá năng lực của bạn. Hãy tìm hiểu các câu hỏi chuyên môn qua các bài viết chi tiết về nhóm ngành của bạn nhé! Chúc bạn thành công!