23 tháng Chạp: Chợ hoa Hồ Thị Kỷ ‘hồi sinh’, mong trở lại thời hoàng kim
“23 tháng Chạp nên bán được lắm!”
Chiều 24.1, một đoạn đường Trần Bình Trọng (P.1, Q.10, nằm trong chợ hoa Hồ Thị Kỷ) nhộn nhịp những xe hàng chở cúc vạn thọ cập bến. Chừng 5 nhân công của chị Ngọc Tuyền (37 tuổi, chủ vựa hoa Ngọc Tuyền) tất bật chuyển những bó hoa xuống xe, xếp ngay ngắn thành một đống lớn.
Chỉ vào cửa hàng cách đó chừng 200 mét cũng nằm trên đường này, chị nói đó mới là cửa hàng mình bán hơn 12 năm qua, còn chỗ chị đang ngồi chỉ là mặt bằng vừa thuê để bán cúc vạn thọ cho dịp cúng ông Công, ông Táo. Nhìn quanh con đường đã gắn bó hơn chục năm qua, chị nói những ngày gần đây đã khách đã đông hơn so với những ngày trước đó, tuy nhiên vẫn không thể bằng nhiều năm trước khi cứ mỗi dịp giáp tết như vậy là khách chen chân kín cả con đường, bán không kịp thở.
“Nhưng sau đợt dịch Covid-19 kinh khủng, khách vậy là mình cũng mừng lắm rồi. Chợ Hồ Thị Kỷ dần hồi sinh nên phấn khởi lắm. Mong là cứ cái đà này mà tiếp tục, càng về cuối năm càng buôn bán được hơn”, chủ tiệm hoa hy vọng.
Quảng cáo
Chị Tuyền cho hay năm nay giá cúc vạn thọ tăng gấp đôi so với năm trước. Nếu như năm ngoái giá một bó cúc 10 bông chừng 50.000 đồng thì năm nay hơn 100.000 đồng, những bó đẹp hơn thì có thể bán với giá 120.000 – 130.000 đồng. Năm nay chị nhập về hơn 12 xe cúc, gấp đôi năm ngoái với hy vọng làm ăn phát đạt hơn trong những ngày này. “Mấy hôm sát ngày 23 tháng Chạp nên bông này bán được lắm, cũng mừng. Sau ngày này thì tôi về lại cửa hàng bên kia bán các loại hoa tết khác”, chị nói thêm.
Kế bên, bà Nguyễn Thị Thu (60 tuổi), có thâm niên gần 25 năm kinh doanh các loại hoa tại chợ Hồ Thị Kỷ cũng chỉ vào đống cúc vạn thọ đang bán trước mặt, cười nói: “Cuối năm tinh thần phấn chấn lắm, phải vui, phải tươi như mấy bông hoa này thì mới có khách được”.
Tương tự chị Tuyền, bình thường bà Thu chỉ bán một số loại hoa ly, hoa cúc lưới, chừng 4 ngày trước ngày cúng ông Táo bà chuyển sang nhập cúc vạn thọ về để bán dịp người dân cúng đưa ông Táo về trời. Bán được khách, bà cũng mừng rỡ. Chưa nói hết câu, bà Hồng Diễm (50 tuổi, ngụ Q.5) dừng xe phía trước hàng hoa của bà Thu rồi chỉ vào một bó, nói: “Lấy em bó này nha!”.
Bà chủ nhanh chóng đóng gói rồi đưa hoa cho khách. Bà Diễm cho biết tiện đường đi làm về nên ghé mua hoa vạn thọ để cúng cho ngày 23 tháng Chạp. “Đồ cúng chuẩn bị sẵn hết rồi, giờ còn hoa thôi, mua sát ngày cho hoa còn tươi. Giá có cao hơn so với bình thường nhưng cũng hợp lý”, chị nói rồi chở hoa về nhà.
Mong trở lại thời “hoàng kim”
Trái với tâm trạng của một số tiểu thương bán cúc vạn thọ trên đường Trần Bình Trọng, ông Trần Hoàng Phương (42 tuổi), chủ cửa hàng hoa vải Như Ý trên đường Hồ Thị Kỷ (P.1, Q.10) lại hồi hộp đợi khách. Dù những ngày qua lượng khách có tăng lên so với bình thường nhưng doanh thu của ông Phương vẫn không thể so sánh với thời hoàng kim những năm về trước.
Quảng cáo
“Cũng gần 12 năm bán ở đây rồi, mấy năm trước khi có Covid-19, tầm này là kín lối đi rồi, chen chân không nổi luôn. Bây giờ thì thưa nhiều, bán chưa được 1/3 so với hồi trước”, ông nói. Đó cũng là lý do mà năm nay các mặt hàng hoa vải mai, lan, cúc, trúc… được chủ cửa hàng nhập về giảm và giá thì có phần tăng hơn một ít. Chủ tiệm hy vọng những ngày sắp tới sẽ bán được hơn để đón một năm mới thật “ấm”.
Kế đó, cửa hàng bà Nguyễn Thị Bích Thảo (51 tuổi) cũng lai rai vài khách đến mua. Năm nay, vì sợ Covid-19 nên bà cũng không dám nhập nhiều hàng, tuy nhiên vẫn đa dạng các loại hoa phục vụ cho nhu cầu người dân trong dịp này như hoa hồng, đào đông, lựu, lá bạc, lá vàng, mai, đào… giá từ 200.000 đồng/cành đổ lại.
Quảng cáo
Chị Lê Kim Thoa (34 tuổi, Q.10) cũng ghé tiệm bà Minh mua một số là vàng lá bạc về trang trí cho nhà dịp tết. Chị cho biết năm nay vì tình hình kinh tế khó khăn nên cũng ngại chi tiêu nhiều, chỉ mua vừa đủ để mang tết về nhà.
Những ngày qua, khách đến cửa hàng bà Minh tăng lên 30% so với bình thường nên bà dự đoán càng về cuối năm khách sẽ càng tăng nhiều hơn nữa. Đó cũng là hy vọng lớn nhất của tất cả tiểu thương kinh doanh ở đây dịp tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, như một sự hồi sinh của ngôi chợ đã hơn 30 năm tuổi sau “cơn phong ba” Covid-19.