2.2. KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH. | VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
– Kiểm sát quyết định thi hành án tử hình đảm bảo đúng các quy định tại Điều 54 Luật thi hành án hình sự, đồng thời Kiểm sát viên cần chú ý kiểm tra các nội dung sau:
+ Trước hết, kiểm sát việc thi hành án tử hình là kiểm sát các điều kiện của việc ra quyết định thi hành án tử hình như: Bản án đó đã có hiệu lực pháp luật, đã có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm và tái thẩm của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao, có quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước (trong trường hợp người bị kết án có đơn xin Chủ tịch nước ân giảm).
+ Kiểm sát đối tượng bị thi hành án tử hình có đủ điều kiện để có thể đưa bản án ra thi hành trong trường hợp họ là phụ nữ. Trong trường hợp này, cần kiểm tra hai vấn đề: Điều kiện áp dụng hình phạt tử hình với họ có vi phạm hay không và họ có thuộc trường hợp không đủ điều kiện thi hành án tử hình hay không theo quy định tại Điều 35 BLHS. Nếu người bị kết án thuộc một trong các trường hợp không được áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình thì Viện kiểm sát cần áp dụng các quyền hạn theo quy định của pháp luật để giải quyết vấn đề này. Đại diện Viện kiểm sát tham gia Hội đồng thi hành án tử hình phải có ý kiến với Chủ tịch Hội đồng để báo cáo Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án và để báo cáo Chánh án TAND tối cao xem xét. Vấn đề này cũng phải được báo cáo ngay cho Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên.
+ Kiểm sát việc thành lập Hội đồng thi hành án tử hình; chế độ quản lý giam giữ, ăn, ở, mặc, sinh hoạt, gửi và nhận thư, nhận đồ vật, tiền mặt, gặp thân nhân, chăm sóc y tế theo đúng quy định tại các điều 55, 57 Luật thi hành án hình sự;
+ Tiến hành các hoạt động cần thiết để kiểm tra căn cước, lý lịch của người bị thi hành án, công tác chuẩn bị cho việc thi hành án tử hình tại pháp trường. Kiểm tra căn cước lý lịch của người bị thi hành án tử hình để bảo đảm đúng đối tượng. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc thi hành án tử hình phải khẳng định tính đúng đắn về đối tượng phải thi hành án. Đại diện Viện kiểm sát tham gia Hội đồng thi hành án tử hình cũng phải kiểm tra trực tiếp vấn đề này.
– Kiểm sát việc hoãn thi hành án tử hình để bảo đảm việc hoãn đó đúng pháp luật, có căn cứ quy định tại Điều 58 Luật thi hành án hình sự. Khi phát hiện có một trong những trường hợp sau đây thì kiểm sát viên phải báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình và báo cáo Hội đồng thi hành án tử hình (nếu đã được thành lập) để xem xét việc hoãn thi hành án:
+ Người bị kết án thuộc trường hợp quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự;
+ Có lý do bất khả kháng;
+ Ngay trước khi thi hành án người chấp hành án khai báo những tình tiết mới về tội phạm.
– Kiểm sát hình thức và trình tự thi hành án tử hình bảo đảm đúng quy định tại Điều 59 Luật thi hành án tử hình nhằm bảo đảm việc thi hành án đúng đối tượng, đúng thủ tục, nghiêm minh.
– Hoàn thành một số công việc sau khi thi hành án tử hình như báo cáo bằng văn bản kết quả thi hành án cho VKSND tối cao, hoàn thiện hồ sơ kiểm sát thi hành án để lưu trữ, phối hợp với Tòa án để giải quyết việc gia đình người bị thi hành án xin mai táng theo quy định của pháp luật và theo phong tục (nếu có). Việc giải quyết việc xin nhận tử thi, hài cốt của người bị thi hành án tử hình thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật thi hành án hình sự.
– Để kiểm sát quá trình thi hành án tử hình, Kiểm sát viên phải trực tiếp kiểm tra căn cước, lý lịch của người bị kết án, yêu cầu cơ quan Công an, Tòa án cung cấp những tài liệu cần thiết để kiểm tra, kịp thời báo cáo Viện trưởng những vấn đề có vướng mắc hoặc nghi có vi phạm pháp luật. Phối hợp với Kiểm sát viên tham gia Hội đồng thi hành án tử hình để nắm bắt các thông tin cần thiết. Mỗi trường hợp thi hành án tử hình phải xây dựng một hồ sơ kiểm sát và lưu giữ như chế độ lưu trữ chung. Phải lập sổ chuyên theo dõi thi hành án tử hình, trong đó ghi chép đầy đủ các thông tin về vụ việc. Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo sau khi kết thúc kiểm sát việc thi hành án tử hình.