[217] Quan điểm của Việt Nam về việc sử dụng biện pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông

Biện pháp ngoại giao và biện pháp pháp lý (hay còn gọi là biện pháp tài phán) là hai nhóm biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế. Biện pháp ngoại giao bao gồm đàm phán, trung gian, hòa giải, môi giới (good office) và sử dụng các cơ chế, dàn xếp hay tổ chức khu vực và quốc tế. Biện pháp pháp lý bao gồm trọng tài và tòa án.

Thực tiễn cho thấy các biện pháp ngoại giao luôn là lựa chọn đầu tiên và ưu tiên của các bên khi tranh chấp phát sinh. Biện pháp pháp lý thường là biện pháp cuối cùng khi biện pháp ngoại giao không thành công. Nếu nhìn vào các vụ việc mà các cơ quan tài phán quốc tế giải quyết, có thể thấy chỉ một số rất ít các tranh chấp được giải quyết bằng biện pháp pháp lý.

Trong tranh chấp Biển Đông, cho đến hiện nay, về cơ bản biện pháp ngoại giao, cụ thể là đàm phán, là biện pháp được sử dụng để quản lý và giải quyết tranh chấp Biển Đông. Vụ kiện Biển Đông là vụ việc duy nhất mà biện pháp pháp lý được sử dụng.

Thông qua các phát ngôn chính thức dưới đây, có thể thấy quan điểm của Việt Nam về biện pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông có ba điểm chính: (1) nhất quán và kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, (2) ưu tiên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp đàm phán, nhưng (3) không loại trừ biện pháp khác, bao gồm các biện pháp ngoại giao khác và cả biện pháp pháp lý.

Có thể phát ngôn chính thức rõ ràng nhất về các biện pháp giải quyết tranh chấp có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp Biển Đông là trong Tuyên bố ngày 14.12.2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi đến Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông (post). Trong tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ:

“Việt Nam ủng hộ các quốc gia thành viên UNCLOS tìm cách giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với các quy định và thủ tục của Công ước, bao gồm thông qua các thủ tục được trù định tại Phần XV của Công ước.”

Phần XV của UNCLOS quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp, trong đó yêu cầu các quốc gia phải giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước (xem post về cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS). Các bên có quyền tự do lựa chọn biện pháp mà họ thấy phù hợp để giải quyết tranh chấp. Nếu không thể giải quyết được một bên bất kỳ có thể sử dụng “thủ tục bắt buộc dẫn đến quyết định ràng buộc” (Compulsory procedures entailing binding decisions) ở Mục 2 của Phần XV – tức là các biện pháp pháp lý. Như vậy, rõ ràng rằng Việt Nam ủng hộ việc sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình, bao gồm biện pháp ngoại giao và pháp lý.

Sau đó, trong những năm gần đây, khi đề cập đến biện pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thường sử dụng các câu từ sau đây (xem cụ thể ở Phụ lục bên dưới):

  • “Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý.”

    (1)

  • “Việt Nam chủ trương sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng mọi biện pháp hoà bình thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).”

    (2)

Điều đặc biệt là Việt Nam không thường sử dụng cụm từ “biện pháp pháp lý” mà dùng một thuật ngữ không quen thuộc trong ngôn ngữ pháp lý quốc tế “tiến trình pháp lý”. Cụm từ ngày được dịch trong tiếng Anh là “legal process” như được sử dụng trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN lần thứ 36 và 37 vào năm 2020, cụ thể:

“We reaffirmed our shared commitment to maintaining and promoting peace, security and stability in the region, as well as to the peaceful resolution of disputes, including full respect for legal and diplomatic processes, without resorting to the threat or use of force, in accordance with the universally recognized principles of international law, including the 1982 United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS).” (36th, 37th)

Đôi khi các phát ngôn của Bộ Ngoại giao không đề cập cụ thể đến các biện pháp pháp lý mà chỉ nhắc đến “các biện pháp hòa bình khác”. Ví dụ như các phát ngôn sau đây:

  • Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả các biện pháp quy định tại UNCLOS.”

    (3)

  • “Chúng tôi cũng mong rằng các nước sẽ cùng chúng có những nỗ lực cao nhất để đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong nỗ lực chung vào quá trình này.”

    (4)

  • “[…] cùng các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, trong đó có các nước đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.”

    (5)

Ít nhất một lần, phát ngôn chỉ nhắc đến biện pháp đàm phán như là biện pháp ưu tiên:

  • “Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.”

    (6)

Các phát ngôn trên được nhắc lại nhiều lần khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao được hỏi về vấn đề Biển Đông. Chúng không phải là các phát ngôn riêng lẻ, rời rạc và nhất thời. Điều này cho thấy Việt Nam có một quan điểm rõ ràng (an established position) về việc sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông.

—————————————————————-

PHỤ LỤC PHÁT NGÔN

(1) Ngày 12/07/2016, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra Phán quyết cuối cùng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.” (link, link)

(2) Ngày 07/11/2019, trong Họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên “bao giờ Việt Nam kiện Trung Quốc về những tình hình gần đây trên Biển Đông và Việt Nam đã chuẩn bị gì cho vụ kiện này?”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Việt Nam chủ trương sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng mọi biện pháp hoà bình thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).” (link, link, link)

(3) Ngày 23/04/2020, trong Họp báo thường kỳ lần thứ 7 năm 2020, trả lời câu hỏi của Báo điện tử Zing về “Phản ứng của Việt Nam về công hàm ngày 17/04 của Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc, đồng thời các phát ngôn của Người Phát ngôn Cảnh Sảng trong các cuộc họp báo 20 và 21 tháng 4?, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: “Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả các biện pháp quy định tại UNCLOS.”(link)

(4) Họp báo thường kỳ lần thứ 12 năm 2020 ngày 16/07/2020, trả lời câu hỏi của CAN về “xin cho biết phản ứng của Việt Nam về tuyên bố của Hoa Kỳ gần đây về các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông?”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: “Chúng tôi cũng mong rằng các nước sẽ cùng chúng có những nỗ lực cao nhất để đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong nỗ lực chung vào quá trình này.” (link)

(5) Ngày 04/02/2021, trong Họp báo thường kỳ lần thứ 2 năm 2021, trả lời cho câu hỏi của Báo điện tử Zing về việc “đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về công hàm hồi cuối tháng 01/2021 của Nhật Bản gửi Liên hợp quốc phản đối một công hàm của Trung Quốc về Biển Đông năm ngoái?”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “cùng các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, trong đó có các nước đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.” (link) Nội dung trên cũng được nêu nguyên văn lại khi trả lời các câu hỏi liên quan đến công hàm của Anh, Pháp, Đức (Họp báo thường kỳ lần thứ 16 năm 2020, ngày 01/10/2020, link) và Úc (Họp báo thường kỳ lần thứ 13 năm 2020, ngày 06/08/2020, link).

(6) Ngày 05/11/2021, trong Họp báo thường kỳ lần thứ 18 năm 2020, trả lời cho câu hỏi của Đài NHK về việc “Ngày hôm qua Trung Quốc xem xét lại dự thảo luật cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí trong vùng lãnh hải của Trung Quốc. Xin ông cho biết đánh giá của Việt Nam về việc này.” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Như chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.” (link)

Trần H. D. Minh tổng hợp

Chia sẻ:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…