20 tình huống sư phạm dành cho giáo viên mầm non

Các bạn đang xem 20 tình huống sư phạm dành cho giáo viên mầm non của Ôn thi HSG.
Chúc các bạn có thật nhiều kiến thức bổ ích.

20 TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM MẦM NON

1. Tình huống sư phạm:

Trong khi rửa mặt cho các trẻ tầm 24-36 tháng, bạn phát hiện một trẻ bị đau mắt. Trong trường hợp này, nếu là bạn thì bạn sẽ xử lí như thế nào?
Cách giải quyết: Rửa mặt cho các trẻ khác và để lại trẻ rửa sau cùng. Sau khi rửa xong cho trẻ này, khăn mặt phải để ở chậu riêng, giặt bằng xà phòng, rồi luộc qua nước sôi và đem phơi nắng.
Giáo viên rửa sạch tay bằng xà phòng, sát khuẩn bằng cồn để tránh việc lây nhiễm sang các trẻ khác.
Dùng thuốc nhỏ mắt để nhỏ mắt cho trẻ và cách ly với các trẻ khác.
Khi đến giờ ra về, bạn nên gặp phụ huynh và trao đổi với họ về tình trạng của trẻ để cùng đưa ra phương án tốt nhất (có thể cho trẻ nghỉ học để tránh lây sang các bạn khác).

2. Tình huống sư phạm:

Ở lớp mẫu giáo, trong giờ đi dạo sân trường, cô tổ chức cho các trẻ chơi với cát và nước. Đến khi hết thời gian chơi, cô yêu cầu trẻ đi rửa tay, chân để có thể chuyển sang hoạt động khác. Nhưng có một bé nhất định không nghe, cứ ngồi chơi mãi, vẫn tiếp tục nghịch cát, mặc cho cô gọi tới 3 – 4 lần. Nếu là giáo viên tổ chức hoạt động đó, bạn sẽ xử lí như thế nào khi gặp tình huống này?
Cách giải quyết: Đầu tiên giáo viên nên biết rằng, đây là biểu hiện tính bướng bỉnh của tuổi lên ba. Ở độ tuổi này, cái tôi trong các trẻ sẽ xuất hiện. Đây là hành động cho thấy trẻ đang tự muốn khẳng định mình. Thêm vào đó, trẻ lại rất thích chơi với cát, nước, đất và ít có cơ hội được chơi, thế nên khi cô yêu cầu trẻ vệ sinh thì trẻ lại làm ngược lại. Vậy nên, đừng la mắng trẻ vì như thế rất dễ làm tổn thương trẻ. Để xử lý tình huống này, các cô giáo nên:
Nhẹ nhàng giải thích cho trẻ hiểu thời gian chơi đã hết và gợi ý cho trẻ hoạt động tiếp theo có nhiều đồ chơi, trò chơi hay hơn (cô có thể đưa ra một vài ví dụ trò chơi có ở hoạt động tiếp theo).
Thông báo cho trẻ biết kế hoạch của buổi hoạt động ngoài trời trong tuần và cho biết lúc đó nếu bé thích chơi thì bé sẽ được chơi tiếp (nhưng phải là nói thật nhé, đừng nói dối vì trẻ con nhớ rất dai và chúng sẽ giận bạn nếu như phát hiện bạn nói dối).
Nếu đứa trẻ này vẫn bướng bỉnh không nghe lời, thì các cô hãy giao hẹn với trẻ rằng: “Khi rửa tay, chân xong cho bạn cuối cùng thì đến lượt cháu, cô cháu mình hãy cùng thi rửa tay, chân xem ai rửa sạch hơn nhé!”. Việc này sẽ kích thích tính hiếu thắng trong trẻ và khiến trẻ quên đi việc đùa nghịch với cát.

3. Tình huống sư phạm:

Trong giờ ngủ trưa, có một số bé không chịu đi ngủ hay vẫn chưa ngủ được. Bé thì nằm mở mắt thao láo, trằn trọc suốt buổi trưa, còn có bé thì nằm mãi cảm thấy thừa chân, thừa tay cấu véo bạn bên cạnh để bạn khóc ré lên om sòm, có bé thì lại khóc thút thít đòi về với mẹ… Là một giáo viên mầm non, trong trường hợp này bạn sẽ xử lí như thế nào để không ảnh hưởng tới các bé khác?
Cách giải quyết: Khi lần đầu tiên tới lớp, các cô cần tạo cho trẻ thói quen đi ngủ khi đến giờ ngủ.
Cô có thể kể vài câu chuyện cổ tích cho bé nghe, không nên kể to mà hãy kể nhè nhẹ để trẻ trật tự, im lặng nghe và đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng. Cô cũng có thể hát ru và quan tâm đến những bé khó ngủ.
Trong trường hợp, bé không muốn ngủ thì bạn cũng không nên ép buộc trẻ, hãy tách trẻ sang phòng khác cho trẻ chơi những trò chơi tĩnh chẳng hạn như: xếp hình, vẽ, nặn và đồng thời trao đổi với phụ huynh để đảm bảo rằng cho trẻ được ngủ đủ số thời gian quy định trong một ngày.

4. Tình huống sư phạm:

Trong giờ kể chuyện, cô đang say sưa kể chuyện cho trẻ nghe, thì bỗng một bé kêu đau bụng và khóc rất to. Bạn sẽ làm như thế nào để lớp học không bị xáo trộn và làm ảnh hưởng đến các lớp khác mà vẫn có thể chăm sóc được bé đó?
Cách giải quyết: Trong tình huống này, bạn đừng quá bối rối mà hãy thật bình tĩnh và giải quyết theo từng bước sau:
Bạn hãy đến bế trẻ và thông báo cho cả lớp biết tình hình sức khỏe của bạn, đồng thời yêu cầu cả lớp trật tự làm theo yêu cầu của bạn lớp trưởng.
Bạn hãy giao nhiệm vụ cho lớp trưởng rằng: cho cả lớp đọc thơ, hát hay có thể chỉ định các bạn hát, đọc thơ…
Sau khi ổn định lớp, bạn hãy đưa bé bị đau bụng vào phòng nghỉ hoặc trải chiếu cho bé nằm, hỏi bé đã ăn những thức ăn gì và bạn có thể xoa dầu cho bé, đồng thời theo dõi tình trạng của bé.
Nếu thấy bé không đỡ, bạn hãy nhờ cô giáo phụ trách lớp bên cạnh quản lý lớp hộ mình và cho cháu xuống phòng y tế của trường theo dõi để xử lí kịp thời, hợp lí nhất.

5. Tình huống sư phạm:

Đến giờ ăn trưa, có một số trẻ quấy khóc, không chịu ăn và làm ảnh hưởng đến các bạn xung quanh. Là một giáo viên mầm non, bạn sẽ giải quyết tình huống này như thế nào?
Cách giải quyết: Đối với trẻ biếng ăn, thì bạn nên tìm hiểu lý do vì sao trẻ biếng ăn để từ đó có những lời động viên cũng như khuyến khích sao cho phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể đưa ra các phần thưởng với mục đích động viên trẻ khi nào kết thúc phần ăn giỏi nhất và sạch sẽ nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể phải đưa ra các hình phạt nhẹ nhàng chẳng hạn như phê bình, yêu cầu trẻ giúp cô dọn bàn ăn nếu như không chịu ăn,…
Với một trẻ nào đó mà thấy đây là hiện tượng bất thường so với mọi khi thì cần xem trẻ có bị ốm đau không? Nếu cần bạn có thể báo cho phụ huynh để phối hợp giải quyết.

6. Tình huống 6:

Một đồng nghiệp có việc bận đột xuất đã điện thoại nhờ bạn dạy thay giúp một buổi, bạn đã vui vẻ nhận lời và hoàn thành buổi dạy một cách hoàn mỹ. Nhưng sau đó, hiệu trưởng biết được và đã gọi bạn và đồng nghiệp lên kiểm điểm, khiển trách một cách nghiêm khắc, yêu cầu không được tái phạm. Đồng nghiệp của bạn rất ấm ức, cho rằng hiệu trưởng quá nguyên tắc và máy móc, thời đại này cần quản lý “thoáng” một chút thì người dưới quyền sẽ thoải mái và tự giác làm việc có hiệu quả hơn. Còn bạn? Bạn có phản ứng như thế nào?
Cách giải quyết: “Kỷ luật là tự giác”, người tuân thủ kỷ luật là người tự giác và thoải mái nhất. Hiệu trưởng đã thực thi hoàn toàn đúng chức năng quản lý của mình, nếu không, cả trường sẽ ngày càng không còn tuân thủ theo một kỷ luật, nguyên tắc nào nữa. Giá như, người đồng nghiệp đã báo cáo hiệu trưởng xin phép và trình bày rõ việc dàn xếp lớp thì mọi việc thật tốt đẹp.
– Người đồng nghiệp có thái độ phản ứng như vậy là chủ quan, không đúng, vì rằng dù không bỏ lớp, vẫn có thể coi là đã hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng vi phạm nguyên tắc trong thực hiện nhiệm vụ. Bản thân người dạy thay không nên có phản ứng gì ngoài việc nhận khuyết điểm (cùng vi phạm nguyên tắc) và hứa khắc phục, đồng thời sẽ có lời khuyên nhủ đồng nghiệp.

7. Tình huống khó xử: Trẻ tranh giành đồ chơi:

Tình huống: Trong giờ hoạt động vui chơi, cả lớp đang chơi rất vui vẻ, bỗng dưng có 2 bé trai tranh giành nhau một chiếc ô tô đồ chơi không ai chịu nhường ai, nếu bạn là cô giáo thì trong tình huống này sẽ xử lý như thế nào?
Cách xử lý: Cô có thể xử lý tình huống này theo 3 cách giải quyết sau:

  • Cách 1: Cô tới bên 2 bé hỏi nguyên do vì sao các con lại cãi nhau, tranh giành nhau. Sau đó, cô hãy thật nhẹ nhàng khuyên bảo 2 bé rằng: ”Chúng mình chơi với nhau thì phải biết nhường nhịn nhau chia sẻ với nhau, thế mới là bạn tốt các con ạ!”, rồi cô có thể ngồi cạnh 2 bé và chơi cùng với 2 bé.
  • Cách 2: Cô lại gần 2 bé và dỗ dành các con đang chơi trò gì vậy? Sau đó gợi ý rằng, cô có thể chơi chung với các con không và hướng dẫn các bé một trò chơi đơn giản chẳng hạn như đố về màu sắc của xe và các bộ phận của xe nhưng 2 bé sẽ phải oẳn tù tì trước để phân định ai thắng sẽ được cầm ô tô chỉ và hỏi bạn và nếu bạn đoán đúng sẽ đổi chỗ cho nhau và cô sẽ giữ vai trò là trọng tài. Khi các con đã có thể vui vẻ trở lại thì 2 bé sẽ tự chơi.
  • Cách 3: Cô nên nhẹ nhàng hỏi xem các con đang chơi trò gì mà lại tranh giành nhau một thứ đồ chơi như vậy. Sau đó, cô hãy xoa đầu trẻ và nói với các con không nên tranh giành nhau như thế, nên nhường nhịn, đoàn kết 2 bạn cùng chơi, như vậy thì trò chơi cũng sẽ được vui hơn và như thế thì các con mới được cô giáo, ông bà, bố mẹ yêu quý, các bạn cũng sẽ cùng chơi với 2 con.

8. Tình huống khó xử: Phụ huynh muốn cho con đi học thêm để chuẩn bị vào lớp 1:

Tình huống: Bạn là giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi. Phụ huynh muốn cho con đi học thêm với mục đích chuẩn bị cho bé vào lớp một, nên một số cha mẹ học sinh đã gặp riêng và đề nghị bạn dạy thêm cho con họ để các cháu biết đọc, biết viết và làm tính được thành thạo hơn. Cha mẹ có thể chuẩn bị sách vở riêng cho các con. Bạn sẽ giải quyết tình huống này như thế nào?

Cách xử lý: Trong trường hợp này, cô giáo hãy nói với phụ huynh rằng cô sẽ làm tròn trách nhiệm về chương trình giáo dục mầm non. Đồng thời cũng nên giải thích cho phụ huynh biết rằng trong lứa tuổi mầm non trẻ không nên học quá nhiều, hãy để trẻ phát triển một cách tự nhiên cũng như hãy để chúng chơi, vận động đúng với lứa tuổi của mình. Đồng thời đưa ra các lý do như:

  • Dạy trẻ đọc, viết sớm chưa phù hợp với tâm, sinh lý của trẻ vì trẻ mầm non hoạt động chủ đạo là hoạt động vui chơi.
  • Nếu trẻ được học trước, thì trong quá trình học lớp 1 trẻ sẽ chủ quan, nhàm chán, không tập trung.
  • Giáo viên mầm non không có chuyên môn dạy chương trình của tiểu học nên kết quả đạt được sẽ không cao.
  • Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi đã đáp ứng được về kiến thức, kỹ năng và chuẩn bị tâm thế cho trẻ sẵn sàng đi học lớp 1.

9. Tình huống khó xử: Trẻ bị ốm, mệt nhưng phụ huynh vẫn đưa trẻ đến lớp

Tình huống: Giả sử khi có một trẻ bị ốm, mệt thế nhưng phụ huynh cứ mang con đến lớp gửi, nếu là giáo viên lớp đó thì bạn sẽ xử trí trường hợp này như thế nào?

Cách xử lý: Ở tình huống này, cô giáo phải dựa vào tình hình thực tế sức khoẻ của trẻ để giải quyết:

  • Cô phải giải thích để phụ huynh đưa con bị ốm mệt về nhà chăm sóc (Trường mầm non chỉ nhận chăm sóc khi các cháu thật sự khoẻ mạnh)
  • Trường hợp đặc biệt chỉ mệt nhẹ (không có sốt) mà gia đình trẻ lại không có người trông và muốn được gửi con thì giáo viên vẫn có thể nhận trẻ, thế nhưng phải theo dõi trẻ thường xuyên trong ngày.
  • Trường hợp khi đã nhận trẻ và sau một khoảng thời gian học thì diễn biến của trẻ nặng lên thì cần đưa ngay sang phòng y tế của nhà trường và thông báo ngay cho gia đình trẻ.

tinh huong su pham mam non

10. Tình huống khó xử: Phụ huynh nhận xét không tốt về đồng nghiệp

Tình huống: Trong trường hợp có một phụ huynh nào đó trực tiếp đến gặp bạn nói những điều không tốt về một đồng nghiệp đang dạy lớp con của họ. Phụ huynh này cho rằng cô giáo kia thiếu nhiệt tình, đặc biệt là cô giáo có định kiến và ít quan tâm với con em họ nên con họ không muốn đi học. Phụ huynh đó có mong muốn xin con sang học lớp của bạn và yêu cầu bạn giữ kín câu chuyện mà họ đã nói với bạn. Trong tình huống này, nếu bạn là cô giáo đang trao đổi với phụ huynh thì sẽ xử lý như thế nào?

Cách xử lý: Thật sự đây là tình huống khá tế nhị và có tính nghiêm trọng. Tế nhị là làm sao để bảo vệ uy tín cho đồng nghiệp cũng như không bị đồng nghiệp hiểu lầm; nghiêm trọng ở chỗ nếu thực sự là có định kiến của giáo viên đối với học sinh thì dứt khoát phải có biện pháp can thiệp sao cho hợp lý để không làm ảnh hưởng đến trẻ. Trước phụ huynh, giáo viên nên tìm cách bảo vệ đồng nghiệp, nhưng đồng thời cũng lưu ý họ rằng không nên thổi phồng, nói quá sự việc, mặt khác cũng cần đánh giá được mức độ, tính chất sự việc qua lời trình bày của phụ huynh, để từ đó khéo léo từ chối nguyện vọng xin chuyển lớp của phụ huynh vì ngoài thẩm quyền giải quyết của giáo viên.

Cách tốt nhất để xử lý tình huống này là cô giáo hãy phân tích cho phụ huynh hiểu về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa phụ huynh với giáo viên, không thể đổ hết trách nhiệm lên giáo viên rằng không quan tâm hay dạy không tốt con của họ; phân tích để phụ huynh biết rằng việc bố trí học sinh theo lớp, phân công giáo viên đứng lớp không thuộc thẩm quyền của mỗi giáo viên. Từ đó đề nghị phụ huynh trực tiếp làm việc với BGH trường để đề đạt nguyện vọng.

11. Tình huống khó xử khi trẻ dứt khoát nói ”Không”

Tình huống: Thường thì trẻ nói ”không” ở rất nhiều tình huống chẳng hạn như: ”Con không muốn rửa tay”, “Con không muốn ăn thứ này”, ”Con không thích”, ”Con không muốn đóng kịch”, ”Con không muốn nặn con vật này đâu”,… Vậy nếu bạn là một giáo viên mầm non thì sẽ xử trí như thế nào nếu như trẻ nói không ở tất cả mọi chuyện hay cũng có nghĩa là không vâng lời cô?

Cách xử lý: Cô giáo có thể giải quyết theo 2 hướng sau:

  • Cách 1: Thay vì quát tháo, trừng mắt hay dùng đến đòn roi dọa nạt trẻ thì cô hãy đưa ra một chọn lựa có giới hạn: ”Con muốn đóng vai thỏ hay rùa?”, “Con muốn uống nước cam hay sữa?”, “Con muốn chơi với bạn hay muốn chơi một mình?”… Giải pháp 2 chọn lựa đủ tốt cho giai đoạn này. Cách này có thể tránh được tiếng “không” bướng bỉnh của trẻ.
  • Cách 2: Thỉnh thoảng, cô giáo cũng nên dùng giải pháp đếm từ 1 đến 10 đối với những trẻ hay do dự: “Cô sẽ đếm đến 10 và sau đó cô chọn nhé, hay cô sẽ chọn cho con”. Trẻ sẽ sẵn sàng để quyết định khi bạn bắt đầu đếm. Việc đếm nên là giải pháp cuối cùng, sau khi đã đưa ra giải pháp chọn lựa vì cách này dễ bị mất hiệu lực khi bạn dùng quá nhiều lần.
  • Mặt khác, trẻ nói không cũng có thể là do trẻ mệt. Nếu thật là như vậy thì giáo viên có thể cho trẻ vào góc riêng nghỉ ngơi.

12. Tình huống khó xử: Trong giờ trả trẻ có một trẻ bị thất lạc:

Tình huống: Đã đến giờ trả trẻ, thế nhưng có một trẻ đã bị thất lạc. Trong trường hợp này, nếu bạn là cô giáo lớp đó thì sẽ xử trí ra sao?

Cách xử lý: Trong trường hợp này, giáo viên không được mất bình tĩnh và thực hiện theo 2 bước sau:
Bước 1: Giáo viên báo ngay cho BGH cùng kết hợp với các lực lượng an ninh, các phương tiện truyền thông cùng phối hợp để tìm trẻ một cách nhanh nhất.
Bước 2: Thông báo cho phụ huynh để cùng kết hợp tìm kiếm
13. Tình huống khó xử: Giáo viên dạy cùng lớp nghỉ đột xuất
Tình huống: Trong lớp có 2 giáo viên, một giáo viên nghỉ ốm đột xuất, nếu là giáo viên làm cùng lớp đó bạn sẽ xử trí tình huống này như thế nào?

Cách xử lý: Như chúng ta cũng đã biết, dây chuyền làm việc của các giáo viên trong một lớp học là hết sức quan trọng, nó quyết định đến chất lượng chăm sóc giáo dục trong một ngày. Chính vì thế, khi có một giáo viên nghỉ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dây chuyền làm việc, trong trường hợp này giáo viên cần:

  • Báo cáo ngay với ban giám hiệu để xin người vào thay thế.
  • Trong trường hợp không có người vào thay thế thì giáo viên còn lại phải đảm bảo an toàn cho trẻ lên hàng đầu, không có đủ giáo viên vậy nên việc quản lý trẻ mọi hoạt động trong ngày giáo viên có thể linh hoạt không nhất thiết phải tổ chức tất cả các hoạt động mà chỉ tổ chức các hoạt động có thể quản lý an toàn cho trẻ.

14. Trẻ chỉ thích ăn cơm với canh:

Tình huống: Trong lớp mà bạn đang dạy có một bé không thích ăn thức ăn mà chỉ ăn cơm chan với canh. Vậy thì các bạn cần phải xử lý tình huống sư phạm mầm non này như thế nào?
Cách xử lý: Trước tiên giáo viên cần thông qua phụ huynh của trẻ để tìm hiểu nguyên nhân về việc trẻ chỉ thích ăn cơm chan với canh và tiếp tục theo dõi các bữa ăn của trẻ ở trên lớp
– Giáo viên cùng trẻ hoặc là vài trẻ cùng trò chuyện về những món ăn có thịt và kể ra các lợi ích của món ăn này
– Giáo viên có thể tổ chức một số hoạt động cho trẻ tham gia vào như hoạt động bé tập làm nội trợ để chế biến một số món ăn làm từ thịt, như vậy sẽ giúp bé quen dần với các món ăn có thịt
– Sau đó các cô có thể giới thiệu món ăn rồi động viên cho bé ăn thử một chút
– Phối hợp giữa gia đình và nhà trường, nên chế biến các món ăn từ thịt, từ ít tới nhiều để bé không còn lười ăn thịt và thức ăn.

15. Trẻ hay đánh bạn:

Tình huống: Nếu trong lớp bạn đang dạy có một bé rất hay đánh bạn. Vậy thì các bạn cần xử lý như thế nào?
Cách xử lý: Đây là một tình huống sư phạm mầm non xảy ra khá phổ biến. Với tình huống này các bạn có thể xử lý theo cách sau:
– Cô cần phải giúp trẻ hiểu được hành vi đánh bạn của trẻ là một hành vi xấu, không nên làm. Các trẻ trong lớp cần phải yêu thương, chia sẻ, đoàn kết với nhau
– Nếu các trẻ có việc gì thì nên trình bày với cô để cô giúp đỡ giải quyết

16. Trẻ không tham gia chơi với các bạn:

Tình huống: Trong lớp tổ chức các hoạt động vui chơi chung cho trẻ. Các trẻ khác đã bắt đầu hòa nhập vào cuộc chơi nhưng có một trẻ vẫn ngồi im, không tham gia vào. Vậy nên xử lý tình huống sư phạm mầm non sao?
Cách xử lý: Trước hết giáo viên cần phải tìm hiểu xem bé không tham gia chơi cùng các bạn nguyên nhân là do đâu, từ đó đưa ra cách giải quyết phù hợp.
– Nếu bé không chơi cùng các bạn bởi lý do sức khỏe thì giáo viên cần phải có biện pháp và cách thức chăm sóc sức khỏe cho bé phù hợp
– Trong trường hợp nguyên do là bởi trẻ không thích và hào hứng với trò chơi thì cô giáo cần phải trò chuyện với trẻ để tìm hiểu xem trẻ thích gì, từ đó biết cách chuẩn bị đồ chơi phù hợp để trẻ tham gia chơi
– Còn nếu nguyên nhân là do trẻ thiếu kỹ năng chơi thì cô giáo cũng hãy trò chuyện, sau đó là chơi cùng trẻ. Trong quá trình này cần thường xuyên khen ngợi và động viên trẻ để trẻ có thêm hứng thú.

17. Tình huống: Giờ trả trẻ, phụ huynh phát hiện trẻ bị mất trang sức.

Tình huống: Trong giờ trả trẻ mẹ cháu A phát hiện con bị mất vòng đeo tay bằng bạc. Mẹ rất bực tức nặng lời trách móc cô giáo, còn bé A thì sợ hãi bối rối đổ lỗi cho 1 số trẻ khác. Mẹ A cũng trách mắng và xô đẩy 1 vài trẻ trong lớp. Là giáo viên, chị sẽ xử ký tình huống đó như thế nào?
Cách giải quyết:
Đầu tiên, khi thấy phụ huynh có ý định xô trẻ, cô giáo nên ngăn cản và vỗ về trẻ, đừng để các em bị hoảng sợ, vì sự an toàn của trẻ là trên hết.
Sau đó, giáo viên nên xin lỗi phụ huynh một tiếng và khéo léo nhắc cho mẹ trẻ biết rằng qui định là không được mang trang sức khi đến lớp, nên nhớ phải nói một cách nhỏ nhẹ đừng quá hơn thua với phụ huynh vì có thể sẽ dẫn đến sự cãi vả không mong muốn.
Khuyên phụ huynh thật sự bình tĩnh thì mới giải quyết được vấn đề, cô giáo cố gắng tìm hướng giải quyết bằng lời nói:
Chị ơi có thể do sơ suất mà khi chơi cái dây của bé có thể bị rơi mất đâu đó trong lớp. Chị chờ em tìm thử xem hoặc hỏi xem các bạn trong lớp xem có ai biết không? ( Nếu trẻ đã nhận thức tốt) Hỏi trẻ: con có biết vòng tay của con rơi ở đâu không? (câu hỏi này vẫn nên hỏi). Nếu tìm thấy thì tốt, không tìm thấy thì xin lỗi, phụ huynh không chấp nhận thì lúc này nhắc lại nội quy của trường.
Về việc phụ huynh này xô đẩy trẻ: Cô giáo nên giải thích bằng lời nói với phụ huynh: “Em biết chị rất giận về việc này. Em cũng rất là buồn. Nhưng mong chị hãy giữ bình tĩnh tránh làm đau các cháu ở đây”.

18. Tình huống: Nhận nhầm dép

Tình huống: Giờ trả trẻ, có 2 cháu đều được mẹ đón và 2 cháu đều nhận 1 đôi dép là của mình, 2 mẹ cũng nhận đó là dép của con mình. Là giáo viên trong trường hợp này, bạn xử lý thế nào?
Cách xử lý:
Quan sát kệ dép xem có đôi nào ngoài đôi dép mà 2 mẹ nhận là của con mình trên kệ hay không. Nếu có mà 1 trong 2 mẹ không nhận thì có lẽ một bé nào đó đã mang nhầm. Nếu không có thì sẽ có một bé không mang dép đi học (trường hợp này hay xảy ra với bé 1-3 tuổi)
Nếu cả 2 mẹ đều nhận là dép của con mình (TH2) thì cho cả 2 bé mang dép của trường về. Một mặt nói phụ huynh về xem lại có dép ở nhà hay không, một mặt cô có thể đợi đến mai xem có bé nào trả dép lại không. Nếu có thì mọi việc được giải quyết xong. Nếu không thì…. cô mua đôi mới xem như tặng bé

19. Tình huống: tình huống khó xử giữa giáo viên và phụ huynh

Tình huống: Là giáo viên mầm non, bạn sẽ xử lý thế nào nếu sáng phụ huynh đưa con đi học và dặn mình rằng chiều không cho mẹ (bố) đón cháu?
Cách giải quyết:
Đầu tiên: cô hãy hỏi rõ để biết tình hình nghiêm trọng mức nào và vì sao phụ huynh lại phải dặn cô như vậy. Nếu hợp lý thì bạn đồng ý và dặn từ bảo vệ đến các cô luôn. Tránh trường hợp bắt cóc trẻ tại trường hoặc bố mẹ đánh nhau gây gổ trước mặt các bé.
Cô giáo hãy bảo người đón gọi điện thoại trực tiếp cho người đưa bé đến để thỏa thuận, “chị không biết gia đình em có chuyện gì nhưng bố cháu dặn vậy thì em hãy gọi cho bố cháu, nếu bố cháu đồng ý nói lại với chị thì chị cho đón vì người chịu trách nhiệm chính là chị”.

20. Tình huống: Tình huống đối mặt với ông bố nhậu say

Tình huống: Nếu đang đứng lớp giờ đón trẻ có một phụ huynh đi trễ đã say xỉn dẫn con vào, vô tình có một bé trong lớp chạy ra đụng phải con của người đàn ông này. Sau đó, ông ấy đã chửi và lao lại đánh bé đó với thái độ rất hung hăng theo các bạn là một giáo viên mầm non mình phải làm gì?
Cách giải quyết: Cô giáo không nên đôi co, cãi nhau với người đang say. Việc đầu tiên phải làm là bế đứa bé đụng phải con của người đàn ông đang say ra và gọi bảo vệ. Và đồng thời, giáo viên cũng không cho người đàn ông say rước con của ông ấy về luôn vì điều này thật sự nguy hiểm.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài 20 tình huống sư phạm dành cho giáo viên mầm non của Ôn thi HSG, hãy chia sẻ nếu bài viết hữu ích.