20 ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm

20 ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm

Hàng đêm khi quan sát bầu trời, bạn có thể nhìn thấy hàng nghìn ngôi sao. Không phải sao nào cũng giống nhau mà mỗi sao lại có độ sáng và màu sắc khác nhau và chính điều đó góp phần quan trọng giúp chúng ta phân biệt được chúng, cũng như giúp cho các nhà thiên văn từ thời xa xưa đã bằng trí tưởng tượng sinh động của mình mà vẽ ra các chòm sao. Sau đây là danh sách 20 ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường khi trời quang mây.

Danh sách dưới đây dựa trên cấp sao (hay cấp sáng) biểu kiến của các ngôi sao, tức là độ sáng của chúng khi chúng ta nhìn từ Trái Đất. Danh sách cũng không bao gồm Mặt Trời – ngôi sao mà chúng ta không nhìn thấy trên bầu trời “đêm”, và các hành tinh như Sao Kim, Sao Hỏa, … – vì chúng không phải “sao”.

 

1. Sirius

Sirius còn có tên chính thức khác là Alpha Canis Majoris. Nó là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Sirius và cũng là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm (nếu so sánh với các thiên thể trong Hệ Mặt Trời thì nó kém sáng hơn Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Mộc và những thời điểm sáng nhất của Sao Hoả). Sirius có cấp sao biểu kiến -1,46, nằm cách Trái Đất 8,6 năm ánh sáng.

Trên thực tế Sirius là một cặp sao chuyển động trên quỹ đạo quanh nhau. Sao chính của nó, chính là đốm sáng có thể được nhìn rõ trên bầu trời, Sirius A, có khối lượng khoảng 2 lần khối lượng Mặt Trời, nhiệt độ bề mặt khoảng 9.940 K. Trong khi đó Sirius B là một sao lùn trắng có độ sáng rất yếu không thể nhìn thấy bằng mắt thường, khối lượng của nó khoảng 0,98 khối lượng Mặt Trời. Sirius theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là sự thiêu đốt, để chỉ độ sáng đặc biệt của nó. Sau này Sirius còn được gọi là ngôi sao Con Chó (the Dog Star), trong tiếng Việt thường gọi là sao Thiên Lang.

 

 

2. Canopus

Đây là sao sáng nhất trong chòm sao Carina, còn được gọi với tên khoa học là Alpha Carinae. Canopus có cấp sao biểu kiến -0,72 và cách Trái Đất khoảng 310 năm ánh sáng. Nó là một sao thuộc nhóm sao siêu khổng lồ với khối lượng khoảng 9 tới 10 lần khối lượng Mặt Trời – một khối lượng khiến nó sẽ chết trong một vụ nổ supernova vào cuối đời và kết cục cuối cùng có thể sẽ là một sao neutron hoặc lỗ đen. Nhiệt độ bề mặt của nó là khoảng 7.350K. Theo thần thoại Hy Lạp, Canopus là tên người cầm đầu đạo quân của vua Menelaos.

 

 

3. Rigil Kentarus

Rigil Kentarus và Hadar.

Ngôi sao này còn có tên là Alpha Centauri, đôi khi còn gọi tắt là Rigil Kent, trong tiếng A-rập có nghĩa là cái chân của nhân mã. Nó là sao sáng nhất của chòm sao Centaurus và là hệ sao gần Mặt Trời nhất, cách Hệ Mặt Trời khoảng 4,36 năm ánh sáng. Đây là một hệ có tổng cấp sao biểu kiến là -0,27, điều này khiến nó là ngôi sao sáng thứ ba trên bầu trời đêm, sau Sirius và Canopus.

Hai sao sáng nhất của hệ là Alpha Centauri A có khối lượng khoảng 1,1 lần khối lượng Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt 5.790 K, Alpha Centauri B có khối lượng khoảng 0,9 lần khối lượng Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt 5.260 K. Một sao mờ của hệ sao này không thể nhìn thấy bằng mắt thường có cấp sao 11 tên là Proxima Centauri được xác nhận là ngôi sao gần Hệ Mặt Trời nhất với khoảng cách 4,24 năm ánh sáng (một số tài liệu tiếng Việt dịch là “Cận tinh”). Tháng 8 năm 2016, Proxima Centauri được xác nhận có một hành tinh chuyển động trên quỹ đạo quanh nó ở khoảng cách 7 triệu km, thuộc vùng sống được của Proxima Centauri (do sao này hoạt động yếu hơn Mặt Trời rất nhiều nên vùng sống được có khoảng cách gần hơn). Hành tinh được gọi là Proxima b này là hành tinh trong vùng sống được gần Trái Đất nhất.

 

 

4. Arcturus

Arcturus là sao sáng nhất trong chòm sao Bootes, còn gọi là sao Alpha Bootis. Đây là ngôi sao sáng thứ tư trên thiên cầu và cũng là sáng nhất trên bán thiên cầu Bắc (tức là toàn bộ khu vực nằm phía Bắc của xích đạo trời), nó cách Trái Đất 36,7 năm ánh sáng với cấp sao biểu kiến -0,05.

Arcturus là một sao già hơn Mặt Trời, với tuổi khoảng hơn 7 tỷ. Nó có bán kính gấp khoảng 26 lần bán kính của Mặt Trời, tuy vậy khối lượng của nó chỉ trên dưới 1,1 lần khối lượng của Mặt Trời, nhiệt độ bề mặt của ngôi sao này là khoảng 4.300K. Theo tiếng Hy Lạp, Arcturus có nghĩa là người theo dõi gấu, chỉ việc sao Arcturus chuyển động biểu kiến hàng năm trên thiên cầu xung quanh chòm sao Ursa Major (do chòm sao này nằm gần thiên cực Bắc).

 

 

5. Vega

Ngôi sao này còn có tên là Alpha Lyrae, so nó là sao sáng nhất của chòm sao Lyra. Vega cách Trái Đất 25 năm ánh sáng, cấp sao biểu kiến 0,03. Khối lượng của nó là khoảng 2,14 lần khối lượng Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt khoảng 9.600 K. Do chuyển động tuế sai của trục quay Trái Đất, Vega đã từng là ngôi sao nằm ở thiên cực Bắc, được coi là sao Bắc Cực vào khoảng 12.000 năm trước Công nguyên, và nó sẽ trở lại vị trí như vậy vào khoảng năm 13.727. Trong tiếng Việt, ngôi sao này thường được gọi là sao Chức Nữ. Nó cùng với hai sao là Deneb và Altair tạo thành ba đỉnh của tam giác mùa hè.

 

 

6. Capella

Capella là sao sáng nhất của chòm sao Auriga, tên khoa học là Alpha Aurigae. Mặc dù chỉ là một đốm sáng duy nhất khi quan sát bằng mắt thường, thực ra Capella là một hệ sao gồm hai cặp sao kép, tổng cấp sao biểu kiến là 0,08. Nó là ngôi sao sáng thứ sáu trên bầu trời đêm và là ngôi sao sáng thứ ba của bán thiên cầu Bắc, sau Arcturus và Vega. Khoảng cách của nó đến Trái Đất là 42 năm ánh sáng. Theo tiếng Latin, Capella có nghĩa là con dê cái nhỏ.

 

 

7. Rigel

Lục giác mùa đông, tạo thành bởi Sirius, Procyon, Pollux, Capella, Aldebaran và Rigel.

Sao sáng nhất trong chòm sao Orion, tên khoa học là Beta Orionis. Rigel có cấp sao 0,12 – sáng hơn sao Betelgeuse là sao Alpha của chòm sao này. Rigel là một sao thuộc nhóm sao siêu khổng lồ. Nó có khối lượng khoảng 18 lần khối lượng Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt khoảng 12.130 K. Ngôi sao nằm ở vị trí cách Trái Đất khoảng 860 ± 80 năm ánh sáng. Rigel theo tiếng A rập có nghĩa là cái chân của người khổng lồ. Cùng với năm ngôi sao khác, Rigel là một đỉnh của lục giác mùa đông.

 

 

8. Procyon

Còn có tên là Alpha Canis Minoris, đây là sao sáng nhất của chòm sao Canis Minor. Nó có cấp sao biểu kiến 0,34 và cách Trái Đất 11,46 năm ánh sáng. Thực tế đây là một cặp sao chuyển động quanh nhau theo chu kỳ gần 41 năm. Theo tiếng Hy Lạp, Procyon có nghĩa là phía trước của con chó, do khi mọc lên, Procyon luôn mọc trước sao Sirius (the Dog Star). Ngôi sao là một sao lùn có khối lượng khoảng 0,6 khối lượng Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt khoảng 7.740 K. Cùng với năm ngôi sao sáng khác, Procyon là một trong số sáu đỉnh của lục giác mùa đông.

 

 

9. Achernar

Sao sáng nhất trong chòm sao Eridanus, hay còn gọi theo tên khoa học là Alpha Eridani. Achenar có cấp sao biểu kiến là 0,5, khiến nó là một trong những ngôi sao sáng nhất có thể quan sát thấy trên bầu trời đêm. Ngôi sao cách Trái Đất 144 năm ánh sáng, có khối lượng khoảng 6,7 lần khối lượng Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt khoảng 15.000K. Theo tiếng A-rập, Achenar có nghĩa là tận cùng của dòng sông do sao này có vị trí nằm ở đầu phía Nam của chòm sao, Eridanus là chòm sao được đặt theo tên một dòng sông trong thần thoại Hy Lạp.

 

 

10. Betelgeuse

Rigel và Betelgeuse

Đây là sao sáng thứ hai của chòm sao Orion, tên khoa học là Alpha Orionis. Nó là một sao siêu khổng lồ đỏ cách Trái Đất 643 ± 146 năm ánh sáng, có bán kính khoảng 950 đến 1.200 lần bán kính Mặt Trời và là một trong những sao có kích thước lớn nhất đã được biết đến. Cấp sao của Betelgeuse dao động từ 0,3 đến 1,2, đây là biên độ dao động cấp sao lớn nhất đối với các sao có cấp sao dưới 1,5 từng được biết tới. Trên thực tế, Betelgeuse đã bắt đầu sụt giảm độ sáng từ năm 2019 và trong tương lai nó có thể sẽ mờ đi hơn nữa. Các nhà thiên văn cho rằng có một khả năng đây là giai đoạn đầu trước khi ngôi sao này phát nổ dưới dạng một supernova. Nếu điều đó xảy ra, chòm sao Orion sẽ mất đi một bên vai của nó.

Trên bầu trời đêm, Betelgeuse là ngôi sao nằm ở trung tâm của lục giác mùa đông.

 

 

11. Hadar

Chòm sao Centaurus có chứa 2 sao sáng trong danh sách này là Rigil Kentarus và Hadar là chòm sao có hình ảnh và truyền thuyết tương ứng với một nhân mã trong thần thoại Hy Lạp. Centaurus cũng có nghĩa là “nhân mã” trong tiếng Latin. Tại Việt Nam, nhiều tài liệu dịch sai dẫn đến cách gọi sai thông dụng rằng chòm sao Sagittarius là “nhân mã”, trong khi thực tế Sagittarius có nghĩa là “cung thủ/xạ thủ”.

Hadar là ngôi sao sáng thứ hai của chòm sao Centaurus, tên khoa học là Beta Centauri. Đây là một hệ sao có tổng cấp sao là 0,6 và nằm cách Trái Đất khoảng 350 năm ánh sáng. Hadar còn được biết đến với một tên khác là Agena.

 

 

12. Altair

Altair là sao sáng nhất trong chòm sao Aquila, hay còn được được gọi theo tên khoa học là Alpha Aquilae. Nó nằm cách Trái Đất 16,7 năm ánh sáng với khối lượng khoảng 1,79 lần khối lượng Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt từ 6.900 đến 8.500K. Altair có cấp sao biểu kiến là 0,77, nó là ngôi sao sáng thứ 11 trên bầu trời đêm. Theo tiếng A rập, Altair có nghĩa là con đại bàng đang bay. Altair trong tiếng Việt là sao Ngưu Lang, nó cùng với sao Deneb và Vega (Chức Nữ) tạo thành ba đỉnh sáng của tam giác mùa hè.

 

 

13. Acrux

Arcrux và Mimosa.

Sao sáng nhất của chòm sao Crux, hay còn gọi theo tên khoa học là Alpha Crucis. Ngôi sao này có cấp sao biểu kiến là 0,77. Tuy nhiên quan sát qua các kính thiên văn cho thấy đây là một hệ sao với hai sao chính có cấp sao là 1,4 và 1,9, khối lượng của hai sao là 14 lần và 10 lần khối lượng Mặt Trời. Cặp sao này cách Trái Đất 320 năm ánh sáng.

 

 

14. Aldebaran

Đây là sao sáng nhất trong chòm sao Taurus, tên khoa học là sao Alpha Tauri. Theo tiếng A rập, Aldebaran có nghĩa là “người theo dõi”. Mặc dù khi quan sát bằng mắt thường, Aldebaran được thấy nằm trong cụm sao Hyades nhưng trên thực tế nó không phải một thành viên của cụm sao này mà là một sao riêng biệt cách Trái Đất 65 năm ánh sáng. Aldebaran là một sao biến quang với cấp sao biểu kiến dao động từ 0,75 đến 0,95. Nó là một sao khổng lồ da cam với bán kính khoảng 44 lần bán kính Mặt Trời, khối lượng khoảng 1,7 lần khối lượng Mặt Trời, nhiệt độ bề mặt khoảng 3.910K.

 

 

15. Antares

Antares là sao sáng nhất của chòm sao Scorpius, tên khoa học là Alpha Scorpii. Đây là một sao siêu khổng lồ đỏ có cấp sao biểu kiến thay đổi từ 0,88 đến 1,16, cấp sao biểu kiến trung bình là 0,96. Nó là ngôi sao sáng thứ 16 trên bầu trời đêm. Antares nằm cách Trái Đất khoảng 550 năm ánh sáng, có khối lượng khoảng 12,4 lần khối lượng Mặt Trời trong khi bán kính gấp 883 lần bán kính Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt trên dưới 3.400K. Nó có một bạn đồng hành được gọi là Antares B với khối lượng khoảng 10 lần Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt khoảng 18.500K. Cái tên Antares có xuất xứ từ một từ trong tiếng Hy Lạp cổ, có ý nghĩa tương đương với “anti-Ares” có nghĩa là “đối lập với Ares” hay “kẻ chống lại Ares”, vì ngôi sao này khi nhìn trên bầu trời đêm cũng có ánh sáng màu đỏ và rất sáng. Cái tên có ý ví nó với kẻ đối địch với Sao Hỏa – hành tinh được đặt tên theo thần chiến tranh Ares.

 

 

16. Spica

Sao sáng nhất của chòm sao Virgo, có tên qui ước là Alpha Virginis. Spica nằm cách Trái Đất khoảng 260 năm ánh sáng, nó là một sao khổng lồ xanh biến quang có khối lượng khoảng 10 lần khối lượng Mặt Trời. Cấp sao biểu kiến của sao này là 1,04, nó là ngôi sao sáng thứ 15 trên bầu trời đêm.

 

 

17. Pollux

Sao sáng nhất của chòm sao Gemini, tên khoa học là Beta Geminorum. Ngôi sao này cách Trái Đất 33,78 năm ánh sáng và có cấp sao 1,14. Pollux cùng với Castor là hai ngôi sao tạo thành đầu của hai anh em trong chòm sao Gemini. Theo thần thoại Hy Lạp, Pollux và Castor là hai anh em song sinh của cùng một người mẹ là Leda, tuy nhiên Pollux có cha là thần Zeus trong khi cha của Castor là người thường. Pollux có khối lượng khoảng 2,04 lần khối lượng Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt khoảng 4.666 K. Cùng với năm ngôi sao khác, Pollux là một trong sáu đỉnh của lục giác mùa đông.

 

 

18. Formalhaut

Ngôi sao này là sao sáng nhất trong chòm sao Piscis Austrinus, tên qui ước là Alpha Piscis Austrini. Trong tiếng A-rập, Fomalhaut có nghĩa là miệng cá. Đây là một sao trẻ có tuổi ước tính khoảng 440 triệu năm. Nó có cấp sao biểu kiến là 1,72, cách Trái Đất 25 năm ánh sáng. Formalhaut có khối lượng khoảng 1,92 lần khối lượng Mặt Trời, nhiệt độ bề mặt là 8.590K.

 

 

19. Deneb

Sao sáng nhất của chòm sao Cygnus, tên khoa học là Alpha Cygni. Đây là một sao siêu khổng lồ xanh-trắng có cấp sao 1,25 và cách Trái Đất hơn 800 năm ánh sáng. Nó có khối lượng trong khoảng 19 ± 4 lần khối lượng Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt khoảng 8.500K. Deneb nằm ở vị trí đuôi con thiên nga Cygnus, theo tiếng A rập, Deneb có nghĩa là cái đuôi. Deneb cùng với hai ngôi sao khác là Altair và Vega tạo thành ba đỉnh của một tam giác rất sáng trên bầu trời mùa hè, gọi là tam giác mùa hè.

Tam giác mùa hè tạo bởi Vega, Altair và Deneb.

 

 

20. Mimosa

Ngôi sao cuối cùng trong danh sách này là Mimosa, hay còn có tên là Beta Crucis, ngôi sao sáng thứ hai trong chòm sao Crux. Mimosa là một cặp sao kép có tổng cấp sao là 1,25 và cách Trái Đất 280 năm ánh sáng. Sao lớn hơn là ngôi sao có cấp sao thấp với nhiệt độ cao nhất từng biết. Nhiệt độ bề mặt của sao này là khoảng 27.000 K, khối lượng của nó bằng khoảng 16 lần khối lượng Mặt Trời. Đây là một cặp sao còn rất trẻ với tuổi được ước tính là 8 đến 11 triệu năm.

 

Chú thích:

  • Cấp sao (hay cấp sáng): là con số chỉ độ sáng tương đối của một ngôi sao, được sử dụng để so sánh độ sáng giữa các thiên thể. Cấp sao càng nhỏ thì độ sáng của sao càng cao. Ngày nay, thiên văn học hiện đại có quy định cụ thể là hai sao có cấp sao cách nhau năm cấp thì sẽ có độ sáng chênh nhau 100 lần. Cấp sao cho biết độ sáng của ngôi sao được quan sát từ Trái Đất. Cấp sao biểu kiến là cấp sao này chỉ cho biết độ sáng tương đối của các ngôi sao khi quan sát trực tiếp từ Trái Đất, không tính đến độ sáng thực hay khoảng cách của các sao trong vũ trụ.
  • Tên các chòm sao được sử dụng trong bài dưới dạng tên nguyên gốc quốc tế (bằng tiếng Latin), do cách dịch tên các chòm sao ra tiếng Việt thông dụng có nhiều điểm sai hoặc gây hiểu nhầm. Để tra cứu thêm về các chòm sao này, độc giả có thể tham khảo bài: Danh sách 88 chòm sao trong thiên văn học.
  • Hiệu đính bài viết cũ đã đăng năm 2007, dựa trên các thông số chính xác nhất tính tới năm 2021.
  • Nhiều thông tin được tham khảo trong các sách: Từ điển Thiên văn học và Vật lý thiên văn (2016); Các chòm sao: Toàn cảnh về bầu trời đêm (2020) – Cả hai sách đều của nhóm tác giả VACA, đã xuất bản và phát hành tại Việt Nam.