20 cách chống say xe, tàu hiệu quả nhất có thể bạn chưa biết
Say xe là nỗi ám ảnh thường gặp của rất nhiều người. Khoảng 3 người sẽ có 1 người say tàu xe vào một thời điểm nào đó. Phụ nữ, trẻ em từ 2 – 12 tuổi có nguy cơ say xe cao nhất (1). Do đó, cùng tìm hiểu về 20 cách chống say xe tàu hiệu quả nhất trong bài viết sau đây để cải thiện tình trạng này giúp chuyến đi thoải mái hơn.
Mục Lục
Say xe là gì?
Say xe là tình trạng chóng mặt, khó chịu, buồn nôn, nôn khi đang di chuyển trên tàu lửa, xe, máy bay, thuyền, tàu lượn siêu tốc khiến não nhận được thông tin sai lệch từ mắt, tai trong, dây thần kinh… . Ví dụ, nếu mắt truyền thông tin tới não rằng một người đang đứng yên (nhìn vào bên trong cabin trên một con tàu) nhưng hệ thống tiền đình cảm nhận được chuyển động của đầu (do chuyển động của con tàu sẽ lắc lư theo sóng), điều này làm cho các thông tin đến não bị rối loạn dẫn đến chứng say xe. Chứng say tàu xe khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cũng có nhiều cách thức hiệu quả giúp ngừa, điều trị say xe. (2)
Nguyên nhân bị say tàu xe
Nguyên nhân xảy ra triệu chứng say xe do những chuyển động mà mắt nhìn thấy khác với những gì tai trong cảm nhận được. Tai trong là một phần của hệ tiền đình, có chức năng xử lý các thông tin để kiểm soát sự cân bằng của cơ thể, cả những chuyển động của mắt. Vì vậy, não sẽ bị rối khi tín hiệu tới từ tai trong và mắt không đồng nhất nên không thể xử lý hết các tín hiệu mâu thuẫn này, gây ra say xe.
Hầu hết mọi người đều dễ say tàu xe, tuy nhiên tồn tại một số yếu tố làm cho chứng say tàu xe dễ xảy ra hơn:
-
Nữ thường dễ say xe hơn nam giới.
-
Trẻ em dễ bệnh hơn người lớn (thường ở độ tuổi từ 2 đến 12 tuổi).
-
Các yếu tố nội tiết tố bao gồm: mang thai, chu kỳ kinh nguyệt hoặc thuốc tránh thai.
-
Những người có tiền sử về rối loạn tiền đình hoặc hay đau nửa đầu.
Triệu chứng say tàu xe
Một số triệu chứng say xe thường gặp có thể từ nhẹ đến nặng bao gồm:
- Bị chóng mặt
-
Cảm giác mệt mỏi
-
Da nhợt nhạt
-
Tăng tiết nước bọt bất thường
- Đau đầu
-
Buồn nôn, ói mửa
-
Ợ hơi
-
Thở nhanh và gấp gáp
-
Xuất hiện chứng nuốt hơi
-
Đổ mồ hôi nhiều
20 cách chống say xe, tàu hiệu quả dịp lễ
Ngày lễ là thời điểm mọi người quây quần cùng gia đình, bạn bè, người thân đi du lịch để lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ cùng nhau. Có rất nhiều cách để không bị say xe sẽ không làm phiền bạn trong những thời điểm vàng này như:
1. Ngủ đủ giấc
Tình trạng sức khỏe không tốt vì thiếu ngủ rất dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi. Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến sự tập trung, trạng thái tinh thần, khả năng phán đoán cả các chức năng nhận thức. Nó cũng góp phần gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm buồn nôn và các vấn đề tiêu hóa khác. Vì vậy, ngủ đủ giấc cũng giúp chống say xe hiệu quả. (3)
2. Ăn nhẹ trước khi khởi hành
Chú ý không nên ăn quá no hoặc để bụng đói lên xe. Ăn quá nhiều sẽ dễ dẫn đến tình trạng đầy bụng, ợ hơi, còn đói bụng sẽ làm cho dạ dày cồn cào, dễ sinh ra tình trạng buồn nôn trên xe. Lưu ý tránh những thức ăn chua cay, nhiều dầu mỡ. Chỉ nên ăn lót dạ trước lúc bắt đầu đi.
3. Lựa chọn vị trí ngồi
Cuối xe được cho là vị trí tối kỵ cho những người say xe bởi vì trong quá trình di chuyển dễ bị xóc nhất gây ra buồn nôn, đặc biệt ở những ghế ngồi trên phần bánh xe. Vì vậy, cần lựa chọn chỗ ngồi thông thoáng như: các ghế đầu xe gần tài xế hoặc ghế ở giữa thì tình trạng này sẽ giảm bớt tình trạng say xe.
Trường hợp ngồi tàu thuyền thì nên chọn ngồi gần cửa sổ nhất để nhìn thấy cảnh vật xung quanh. Ngồi kế cửa sổ sẽ hướng sự chú ý ra bên ngoài, tạm quên đi tình trạng say xe, giúp giảm cảm giác mệt mỏi, buồn nôn do sóng gây ra. Tìm một chỗ ngồi ở giữa tàu, càng thấp càng tốt để giảm cảm giác chao đảo.
Còn ở trên máy bay, tùy thuộc vào vị trí ghế ngồi mà chuyến đi sẽ đỡ nhàm chán, mệt mỏi hơn. Những chỗ ngồi an toàn, ổn định bao gồm: ở giữa hai cánh của máy bay hoặc gần phía trước máy bay thường. Để hạn chế tiếng ồn, rung lắc trong khi di chuyển, tránh ngồi ở phía sau máy bay.
4. Uống thuốc chống say
Uống thuốc chống say xe cũng là cách để cải thiện tình trạng này nhanh chóng, hiệu quả. Các loại thuốc say xe phổ biến gồm:
-
Scopolamine: thuốc phổ biến nhất cho người say xe. Nên uống trước một khoảng thời gian trước khi lên xe. Trẻ em, bà bầu hoặc người đang cho con bú, người có vấn đề về gan, thận, tăng nhãn áp hoặc các vấn đề sức khỏe, người lớn tuổi nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng phòng tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Ngoài ra, có dạng miếng dán sau tai để chống say xe, có hiệu quả trong vòng 6–8 tiếng.
-
Promethazin: thuốc uống 2 giờ trước khi lên xe và có công hiệu từ 6 – 12 giờ.
-
Cyclizine: có tác dụng nhanh, chỉ cần uống trước khi di chuyển tầm 30 phút. Tuy nhiên thuốc này chống chỉ định cho trẻ em dưới 6 tuổi.
-
Dimenhydrinat: Có thể uống cách nhau sau mỗi 4 – 8 giờ để phòng ngừa say xe.
-
Meclizine: Thuốc có hiệu quả khi uống 1 giờ trước khi lên xe, chống chỉ định cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Nhìn chung các thuốc chống say xe thường kèm theo tác dụng phụ: gây buồn ngủ, khô miệng. Tuy nhiên các loại thuốc hiện nay không thể điều trị dứt điểm tình trạng này, chỉ có tác dụng giúp cải thiện các triệu chứng say xe. Vì vậy nên tham khảo ý kiến bác sĩ, đọc kỹ phần chống chỉ định trước khi sử dụng thuốc. (4)
5. Đeo khẩu trang
Đeo khẩu trang trong suốt cả chặng đường sẽ làm giảm thiểu các mùi khó chịu ở xung quanh, hạn chế tình trạng buồn nôn đáng kể. Không những vậy chúng còn có chức năng ngăn lại các loại khí thải độc hại làm ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh dễ gây say xe.
6. Nhìn thẳng về phía trước
Ngồi ở vị trí ghế lái phụ sẽ có một ưu điểm nhìn về phía trước theo hướng xe đang di chuyển. Điều này giúp hạn chế sự xáo trộn thông tin giữa mắt và tai trong, từ đó giới hạn nhiễu loạn thông tin tới não, giúp giảm các triệu chứng say xe. (5)
7. Tránh ngồi gần người bị say xe
Tránh ngồi gần những người đang say tàu xe, nghe nói về bệnh say xe hoặc nhìn thấy người khác nôn. Vì đây là những thông tin làm cho não định hướng sai rằng bạn đang say xe, từ đó đưa đến những triệu chứng liên quan đi kèm.
8. Mở cửa sổ nếu được
Việc mở cửa sổ hoặc ra ngoài trời giúp giảm say tàu xe. Không khí trong lành giúp cái thiện đáng kể các triệu chứng say xe. Nếu thời tiết hoặc phương tiện di chuyển không cho phép điều này, sử dụng quạt để gió thổi trực tiếp vào mặt cũng, biện pháp này cũng khá hiệu quả để tránh say xe.
9. Nhắm mắt và ngủ một giấc
Sau khi lên xe nên nhắm mắt, ngủ một giấc trong suốt quá trình từ khi xe chạy cho đến khi kết thúc hành trình để quên đi cảm giác nôn nao khó chịu. Đây là cách chữa say xe khá hiệu quả đối với các trường hợp đã sử dụng thuốc chống say xe.
10. Nhai kẹo cao su
Việc nhai kẹo cao su cũng là một biện pháp khá thông dụng, hiệu quả dùng để chữa say xe. Nhai kẹo cao su có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng say xe như: buồn nôn, chóng mặt, ói mửa vì chúng giúp giảm các luồng thông tin xung đột tới não bộ. Không chỉ kẹo cao su mà các món ăn nhẹ khác cũng làm giảm triệu chứng này: cử động nhai làm phân tán sự chú ý của não bộ giúp giảm say xe.
11. Sử dụng khoai tây
Khoai tây: những thực phẩm tinh bột như gạo, khoai tây, mì dễ chế biến, chứa lượng calo dồi dào là những lựa chọn tốt cho tình trạng buồn nôn.
Có nhiều các để chế biến khoai tây như: luộc, hấp, nướng hoặc nghiền với một ít bơ, sữa để bổ sung thêm nguồn calo cho cơ thể, giúp ổn định dạ dày giảm say xe.
12. Chống say xe với vỏ quýt, chanh tươi
Mùi hương của vỏ cam, chanh có tác dụng khử mùi mạnh mẽ. Nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chính gây ra tình trạng say xe bắt nguồn từ xung đột trong nhận thức giác quan. Ví dụ, nếu xe đang chạy nhưng bạn đang đọc sách, nghĩa là tai sẽ nghe thấy chuyển động bên ngoài trong khi đó mắt lại nhận thức rằng ta đang ở một chỗ do quyển sách nằm yên thì sự xung đột giữa các giác quan này sẽ gây cảm giác khó chịu.
Mùi chanh giúp làm phân tán sự mâu thuẫn trong các thông tin đưa về não giúp hạn chế tình trạng say xe. Vì vậy, hương thơm của vỏ cam hoặc chanh tươi giúp giảm cảm giác buồn nôn. Uống nước chanh pha với nước nóng hoặc trà thảo dược, trà gừng cũng có tác dụng tương tự. (6)
13. Giảm say xe với bánh mì
Ăn bánh mì nướng là một cách chữa trị dân gian thường được dùng để ức chế các cơn buồn nôn, giảm thiểu ói mửa. So với ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ thì bánh mì nướng sẽ giúp giảm tình trạng buồn nôn tốt hơn. Bánh mì nướng dễ tiêu hơn so với bánh mì thông thường. Các loại thực phẩm giàu tinh bột như: bánh mì giúp hấp thụ lượng axit dư thừa, giải quyết tình trạng khó chịu ở dạ dày.
14. Thoa dầu gió
Dầu gió có chiết xuất chính từ tinh dầu bạc hà cũng hữu hiệu để chữa buồn nôn. Chúng giúp cho dạ dày không co thắt quá mức dẫn đến tình trạng khó tiêu, ợ hơi, chướng bụng, giúp cải thiện các triệu chứng say xe, làm cho tình trạng sức khỏe nhanh chóng ổn định hơn.
15. Giấm ăn
Giấm ăn như giấm táo có tác dụng giải quyết một số tình trạng như: táo bón, đau họng, một số bệnh khác, cũng cải thiện tình trạng khó chịu, nôn mửa. Giấm táo được biết đến với độ PH trung tính giúp trung hòa axit dịch vị trong dạ dày. Đặc tính kháng khuẩn trong giấm táo sẽ làm dịu dạ dày, cũng có công dụng giải độc.
Để giảm tình trạng buồn nôn, hãy pha 1 muỗng giấm táo với 1 ly nước ấm rồi thưởng thức (có thể thêm mật ong giúp gia tăng hương vị).
Tuy nhiên, vì có nhiều axit nên giấm táo dễ gây kích ứng thực quản nếu như uống trực tiếp hoặc uống quá nhiều. Giấm táo cũng có thể phá hủy men răng. Vì vậy hãy luôn pha loãng giấm táo, uống bằng ống hút để bảo vệ răng.
Lưu ý không nên uống giấm táo khi bụng đói, ngừng sử dụng ngay lập tức nếu rơi vào trạng thái buồn nôn hoặc ói mửa sau khi uống. Các tình trạng bệnh lý như: mức kali thấp hoặc bệnh thân hay đang sử dụng các loại thuốc khác, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. (7)
16. Gừng
Gừng luôn được xem như một phương thuốc thảo dược truyền thống để chữa các bệnh về đường tiêu hóa. Gừng là một phương pháp điều trị buồn nôn, ói mửa hiệu quả, an toàn trong cả thời kỳ mang thai, do các tác nhân bên ngoài khác, giúp ổn định dạ dày. Các hợp chất có trong gừng giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn bằng cách thúc đẩy quá trình làm rỗng dạ dày, giảm cảm giác buồn nôn. Loại gia vị này có đặc tính chống viêm, cải thiện tiêu hóa, đồng thời hỗ trợ giải phóng các hormone điều hòa huyết áp để làm dịu cơ thể. (8)
Gừng được sử dụng để chữa buồn nôn ở nhiều dạng, từ tươi, khô, dạng bột hoặc bào chế dưới dạng thức uống, viên nang hoặc tinh dầu chiết xuất. Một số cách phổ biến nhất để sử dụng gừng gồm:
-
Trà gừng: Lượng trà gừng được khuyến nghị cho say xe là 4 cốc (khoảng 950 mL). Hãy ngâm gừng tươi thái lát trong nước nóng, uống từ từ.
-
Thuốc bổ có chứa gừng (hoặc thực phẩm chức năng): Nhiều loại thuốc hiện nay có thành phần chính như gừng xay. Nên đọc kỹ các thành phần trước khi mua để tránh gặp phải tình trạng thuốc có chứa các chất độn hoặc chất phụ gia không mong muốn.
-
Gừng cô đặc: Gừng kết tinh có thể giúp giảm ốm nghén, buồn nôn, tuy nhiên hàm lượng đường trong các loại thực phẩm này khá cao.
-
Tinh dầu gừng: Hít tinh dầu gừng giúp giảm tình trạng buồn nôn đáng kể.
17. Bấm huyệt massage
Bấm huyệt massage kiểu xoa bóp dựa trên phương pháp châm cứu y học cổ truyền Trung Hoa bằng cách tác dụng lực lên một số huyệt trên cơ thể. Ấn những huyệt này giúp cơ bắp thư giãn, cải thiện lưu lượng máu, giúp giải quyết các cơn buồn nôn hiệu quả.
Bấm vào huyệt: Nội quan nằm phía mặt trong gần cổ tay giúp giảm buồn nôn, ngăn nôn mửa.
Lưu ý không bấm huyệt vào điểm này nếu da bị bong tróc hoặc phồng rộp, có vết thương hở, phát ban, bị mẩn đỏ, sưng, mưng mủ tại hoặc gần huyệt.
18. Không đọc sách báo trên xe
Một người đang đọc sách ở ghế sau ô tô thì đôi mắt sẽ cố định vào quyển sách; tuy nhiên khi xe di chuyển qua những khúc cua hoặc thay đổi vận tốc thì hệ thống dây thần kinh, tai trong của họ lại đón nhận chuyển động. Mắt sẽ truyền thông tin đến não bộ rằng họ đang đứng yên thế nhưng hệ tiền đình lại đưa ra tín hiệu về điều ngược lại khiến triệu chứng say xe càng thêm trở nặng.
Các triệu chứng say xe sẽ thuyên giảm nếu ngừng đọc sách, nhìn ra ngoài cửa sổ. Khi ấy cả mắt, hệ tiền đình đều có tiếng nói chung. Do đó, thông thường người điều khiển phương tiện sẽ ít có khả năng bị say tàu xe nhất, bởi vì không chỉ có cảm giác chính xác từ tai, mắt, các cơ quan xúc giác mà họ còn dự đoán các khúc cua, tăng tốc, giảm tốc, từ đó chủ động hơn trong việc kết nối các chuyển động của bản thân và xe, hạn chế được sự say xe một cách có chủ đích. (9)
19. Trò chuyện với mọi người
Nếu có người thân hay bạn bè đi cùng bạn, bạn hãy nói chuyện để quên đi cảm giác say xe.
20. Đi tàu xe nhiều hơn
Việc đi tàu xe nhiều hơn sẽ giúp cơ thể dần thích nghi với tàu xe. Thường xuyên dùng các phương tiện di chuyển sẽ tạo thành thói quen giúp làm giảm các triệu chứng như: choáng váng, đau đầu, buồn nôn khi đi xe.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với các chuyên gia đầu ngành, đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm sẽ thăm khám, điều trị giúp người bệnh ổn định, phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng. Hệ thống trang thiết bị y tế cao cấp, hiện đại được nhập khẩu từ Châu Âu sẽ giúp đảm bảo quá trình điều trị tại bệnh viện đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Hy vọng thông qua bài viết trên độc giả đã trang bị cho mình thêm kiến thức về những cách chống say xe hiệu quả. Tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng sẽ quyết định có nên đưa người bệnh đến bệnh viện hay không. Nếu người bệnh rơi vào tình trạng chóng mặt, đau đầu, tiếp tục nôn mửa, mất thính lực hoặc đau ngực hãy đi đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm về sau.