19 thay đổi của cơ thể sau khi sinh con

Bài viết được duyệt chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên- Khoa Sản Phụ Khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Khi mang thai, cơ thể bạn thay đổi rất nhiều đề phù hợp với sự phát triển của thai nhi. Và sau khi sinh, cơ thể của bạn sẽ thay đổi một lần nữa như sản dịch, đau lưng và táo bón. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn 19 dấu hiệu của cơ thể thay đổi sau khi sinh con mà bạn có thể gặp phải.

1. Đau nhức cơ thể

Theo các chuyên gia, do rặn đẻ và co thắt của quá trình chuyển dạ nên việc cảm thấy mệt mỏi và đau nhức là điều tự nhiên. Khi tử cung của bạn co hồi trở lại kích thước ban đầu, nhiều phụ nữ cảm thấy đau bụng (hơi giống với đau bụng kinh) và xuất hiện rõ rệt hơn trong thời gian cho con bú. Tuy nhiên, cảm giác khó chịu này sẽ chỉ kéo dài vài ngày và có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau kê đơn hoặc không kê đơn.

2. Sản dịch

Bạn có thể đã nghe nói về dịch tiết âm đạo được gọi là sản dịch, nhưng bạn không ngờ nó lại là máu. Sản dịch có thành phần là máu, chất nhầy và mô lành tính còn sót lại từ tử cung của bạn. Bất kể bạn sinh bằng cách nào (sinh thường hay sinh mổ), lượng kinh có thể nặng hơn trong kỳ kinh của bạn. Sau sinh, bạn không nên sử dụng Tampons, nếu sử dụng tampons có thể khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc gây đau hoặc kích ứng, vì vậy hãy sử dụng bỉm cho người lớn hoặc băng vệ sinh để thay thế.

Tìm hiểu thêm về Bế (tắc) sản dịch sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng

3. Phù sau khi sinh

Khi mang thai, cơ thể bạn sản xuất nhiều máu và các chất lỏng khác khoảng hơn 50% so với bình thường để đáp ứng nhu cầu của em bé đang phát triển. Sự dao động của hormone cũng có thể góp phần gây phù hoặc sưng bàn tay, mặt, mắt cá chân, cổ và các chi. Trên thực tế, chân bạn tăng gấp rưỡi là chuyện bình thường.

Có thể mất vài tuần để tất cả các chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể của bạn. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình này, bạn hãy chọn thực phẩm giàu kali để giúp chống lại tác dụng giữ nước của natri, chẳng hạn như trái cây và rau. Bên cạnh đó, bạn cũng nên uống nhiều hơn tám cốc nước mỗi ngày, đặc biệt nếu bạn đang cho con bú.

phù chân

4. Những thay đổi của cơ thể sau khi sinh ở vú

Vú của bạn có thể sẽ ửng đỏ, sưng tấy, đau và tiết sữa trong một hoặc hai ngày sau khi sinh. Các dấu hiệu này giảm xuống trong khoảng ba đến bốn ngày (hoặc cho đến khi bạn ngừng cho con bú), ngực của bạn có thể sẽ bắt đầu chảy xệ do da bị căng ra. Bạn cũng có thể bị rỉ sữa trong vài tuần, ngay cả khi bạn không cho con bú. Núm vú cũng có thể bị di lệch.

5. Thay đổi ở vùng bụng

Bụng của bạn trải qua nhiều thay đổi khi mang thai hơn bất kỳ bộ phận cơ thể nào khác. Tùy thuộc vào độ tuổi, di truyền và số cân bạn tăng lên dẫn đến tình trạng vết rạn da và da thừa, hoặc “dúm dó” sau sinh. Có thể mất đến sáu tuần để tử cung trở lại kích thước cũ, điều này sẽ làm giảm kích thước vòng bụng của bạn. Nhưng vì da bụng đã bị kéo căng nên có thể sẽ không bao giờ trở lại như ban đầu.

6. Rạn da

Những vết sẹo mỏng xuất hiện trên bụng, hông, ngực hoặc mông thường bắt đầu có màu đỏ và sau đó nhạt đi trong vòng một năm. Việc bạn có bị rạn da hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố di truyền và mức độ tăng cân nhanh trong quá trình mang thai. Thuốc mỡ bôi theo toa như kem tretinoin có thể làm giảm vết rạn da, nhưng chúng không an toàn để sử dụng khi bạn đang cho con bú và chúng hiệu quả nhất khi được sử dụng ngay sau khi sinh con.

7. Giãn tĩnh mạch

Có tới 40% phụ nữ mang thai xuất hiện các mạch máu bị giãn gần bề mặt da, thường là ở bắp chân và đùi. Các yếu tố như di truyền, hormone và áp lực đè lên các tĩnh mạch do tăng cân khi mang thai đều có vai trò nhất định dẫn đến tình trạng này. Giãn tĩnh mạch có thể cải thiện sau khi sinh con, nhưng chúng sẽ không biến mất hoàn toàn trên cơ thể bạn sau sinh.

Giãn tĩnh mạch có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch nông

8. Đau lưng

Trong quá trình mang thai, cơ thể bạn đang dồn thêm sức nặng lên cơ lưng và điều này có thể dẫn đến đau lưng. Ngoài ra, nguyên nhân đau lưng có thể là do sai tư thế khi mang thai. Các triệu chứng của đau lưng sẽ xuất hiện rõ ràng trong sáu tuần đầu sau khi sinh.

9. Tổn thương tầng sinh môn

Phụ nữ sinh thường qua đường âm đạo thường bị rách tầng sinh môn (vùng giữa cửa âm đạo và hậu môn) hoặc bị rạch tầng sinh môn (vết mổ qua đáy chậu), cả hai vết thương này đều cần ít nhất sáu tuần để lành.

10. Vấn đề về đi tiểu

Vào cuối thai kỳ, trọng lượng của em bé sẽ đè lên các cơ sàn chậu có nhiệm vụ hỗ trợ kiểm soát bàng quang. Khi các cơ này bị suy yếu có thể khiến bạn rỉ một chút nước tiểu khi ho, hắt hơi hoặc nâng vật nặng. Các bài tập Kegel, giúp tăng cường cơ vùng chậu là phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa rò rỉ.

11. Đau cổ tay, đau vai và mỏi cánh tay

Nhiều bà mẹ không tập luyện phần thân trên thường xuyên trong thời kỳ mang thai, dẫn đến cơ thể bị nhão và yếu ớt. Ngoài ra, cơ thể bạn sản xuất hormone relaxin với số lượng lớn hơn trong thời kỳ mang thai và điều này có thể làm suy yếu các khớp sau đó. Đau cổ tay, đau vai và mỏi cánh tay đều là các triệu chứng hay gặp của cơ thể bà mẹ sau sinh.

Làm săn chắc và tăng cường sức mạnh các cơ ở cánh tay, lưng và vai có thể giúp giảm căng thẳng cho phần trên của bạn. Sau khi sinh, bạn hãy đợi sáu tuần trước khi bắt đầu tập thể dục trở lại.

Đau cổ tay

12. Tăng cân

Trong khi mang thai, tăng nguồn dinh dưỡng và giảm hoạt động của phụ nữ là những yếu tố góp phần gây tăng cân. Sau đó, lượng mỡ thừa sẽ được phân phối đến những nơi mà phụ nữ thường tăng cân nhất: lưng, hông và đùi. “

Theo các chuyên gia, có thể mất đến một năm để giảm số cân đã tăng trong thai kỳ. Để giảm cân dần dần, các chuyên gia khuyên bạn nên kết hợp tập thể dục và chế độ dinh dưỡng cân bằng. Thực phẩm ít calo, nhiều chất xơ, chẳng hạn như rau quả, thúc đẩy cảm giác no, giúp bạn ăn ít hơn.

13. Đổ mồ hôi ban đêm

Đổ mồ hôi ban đêm` trong những bất tiện diễn ra trong những ngày đầu tiên do trình điều chỉnh nội tiết tố tự nhiên của cơ thể. Sau sinh, cơ thể của bạn vẫn còn rất nhiều chất lỏng do mang thai và đổ mồ hôi là một cách giúp cơ thể thải chất lỏng dư thừa ra ngoài. Mồ hôi sẽ khô sau vài ngày, nhưng trong thời gian bị đổ mồ hôi, hãy mặc quần áo thoáng mát và thấm mồ hôi, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp và đặt tấm khăn lên đệm và gối để giữ cho đệm và gối khô.

14. Vấn đề về đại tiện

Sau khi sinh, bạn có thể mất 2-3 ngày mới có thể đi đại tiện. Cơ bụng suy yếu, ruột bị chấn thương sau sinh hoặc sử dụng thuốc giảm đau có chất gây tê có thể là nguyên nhân dẫn đến đi đại tiện muộn. Nhiều bà mẹ cũng lo lắng việc đứng dậy đi vệ sinh có thể làm rách vết khâu, vì vậy bà mẹ thường hạn chế đi lại, tuy nhiên, làm như vậy sẽ khiến tình trạng táo bón có thể diễn ra và nặng hơn.

Để giúp bà mẹ dễ đi đại tiện hơn, hãy uống ít nhất tám cốc nước mỗi ngày cùng với nhiều trái cây giàu chất xơ, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Cố gắng đừng lo lắng về những mũi khâu đó do hiếm khi vết mổ bị rách và việc cưỡng lại nhu cầu đi đại tiện thể khiến bạn bị táo bón. Đi bộ xung quanh nhà cũng sẽ hữu ích. Chỉ cần hạn chế bất kỳ hoạt động gắng sức nào, đặc biệt là nếu bạn sinh mổ.

15. Rụng tóc sau sinh

Có tới 10% phụ nữ bị rụng tóc sau khi mang thai và nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do giảm lượng hormone trong cơ thể. Trên thực tế, tóc thường dày lên khi mang thai và trong những tháng sau khi sinh, phụ nữ chỉ rụng tóc thừa, mọi thứ sẽ trở lại bình thường sau ba tháng hoặc lâu hơn. Nhưng sau khoảng thời gian này, nếu bạn vẫn rụng tóc nhiều thì hãy đi khám, do đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tuyến giáp.

16. Nám da

Khoảng 70% bà mẹ sẽ xuất hiện nám da trong quá trình mang thai. Sự dao động của nội tiết tố gây ra những mảng sậm màu trên trán, má và môi trên thường mờ đi sau khi sinh nhưng không biến mất hoàn toàn. Kem tẩy trắng theo toa, steroid và tretinoin (thành phần chính trong Retin-A) hoạt động đơn lẻ hoặc kết hợp có thể hiệu quả giúp làm mờ các vết nám. Nhiều bệnh nhân thấy cải thiện trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, những loại kem này có thể gây mẩn đỏ, bong tróc và khô tạm thời; bạn không nên sử dụng các sản phẩm này khi đang cho con bú hoặc mang thai.

Nám da

17. Mụn

Mặc dù làn da của bạn thường tự hết mụn sau lần khám sau 6 tuần, nhưng bạn có thể đẩy nhanh thời gian hồi phục bằng cách sử dụng kem trị mụn không kê đơn có chứa axit salicylic. Nhưng hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi sử dụng nếu bạn đang cho con bú, vì ngay cả thuốc bôi ngoài da cũng có thể đi vào sữa mẹ. Để an toàn tuyệt đối, hãy cân nhắc sử dụng phương pháp tự nhiên.

18. Về mặt năng lượng sống sau sinh

Một số bà mẹ mới sinh nói rằng họ cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn bao giờ hết so với trước khi mang thai. Trên thực tế, khả năng tập aerobic của phụ nữ có thể tăng tới 20% trong sáu tuần đầu sau sinh. Những phụ nữ khác lại cho rằng họ bị kiệt sức khi sinh con, chăm sóc trẻ sơ sinh và trọng lượng cơ thể dư thừa khiến cơ thể sau sinh của họ cảm thấy uể oải và thất thường.

19. Nguy cơ trầm cảm

Theo các chuyên gia, do sự thay đổi hormone kết hợp với những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà phụ nữ sau sinh trải qua, nên có thể khiến bạn trở nên lo lắng hoặc gặp ác mộng. Miễn là lo lắng không ảnh hưởng đến việc chăm sóc em bé của bạn, các bác sĩ thường khuyên bạn nên đợi cho triệu chứng này tự giảm bớt thay vì chuyển sang dùng thuốc. Bạn nên thảo luận sớm với bác sĩ về tình trạng lo lắng có thể tăng lên dẫn đến các cơn hoảng loạn (hoặc cảm giác tuyệt vọng hoặc hoàn toàn bị choáng ngợp). Đây có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh và cần điều trị bằng thuốc.

20. Sẹo mổ

Mặc dù hầu hết các vết sẹo mổ sẽ mờ dần thành một đường mảnh như nét bút chì trong một hoặc hai năm, tuy nhiên chúng không bao giờ hoàn toàn biến mất. Do đó, bạn có thể xin ý kiến của bác sĩ về một số phương pháp để làm mờ vết sẹo mổ này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: parents.com; nhs.uk; emmasdiary.co.uk