17 tuổi khởi nghiệp với cây kèn đồ chơi, biến 100 USD thành “Disney của Trung Quốc” trị giá 4,1 tỷ USD, là ông trùm đứng sau “Cừu vui vẻ và Sói xám”
Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan hay Warrren Buffett và Bill Gates đều đã tuyên bố trao phần lớn khối tài sản khổng lồ đang sở hữu cho các dự án thiện nguyện. Còn Charles Francis Feeney – “Jame Bond của giới từ thiện”, khi được hỏi vì sao lại cho đi tất cả 8 tỷ USD tài sản, ông nhẹ nhàng nói: “Bởi vì tấm vải che tử thi không có túi!”
Đối với nhiều triệu phú hay tỷ phú, cuộc sống không chỉ đơn thuần là làm giàu cho bản thân mà còn là trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Tiếp nối Series bài viết Những người hùng từ thiện, chúng tôi xin gửi tới độc giả câu chuyện thành công của tỷ phú đứng sau “Disney của Trung Quốc”, Cai Dongqing.
17 tuổi khởi nghiệp với 800 nhân dân tệ
Cai Dongqing sinh năm 1969 tại Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Là con của một gia đình nghèo, Cai không có cơ hội học trung học mà phải đi làm thuê tại một nhà máy.
Năm 17 tuổi, chàng trai trẻ mượn 800 nhân dân tệ (khoảng 112 USD theo tỷ giá hiện tại) từ mẹ để khởi nghiệp. Cai bắt tay cùng người anh em họ, mở một công ty sản xuất đồ chơi nhựa rẻ tiền. Tuy nhiên, doanh số thấp, hết vốn, công ty đã mau chóng thất bại.
Cai Dongqing.
Cai Dongqing quay trở lại nhà máy làm việc, chờ đợi cơ hội thứ hai. Lần nọ, ông chủ của anh mang về một chiếc kèn đồ chơi và hỏi anh liệu có thể làm lại y hệt không. Cai đã làm được. Không những thế, mặt hàng này còn trở thành cơn sốt, giúp công ty thu về được doanh số ấn tượng.
Đó cũng là lúc chàng trai nhận ra thời cơ đã đến. Anh mua thêm năm khuôn, năm máy ép phun và bắt đầu nhà máy sản xuất kèn nhựa của mình. Lần này khả quan hơn, sau vài năm, Cai đã hoàn vốn ban đầu.
Bước ngoặt đến vào năm 1992, khi Cai đến Hong Kong công tác. Anh tình cờ nhìn thấy chiếc xe đồ chơi bốn bánh 4WD do Nhật Bản sản xuất và tin tưởng thị trường này sẽ còn phát triển lạc quan hơn.
Trong hai năm sau đó, công ty tập trung vào bắt chước hệ thống dẫn động bốn bánh. Do trình độ sản xuất thủ công ở Sán Đầu lúc ấy tương đối thấp, Cai tìm đến các nhà máy ở Thâm Quyến để sản xuất bánh răng.
Một mũi tên trúng hai đích
Năm 1994, chiếc xe đồ chơi bốn bánh chính thức được đưa vào thị trường. Tình hình kinh doanh ban đầu không khả quan, buộc Cai phải nghĩ cách quảng cáo cho sản phẩm.
Anh hợp tác với Đài truyền hình Quảng Đông để tổ chức giải đấu 4WD mini dành cho trẻ em, doanh số bán hàng đã tăng đáng kể. Đồng thời, chàng trai 25 tuổi đầu tư 800.000 nhân dân tệ để thành lập Alpha Toy. Vào thời điểm đó, sản phẩm của công ty vẫn chưa thoát kiếp “sao chép”.
Năm 1996, cuộc thi lại được khởi động, lần này Alpha Toy hợp tác với Tổng cục Thể thao Nhà nước. Sự kiện này thậm chí đã trở thành “Cup Audi” toàn quốc, thu hút hơn 600.000 trẻ em từ khắp 28 thành phố tham gia. Chưa hết, anh còn mua lại bản quyền bộ phim hoạt hình Nhật Bản về đua xe 4 bánh rồi phát sóng trên TV và hoàn toàn chinh phục được các khán giả nhí ở quê nhà.
Nhờ đó, chiếc xe đồ chơi của Alpha phổ biến rộng rãi và được quảng bá trên toàn quốc. Cai cũng bắt đầu kết hợp thêm giải trí hoạt hình và mang đến nhiều loạt phim hoạt hình cũng như đồ chơi có thương hiệu từ Nhật Bản về nước.
Alpha Entertainment bắt đầu sản xuất các phim hoạt hình nhượng quyền nổi tiếng từ Nhật Bản.
Năm 2004, do không có sản phẩm mới nào được ra mắt, hiệu suất của công ty rơi vào mức thấp nhất chưa từng có. Đến tháng 8, Cai đổi tên công ty Alpha Entertainment, chính thức lấn sân sang thị trường phim hoạt hình. Bộ phim hoạt hình nhượng quyền đầu tiên được đã được ra mắt vào hai năm sau đó.
Vẫn là chiến lược “một mũi tên trúng hai đích”. Bộ phim nói về cuộc phiêu lưu của những người trẻ tuổi chơi yoyo, một loại đồ chơi mà công ty nhập khẩu từ Nhật Bản. Giống như tại Việt Nam, yoyo đã tạo nên cơn sốt và đưa hoạt động kinh doanh của Alpha cất cánh.
Trò chơi Yoyo hẳn vẫn còn trong ký ức những thế hệ 8x,9x.
Alpha Entertainment cũng chính là cái tên đứng sau hàng loạt bộ phim hoạt hình nhượng quyền thương mại đình đám, làm mưa làm gió ở nhiều quốc gia, nổi bật như “Cừu vui vẻ và Sói xám”.
Công ty đã thực hiện 7 bộ phim, hơn 1.300 tập về cuộc phiêu lưu của những chú cừu và sói, mang về doanh thu phòng vé 800 triệu nhân dân tệ (129 triệu USD), trở thành phim hoạt hình được phát sóng nhiều nhất tại Trung Quốc trong thập kỷ, kể từ khi ra mắt năm 2005.
“Cừu vui vẻ và Sói xám” cũng được công ty mang tới Hollywood cùng 13 quốc gia khu vực châu Á.
“Cừu vui vẻ và Sói xám” cũng là một bộ phim hoạt hình quen thuộc với nhiều khán giả Việt Nam.
Hoạt động kinh doanh mở rộng, doanh thu của công ty đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm xuất bản sách, truyện, sản xuất đồ chơi và cấp phép bản quyền nhân vật đến phòng vé hay truyền hình.
“Disney của Trung Quốc”
Năm 2009, Alpha niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến và được định giá dưới 5 tỷ nhân dân tệ (803 triệu USD) vào thời điểm đó.
Năm 2012, Alpha mua lại 70% cổ phần của Creative Power Entertaining, từng sở hữu bởi Huang Wei-ming, cha đẻ của “Cừu vui vẻ và Sói xám”. Năm 2015, Cai tiếp tục thâu tóm, mua lại 100% Beijing Siyue Xinkong Network Technology, một trang web kinh doanh hoạt hình trong nước.
Alpha cũng mua lại 60% cổ phần, nhận quyền phát sóng 30 năm Jiajia TV.
Năm 2016, công ty một lần nữa đổi tên thành Alpha Group, được coi như biểu tượng “Disney của Trung Quốc”. Theo Forbes, công ty hiện đạt giá trị thị trường 4,1 tỷ USD. Trong khi đó, Cai đang sở hữu khối tài sản lên tới 1,2 tỷ USD.
Hoạt động từ thiện
Cai Dongqing còn được biết đến như một nhà từ thiện hào phóng với khoản đóng góp trọn đời trị giá hơn 1,6 triệu USD. Ông chủ yếu hỗ trợ giáo dục, cứu trợ thiên tai và các vấn nạn xã hội.
Bên cạnh đó, Cai cùng hai người anh em Cai Xiaodong (Phó Chủ tịch) và Cai Lidong (Cựu phó GM) đã tặng 14 triệu USD vào tháng 11 năm 2017 để cải tạo một khu công nghiệp cũ ở quê nhà Sán Đầu, Quảng Đông thành một công viên công cộng có diện tích 60.000 mét vuông.
Theo Trí Thức Trẻ