#17 Review Kinh tế học hài hước và Siêu kinh tế học hài hước – Hai quyển sách không đơn thuần về kinh tế – Levitt và Dubner – Nhà Của Di

Mình nhận thấy quỹ thời gian của chúng ta khá eo hẹp, đến nỗi nhiều khi mỗi ngày chỉ có khoảng 30 phút để đọc sách. Vậy nên không thể nào mình lại quên giới thiệu với mọi người những tác phẩm không đòi hỏi sự liên tục và cam kết nhớ chi tiết từng nhân vật để theo đến trang cuối cùng.

Đối với hai quyển sau đây, bạn có thể đọc bất kỳ câu chuyện nào, từ dưới lên trên hay từ trên xuống dưới gì cũng được.

hai lý do để mình nhắc đến bộ hai quyển này không hề liên quan đến nhau. 

Một là mình đang muốn viết về chủ đề kinh tế. Ngoài lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tức là mảng kinh tế học liên quan đến những vấn đề như lạm phát, suy thoái và các cú sốc tài chính. Chúng ta còn có một mảng khác mang tên là kinh tế vi mô. Mục tiêu của nó là hiểu được những lựa chọn của từng cá nhân, không chỉ ở phương diện họ mua cái gì mà cả số lần họ rửa tay và liệu họ có khả năng trở thành những tên khủng bố hay không. Và theo mình thì lĩnh vực này liên quan chặt chẽ đến đời sống và khá là thú vị với mình.

Hai là do gần đây, mình xem bộ phim Peaky Blinders trên Netflix, trong đó có nhân vật nhà báo mang tên Levitt. Mình chợt nhớ ngay đến tác giả Levitt của quyển sách này. Thế là bài viết hôm nay ra đời, nói về Kinh tế học hài hướcSiêu kinh tế học hài hước của Levitt và Dubner.

nhacuadi, sieu kinh te hoc hai huoc, kinh te hoc hai huoc, levitt, dubnernhacuadi, sieu kinh te hoc hai huoc, kinh te hoc hai huoc, levitt, dubnerMình không mua sách mà đọc 2 quyển này trên Kindle

Levitt tốt nghiệp Đại học Harvard, được mệnh danh là “nhà kinh tế học trẻ tuổi xuất chúng nhất ở Mỹ” và anh hay đặt những câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” về thế giới xung quanh. Nhưng khác với mọi người, Levitt tò mò về những điều rất “quái” và ngộ nghĩnh.

Chẳng hạn như ở quyển Kinh tế học hài hước, Levitt sẽ dùng những công cụ kinh tế và phương pháp luận để trả lời các thắc mắc về sự sụt giảm bất ngờ của tỉ lệ tội phạm ở New York, về thế giới của những tay buôn ma tuý và mối liên hệ giữa cái tên và số phận của đứa trẻ khi trưởng thành.

Đến Siêu kinh tế học hài hước, các nội dung chính xoay quanh việc Tại sao một cô gái đứng đường lại giống Ông già Noel trong cửa hàng bách hoá?, Vì sao những kẻ đánh bom liều chết nên mua bảo hiểm nhân thọ?, Những câu chuyện khó tin về sự vô cảm và lòng vị tha, v.v. Cách tiếp cận vẫn y như quyển đầu tiên, nhưng chủ đề thú vị hơn và mang đến nhiều sự bất ngờ hơn. 

Chưa kể, điều làm nên một quyển sách hay nằm ở cách viết của tác giả. Levitt và Dubner có cách dẫn dắt rất lôi cuốn, kể câu chuyện một cách rất tự nhiên như thế đang buông lơi vài câu bông đùa. Cũng chính vì vậy mà chủ đề kinh tế được cho là khô khan mới tiếp cận được với nhiều độc giả hơn.

Một điều mà mình học được gần đây là nếu những quyển sách đến được tay của đại đa số người đọc thì nó sẽ bao gồm câu chữ thật chuẩn xác nhưng cũng phải thật đơn giản và gần gũi. Vì nếu như câu từ quá phức tạp đến nỗi những người có chuyên môn mới hiểu được, thì một là họ không cần đọc nữa, hai là nó nên nằm trong tài liệu giảng dạy mà thôi.

Cá nhân mình yêu thích quyển thứ hai, Siêu kinh tế học hài hước hơn quyển đầu tiên. Phần vì những chủ đề có vẻ gần gũi hơn, phần vì đoạn tác giả tâm sự về việc xuất bản quyển đầu tiên rất chân thật. Levitt trình bày hai vấn đề. 

Một là ban biên tập đã chê những câu chuyện không theo một chủ đề thống nhất và tên sách thì quá dở (Freakonomics). Nhưng vì họ đã quá mệt nên quyết định giữ nguyên từ nội dung đến tên sách. Đến quyển thứ hai, những người trong ban biên tập thậm chí còn không chớp mắt khi tác giả đề xuất tên gọi là Siêu kinh tế học hài hước (Superfreakonomics). Mình đã không thể nhịn cười khi đọc đến đoạn này,

Hai là việc ba của Levitt nghĩ rằng nếu ai đó bỏ tiền mua quyển sách này thì hẳn là họ đã bị mất trí. Thế nên Levitt và Dubner rất thoải mái trong việc lựa chọn chủ đề và được giải phóng để viết về bất kỳ điều gì. Vậy mà sách lại trở thành một hiện tượng.

Ở quyển hai, có một câu hỏi rất thú vị được đặt ra: Sau bữa tiệc ở nhà một người bạn cách bạn 1 dặm, bạn nên lái xe hay đi bộ về nhà? 

Chúng ta hiểu rằng lái xe khi say rượu là cực kỳ nguy hiểm nhưng còn đi bộ khi say xỉn thì sao? Đọc những phân tích trong sách, thì một người đi bộ say xỉn có nguy cơ bị thiệt mạng nhiều gấp 8 lần so với người lái xe bị say xỉn. Thêm nữa, người đi bộ sẽ gây hại đến chính anh ta, điều này ngược lại với người lái xe. Dẫn đến việc tỷ lệ thương vong do người đi bộ say rượu nhiều gấp 5 lần so với người lái xe say rượu tính tên tỷ lệ trung bình dặm đường. Cụ thể thế nào mọi người có thể tìm đọc trong sách.

Bên cạnh những quyển tiểu thuyết hoặc các thể loại self-help, những dạng sách kinh tế không chú trọng tính toán thế này sẽ dễ đọc hơn mà vẫn cung cấp thêm nhiều góc nhìn mới cho độc giả.

Một vài cuốn sách cũng phân tích những vấn đề xã hội bằng khía cạnh toán học mà mình cũng khá là thích là Khả năng gặp được nửa hoàn hảo của mình là bao nhiêu? và quyển Mua vé số vào ngày nào thì dễ trúng? Trong này, tác giả trình bày những phép tính và những bài toán hồi học phổ thông, sau đó khái quát thành những vấn đề lớn hơn trong xã hội. Đọc sách xong, việc học Toán sẽ trở nên có ý nghĩa hơn vì nó không đơn thuần là lý thuyết mà người học không biết vận dụng thế nào nữa.

Chủ đề hôm nay tuy có vẻ phức tạp nhưng lại rất dễ tiếp cận. Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.