Áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc là một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu với tội phạm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là đối với các đối tượng càn quấy, thường xuyên vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước năm 2014, công tác đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc được thực hiện theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính do lực lượng công an thường trực Hội đồng tư vấn, giúp Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh thực hiện công tác này. Từ ngày 01/01/2014, công tác đưa người vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, quy trình lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc được nhiều cơ quan phối hợp thực hiện và Tòa án nhân dân cấp huyện là cơ quan ra quyết định. Theo số liệu thống kê hàng năm: khi áp dụng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính giai đoạn 2011-2013 trên địa bàn tỉnh đã đưa vào trường giáo dưỡng: 50 trường hợp, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: 191 trường hợp. Sau khi áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì số lượng người đủ điều kiện để áp dụng 02 biện pháp này đã giảm rõ rệt, giai đoạn 2014-2016 trên địa bàn tỉnh đưa vào trường giáo dưỡng: 15 trường hợp, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: 32 trường hợp. Thực tế, các đối tượng vi phạm thuộc diện phải bị áp dụng hai biện pháp này có xu hướng tăng cao, các đối tượng bị lập hồ đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhiều nhưng khi vận dụng các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành để áp dụng thì có nhiều vướng mắc, bất cập, không thống nhất. Cụ thể:
Tại điều 90, 92, 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là đối tượng có “02 lần trở lên trong 06 tháng” có hành vi vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính. Khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định đối tượng có “đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm đó trong 06 tháng”; Điểm c, đ khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016) quy định đối tượng “trong thời hạn 06 tháng đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi…”. Tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 48/2014/TT-BCA đã nói rõ: “trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày người đó thực hiện một trong những hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm c, đ khoản 2 điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đến lần thứ hai, nếu tiếp tục có hành vi vi phạm hành chính từ lần thứ ba trở đi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì không ra quyết định xử phạt hành chính tại lần vi phạm này mà lập biên bản vi phạm và lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”. Tại điểm b, khoản 2, điều 6 Thông tư 19/2015/TT-BTP ngày 28/12/2015 của Bộ Tư pháp và khoản 1, 2 điều 5, Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24/12/2015 của Hội đồng thẩm phán đều yêu cầu: “02 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và biên bản vi phạm hành chính (lần thứ 3 trong 6 tháng)”.
Hơn nữa, cách hiểu và áp dụng quy định “02 lần trở lên trong 06 tháng” chưa thống nhất ở các nội dung như: đối tượng vi phạm lần thứ hai hay phải vi phạm lần thứ ba mới đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính? Hành vi vi phạm hành chính tại các lần vi phạm có nhất thiết phải có sự trùng lặp không? tại lần vi phạm cuối cùng để xem xét, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không hay chỉ lập biên bản hành chính?…
Mặt khác, trong Bộ Luật hình sự quy định một số hành vi vi phạm về an ninh trật tự (trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…) nếu đã bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị dịnh số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ mà còn tái phạm thì phải xử lý về hình sự. Như vậy, nếu áp dụng máy móc quy định này sẽ không có nguồn để lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Như vậy, việc quy định tăng số lần vi phạm (03 lần) bị xử lý vi phạm hành chính để làm cơ sở lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc đang là một bất cập lớn, làm hạn chế số đối tượng bị áp dụng cũng như ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn./.
Chu Thị Hương