Thông tư quy định về việc áp dụng hình thức, thủ tục, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC); thu, quản lý, sử dụng tiền phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình và các lĩnh vực liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thuộc thẩm quyền xử phạt VPHC của lực lượng CAND.
Theo dự thảo Thông tư, các chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC trong CAND thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý VPHC năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020), các Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, thực hiện theo quy định tại Thông tư này là Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội gồm: Trưởng phòng Bảo vệ nội bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước Trung ương; Trưởng phòng An ninh các cơ quan tư pháp, xây dựng pháp luật, tổ chức chính trị – xã hội Trung ương; Trưởng phòng An ninh báo chí, xuất bản; Trưởng phòng An ninh y tế, giáo dục, khoa học xã hội, khoa học công nghệ; Trưởng phòng An ninh văn hóa, thể thao và lao động xã hội; Trưởng phòng An ninh bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; Trưởng phòng Quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước.
Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội gồm: Trưởng phòng Hướng dẫn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; Trưởng phòng Hướng dẫn, quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và con dấu; Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội gồm: Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; Trưởng phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện; Trưởng phòng Hướng dẫn điều khiển giao thông và dẫn đoàn; Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; Trưởng phòng Hướng dẫn và tổ chức bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa; Thủy đoàn trưởng.
Lực lượng Cảnh sát giao thông – trật tự xử phạt VPHC các đối tượng vi phạm quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ. (Ảnh minh hoạ)
Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội gồm: Trưởng phòng Tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng Công tác phòng cháy; Trưởng phòng Thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; Trưởng phòng Công tác chữa cháy; Trưởng phòng Công tác cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ và kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội gồm: Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự xã hội; Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm khác sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng An ninh thông tin mạng, Trưởng phòng Bảo vệ an ninh hệ thống mạng thông tin quốc gia; Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia.
Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội gồm: Trưởng phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài; Trưởng phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Trưởng phòng Chống xuất nhập cảnh trái phép và xử lý vi phạm về xuất nhập cảnh.
Thủ trưởng trực tiếp của chiến sĩ CAND là người được giao phụ trách các đội, thủy đội, đại đội, nhóm, tổ được thủ trưởng đơn vị Công an từ cấp phòng, cấp huyện, cấp đồn, trạm và tương đương trở lên giao nhiệm vụ công tác thường xuyên, đột xuất.
Về áp dụng hình thức xử phạt VPHC, dự thảo Thông tư quy định, khi quyết định hình thức xử phạt tiền, người có thẩm quyền phải căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) để quyết định mức tiền phạt cho phù hợp.
Trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật thì thực hiện như sau: Nếu là vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ thì nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt vi phạm.
Nếu vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp, có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm nhiều lần, tái phạm, thì báo cáo ngay lãnh đạo đơn vị xin ý kiến giải quyết.
Trường hợp không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều này mà có hành vi vi phạm, thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với vụ việc VPHC phức tạp, nghiêm trọng, xét thấy có dấu hiệu của tội phạm thì đơn vị tiếp nhận, thụ lý vụ việc phải chủ động trao đổi với CQĐT có thẩm quyền để thống nhất hướng xử lý vi phạm.