Nắm được các sự kiện chính trong mỗi tác phẩm sẽ giúp các bạn dẽ dàng tiếp cận và phân tích tác phẩm. Bởi đó là các sự kiện có liên quan trực tiếp đến sự thay đổi nhân cách, cuộc đời cũng như bi kịch xoay quanh nhân vật. Bài viết này sẽ liệt kê và phân tích các sự kiện trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, nhằm giúp các bạn nắm rõ nguyên nhân hình thành và những bi kịch chính trong cuộc đời Chí.

        Trong mỗi tác phẩm, chất liệu cơ bản, đơn vị cơ bản để tạo thành một cốt truyện chính là các sự kiện – đó là những việc có tác động và ảnh hưởng đáng kể đến số phận và tính cách của nhân vật. Những sự kiện lớn có thể tạo thành những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhân vật, thường được gọi là các biến cố.

        Đối với thể loại truyện, điểm hấp dẫn và cũng rất khó trong xử lý nghệ thuật chính là những bước rẽ ngoặt bất ngờ của số phận nhân vật. Ở đó, nhà văn phải chuẩn bị “thế năng” cần thiết để cho những đột biến kia diễn ra như một tất yếu. Những điểm “gấp khúc” trong cuộc đời Chí Phèo thực sự là những thử thách rất lớn đối với khả năng sáng tạo của Nam Cao. Và ông đã cho cuộc đời Chí trải qua ba sự kiện vô cùng to lớn, để từ đó nảy sinh bao vấn đề của truyện. Thứ nhất: Đó là sự kiện Chí Phèo đi tù – từ một con người hiền lành, lương thiện, bị đẩy vào tù một cách vô cớ, trở thành kẻ hung hãn. Thứ hai: Chí Phèo gặp Thị Nở trong đêm trăng bên bờ sông – từ một kẻ tha hoá, điên dại, bỗng hắn được thức tỉnh và cất tiếng kêu đòi được sống lương thiện. Thứ ba: Chí Phèo bị Thị Nở ruồng bỏ – đây là sự kiện đẩy Chí vào cái chết đau đớn để kết thúc cuộc đời đầy rẫy những bi kịch của Chí.

           Ở sự kiện thứ nhất, được đánh dấu bằng hình ảnh nhà tù thực dân tàn ác, đã biến Chí Phèo từ một kẻ hiền lành, lương thiện thành một tên quỷ dữ mà cả làng Vũ Đại không ai dám tới gần. Nhà văn đã đưa ra hai hình tượng Năm Thọ và Binh Chức – những nhân vật phụ không trực tiếp tham gia vào diễn biến câu chuyện – để làm sáng tỏ nhiều điều. Trong lời kể nhẩn nha, những nhân vật này như tiện thể được nhắc đến, nhưng thực chất, vai trò giải thích, cắt nghĩa của chúng đã được phát huy tối đa. Nếu như nhân vật Năm Thọ ngầm lý giải đầy đủ cho cái nguyên cớ Chí Phèo bị đẩy vào tù (cái nguyên cớ vốn rất mù mờ trong con mắt người dân làng Vũ Đại), thì nhân vật Binh Chức lại rọi sáng cái quá trình biến chất của Chí Phèo. Nhờ sự xuất hiện của những nhân vật ngoài cốt truyện ấy mà tính tất yếu trong mọi biến cố của số phận nhân vật chính được bộc lộ sắc nét, rõ ràng hơn.

          Ở sự kiện thứ hai, mở đầu từ tình huống gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở – một tình huống có tính quyết định cho sự đột biến, thức tỉnh của Chí. Về phía Thị Nở, khác với mọi người dân làng Vũ Đại, chưa bao giờ Thị sợ hãi và xa lánh Chí Phèo. Mặc cho Chí là người thế nào, Thị Nở vẫn đi qua vườn nhà Chí Phèo ra sông lấy nước. Thậm chí có lúc thị còn vào nhà Chí Phèo xin rọi lửa, xin rượu bóp chân. Chuyện người dân Vũ Đại kinh sợ Chí Phèo là điều thị không hiểu nổi. Và cái cảnh Thị ngủ ở vườn chuối bờ sông hẳn cũng không phải chỉ có một lần. Vậy nên, việc Chí Phèo gặp Thị Nở như tình trạng như Nam Cao miêu tả trong tác phẩm chỉ là vấn đề thời điểm. Những gì phải xảy ra tất yếu đã xảy ra.

        Phía Chí Phèo, ta biết rằng Chí chưa bao giờ ý thức về cái xấu “ma chê quỷ hờn” của Thị Nở, cũng như chưa hề bận tâm về sự ngẩn ngơ và cái dòng mả hủi của người đàn bà ấy. Là một nhà văn hiện thực chủ nghĩa nghiêm ngặt, Nam Cao hiểu rằng ước muốn trở về với cuộc sống lương thiện của Chí Phèo là điều không hề đơn giản (xét ở góc độ xử lý nghệ thuật). Làm sao để một kẻ đã mất hết nhân tính, chỉ quen đập phá và cắn xé điên dại bật ra được tiếng kêu đòi trở về với cuộc sống hiền lành như những người bình thường? Khát vọng đó nếu có thì nhất định phải diễn ra theo một quá trình hợp lý và phải là kết quả của những tác nhân hết sức đặc biệt nào đó. Hành động cưỡng đoạt Thị Nở của Chí Phèo được miêu tả như là tác nhân kiểu ấy. Những diễn biến trong nội tâm của Chí Phèo vào cái buổi sáng sau đêm gặp Thị Nở là toàn bộ hệ quả của “cơn địa chấn” kia. Ở đó, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm chìm trong những cơn say triền miên, các giác quan của Chí Phèo dần dần hồi tỉnh để đánh thức những xúc cảm bị vùi quên từ rất lâu. Lần đầu tiên hắn biết ao ước, biết suy nghĩ về những dự định ngày xưa của hắn. Tuy nhiên, để dẫn đến nỗi khát thèm lương thiện ở Chí Phèo, cần phải có thêm chất xúc tác. Bát cháo hành của Thị Nở chính là chất xúc tác quan trọng đó. Bát cháo hành còn buộc Chí Phèo tự đối diện nghiêm khắc với những hành động cướp giật thường xuyên để có cái mà ăn – một kiểu ăn không khác gì thú vật. Rồi bất giác, Chí so sánh cử chỉ săn sóc của Thị Nở với hành vi dâm đãng của vợ ba Bá Kiến ngày nào. Tất cả những điều đó khiến tâm trạng Chí Phèo xáo trộn dữ dội. Cái thiện căn bị chèn lấp bởi bao nhiêu thứ giờ đây đã bật dậy vẹn nguyên: “Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi, sao mà hắn hiền… Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao!” Có phải anh canh điền Chí Phèo lành như đất của tuổi hai mươi lại hiện diện trong cái hình hài vốn đã thay đổi đáng sợ? Anh ta đang cất tiếng kêu tha thiết đòi được sống kiếp sống đích thực của con người. và chính Thị Nở đã là cái cầu nối, đưa Chí Phèo đến gần hơn với phần NGƯỜI, đưa hắn đến cái khát vọng muốn làm người lương thiện.

          Ở sự kiện thứ ba, Nam Cao đã cho con đường trở lại làm người vừa mở ra trước mắt Chí Phèo bị chặn đứng lại. Mà bà cô Thị Nở chính là rào cản ngăn cách Thị Nở đến với Chí, cũng chính là người đã cắt đứt chiếc cầu nối kéo Chí trở về với người dân làng Vũ Đại, trở về với đời sống lương thiện của một con người. Thị Nở là người đã chìa tay kéo anh thoát ra khỏi hình hài của một con quỷ dữ, nhưng rồi chính Thị đã buông tay cho Chí Phèo trở về với tuyệt vọng. Thế là Chí Phèo bị rơi vào một bi kịch tâm hồn đau đớn, bi kịch của con người không được nhận làm người. Ngay trong phút giây tuyệt vọng đó, anh xách dao  đến nhà Bá Kiến, không chỉ vì say mà chủ yếu vì lòng căm thù vẫn âm ỉ lâu nay trong đầu óc u tối của anh giờ đây đã bừng lên. Những lời lẽ cuối cùng của Chí Phèo bộc lộ tất cả bi kịch nội tâm đau đớn đó : “Tao muốn làm người lương thiện (…) Không được ! Ai cho tao lương thiện ? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là ngườI lương thiện được nữa. Biết không !”. Sau khi đâm chết Bá Kiến, Chí Phèo chỉ còn một cách là tự sát. Thế là trước đây, để bám lấy sự sống, Chí Phèo đã từ bỏ nhân phẩm, bán linh hồn cho quỷ; giờ đây ý thức về nhân phẩm thức dậy, linh hồn đã trở về, Chí Phèo lại phải tự huỷ diệt cuộc sống của mình.

          Cuộc đời Chí Phèo là một chuỗi dài các bi kịch, nhưng suy cho cùng thì tất cả đều được mở đầu bởi hai sự kiện lớn để từ đó làm thay đổi cuộc đời Chí, thay đổi nhân cách Chí. Nó đưa đẩy số phận Chí và mang đến cho Chí cái chết – giải pháp cuối cùng cho cuộc đời không lối thoát của anh. Tóm lại, các sự kiện lớn là một điều tất yếu không thể thiếu trong nghệ thuật xây dựng và phát triển cốt truyện của nhà văn. Bởi từ đó, mới có điều kiện mở ra bao thay đổi đột ngột cho số phận của nhân vật trong truyện.

Mod Van