KỸ NĂNG XÂY DỰNG PHÁT BIỂU CỦA KIỂM SÁT VIÊN TẠI PHIÊN TÒA HÀNH CHÍNH SƠ THẨM

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá xác định khâu công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự là khâu trọng tâm, đột phá của năm 2022 và những năm tiếp theo. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát án hành chính, phòng 10 (Viện kiểm sát ND tỉnh) thấy cần phải nâng cao kỹ năng xây dựng phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính.

        Phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính là hoạt động tố tụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vị thế của Kiểm sát viên tại phiên tòa; vị trí, vai trò của VKSND trong việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Tại phiên tòa, Bài phát biểu của Kiểm sát viên là một công cụ quan trọng để thể hiện quan điểm về toàn bộ việc chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người gia tố tụng. Ngoài ra, còn thể hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát đối với những vi phạm của Tòa án, đảm bảo việc ra bản án, quyết định của Tòa án có căn cứ và đúng pháp luật. Phát biểu của kiểm sát viên là nguồn tài liệu quan trọng để Hội đồng xét xử tham khảo, xem xét ra một bản án có căn cứ và đúng pháp luật.

Ảnh – KSV phòng 10 nghiên cứu hồ sơ

Theo Điều 190 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định: Sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

 

Vì vậy, khi xây dựng phát biểu tại phiên tòa hành chính sơ thẩm, Kiểm sát viên cần phải có những kỹ năng nhất định để nâng cao chất lượng  phát biểu, trong đó Kiểm sát viên chú ý những vấn đề sau:

1. Về hình thức của phát biểu

Về hình thức  phát biểu quan điểm của Kiểm sát viên cần thực hiện theo đúng mẫu số 35, ban hành kèm theo Quyết định 410/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Về nội dung

Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa hành chính sơ thẩm phải có những nội dung theo quy định tại Điều 27 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC. Theo đó, phát biểu phải thể hiện những nội dung: 

2.1.Về việc tuân theo pháp luật tố tụng

a. Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán

– Việc thụ lý đơn khởi kiện; thời hiệu khởi kiện; thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Kiểm sát viên xác định đơn khởi kiện có đủ điều kiện khởi kiện, có còn thời hiệu khởi kiện theo quy định của Điều 115, Điều 116 Luật TTHC không? Việc thụ lý, thông báo thụ lý có đúng quy định tại Điều 125, 126 Luật TTHC không? Kiểm sát viên nhận xét thẩm quyền giải quyết vụ án có đúng quy định tại các Điều 30, 31, 32, 33 Luật TTHC không, nêu rõ căn cứ để xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

– Việc xác định quan hệ pháp luật trong lĩnh vực khiếu kiện hành chính: Từ yêu cầu của người khởi kiện, Kiểm sát viên phân tích căn cứ để xác định quan hệ pháp luật trong lĩnh vực khiếu kiện hành chính, xác định yêu cầu khởi kiện để đánh giá việc Tòa án có xác định đúng bản chất của quan hệ đó không?

– Việc xác định tư cách pháp lý và mối quan hệ giữa những người tham gia tố tụng: Cùng với việc xác định tư cách pháp lý theo nội dung đơn khởi kiện, Kiểm sát viên căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do các đương sự cung cấp để đánh giá việc Tòa án đã xác định đúng và đầy đủ tư cách những người tham gia tố tụng chưa? Việc giải quyết tranh chấp này ảnh hưởng đến quyền lợi của những ai? Nếu vụ án có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng và họ có yêu cầu độc lập thì Tòa án có thụ lý yêu cầu độc lập của họ không? Việc thụ lý có đúng quy định không?

– Việc Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ: Kiểm sát viên phải xác định các đương sự đã cung cấp những tài liệu, chứng cứ gì? Những tài liệu, chứng cứ nào đương sự yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập và Tòa án đã thực hiện việc xác minh, thu thập được tài liệu, chứng cứ gì (ví dụ như: việc ghi lời khai, lấy lời khai, xem xét thẩm định tại chỗ, trưng cầu giám định, định giá tài sản, yêu cầu cung cấp chứng cứ, ủy thác thu thập chứng cứ…). Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án thu thập những tài liệu, chứng cứ gì? Tòa án có thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát không? Trường hợp Tòa án thực hiện xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên phải kiểm sát việc Tòa án chuyển giao tài liệu, chứng cứ được thu thập bổ sung cho Viện kiểm sát theo quy định tại khoản 2 Điều 22 TTLT số 03/2016. Trường hợp Tòa án không thu thập được thì có nêu lý do vì sao không thu thập được không? Kiểm sát viên xem xét việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án có đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đánh giá, nhận xét tính có căn cứ và hợp pháp của những tài liệu, chứng cứ đó.

– Việc Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có): Kiểm sát viên đánh giá việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án có tuân thủ các quy định từ Điều 66 đến Điều 77 Luật TTHC không? Trường hợp phát hiện vi phạm của Tòa án thì Kiểm sát viên kịp thời đề xuất Lãnh đạo Viện thực hiện quyền kiến nghị đối với quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc Thẩm phán không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm.

– Việc Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại: Kiểm sát viên đánh giá việc Tòa án tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại có đảm bảo quy định tại các điều từ Điều 134 đến Điều 140 Luật TTHC không?

– Về thời hạn chuẩn bị xét xử, quyết định đưa vụ án ra xét xử: Kiểm sát viên  xác định kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án đến ngày Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án (nếu có), quyết định đưa vụ án ra xét xử có đảm bảo thời hạn chuẩn bị xét xử và căn cứ pháp luật theo quy định tại các Điều 130, Điều 141 và Điều 146 Luật TTHC không?

– Việc Tòa án cấp, tống đạt các văn bản tố tụng cho Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng, thời hạn gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu: Kiểm sát viên đánh giá việc Tòa án cấp, tống đạt các văn bản tố tụng cho Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng, thời hạn gửi hồ sơ để Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu có đúng quy định tại các điều từ Điều 99 đến Điều 110 Luật TTHC không?

b. Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa

Kiểm sát viên đánh giá việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa trong việc chấp hành nguyên tắc xét xử theo quy định tại các điều từ Điều 12 đến Điều 20 Luật TTHC; việc thực hiện quy định về thành phần Hội đồng xét xử, nội quy, trình tự, thủ tục tại phiên tòa… có đúng theo quy định của Luật TTHC về yêu cầu chung đối với phiên tòa sơ thẩm không?

c. Việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án:

Kiểm sát viên căn cứ vào các quy định về quyền, nghĩa vụ của người tham gia tố tụng và các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án về việc triệu tập tham gia phiên tòa, phiên họp, giấy mời, thông báo, thành phần trong các biên bản… để đánh giá việc các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có chấp hành đúng quy định về quyền, nghĩa vụ của mình không? Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, có bản khai theo yêu cầu của Thẩm phán, có mặt tại các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, tham gia đối thoại, đối chất (nếu có) và các thủ tục tố tụng khác theo quy định của pháp luật. Đối với người khởi kiện đối chiếu quy định tại các Điều 9, 10, 55, 56,78, 83, Điều 115 đến Điều 119, Điều 153, Điều 157 Luật TTHC; đối với người bị kiện đối chiếu quy định tại các Điều 9,10, 55, 57, 83, 93, 128, 153, 157 Luật TTHC; đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối chiếu quy định tại các Điều 55, 58, 128, 129, 153, 157 Luật TTHC; đối với người tham gia tố tụng khác đối chiếu quy định tại Điều 59 đến Điều 64, Điều 153, 159, 160, 161 Luật TTHC.

3. về việc giải quyết vụ án: 

Căn cứ kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án để soạn thảo tóm tắt nội dung về vụ án khởi kiện, đảm bảo đầy đủ và chính xác. Cùng với việc phản ánh nội dung vụ kiện, yêu cầu, trình bày của các đương sự, theo tài liệu, chứng cứ do đương sự xuất trình, lời trình bày của những người tham gia tố tụng khác, người soạn thảo bản phát biểu phải nêu được yêu cầu cụ thể mà các đương sự mong muốn Tòa án giải quyết.

– Quan điểm của Viện kiểm sát: Đây là phần đặc biệt quan trọng của văn bản tố tụng này, nó thể hiện chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án từ khi nghiên cứu hồ sơ đến khi vụ án được giải quyết tại phiên tòa. Khi soạn thảo phần này kiểm sát viên cần lưu ý những vấn đề sau:

+ Phải phân tích được những thiếu sót, vi phạm nếu có của Tòa án (Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký) trong quá trình tiến hành thủ tục tố tụng để giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm.

+ Xác định những vấn đề cần phải làm rõ trong vụ án hay là các tình tiết của vụ án cần được chứng minh và tài liệu, chứng cứ để chứng minh làm rõ những vấn đề này.   

+ Đánh giá kết quả hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, xây dựng hồ sơ của Tòa án; tài liệu, chứng cứ được thu thập, có trong hồ sơ đã đầy đủ để bảo đảm có thể giải quyết được vụ án hay chưa?

+ Phân tích, lập luận để đưa ra đường lối, quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát. 

Để chuẩn bị tốt phát biểu, Kiểm sát viên cần nắm chắc các quy định của pháp luật tố tụng hành chính (luật hình thức) và luật nội dung (bao gồm các quy định của pháp luật về đất đai). 

Ngoài ra, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc nội dung vụ án, dự kiến các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa; lập hồ sơ kiểm sát và trích cứu đầy đủ, trung thực lời khai của đương sự và các tài liệu khác. Khi trích cứu, cần xác định rõ đó là tài liệu gốc, bản sao công chứng hay tài liệu photo để đánh giá tính chất pháp lý của nguồn chứng cứ, Kiểm sát viên phải nắm chắc nội dung vụ án, phân tích tổng hợp chứng cứ, điều luật cần áp dụng và các văn bản pháp luật có liên quan khác để dự kiến đề xuất đường lối xử lý vụ án; chuẩn bị tốt dự thảo phát biểu và nội dung hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Đồng thời, khi tham gia hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần tập trung vào các vấn đề liên quan đến tố tụng và nội dung vụ án, tránh những câu hỏi của Hội đồng xét xử đã hỏi và đã rõ để phục vụ, bổ sung cho  phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa; cần hỏi những câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, trọng tâm nhằm làm sáng tỏ những tình tiết chưa được thu thập đầy đủ trong hồ sơ vụ án hoặc những nội dung HĐXX chưa hỏi hoặc đã hỏi nhưng chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc còn mâu thuẫn để làm căn cứ đánh giá, nhận xét và phát biểu về việc giải quyết vụ án./.

 

Nguyễn Thị Hiền – Phòng 10 Viện kiểm sát tỉnh