Nghị luận là dạng bài quan trọng trong chương trình Ngữ văn 9 học kỳ hai và thi vào 10 THPT mà học sinh cần lưu ý. Văn nghị luận là gì? Các bước làm bài văn nghị luận xã hội như thế nào?

Nghị luận xã hội là gì?

Nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống, đề tài của dạng bài nghị luận xã hội cũng hết sức rộng mở gồm tất cả những vấn đề về tư tưởng, đạo lí, một lối sống đẹp, một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày, vấn đề thiên nhiên môi trường, vấn đề hội nhập, toàn cầu hoá…

Dạng đề nghị luận xã hội là dạng đề kiểm tra về kỹ năng, vốn sống, mức độ hiểu biết của học sinh về xã hội để các em nêu lên những suy nghĩ về cuộc sống, về tâm tư tình cảm nói chung nhằm giáo dục, rèn luyện nhân cách cho học sinh.

Các dạng đề nghị luận xã hội thường gặp

Để chuẩn bị cho Các bước làm bài văn nghị luận xã hội cần xác định được dạng đề nghị luận xã hội. Các dạng đề nghị luận xã hội thường gặp là:

– Nghị luận về một hiện tượng đời sống

+ Hiện tượng có tác động tích cực đến suy nghĩ (tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo…).

+ Hiện tượng có tác động tiêu cực (bạo lực học đường, tai nạn giao thông…).

+ Nghị luận về một mẩu tin tức báo chí (hình thức cho một đoạn trích, mẩu tin trên báo… Rút ra vấn đề nghị luận).

– Nghị luận về một tư tưởng đạo lý

+ Tư tưởng mang tính nhân văn, đạo đức (lòng dũng cảm, khoan dung, ý chí nghị lực…).

+ Tư tưởng phản nhân văn (ích kỷ, vô cảm, thù hận, dối trá…).

+ Nghị luận về hai mặt tốt xấu trong một vấn đề.

+ Vấn đề có tính chất đối thoại, bàn luận, trao đổi.

+ Vấn đề đặt ra trong mẩu truyện nhỏ hoặc đoạn thơ.

Các bước làm bài văn nghị luận xã hội

Dạng đề văn nghị luận xã hội thường tập trung vào một số vấn đề cơ bản mang giá trị đạo lý làm người, những hiện tượng thường xảy ra trong xã hội mà qua đó trở thành kinh nghiệm sống cho mọi người. Các bước làm bài văn nghị luận xã hội như sau:

– Các bước làm văn nghị luận về sự việc, hiện tượng đời sống

Bước 1: Giải thích

Tìm và giải thích nghĩa của những từ được coi là từ khóa mà đề bài đưa ra. Tuy nhiên không phải sự việc nào cũng cần phải giải thích vì có những khái niệm phổ biến mà ai cũng biết như tai nạn giao thông, nói tục,…

Bước 2: Nêu hiện trạng

Dựa vào thực tế đời sống để trả lời các câu hỏi sự việc, hiện tượng này xuất hiện ở đâu, xuất hiện vào thời gian nào, diễn ra ở quy mô nào, đối tượng của sự việc hiện tượng là ai, mức độ ảnh hưởng như thế nào,…

Bước 3: Lý giải nguyên nhân

Lập luận theo hai hướng nguyên nhân khách quan (do tác động từ bên ngoài như pháp luật, nhà nước, xã hội…) và nguyên nhân chủ quan (do nhận thức, ý thức, thói quen của con người…).

Bước 4: Đánh giá hậu quả/ kết quả

Dù là hiện tượng tích cực hay hiện tượng tiêu cực thì đều dẫn đến một kết quả hay một hậu quả tương ứng. Nếu đó là hiện tượng xấu thì cần nhấn mạnh khía cạnh đạo đức, nâng cao nhận thức cuủa con người nhằm giảm thiểu, loại bỏ hiện tượng đó khỏi đời sống xã hội.

Bước 5: Giải pháp

Dựa vào những hậu quả/ kết quả xảy ra để đưa ra giải pháp phù hợp. Đối với hậu quả thì phải đưa ra các giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn; Nếu là kết quả thì phải khuyến khích, cổ vũ, khích lệ và phát triển.

– Các bước làm văn nghị luận về tư tưởng đạo lý

Bước 1: Giải thích

+ Ở bước giải thích thường trả lời cho các câu hỏi là gì, như thế nào?… Do đó trước tiên người viết cần tìm và giải thích nghĩa của các từ được coi là từ khóa. Nếu đặt nó vào hoàn cảnh cụ thể trong cả câu nói thì nó biểu hiện ý nghĩa gì.

+ Từ đó rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng đạo lý, quan điểm của tác giả thể hiện thế nào qua câu nói.

Bước 2: Phân tích

+ Trả lời câu hỏi tại sao vấn đề này lại đúng hoặc không đúng, không phù hợp. Đồng thời dùng dẫn chứng thực tiễn để chứng minh lập luận của mình, giúp phần bàn luận sâu sắc và thuyết phục người đọc.

Bước 3: Bác bỏ

+ Đây là một thao tác khó nhưng thể hiện bản lĩnh của người viết và quyết định nhiều đến điểm số bài thi. Bác bỏ bằng cách lật ngược vấn đề vừa bàn luận, nếu vấn đề là đúng thì đưa ra mặt trái của vấn đề.

+ Ngược lại, nếu vấn đề sai hãy lật ngược bằng cách đưa ra vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng cũng có nghĩa là phủ định cái sai.

Bước 4: Bình luận, đánh giá

Đánh giá xem vấn đề đó đúng hay sai, còn phù hợp với thời đại ngày nay hay không, có tác động thế nào đến cá nhân người viết, ảnh hưởng thế nào đến xã hội nói chung.

Bước 5: Bài học nhận thức và hành động

Bài học rút ra cho bản thân người viết (rút ra bài học gì, bản thân đã làm được chưa, nếu chưa thì cần làm gì để đạt được…). Tiếp theo đối với gia đình, những người xung quanh và xã hội thì bài học nhận thức là gì, thuyết phục mọi người cùng áp dụng và hành động.

Những vấn đề lưu ý khi làm bài văn nghị luận xã hội

Các bước làm bài văn nghị luận xã hội đã được giải thích ở trên, khi viết văn nghị luận xã hội cần phải nắm vững các vấn đề sau đây:

– Phát huy kiến thức trong nhà trường cũng như trong cuộc sống để so sánh, phát triển, vận dụng vào bài viết sao cho phong phú, sâu sắc, đầy đủ nhất.

–  Trong bài nghị luận xã hội hoàn toàn buộc người viết phải chủ động đề xuất chính kiến của mình, có thể đúng hay chưa đúng, được số đông chấp nhận hay không chấp nhận, miễn là nó thuyết phục được người đọc bằng những lí lẽ xác đáng.

– Dạng câu hỏi nghị luận xã hội chỉ được cho tối đa 3 điểm, nên dung lượng bài viết cũng không nên quá dài. Trong yêu cầu cụ thể, đề thi có thể ghi rõ bài viết không vượt quá 600 từ, nghĩa là với khổ giấy thi được sử dụng chính thức như hiện nay, chỉ cần không quá 2 trang.

Viết ngắn là khó hơn viết dài do đó thí sinh cần phải chú ý thời gian để không bị phân tán tư tưởng, tránh ảnh hưởng đến phần bài làm khác.