RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SƯ PHẠM TRONG QUÁ TRÌNH GIẢNG DẠY HỌC PHẦN “PHƯƠNG PHÁP CHO TRẺ KHÁM PHÁ MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH” CHO SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON – TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Rèn luyện kỹ năng sư phạm cho sinh viên là một nội dung rất quan trọng trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non của khoa Giáo dục mầm non – Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên trong quá trình giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh” sẽ giúp sinh viên có hành trang vững chắc để bước vào nghề một cách tự tin và sáng tạo. Hệ thống các kỹ năng sư phạm cần hình thành cho sinh viên trong quá trình giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh” bao gồm hai nhóm kỹ năng sư phạm: Nhóm các kỹ năng sư phạm nền tảng gồm: Kỹ năng định hướng, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng nhận thức. Nhóm các kỹ năng sư phạm chuyên biệt gồm: Kỹ năng lập kế hoạch và kỹ năng đánh giáhoạt động cho trẻ khám phá môi trường xung quanh. Việc nắm vững và thành thạo các kỹ năng sư phạm này sẽ là nền tảng vững chắc cho sinh viên khi trực tiếp tổ chức các hoạt động cho trẻ khám phá môi trường xung quanh trên thực tiễn giáo dục mầm non sau này.
Dịch sang tiếng anh
TRAINING PEDAGOGICAL SKILLS IN TEACHING THE MODULE “CHILDREN’S METHODS OF DISCOVERING THE SURROUNDING ENVIRONMENT” TO STUDENTS OF PRESCHOOL AT THANH HOA UNIVERSITY OF CULTURE, SPORTS AND TOURISM
Training pedagogical skills to students is a very important part in the training program of preschool education at Faculty of Preschool Education in Thanh Hoa University of Culture, Sports and Tourism.
The training of pedagogical skills to students during the teaching of the module “Children’s methods of discovering the surrounding environment” will provide students with useful knowledge to get a good job after education.
The system of pedagogical skills in the teaching of the module “Children’s methods of discovering the surrounding environment” includes the two groups: basic pedagogical skills including orientation skills, communication skills and cognitive skills and major pedagogical skills including planning skills and evaluation skills. Mastering and practicing these pedagogical skills will be a fundamental basis for students to directly organize children’s activities in discovering the surrounding environment in the futures.
Kỹ năng sư phạm là một kỹ năng nghề nghiệp vô cùng quan trọng, là hành trang không thể thiếu được của sinh viên các trường Sư phạm trong hoạt động nghề nghiệp sau này. Kỹ năng sư phạm là khả năng vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những tri thức, kinh nghiệm, phương pháp đã lĩnh hội được ở trường sư phạm vào việc tổ chức hoạt động sư phạm có hiệu quả trong điều kiện cụ thể Rèn luyện kỹ năng sư phạm cho sinh viên là một nội dung rất quan trọng trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non của khoa Giáo dục mầm non – Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.
Học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh” là một trong các học phần nghiệp vụ giữ vị trí quan trọng trong việc hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục Mầm non – Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Bởi vì sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên sẽ phải tổ chức các hoạt động cho trẻ mầm non tìm hiểu, khám phá môi trường xung quanh nhằm phát triển toàn diện các mặt nhận thức, thể chất, ngôn ngữ, tình cảm- xã hội và thẩm mỹ. Việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên trong quá trình giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh” sẽ giúp sinh viên có hành trang vững chắc để bước vào nghề một cách tự tin và sáng tạo.
Hình thành kỹ năng sư phạm trong quá trình giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh” chính là hình thành cho sinh viên những kỹ năng hướng dẫn trẻ mầm non tìm hiểu, khám phá các sự vật, hiện tượng có trong môi trường xung quanh.
Hệ thống các kỹ năng sư phạm cần hình thành cho sinh viên trong quá trình giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh” bao gồm hai nhóm kỹ năng sư phạm như sau:
1. Nhóm các kỹ năng sư phạm nền tảng, bao gồm:
1.1.Kỹ năng định hướng: Kỹ năng định hướng là một trong những kỹ năng nghề nghiệp của giáo viên mầm non . Kỹ năng định hướng được thể hiện ở khả năng định hướng, dẫn dắt, hướng dẫn trẻ mầm non trong hoạt động làm quen môi trường xung quanh. Với đối tượng giáo dục vô cùng đặc biệt là trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi, lao động của Giáo viên mầm non mang những đặc thù riêng. Trẻ mầm non vô cùng non nớt và nhạy cảm với những tác động của môi trường xung quanh. Chính vì thế, giáo viên mầm non cần phải là người định hướng, dẫn dắt trẻ. Khi sử dụng kỹ năng định hướng, đòi hỏi giáo viên mầm non phải tìm hiểu nhu cầu, kinh nghiệm, khả năng và hứng thú của trẻ, trên cơ sở đó mới chọn chủ đề cho trẻ khám phá, thiết kế nội dung và tổ chức các hoạt động cho trẻ khám phá. Giáo viên cần phải biết trẻ đã biết những gì, chưa biết gì, có thể biết gì và thích biết gì và đặc biệt giáo viên cần có khả năng dự đoán được các tình huống sư phạm có thể xảy ra, phải phát hiện được những vấn đề mà trẻ đang gặp phải, đang tò mò để có thể định hướng cho trẻ. Khi hình thành kỹ năng định hướng, giảng viên phải hướng dẫn sinh viên biết dựa vào các đặc điểm tâm lý của trẻ mầm non như đặc điểm nhận thức, đặc điểm ngôn ngữ… để kích thích tính tò mò, khả năng sáng tạo trong hoạt động hướng dẫn trẻ khám phá môi trường xung quanh.
Trong quá trình giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh”, kỹ năng định hướng được hình thành dưới nhiều hình thức như: Giáo viên nêu ra các vấn đề và yêu cầu sinh viên thuyết trình cách giải quyết vấn đề, hoặc sinh viên quan sát thực tế tổ chức hoạt động khám phá môi trường xung quanh ở trường mầm non, phát hiện những vấn đề, những tình huống sư phạm và sẽ suy nghĩ để đưa ra những định hướng, những giải pháp, phương hướng cụ thể để giải quyết vấn đề. Quá trình này được lập đi lập lại nhiều lần trong suốt quá trình học học phần sẽ tạo cơ hội cho sinh viên hình thành kỹ năng định hướng
1.2. Kỹ năng giao tiếp Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của lao động sư phạm là trong suốt quá trình lao động, luôn luôn có sự tương tác giữa con người với con người. Đối tượng lao động của giáo viên mầm non chính là trẻ mầm non. Ở lứa tuổi này, trẻ còn rất non nớt, nhạy cảm; xúc cảm, tình cảm chiếm ưu thế; tư duy chưa phát triển… đòi hỏi toàn bộ những hoạt động sư phạm của giáo viên mầm non phải làm sao để trẻ cảm nhận được nguồn hạnh phúc, thấy mình được chấp nhận, được an toàn, được thương yêu, và là thành viên của “cộng đồng” mà mình đang hòa nhập. Hoạt động lao động sư phạm của nghề nghiệp đòi hỏi giáo viên mầm non phải luôn giao tiếp, ứng xử nhẹ nhàng, nhân ái, luôn quan tâm, thương yêu và giáo dục trẻ bằng tình cảm.
Qua giao tiếp với trẻ, bằng nhân cách của mình, giáo viên mầm non sẽ tác động tích cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ như nhà giáo dục học vĩ đại A.X. Macarenco đã từng nói: “chỉ có nhân cách mới giáo dục được nhân cách”. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp còn được xem là năng lực quan trọng góp phần tạo nên hiệu quả chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non. Như vậy, với yêu cầu của nghề đòi hỏi, giáo viên mầm non cần phải có kỹ năng giao tiếp. Nắm vững kỹ năng giao tiếp, sinh viên khoa Giáo dục mầm non không những có được kỹ năng nghề nghiệp cần thiết của giáo viên mầm non, mà còn chủ động, tự tin và nâng cao khả năng giao tiếp thuyết phục.
Trong quá trình giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh”, kỹ năng giao tiếp được hình thành chủ yếu qua hoạt động nhóm. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp còn được hình thành qua giờ thuyết trình đặt và giải quyết vấn đề của giáo viên và cả qua việc sinh viên trình bày những nghiên cứu của mình trong quá trình tự nghiên cứu tài liệu, hoặc khi nhận xét, đánh giá việc tổ chức hoạt động cho trẻ khám phá với môi trường xung quanh trên thực tiễn Giáo viên mầm non… Đặc biệt, kỹ năng giao tiếp còn được hình thành rất tốt qua những giờ tập dạy trên trẻ tại trường mầm non của sinh viên.
1.3. Kỹ năng nhận thức: Kỹ năng nhận thức là khả năng thu thập thông tin và xử lý thông tin một cách có hiệu quả của con người trong những điều kiện cụ thể nhằm đạt được mục đích nào đó. Đối với sinh viên khoa Giáo dục mầm non, kỹ năng nhận thức là cách thức tiếp thu, xử lý thông tin của sinh viên trong những điều kiện cụ thể nhằm đạt được mục đích nhất định. Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ khi cho trẻ khám phá môi trường xung quanh ở trường mầm non chính là hình thành kỹ năng nhận thức cho trẻ. Đó là các kỹ năng như quan sát, so sánh, phân loại, suy luận, dự đoán…Vì vậy, trong quá trình học tập học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh” nếu sinh viên được hình thành những kỹ năng nhận thức thì không những cần thiết cho sinh viên lĩnh hội cơ sở lý luận của học phần trong lúc học mà sau này, khi trực tiếp dạy trẻ, sinh viên có thể thực hiện tốt nhiệm vụ hình thành kỹ năng nhận thức cho trẻ thông qua tổ chức hoạt động cho trẻ khám phá môi trường xung quanh. Chính vì thế, sinh viên khoa Giáo dục mầm non cần phải có kỹ năng nhận thức.
Trong quá trình giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh”, kỹ năng nhận thức chủ yếu được hình thành qua hoạt động tự nghiên cứu tài liệu của sinh viên. Bên cạnh đó, kỹ năng này còn được hình thành trong quá trình sinh viên tham gia tích cực vào giờ thuyết trình nêu vấn đề, trong giờ hoạt động nhóm, giờ thực tế, thực hành tập dạy tại trường MN…
-
Nhóm các kỹ năng sư phạm chuyên biệt
Đây là nhóm các kỹ năng nghiệp vụ sư phạm mang đặc trưng của học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh”. Nhóm các kỹ năng sư phạm chuyên biệt bao gồm:
2.1. Kỹ năng lập kế hoạch hoạt động cho trẻ khám phá môi trường xung quanh
Lập kế hoạch hoạt động cho trẻ khám phá môi trường xung quanh là một việc làm vô cùng quan trọng. Căn cứ vào đặc điểm lứa tuổi, khả năng nhận thức của trẻ, kinh nghiệm sống, nhu cầu, hứng thú của trẻ… mà giáo viên mầm non lập kế hoạch cho trẻ khám phá môi trường xung quanh. Chính vì thế, hình thành cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non kỹ năng lập kế hoạch cho trẻ khám phá môi trường xung quanh là một việc làm hết sức cần thiết. Kỹ năng lập kế hoạch cho trẻ khám phá môi trường xung quanh bao gồm những kỹ năng cụ thể sau:
– Kỹ năng đánh giá vốn kinh nghiệm sống, nhu cầu, khả năng và hứng thú khám phá của trẻ để xác định lôgíc nội dung phù hợp.
– Kỹ năng xác định mục đích– yêu cầu của hoạt động.
– Kỹ năng lựa chọn và chuẩn bị đồ dùng trực quan.
– Kỹ năng lựa chọn phương pháp, biện pháp tác động phù hợp với nội dung, lứa tuổi của trẻ.
2.2. Kỹ năng tổ chức hoạt động cho trẻ khám phá môi trường xung quanh
Đây là kỹ năng được sử dụng nhằm biến những mục tiêu giáo dục, những dự kiến, kế hoạch đã lập bằng các hoạt động cụ thể thích hợp. Tổ chức hoạt động cho trẻ khám phá môi trường xung quanh là một hoạt động sư phạm không thể thiếu được của giáo viên mầm non. Sau khi lập kế hoạch, giáo viên mầm non cần triển khai kế hoạch. Việc tổ chức này đòi hỏi ở giáo viên mầm non rất nhiều kỹ năng. Vì thế, trong quá trình giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh”, cần chú trọng hình thành cho sinh viên các kỹ năng tổ chức hoạt động khám phá môi trường xung quanh ở trường mầm non nhằm giúp sinh viên có đủ khả năng thực hiện tốt vai trò của giáo viên mầm non trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ khám phá môi trường xung quanh ở trường mầm non.
Kỹ năng tổ chức hoạt động khám phá môi trường xung quanh bao gồm những kỹ năng sau đây:
– Kỹ năng kích thích và duy trì hứng thú cho trẻ
– Kỹ năng đặt và trả lời các câu hỏi của trẻ
– Kỹ năng sử dụng các phương pháp dạy học tích cực
– Kỹ năng sử dụng các phương tiện hoạt động
– Kỹ năng bao quát lớp và xử lý các tình huống sư phạm
– Kỹ năng chuyển tiếp các hoạt động
2.3. Kỹ năng đánh giá hoạt động khám phá môi trường xung quanh
Đánh giá không chỉ đơn thuần là sự ghi nhận kết quả thực trạng mà còn đề xuất những định hướng, những phương hướng nhằm thay đổi thực trạng. Chính vì thế, đánh giá được xem là một khâu quan trọng cần phải được quan tâm ngay từ khi lập kế hoạch hoạt động và trong suốt thời gian triển khai kế hoạch, chứ không chỉ tiến hành khi việc tổ chức hoạt động đã kết thúc. Do đó, đánh giá là kỹ năng không thể thiếu được đối với một giáo viên mầm non tương lai. Để tổ chức tốt các hoạt động cho trẻ khám phá môi trường xung quanh thì giáo viên mầm non cần phải biết lập kế hoạch thật tốt, có nội dung phù hợp với trẻ và phải tạo ra được những hoạt động đa dạng cho trẻ tìm hiểu, khám phá. Sau khi lập kế hoạch, giáo viên mầm non cần biết khai thác và phát triển những gì đã đề ra trong kế hoạch bằng những hoạt động cụ thể. Và sau cùng giáo viên mầm non cần phải có kỹ năng đánh giá. Việc đánh giá này không phải dùng vào việc “xếp loại” trẻ giỏi hay kém, ngoan hay không ngoan, mà để giáo viên mầm non rút kinh nghiệm, tìm hiểu khả năng, nhu cầu, hứng thú của trẻ để có thể lập kế hoạch cho hoạt động kế tiếp tốt hơn, phù hợp với khả năng và đặc điểm nhận thức của trẻ.
Kỹ năng đánh giá hoạt động bao gồm những kỹ năng sư phạm sau:
– Kỹ năng quan sát hoạt động
– Kỹ năng ghi chép kết quả quan sát
– Kỹ năng trình bày và phân tích kết quả quan sát
– Kỹ năng xác định kết quả hoạt động (định tính và định lượng)
-
Kết luận
Tóm lại, nhóm kỹ năng sư phạm nền tảng và nhóm kỹ năng sư phạm chuyên biệt có mối quan hệ mật thiết với nhau, được hình thành và phát triển trên cơ sở của nhau. Nhóm kỹ năng sư phạm nền tảng thành thạo, vững chắc sẽ là tiền đề, là cơ sở cho nhóm kỹ năng sư phạm chuyên biệt và ngược lại. Chính vì thế, trong quá trình giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ khám phá môi trường xung quanh”, giảng viên cần chú trọng rèn luyện cho sinh viên cả hai nhóm kỹ năng sư phạm trên. Việc nắm vững và thành thạo các kỹ năng sư phạm này sẽ là nền tảng vững chắc cho sinh viên khi trực tiếp tổ chức các hoạt động cho trẻ khám phá môi trường xung quanh trên thực tiễn giáo dục mầm non sau này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Như An (1991), Hệ thống kỹ năng giảng dạy trên lớp về môn giáo dục học và quy trình rèn luyện hệ thống đó cho sinh viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội.
2. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – Vụ Giáo dục Mầm non (2005),” Kỷ yếu hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo đại học – sau đại học chuyên ngành giáo dục mầm non”, Trường ĐHSP Hà Nội.
3. Phạm Trung Thanh (2003), Rèn luyện Nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
4.Hồ Lam Hồng,Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non và quy trình xây dựng chuẩn nghề nghiệp. Tạp chí giáo dục. số 183/ kì 1 – 2/ 2008. Trg 23. 13. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non – Bộ giáo dục và đạo tạo (2008)
5.Hoàng Thị Oanh – Nguyễn Thị Xuân(2014) Giáo trình phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về môi trường xung quanh, NXBGD
Ths: Trần Thị Vân