16 lưu ý để thành công khi dạy con lứa tuổi THCS, THPT
GD&TĐ – Nhằm cung cấp cho các bậc cha mẹ một kế hoạch dạy con dài hơi, theo lộ trình cụ thể và chi tiết, tiếp nối nội dung chia sẻ qua bài “11 nguyên tắc vàng dạy con lứa tuổi mầm non, tiểu học”, TS. Vũ Thu Hương – Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội tiếp tục gửi đến các phụ huynh chiến lược dạy con tuổi teen – giai đoạn THCS và THPT.
Theo TS. Vũ Thu Hương, tuổi teen là lứa cực kì khó lường vì tâm lý đang nhiều xáo trộn. Những vấn đề của teen, nếu không được giải quyết ổn thỏa có thể để lại hậu quả rất nặng nề, đặc biệt là tính cách sau này hoặc các hành động tiêu cực như bỏ học, tự tử, tự hủy hoại bản thân, quan hệ tình dục sớm,.. Hiện nay, mặc dù các chương trình dạy trẻ rất nhiều nhưng nếu cha mẹ không nghiên cứu kĩ mà đã áp dụng vào con đôi khi lợi bất cập hại.
Để giúp cha mẹ thêm cẩm nang nuôi dạy con lứa tuổi THCS, THPT đúng cách và hiệu quả, TS. Vũ Thu Hương đưa ra 16 lưu ý sau:
1. Đừng bận tâm vấn đề thành tích
Cha mẹ đừng quá quan tâm đến điểm số. Nếu chúng ta quá chú trọng vấn đề này chắc chắn sẽ gây ức chế cho con và sớm làm bọn trẻ điên tiết, bùng nổ.
2. Giúp con xây dựng thời gian biểu
Việc này sẽ giúp các con khống chế thời gian làm việc cho hợp lý và khoa học. Nghiên cứu và chỉnh sửa sao cho phù hợp nhất. Khi đã có thời gian biểu thì cương quyết thực hiện theo càng chính xác càng tốt. Cha mẹ rất nên tạo điều kiện để con có thời gian rảnh vui chơi, nghỉ ngơi. Việc thư giãn, giải trí, thể thao rất quan trọng, không thể bỏ qua.
3. Đừng để con lao vào học thêm
TS. Vũ Thu Hương chia sẻ rằng, theo kinh nghiệm cá nhân và qua quan sát, đối với hầu hết các trường hợp, học thêm thật sự không giúp ích gì cho trẻ. Chỉ khi cảm thấy con hơi yếu môn nào đó thì giúp con nhưng phương án tốt nhất vẫn là tự dạy con hoặc mời gia sư. Nếu con vẫn học tốt thì nên khích lệ và bỏ qua mọi phương án trợ giúp để con tự tin phát triển.
4. Thiết lập hệ thống “gia quy” trong nhà và thực hiện nghiêm túc
Trong gia đình, cần xây dựng 1 bộ quy tắc cụ thể, ai sai đều bị phạt dù là bất kể thành viên nào. Chính gia quy sẽ giúp con giữ mình trong vòng kiểm soát hợp lý của gia đình.
5. Không tìm cách kiểm soát con
Cha mẹ hãy nhớ rằng, những đứa trẻ được tôn trọng và tin tưởng sẽ luôn luôn lo giữ niềm tin đó nên sẽ ít gây chuyện. Ngược lại, càng chăm chút, kiểm soát, trẻ sẽ càng phá phách và làm ngược mong muốn của chúng ta.
6. Tâm sự thật nhiều để con luôn chia sẻ thông tin với bố mẹ
Cách tâm sự là trong chừng mực, bạn nên “kể lể” với con một số chuyện của mình, nhờ con cho lời khuyên và trợ giúp. Việc này sẽ khiến con tin tưởng và gần gũi. Điều này sẽ tạo nên hiệu ứng tự nhiên, đến lúc phù hợp, con sẽ chia sẻ những câu chuyện của mình với cha mẹ.
7. Gần gũi với giáo viên chủ nhiệm của con
Nếu con có lỗi, cha mẹ nên chia sẻ thành thật và nhờ giáo viên chủ nhiệm giúp. Tuy nhiên, có những chuyện là bí mật mà con muốn che giấu thì bạn cũng nên tuyệt đối giữ kín cho con.
8. Không tò mò đọc nhật kí của con hay dò hỏi bạn bè con
Bởi vì đó là quyền tiêng tư, nếu cha mẹ vi phạm quyền này, con sẽ ngày càng ức chế và xa lánh bố mẹ mà thôi.
9. Cùng con đàm phán trước khi ra quyết định
Làm bất kể việc gì với con cũng cần đàm phán và cho con lựa chọn các hướng thực hiện và yêu cầu viết cam kết. Đàm phán trước cả các hình phạt và hậu quả khi con vi phạm cam kết. Khi vụ việc xảy ra, chỉ cần thực hiện đúng những gì đã cam kết trước.
10. Luôn đặt con ở vị trí người lớn để bàn bạc mọi việc chứ không áp đặt con bất kể việc gì.
11. Khi bố mẹ sai, cần thành khẩn xin lỗi con và chấp nhận hình phạt
Cha mẹ tuyệt đối đừng bao biện và chối tội khi mắc sai lầm. Người lớn càng nghiêm túc, con càng nể và phục bố mẹ để học theo.
12. Bàn bạc với con về tương lai và chỉ cho con cả ưu và nhược điểm của từng phương án. Tôn trọng lựa chọn của con.
13. Khi con có chuyện không ổn, bạn hãy quan sát và để con tự xử lý mọi việc chứ đừng vội nhúng tay vào. Tuy nhiên, hãy luôn sẵn sàng tư vấn khi con hỏi xin ý kiến.
14. Nếu cảm thấy có khó khăn trong ứng xử với con, bạn hãy liên hệ ngay với các chuyên gia để xin trợ giúp.
15. Giáo dục giới tính cho con cẩn thận liên tục theo năm
Với tuổi teen, vấn đề giáo dục giới tính rất cần được cha mẹ quan tâm. Gần gũi sẻ chia và cảm thông là phương pháp tốt để nắm mọi việc của con kịp thời.
16. Tính cách quyết định mọi thứ
Cha mẹ cần đặc biệt để ý quan sát và giáo dục tính cách cho con hơn mọi thứ ưu tiên khác. Học hành chậm 1, 2 năm còn có thể bù đắp được nhưng nếu tính cách, hành vi không ổn là sẽ ảnh hưởng rất xấu đến cả cuộc đời con.
“Giai đoạn trẻ trong độ tuổi THCS, THPT vô cùng nhạy cảm và quan trọng. Cha mẹ đừng chủ quan nếu chỉ nắm bắt biểu hiện bề ngoài vì có thể con bạn đang che giấu điều gì đó mà cha mẹ không biết. Nhưng cũng đừng quá lo lắng mà kiểm soát quá mức làm con mệt mỏi, chán nản, ức chế. Lắng nghe và sẻ chia, gần gũi và cảm thông luôn là cách giáo dục tuyệt vời nhất, nuôi dưỡng nên một nhân cách tốt nhất.” – TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.