14 cách trị ngủ ngáy hiệu quả tại nhà ngay lập tức mà đơn giản

Những cách trị ngủ ngáy đơn giản tại nhà sau đây có thể giúp cải thiện chứng ngủ ngáy. Người bệnh có thể áp dụng trước khi quyết định phẫu thuật điều trị ngủ ngáy.

Thế nào là ngủ ngáy?

Ngủ ngáy là phát ra âm thanh thở ồn ào hơn bình thường trong khi ngủ mà người bệnh không hề biết điều đó. Tiếng ngáy có thể khiến những người ngủ chung giường, chung phòng tỉnh giấc. Ngủ ngáy có thể dẫn đến ngủ không ngon giấc vào ban đêm và buồn ngủ nhiều vào ban ngày.

Các mô mềm trong mũi và họng rung lên khi thở, khi các cơ này bị giãn có thể khiến chúng bị rung lên, tạo ra tiếng ngáy. Đôi khi, ngáy do các vấn đề về hô hấp như ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Ngưng thở là tình trạng ngừng thở trong khi ngủ do họng hoặc đường thở bị đóng lại.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ của ngủ ngáy còn bao gồm: người trên 50 tuổi, nam giới, béo phì, đặc biệt nếu có mỡ quanh cổ hoặc bụng. Người uống rượu hoặc dùng thuốc an thần, nghẹt mũi lâu ngày, gia đình có tiền sử ngáy cũng có nguy cơ mắc phải bệnh này.

Ngáy có thể được điều trị bằng nhiều cách khác nhau, mục tiêu là giữ cho đường thở thông thoáng để không gây hiện tượng ngáy khi ngủ.

cách chữa ngủ ngáy

Ngủ ngáy có chữa được không?

Theo ThS.BS.CKI Trương Trí Tường, khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, ngủ ngáy do nhiều nguyên nhân gây ra, hầu hết các nguyên nhân đều có thể giải quyết được. Điều này có nghĩa, ngủ ngáy có thể điều trị khỏi hẳn hoặc cải thiện đáng kể bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ việc thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống, cho đến việc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đường thở trong khi ngủ và phẫu thuật đường thở trên.

Cách trị ngủ ngáy hiệu quả ngay tại nhà

Làm sao ngủ không ngáy? Người ngáy nhẹ có thể gây ra tiếng ồn vào ban đêm nhưng vẫn hít thở được nhiều không khí và tiếng ngáy chỉ thỉnh thoảng làm gián đoạn giấc ngủ. Cho dù không ngáy gỗ và ngáy không liên quan đến các vấn đề lớn hơn nhưng người bệnh có thể thực hiện các bước để giảm ngáy trong khi ngủ.

1. Thay đổi tư thế khi ngủ

Tư thế nằm ngửa khi ngủ có xu hướng làm cho các cơ vùng họng giãn hơn. Điều này làm cho lưỡi chèn vào họng gây thiếu không khí. Vì vậy, bạn hãy thử thay đổi tư thế ngủ sang nằm nghiêng để cải thiện chứng ngủ ngáy.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thay đổi từ tư thế ngủ nằm ngửa sang nằm nghiêng là cách chữa ngáy có thể cải thiện đáng kể chứng ngáy khi ngủ. Đặc biệt ở các bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ.

Để việc nằm nghiêng khi ngủ đạt hiệu quả, bạn có thể cần sự hỗ trợ của các loại đệm, áo khoác hơi, vòng cổ điện tử hoặc thắt lưng điện tử có tính năng rung nhẹ khi nằm ngửa…

2. Thuốc xịt họng

Một số loại thuốc xịt họng có thể hỗ trợ cải thiện chứng ngủ ngáy hiệu quả.

3. Tránh ăn quá no

Ăn no gần giờ đi ngủ dễ gây ngáy vì quá trình tiêu hóa cũng làm giãn cơ họng và lưỡi. Nếu phải ăn muộn, chúng ta nên tránh dùng các sản phẩm từ sữa nhiều chất béo, chẳng hạn như kem trước khi ngủ.

4. Thực hiện bài tập cho lưỡi

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngáy ngủ là khi lưỡi trượt trong họng. Bạn có thể tập luyện các bài tập như hút lưỡi (để vòm miệng hút lưỡi cho đến khi không còn khoảng trống hay không khí ở giữa); trượt lưỡi (đặt đầu lưỡi ở phía sau răng cửa và trượt tất cả về phía cổ họng) hay thảm lưỡi (đặt lưỡi vào mặt sau của hàm dưới, sau đó đặt lưỡi xuống đáy miệng như một tấm thảm trong khi giữ nó tiếp xúc với răng)… hàng ngày để cải thiện dần chứng ngủ ngáy. Các bài tập này thường mất vài tuần luyện tập mới có thể phát huy tác dụng.

5. Tạo độ ẩm không khí phòng ngủ

Máy tạo độ ẩm có thể giúp bạn ngủ ngon hơn bằng cách giữ ẩm cho mũi và họng. Giấc ngủ ngon có thể hạn chế chứng ngáy ngủ do mệt mỏi.

6. Không hút thuốc lá

Hút thuốc có thể thúc đẩy ngáy vì gây sưng tấy và kích thích đường thở. Vì vậy, bỏ hút thuốc lá sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng ngủ ngáy ở những người nghiện thuốc lá.

7. Không uống rượu bia

Rượu làm giảm trương lực cơ cổ họng, dẫn đến tình trạng ngáy xảy ra thường xuyên hơn và thậm chí có thể gây ngưng thở khi ngủ. Tránh uống rượu gần giờ đi ngủ và uống với lượng hạn chế rất quan trọng trong việc cải thiện chứng ngáy ngủ.(3)

8. Kê cao gối ngủ

Nâng cao đầu bằng cách sử dụng thêm gối có thể giúp mở đường thở, giảm hoặc loại bỏ chứng ngáy.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nằm nghiêng khi ngủ với đầu kê cao hơn 12 độ giúp ngủ ngon hơn, có thể giúp giảm chứng ngủ ngáy.

làm sao ngủ không ngáy

9. Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì

Chỉ số khối cơ thể (BMI) có mối liên hệ với chứng ngáy và ngưng thở khi ngủ. Vì vậy, ThS.BS.CKI Trương Trí Tường cho biết, giảm cân là biện pháp được khuyến nghị ở những người thừa cân, béo phì để làm giảm áp lực lên đường thở và cho phép không khí lưu thông dễ dàng trong khi ngủ. Giảm 5-10% trọng lượng cơ thể được khuyến nghị để cải thiện ngủ ngáy ở người béo phì.(2)

10. Dải nong mũi

Dải được đeo bên ngoài qua sống mũi và hai bên lỗ mũi, cũng như chèn mũi giúp ổn định hoặc mở rộng van mũi giúp cải thiện ngủ ngáy. Ngoài ra, dây đeo cằm để giữ cho miệng ngậm lại trong khi ngủ cũng có thể hỗ trợ.

cách hết ngủ ngáy

11. Tránh dùng thuốc an thần

Thuốc giãn cơ và thuốc an thần cũng có thể làm chứng ngáy ngủ trầm trọng hơn. Ngừng sử dụng hai loại thuốc này có thể cải thiện tình trạng ngáy khi ngủ.

12. Những cách khác

Ngoài ra, giữ mũi thông thoáng, tránh viêm mũi xoang gây nghẹt mũi, chú ý ngủ đủ giấc, đúng giờ để ngủ ngon hằng đêm, tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày có thể giúp cải thiện chứng ngủ ngáy.

Cách điều trị ngáy ngủ do chứng ngưng thở khi ngủ

Nếu bị ngáy rất to, khả năng cao người bệnh đang mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do bệnh lý nào đó.

Nếu kiểm tra giấc ngủ cho thấy tiếng ngáy ảnh hưởng đến giấc ngủ hơn 30 lần mỗi giờ, người bệnh có thể có nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim hoặc tất cả các vấn đề đi kèm với việc ngủ không đủ giấc, chẳng hạn như trầm cảm và lo lắng.

Với chứng ngưng thở khi ngủ, người bệnh có thể áp dụng những cách trị ngáy khi ngủ sau.

1. Dùng dụng cụ bảo vệ miệng

Dụng cụ bảo vệ miệng giúp định vị hàm hơi hướng về phía trước để lưỡi không tụt xuống cổ họng và chặn họng.

Dụng cụ này tuy thuận tiện hơn máy áp lực đường thở dương liên tục, nhưng nó đòi hỏi phải được hướng dẫn sử dụng bởi bác sĩ tai mũi họng hoặc nha sĩ có tay nghề cao. Điều này nhằm đảm bảo việc đặt máy và điều chỉnh phù hợp với răng và hàm người bệnh.(1)

2. Thở áp lực dương liên tục (CPAP)

Người bệnh có thể sử dụng máy CPAP (máy áp lực đường thở dương liên tục) để giữ cho đường thở luôn thông thoáng trong khi ngủ.

Đây là một thiết bị gắn vào mũi hoặc mũi và miệng để tăng lượng không khí đi qua cổ họng. Người bệnh sẽ sử dụng dụng cụ này bằng cách hít vào qua mặt nạ.

3. Phẫu thuật đường thở trên

3.1 Cấy ghép vòm miệng

Quá trình phẫu thuật bao gồm đặt cấy ghép sợi cứng hoặc chỉ khâu treo vào vòm miệng mềm. Phẫu thuật được thực hiện dưới gây tê tại chỗ ở bệnh viện. Các mô cấy, kết hợp với phản ứng tạo sẹo của cơ thể giúp làm cứng vòm miệng và giảm bớt độ rung gây ra tiếng ngáy.

Lợi ích tiềm năng của phương pháp này là giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và ít gây ra sự khó chịu. Các biến chứng tuy hiếm gặp nhưng có thể xảy ra như dụng cụ cấy ghép hoặc chỉ khâu bị đùn ra ngoài, hoặc nhiễm trùng.

  • Chỉ khâu treo có gai: Có thể được sử dụng để rút ngắn hoặc nâng vòm miệng.
  • Cấy trụ Pillar®: Phương pháp này có chi phí tương đối cao và có thể cần thêm các thủ thuật điều chỉnh vòm miệng, chẳng hạn như rút ngắn lưỡi gà hoặc kéo dài vòm miệng.

3.2 Tiêm tạo hình mũi

Phương pháp này cũng được thực hiện dưới gây tê cục bộ tại bệnh viện. Một chất hóa học được tiêm vào khẩu cái mềm. Tình trạng viêm và mô sẹo sau đó làm cứng khẩu cái mềm làm giảm độ rung và tiếng ngáy.

  • Natri tetradecyl sulfate: Đây là tác nhân được sử dụng phổ biến nhất. Natri tetradecyl sulfate, cũng đã được sử dụng để điều trị chứng giãn tĩnh mạch.
  • Phẫu thuật tạo hình mũi bằng tiêm: Phương pháp này có chi phí thấp hơn các phương pháp khác, nhưng có liên quan đến nhiều cơn đau và thời gian phục hồi hơn.
  • Điều trị bổ sung: Một số bệnh nhân cũng có thể yêu cầu điều trị tiêm bổ sung để đạt được kết quả tối ưu.

3.3 Dùng sóng cao tần

Điều trị bằng đốt sóng cao tần cũng là một thủ thuật được thực hiện dưới gây tê tại chỗ. Đây là phương pháp sử dụng nhiệt để làm cứng các phần của khẩu cái mềm. Bệnh nhân có thể được điều trị nhiều đợt để đạt được kết quả mong muốn.

3.4 Cắt amidan hoặc nạo VA

Amidan và VA phì đại là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Amidan là cụm mô bạch huyết ở phía sau 2 bên vùng họng hoặc lưỡi, trong khi VA là một khối mô tương tự ở phía sau mũi.

Mặc dù ít phì đại hơn ở người lớn, nhưng một số người trưởng thành có thể cải thiện tình trạng ngáy ngủ tốt thông qua việc cắt bỏ amidan và/hoặc VA.

Trái ngược với các quy trình phẫu thuật vòm miệng, cắt amidan hoặc VA là một phẫu thuật được thực hiện trong phòng mổ dưới gây mê toàn thân. Hầu hết bệnh nhân cần thời gian phục hồi khoảng 1-2 tuần.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ứng dụng Coblator và dao Plasma, sử dụng dao mổ nguồn nhiệt thấp, cầm máu tại chỗ trong phẫu thuật amidan và nạo VA. Đây là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, giúp nhanh chóng loại bỏ toàn bộ tổ chức amidan hoặc VA quá phát một cách triệt để và an toàn. Thời gian thực hiện phẫu thuật chỉ khoảng 30 phút, hạn chế được lượng thuốc mê phải sử dụng. Người bệnh có thể nói chuyện, ăn uống sau phẫu thuật 3 giờ và xuất viện sau 24 giờ. Với phẫu thuật này, người bệnh ít đau nên không ảnh hưởng đến tâm lý.

phẫu thuật điều trị

3.5 Phẫu thuật mũi

Tình trạng nghẹt mũi nặng do dị ứng, hút thuốc và/hoặc hẹp cấu trúc trong mũi là một trong những nguyên nhân hoặc góp phần gây ra chứng ngáy ngủ. Việc điều trị bằng thuốc, chẳng hạn như thuốc xịt mũi steroid hoặc thuốc kiểm soát dị ứng khác có thể phù hợp cho một số bệnh nhân.

Các bất thường về cấu trúc mũi xoang, chẳng hạn như lệch vách ngăn hoặc thành bên hẹp hoặc có thể gập lại (van mũi), thường được điều trị bằng phẫu thuật.

    • Đốt cuốn mũi: Bằng cách sử dụng sóng cao tần hoặc thiết bị cắt lọc siêu nhỏ, thường có thể được thực hiện ở bệnh viện với gây tê tại chỗ.
    • Sửa van mũi: Có thể được điều trị cho một số bệnh nhân bằng cách sử dụng cấy ghép, chỉ khâu treo hoặc kỹ thuật đốt sóng cao tần.
    • Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn: Phương pháp này và các thủ thuật mũi phức tạp hơn thường được thực hiện trong phòng mổ dưới gây mê toàn thân.

Có nên sử dụng thuốc trị ngủ ngáy không?

Nếu gặp vấn đề về ngáy khi ngủ, loại thuốc snoreeze có thể giúp người bệnh giải quyết vấn đề này. Thuốc snoreeze có 2 dạng là xịt vào họng và miếng dán trên vòm họng. Chúng được chiết xuất từ các thành phần tự nhiên như dầu bạc hà, vitamin E và sodium hyaluronate giúp làm ẩm và cải thiện luồng không khí trong họng. Cơ chế hoạt động của thuốc là giúp làm săn chắc các mô mềm ở phần sau thanh quản, tạo điều kiện để hơi thở thoát ra dễ dàng hơn, và giảm thiểu tiếng ngáy. Thuốc có tác dụng nhanh chóng, chỉ sau 20-30 giây sử dụng.

Ngoài snoreeze, asonor cũng là một lựa chọn khác để giảm tiếng ngáy. Thuốc asonor chứa các thành phần như sodium chloride, glycerol, polysorbate 80, edetate disodium, potassium sorbate và nước lọc. Thuốc có tác dụng bôi trơn và làm mềm màng nhầy trong họng. Điều này khiến hệ cơ trong thanh quản khít hơn và săn lại, giúp cho hơi thở không bị cản trở và miệng không bị khô.

Thuốc asonor được sử dụng bằng cách nhỏ vào mũi trước khi đi ngủ, để thuốc thấm vào mô mềm của họng. Thuốc sẽ giúp làm trơn thanh quản để khí thông và dễ thoát ra, từ đó giảm thiểu tiếng ngáy khi ngủ. Tuy nhiên, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được kê đơn và hướng dẫn sử dụng với liều lượng phù hợp, không tự ý dùng thuốc.

Những lưu ý khi bị ngủ ngáy

Các nghiên cứu ước tính rằng 45% nam giới và 30% phụ nữ ngáy thường xuyên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của người ngủ ngáy mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ/chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình nếu ngủ cạnh. Trên thực tế, chứng ngáy khiến nhiều cặp vợ chồng phải ngủ riêng phòng và thường gây căng thẳng cho hôn nhân. Các mối quan hệ cũng bị ảnh hưởng.

Bằng chứng gần đây cho thấy chứng ngáy mạn tính nghiêm trọng thậm chí có thể gây ra sự dày lên của động mạch cảnh và có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngáy cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn được gọi là ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), được đặc trưng bởi tình trạng ngưng thở hoàn toàn hoặc một phần lặp đi lặp lại có thể xảy ra hàng trăm lần trong đêm.

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị ngủ ngáy và các bệnh lý Tai – Mũi – Họng tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể liên hệ:

Vì ngủ ngáy có thể là tình trạng bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng, cho nên nếu bị ngáy mạn tính, ngáy to, khi đã áp dụng những cách trị ngủ ngáy tại nhà mà không cải thiện, người bệnh nên tới bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán đúng nguyên nhân gây ngáy khi ngủ. Từ đó, bác sĩ có thể trị ngủ ngáy đúng cách, kịp thời, hiệu quả, tránh các biến chứng đáng tiếc do không được phát hiện sớm.