13 Cách Giúp Bạn Ngừng Suy Nghĩ Quá Nhiều Giảm Căng Thẳng – TÂM LÝ TRỊ LIỆU NHC
Suy nghĩ quá nhiều chính là tác nhân khiến cho tâm trạng trở nên bất ổn, đồng thời gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ và ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất lao động, học tập. Một số cách ngừng suy nghĩ quá nhiều trong bài viết sẽ giúp bạn gạt bỏ thói quen này và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.
Mục Lục
13 Cách ngừng suy nghĩ quá nhiều đơn giản, hiệu quả
Suy nghĩ là hoạt động tư duy của não bộ được thực hiện với mục đích nhìn nhận lại sự việc, đánh giá và tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề trong cuộc sống. Hoạt động này bắt đầu xuất hiện khi tư duy phát triển và có sự thay đổi tùy theo độ tuổi, tính cách, môi trường sống, trình độ nhận thức,…
Về cơ bản, suy nghĩ hoàn toàn không phải là thói quen xấu. Tuy nhiên nếu suy nghĩ quá nhiều, cả sức khỏe thể chất và tinh thần đều phải chịu những ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng này gặp nhiều ở nữ giới, đặc biệt là những người có tính cách nhạy cảm, hay lo lắng, đời sống hôn nhân không hạnh phúc và thường gặp vấn đề về tài chính. Chính thói quen suy nghĩ quá nhiều, cẩn thận và sợ hãi quá mức khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái stress, lo âu, trầm cảm và bỏ lỡ không ít cơ hội trong cuộc sống.
Nếu để kéo dài, tình trạng này có thể gây ra một số bệnh lý tâm thần, thể chất như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress mãn tính, suy nhược thần kinh, rối loạn tiền đình, mất ngủ, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, nội tiết, chuyển hóa và các bệnh sinh lý.
Mặc dù gây ra nhiều tác hại nhưng không phải ai cũng biết cách ngừng suy nghĩ quá nhiều. Thực tế cho thấy, không ít người nhận thấy bản thân đang lo lắng, suy nghĩ thái quá nhưng không có cách nào kiểm soát. Nếu đang băn khoăn “Suy nghĩ quá nhiều phải làm sao?”, bạn đọc có thể tham khảo một số biện pháp khắc phục đơn giản, hiệu quả sau:
1. Chấp nhận rằng bản thân đang suy nghĩ quá nhiều
Suy nghĩ là hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, suy nghĩ quá nhiều chi phối đáng kể đến tâm trạng, cảm xúc và khả năng tập trung trong quá trình học tập, làm việc. Nếu thói quen này kéo dài, bạn sẽ phải đối mặt nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Việc đầu tiên bạn cần làm để ngừng suy nghĩ quá nhiều là chấp nhận rằng bản thân đang dành quá nhiều thời gian cho những suy nghĩ tiêu cực và không cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn ý thức được việc phải loại bỏ thói quen này để tránh lãng phí thời gian và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.
2. Chia sẻ với người khác – Cách để không suy nghĩ quá nhiều đơn giản, hiệu quả
Nếu bạn không thể ngừng suy nghĩ quá nhiều về những sự kiện đã xảy ra hay các vấn đề trong cuộc sống, hãy học cách chia sẻ với những người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp, người thân,… Việc chia sẻ sẽ giúp bạn có cơ hội giãi bày những khúc mắc và suy nghĩ của bản thân. Từ đó giải tỏa uất ức, phiền muộn và cảm thấy thoải mái hơn.
Trên thực tế, bạn là người trong cuộc nên đôi khi có cách nhìn nhận phiến diện, chủ quan và khó có thể tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Do đó, chia sẻ với người khác sẽ giúp bạn nhận được những lời khuyên hữu ích và dễ dàng tìm ra giải pháp để xử lý những vấn đề, vướng mắc trong cuộc sống. Ngay cả khi người lắng nghe không đưa ra được lời khuyên hữu ích, sự chia sẻ và đồng cảm cũng góp phần xoa dịu tâm trạng và giúp tâm lý của bạn trở nên ổn định hơn.
3. Ngừng suy nghĩ quá nhiều bằng cách viết nhật ký
Nếu không sẵn sàng chia sẻ với người khác, bạn cũng có thể viết nhật ký mỗi ngày để không suy nghĩ quá nhiều. Viết nhật ký giúp giải tỏa tâm trạng và bộc lộ cảm xúc, thể hiện quan điểm, suy nghĩ một cách chân thực. Hơn nữa so với việc chia sẻ, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong câu từ và không lo sợ sẽ gây ra hiểu lầm hay xung đột.
Viết nhật ký cũng là cách để bạn nhìn nhận lại suy nghĩ của bản thân, từ đó có đánh giá khách quan và có thể tự điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực, bi quan. Mặc dù mục đích của thói quen này không phải là rèn kỹ năng viết lách nhưng viết nhật ký thường xuyên có thể cải thiện ngôn ngữ đáng kể. Với những người có khả năng giao tiếp kém và ít các mối quan hệ xã hội, nên thực hiện thói quen này hằng ngày để dễ dàng hơn trong việc kết bạn và bày tỏ quan điểm, ý kiến của bản thân.
4. Ngủ đủ giấc
Một cách đơn giản khác để không suy nghĩ quá nhiều là ngủ đủ giấc. Thực tế cho thấy, không ít người lựa chọn ngủ một giấc thật sâu khi phải trải qua và đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống. Các chuyên gia cho biết, ngủ đủ giấc giúp giảm stress hữu hiệu, xoa dịu lo âu, phiền muộn và mang đến nguồn năng lượng tích cực.
Khi ngủ đủ giấc, não bộ sẽ trở nên tỉnh táo và có thể suy nghĩ một cách rõ ràng, mạch lạc thay vì cứ quẩn quanh với những suy nghĩ mang hơi hướng bi quan và tiêu cực. Hơn nữa, mất ngủ và thiếu ngủ cũng gia tăng lo âu, căng thẳng và khiến tình trạng suy nghĩ quá nhiều trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, cách đơn giản nhất để gạt bỏ thói quen này là tập ngủ đúng giờ và đủ giấc.
5. Lên kế hoạch giải quyết những vấn đề trong cuộc sống
Suy nghĩ quá nhiều thường xảy ra khi phải đối mặt với nhiều khó khăn, vấn đề trong cuộc sống. Vì vậy để ngừng thói quen này, bạn cần phải giải quyết gốc rễ của vấn đề. Trước tiên, nên nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để chuẩn bị tinh thần và thể chất tốt. Sau đó, cần lên kế hoạch cụ thể những phương án khả thi để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Bạn có thể tự lên kế hoạch hoặc tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân để tối ưu hóa giải pháp. Việc giải quyết những vấn đề trong cuộc sống thật sự không dễ dàng. Do đó khi lên kế hoạch, cần phải nỗ lực để hoàn thành. Khi những vấn đề này được giải quyết, bạn có thể thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, bi quan.
6. Dành thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động lành mạnh
Những người có thói quen suy nghĩ quá nhiều thường dành thời gian rảnh rỗi để suy nghĩ về những vấn đề, sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Đặc biệt, bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa thường dành hàng giờ để hình dung những sự kiện tồi tệ nhất có thể xảy ra và cố gắng tìm ra giải pháp. Sự lo lắng và suy nghĩ thái quá khiến người bệnh luôn đau khổ, muộn phiền, căng thẳng, uể oải và mệt mỏi. Đồng thời trở nên cẩn thận quá mức và đắn đo khi đưa ra quyết định, kể cả với những quyết định không quan trọng.
Do đó, một cách hiệu quả để không suy nghĩ quá nhiều là dành thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động lành mạnh như vẽ tranh, thêu thùa, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, tập thể dục, vui chơi cùng bạn bè,… Khi tập trung vào những hoạt động này, bạn sẽ không có thời gian để suy nghĩ, từ đó có thể loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và bi quan.
7. Thiền định – Cách ngừng suy nghĩ quá nhiều hiệu quả
Thiền định là phương pháp luyện tập có nguồn gốc từ Phật giáo. Bài tập này mang đến trạng thái mà cả cơ thể và tâm trí hòa làm một, tâm trí không bị những tạp niệm quấy nhiễu và hoàn toàn tĩnh lặng. Thiền định giúp điều hòa lại hơi thở, chức năng của các cơ quan, giải phóng những suy nghĩ tiêu cực, bi quan và thanh lọc cả cơ thể lẫn tâm trí.
Tập ngồi thiền thường khá khó khăn khi mới bắt đầu vì việc giữ cho tâm trí không bị xao động thực sự không dễ dàng. Nếu cần thiết, bạn có thể đến các trung tâm yoga để được hướng dẫn cụ thể. Ngày nay, thiền định đã vượt xa phạm vi tôn giáo và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện đều cho thấy, ngồi thiền mang lại hiệu quả cao trong việc giải tỏa căng thẳng, gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực, bi quan, giảm lo âu, trầm cảm và mang đến sự minh mẫn, tỉnh táo cho tinh thần. Vì vậy, nếu đang loay hoay không biết làm gì khi suy nghĩ quá nhiều, nên thiền định để tìm lại sự bình yên cho tâm trí.
8. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục là thói quen lành mạnh mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe như giảm căng cơ, cải thiện độ dẻo dai, chắc khỏe của xương khớp, hạn chế tích trữ mỡ thừa và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, thói quen này cũng là “liều thuốc” tự nhiên cho sức khỏe tâm thần.
Khi tập thể dục, cơ thể sẽ giải phóng hormone endorphin tạo ra tâm trạng thoải mái, vui vẻ và sảng khoái. Hormone này cũng có tác dụng giảm đau nhức và mang đến nguồn năng lượng dồi dào, sự hưng phấn cho cả tinh thần lẫn thể chất. Ngoài ra, một số bộ môn thể dục như chạy bộ, đánh bóng chuyền, chơi bóng rổ, tennis,… còn là cách giải tỏa những uất ức, phiền muộn trong cuộc sống.
Thay vì dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ và ủ rũ, bạn nên tập thể dục để lấy lại tinh thần và tăng cường sức khỏe thể chất. Từ đó có thể tự tin hơn khi đối mặt với những khó khăn và áp lực trong cuộc sống.
9. Hòa mình vào thiên nhiên
Hòa mình vào thiên nhiên được xem là liệu pháp “thần kì” đối với sức khỏe của con người. Trải nghiệm mà thiên nhiên mang lại có thể xoa dịu tâm trí, giải tỏa căng thẳng và gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, bi quan. Ngày nay với tốc độ phát triển của nền kinh tế, những “mảnh xanh” đã bị thay thế bằng các tòa nhà cao tầng. Điều này khiến cho cuộc sống trở nên áp lực và ngột ngạt hơn bội phần.
Nếu gặp phải tình trạng suy nghĩ quá nhiều do áp lực trong công việc, cuộc sống,… bạn có thể hòa mình vào thiên nhiên bằng chuyến tham quan ngoại thành hoặc đi du lịch đến những vùng đất mới. Tận hưởng bầu không khí trong lành, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của biển, núi, cây cối, bầu trời,… có thể giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và giúp bạn thoát khỏi việc suy nghĩ quá nhiều.
Trong trường hợp không có thời gian cho những chuyến đi xa, bạn có thể hòa mình vào thiên nhiên bằng cách đến các công viên cây xanh, sở thú, khu bảo tồn quốc gia,… Một số nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy, những cảm xúc tiêu cực như lo âu, căng thẳng, hồi hộp và triệu chứng thể chất do stress giảm đi đáng kể khi đi bộ trong không gian tràn ngập cây xanh. Ngoài ra, bạn cũng nên trồng một số chậu cây trong không gian sống và văn phòng làm việc để giảm bớt căng thẳng, phiền muộn.
10. Đọc sách – Thói quen tốt giúp ngừng suy nghĩ quá nhiều
Đọc sách không chỉ giúp mở rộng vốn từ, cải thiện khả năng ngôn ngữ và giao tiếp mà còn mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Khi đọc sách, não bộ sẽ tập trung hoàn toàn vào con chữ nên có thể gạt bỏ những suy nghĩ bi quan và cảm xúc tiêu cực.
Ngoài ra duy trì thói quen này lâu dài còn giúp tăng khả năng tập trung, cải thiện tư duy và khả năng phân tích. Những câu chuyện được trải nghiệm qua sách cũng giúp bạn có thêm kinh nghiệm sống và nhìn nhận những sự việc xảy ra một cách khách quan hơn. Vì vậy, bạn nên dành thời gian rảnh rỗi cho việc đọc sách thay vì suy nghĩ quá nhiều về những vấn đề không thật sự cần thiết.
11. Chơi đùa với thú cưng
Chơi đùa với thú cưng là một trong những cách đơn giản để ngừng suy nghĩ quá nhiều. Đây cũng là cách giảm stress đơn giản và mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, các chuyên gia tâm lý đã sử dụng thú cưng như một liệu pháp hỗ trợ cho người bị trầm cảm, rối loạn lo âu và người mắc các rối loạn tâm thần khác.
Khi chơi đùa với thú cưng, lượng hormone cortisol (hormone gây căng thẳng) sẽ giảm đi đáng kể. Thay vào đó, hormone endorphin và serotonin bên trong não bộ tăng lên rõ rệt. Đây đều là những hormone mang đến tâm trạng lạc quan và hạnh phúc. Với những người không có nhiều mối quan hệ, chăm sóc và chơi đùa với thú cưng sẽ tạo ra cuộc sống vui tươi, giúp xoa dịu cảm giác cô đơn và hạn chế tình trạng tự cô lập bản thân.
Khi chơi đùa với thú cưng, bạn sẽ không tập trung suy nghĩ về những vấn đề, sự kiện đã xảy ra trong cuộc sống. Hơn nữa, giữa thú cưng và chủ nhân luôn có mối liên kết vô hình. Những cử chỉ và biểu cảm đáng yêu của thú cưng sẽ giúp bạn cảm thấy được ủi an, vỗ về khi phải đối mặt với áp lực của cuộc sống.
12. Loại bỏ những mối quan hệ “độc hại”
Suy nghĩ quá nhiều đôi khi bắt nguồn từ các mối quan hệ “độc hại”. Vì vậy để gạt bỏ thói quen hay suy nghĩ và xây dựng lối sống lành mạnh, nên chủ động loại bỏ những mối quan hệ này. Đây chính là nguồn cơn khiến tâm trạng của bạn bị ảnh hưởng và về lâu dài sẽ tác động đến việc học, công việc cùng với những khía cạnh khác.
Mối quan hệ “độc hại” được định nghĩa là đối phương (bạn bè, người yêu, đồng nghiệp,…) luôn mang đến cho bạn tâm trạng tiêu cực, nặng nề và thể hiện rõ sự ích kỷ thông qua lời nói, hành động. Khi ở trong một mối quan hệ độc hại, bạn hoàn toàn không được yêu thương đúng nghĩa và không nhận được sự quan tâm hay sẻ chia. Ngược lại, thứ bạn phải đối mặt là sự thất vọng, phiền muộn, buồn bã và hàng loạt những suy nghĩ ngổn ngang.
Nếu suy nghĩ quá nhiều bắt nguồn từ những mối quan hệ này, hãy chủ động chấm dứt và bắt đầu xây dựng các mối quan hệ với những người phù hợp hơn. Điều này không chỉ giúp bạn ngừng suy nghĩ quá nhiều mà còn có những trải nghiệm tuyệt vời và mới mẻ.
13. Tham vấn tâm lý
Cách cuối cùng mà bạn có thể áp dụng để không suy nghĩ quá nhiều là tham vấn tâm lý. Biện pháp này thường được thực hiện khi bạn phải đối mặt với những sự kiện gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng hoặc không thể tự mình kiểm soát suy nghĩ của bản thân.
Tham vấn tâm lý giúp bạn có cơ hội giãi bày cảm xúc, tâm trạng và những suy nghĩ của bản thân. Đồng thời nhận được những lời khuyên hữu ích của chuyên gia. Nếu có cách nhìn nhận sai lầm, chuyên gia sẽ giúp bạn đánh giá đúng đắn hơn tính chất của sự kiện đã xảy ra và những vấn đề phải đối mặt trong cuộc sống. Ngoài ra, chuyên gia cũng sẽ gợi ý về các lớp học rèn kỹ năng sống dành cho những người có tương tác xã hội kém, thường xuyên bị stress, ngại giao tiếp và tự ti về bản thân.
Hy vọng qua 13 cách ngừng suy nghĩ quá nhiều được tổng hợp trong bài viết, bạn có thể thay đổi thói quen này và có lối sống lành mạnh hơn. Trong trường hợp cần thiết, nên tìm gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và điều trị. Bởi tình trạng lo lắng, suy nghĩ thái quá đôi khi là biểu hiện của một số vấn đề tâm lý, tâm thần.