12 kỹ năng không thể thiếu trong quản lý nhân sự – Hiệp Hội Nhân Sự
Hiện nay, nhân sự đang là ngành “hot”, một trong những ngành đang thu hút nhiều người. Với sự phát triển của Việt Nam hiện tại cộng với sự đầu tư của các tập đoàn lớn của nước ngoài, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của mỗi công ty là rất lớn để cạnh tranh trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam đang khan hiếm nhân tài cho các vị trí cao cấp. Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần phải có các nhân viên nhân sự giỏi để phát triển nhân tài cho công ty.
Yêu cầu chung đối với các ứng viên cho vị trí này là kinh nghiệm, vốn sống, khả năng phân tích và định hướng, tầm nhìn, khả năng tổ chức và quan trọng là kỹ năng làm việc trong tập thể. Tuy nhiên, công việc nào thì cũng cần có những kỷ năng thì mới trở nên chuyên nghiệp và vươn lên những vị trí cao hơn. Cùng tìm hiểu xem đối với lĩnh vực nhân sự thì những kỹ năng nào là cần thiết nào!
1. Kỹ năng chuyên môn
Những đặc điểm về các kỹ năng chuyên môn không thể thiếu thiếu với người làm quản trị nhân sự, đó là: dự báo nhu cầu nhân sự và hoạch định nguồn nhân lực, phác họa chân dung ứng viên tốt từ các nhân tố thành công của công việc, sắp xếp một cuộc phỏng vấn ấn tượng và thành công, đặt câu hỏi phỏng vấn để nhận diện được “bản chất” ứng viên, xây dựng hệ thống thông tin nội bộ hai chiều, hướng dẫn nhân viên mới hội nhập công ty…
Hãy luôn nhớ rằng, nâng cao kỹ năng chuyên môn là vô cùng quan trọng và không bao giờ thừa. Khi bạn có năng lực thực sự thì bất cứ môi trường, điều kiện công việc nào nói chung và quản lý nhân sự nói riêng đều không khiến bạn hoang mang. Hơn ai hết, làm nhiệm vụ quản lý con người thì kiến thức là điều cần thiết.
2. Kỹ năng nhân sự
Bạn phải giỏi về các kỹ năng nhân sự, bao gồm: Chiến lược và quản lý nhân sự, Kế hoạch về nguồn nhân lực và phát triển nhân lực, Thiết kế bộ máy tổ chức, Tuyển dụng, Đào tạo, Phương pháp nâng cao hiệu quả công việc, Lương bổng và các khoản phúc lợi, hỗ trợ nhân viên.
3. Kỹ năng làm việc
Phẩm chất đầu tiên của người làm công tác nhân sự là sự tận tụy vì công tác nhân sự đa phần là “lo cho người khác” từ những việc cụ thể như lương bổng, phúc lợi đến huấn luyện đào tạo cũng như tổ chức bộ máy… Ngoài ra, người làm công tác nhân sự cần có khả năng phân tích và tổ chức tốt để đảm bảo nguồn nhân lực có tính kế thừa và lâu dài.
4. Kỹ năng giao tiếp
Nghề nhân sự đòi hỏi người nhân viên phải có kỹ năng về giao tiếp và làm việc với tập thể, bạn phải tỏ ra nhạy bén, khéo léo trong cách ứng xử với các nhân viên trong công ty, hiểu rõ tính cách và tính chất công việc của từng người, luôn sẵn sàng giúp đỡ và đưa ra những lời khuyên thích hợp khi cần thiết .
-Xử sự đúng đắn, lịch sự, hài hoà với mọi người và biết tự kiềm chế mình
-Có phong thái và giọng nói phải thật tự tin và thuyết phục
-Có hiểu biết rộng về xã hội và biết thích ứng với mọi hoàn cảnh
-Tinh ý, thông minh, biết tiếp thu những lời khuyên thích hợp trong mọi tình huống
-Học cách ăn nói lưu loát và biết lắng nghe, hay bạn phải rèn luyện khả năng truyền đạt tốt mệnh lệnh cho mọi người.
Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng mềm cần thiết nhất không chỉ trong nghề quản lý nhân sự mà tất cả các công việc khác. Tìm hiểu thêm Những kỹ năng giao tiếp hiệu quả và thành công để các bạn có thể hiểu rõ hơn điều đó.
5. Kỹ năng thuyết phục
Bên cạnh kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là khả năng thuyết phục cũng nằm trong số những yêu cầu cần thiết khi tuyển dụng nhân viên nhân sự.
Kỹ năng thuyết phục người lao động và thuyết phục cả người sử dụng lao động trong quá trình hóa giải các mâu thuẫn nội tại hoặc trong quá trình thuyết phục cấp trên chấp thuận kế hoạch do mình đề xuất.
6. Khả năng chịu áp lực cao
Ở bất cứ vị trí quản lý nào, bạn đều phải chịu áp lực trong công việc. Nếu bạn không luyện kỹ năng kể trên, áp lực mà bạn phải chịu sẽ còn tăng hơn rất nhiều.
7. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề và chất lượng ra quyết định thể hiện trình độ năng lực của một người quản lý, giúp vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh.
8. Kỹ năng thương thuyết
Bạn phải sử dụng kỹ năng này rất nhiều, đặc biệt khi bạn phải thương lượng mức lương cho nhân viên mới, thuyết phục cả nhân viên lẫn ban Giám đốc để giải quyết tranh chấp và xung đột lao động, v.v…
9. Kỹ năng làm việc nhóm
Đối với những công ty lớn có chính sách nhân sự bài bản, bạn không thể nào đảm nhận cùng lúc tất cả các công việc trong công ty mà chỉ có thể đảm nhận từng phần (đơn giản vì khối lượng công việc quá nhiều). Vì thế, trong công việc, bạn cần có sự hỗ trợ của các phòng ban khác và các bộ phận chức năng của phòng Nhân sự để hoàn thành công việc. Bạn là một thành viên của nhóm, thành công hay thất bại của nhóm cũng chính là thành công hay thất bại của bạn. Vì thế, bạn cần hoà đồng với mọi người và phối hợp thật tốt với nhóm của bạn để công việc được tiến hành thuận lợi.
10. Kỹ năng lắng nghe
Để trau dồi các kiến thức cũng như nâng cao kỹ năng của mình, người làm nghề nhân sự cần biết “lắng nghe”! Đi sâu đi sát với nhân viên và kịp thời điều chỉnh những quan hệ lao động một cách nhanh kịp thời trong mọi tình huống, biến cố. Thỉnh thoảng, một giám đốc nhân sự giỏi còn phải biến mình thành một thuyết khách, nhà ngoại giao giỏi, giúp động viên, hợp lực toàn công ty để cùng “lái con thuyền doanh nghiệp” đi lên.
11. Kỹ năng xử lý tình huống
Trong quá trình làm việc, bạn sẽ giải quyết rất nhiều tình huống mâu thuẫn giữa người lao động và doanh nghiệp. Bạn phải giải quyết bài toán khó này để không làm mất lòng hai bên. Người làm HR cần có một “cái đầu tỉnh và một trái tim nóng”.
12. Kỹ năng đọc vị tâm lý
Nắm bắt tâm lý người khác tốt sẽ giúp bạn rất nhiều khi phỏng vấn ứng viên, nhận biết, đánh giá chính xác được tiềm năng của họ. Nếu có khả năng này thì bạn dễ dàng trong việc tiếp cận, chia sẻ và giữ nhân viên giỏi trong công ty tránh tình trạng “nhảy việc”.
Trong bất cứ công ty nào thì bộ phận nhân sự cũng luôn luôn phải là người dung hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, người phụ trách nhân sự phải có các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cả hai bên. Đối với tôi, điều quan trọng nhất là công ty phải tuân thủ theo các yêu cầu về luật pháp. Ngoài ra, người làm nhân sự cũng phải luôn quan tâm đến hoàn cảnh của cá nhân.
Ngoài những yếu tố chuyên môn cần thiết mà nghề nhân sự đòi hỏi, muốn trở thành một nhà nhân sự giỏi cần có thêm những điều kiện sau:
-
Phải là một nhà chiến lược kinh doanh cho công ty và tổ chức, phải là người thuộc nhóm tham mưu những kế hoạch định hướng cho Ban Giám đốc hay Hội đồng quản trị.
-
Quan trọng nhất, người làm nghề nhân sự cần có “tâm” đối với nghề nghiệp cũng như với các đồng nghiệp xung quanh.
-
Làm việc trong một môi trường tập thể, hỗ trợ phát triển cùng các cộng sự đắc lực của mình.
-
Nghề nhân sự không đòi hỏi bạn phải bắt đầu bằng một bằng cấp chuyên nghiệp. Điều quan trọng là bạn phải yêu mến nghề này và có các tố chất yêu cầu. Để có thể giữ vị trí quản lý đối với nghề nhân sự, các bạn trẻ hãy bắt đầu bằng những công việc cụ thể. Nếu có phẩm chất phù hợp và phát triển tốt các kỹ năng chuyên môn thì vấn đề thăng tiến chỉ là thời gian.