101 Truyện Cười Dân Gian Việt Nam – Thư Viện PDF

Ngắn và vui là những đặc điểm đầu tiên và trực tiếp tạo nên sức hấp dẫn của truyện cười dân gian Việt Nam.

Truyện cười trước hết phải có mục đích gây cười.

Ở các sinh vật cao cấp, cười có khi là một phản ứng sinh lý, có khi là một phản ứng tâm lý. Tiếng cười với tính cách là một phản ứng tâm lý là một hiện tượng đặc trưng và phổ biến của con người:

Con người có miệng có môi
Khi buồn thì khóc, khi vui thì cười.

Khi ta nghe hoặc đọc truyện cười, chính là ta đang ở vào một trong những khoảnh khắc “khi vui thì cười”. Vì vậy có người gọi loại truyện này là truyện vui cười.
Gọi như thế có phần đúng vì cười trước hết là một hình thức biểu lộ niềm vui, sự thích thú. Nhưng cười còn là một hình thức biểu lộ của những thái độ tình cảm khác nữa. Ở con người, hình thức biểu lộ này rất đa dạng và phức tạp, nhiều khi đầy mâu thuẫn. Cho nên mới có những kiểu cười như: cười nụ, cười mỉm, cười ruồi, cười khì, cười ồ, cười phá, cười nắc nẻ, cười sặc, cười ngất, cười vỡ bụng…. lại cũng có những kiểu cười như cười xoà, cười nhạt, cười khẩy, cười mỉa mai, cười nhạo, cười cợt, cười gằn và cả cười ra nước mắt nữa….

Tiếng cười rõ ràng không phải đơn thuần chỉ là một hình thức biểu lộ niềm vui, sự thích thú, hiểu theo nghĩa là một tâm trạng tích cực, thích thú của người đang gặp việc hợp nguyện vọng hoặc điều làm cho mình hài lòng. Tất nhiên với tư cách là những tác phẩm nghệ thuật nói chung, truyện cười phải tạo ra được nơi người đọc một niềm vui, một sự thích thú, một sự hài lòng nhất định. Nhưng ở truyện cười nói riêng, sự thích thú, niềm vui, sự hài lòng ngoài ý nghĩa là một cảm xúc, một rung động thẩm mỹ trước cái đẹp của sự sáng tạo nghệ thuật nói chung, còn có một ý nghĩa gắn liền với nội dung riêng của thể loại nghệ thuật này.

Đọc 101 Truyện Cười Dân Gian Việt Nam bạn sẽ thấy mình thực sự đang trong những khoảnh khắc vui thì cười.