100% sếp lớn General Electric Việt Nam là người Việt

Từ câu chuyện của bà Nguyễn My Lan

Trước khi gia nhập Công ty TNHH GE (General Electric) Việt Nam, bà Nguyễn My Lan, Tổng Giám đốc đã làm việc cho các công ty và tổ chức nước ngoài. Bà thuộc thế hệ thanh niên Việt Nam đầu tiên, kể từ khi đất nước mở cửa, làm việc cho các doanh nghiệp Mỹ. Kinh nghiệm về thương mại, chính trị, ngoại giao đã đưa bà trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc của một tập đoàn đa quốc gia có tổng số nhân viên trên toàn cầu tính đến tháng 12/2011 là 301.000 người và đạt tổng lợi nhuận 14,8 tỷ USD cũng trong năm đó. 

Tại GE Việt Nam – nơi có trên 600 nhân viên làm việc tại Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM, sứ mệnh chính của bà My Lan thoạt nghe có vẻ đơn giản – đó là đóng vai trò “cầu nối” cho các dự án đầu tư của tập đoàn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, điều hành một công ty quốc tế lớn với bộ máy chuyên nghiệp, lại hoạt động tại một thị trường non trẻ là thách thức đối với bất cứ nhà quản lý nào. Bà My Lan cho biết, môi trường làm việc ở công ty này tạo điều kiện cho tất cả nhân viên phát triển bình đẳng.

Bà giãi bày: “Tôi là một ví dụ điển hình. Tôi là người Việt Nam và thị trường Việt Nam còn tương đối mới trong danh mục đầu tư toàn cầu của tập đoàn. Tuy nhiên, nhìn vào vị trí của tôi hiện nay có thể nhận thấy không có sự phân biệt quốc tịch, giới tính hay tuổi tác tại GE”.

Chính sách của GE rất rõ ràng minh bạch: không đặt ra bất cứ rào cản nào trong bước tiến của nhân viên. Điều quan trọng là năng lực và cách nhân viên trau dồi năng lực bản thân như thế nào. Từ đó, nhìn rộng ra chính sách sử dụng nhân sự giỏi người bản địa tại GE là có lợi cho nguồn nhân lực Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ quản lý cấp cao.

Khi đặt chân vào một thị trường nước ngoài, các công ty đa quốc gia thường sử dụng chính sách “địa phương hóa nguồn lực” (localization). Lợi thế lớn nhất của đội ngũ lãnh đạo người bản địa là sự hiểu biết sâu rộng về thị trường đó, cũng như khả năng gây dựng và duy trì quan hệ với các đối tác quan trọng cho sự phát triển tương lai của doanh nghiệp. GE cũng áp dụng chính sách này tại tất cả các nước họ làm ăn. 

Hiện nay, tại GE Việt Nam, tỷ lệ người Việt nắm giữ các chức vụ quản lý chủ chốt ở tất cả các cấp, từ cấp trung cho đến cấp cao, tại Hà Nội và TP.HCM là 100%. Riêng nhà máy sản xuất tua-bin gió của GE đặt tại Hải Phòng có đặc thù quy trình công nghệ cao, cần có thời gian đào tạo và chuyển giao, nên vẫn có người nước ngoài nắm giữ một số vị trí lãnh đạo chủ chốt. Theo bà My Lan, trong tương lai công ty sẽ có kế hoạch chuyển giao hoàn toàn cho lãnh đạo người Việt khi đội ngũ này đã sẵn sàng làm chủ công nghệ hiện đại.

Đến chiến lược “Company to Country”

Các nhà quản lý Việt Nam làm việc tại GE Việt Nam đã đưa ra những chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn, nhằm tối ưu hóa năng lực của tập đoàn phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam. Đây chính là nội dung chiến lược “Company to Country – Từ tập đoàn đến quốc gia” của GE đã và đang được thực thi tại Việt Nam, góp phần vào mức tăng trưởng doanh thu trên 127% năm 2011. Chính sách “localization” của GE với nòng cốt là đội ngũ lãnh đạo tài năng người Việt Nam đã giúp định vị vị trí của GE Việt Nam trên bản đồ đầu tư toàn cầu của tập đoàn khổng lồ này. 

Một trong những yếu tố chủ chốt trong chính sách dùng người của GE là họ có hệ thống đánh giá năng lực lãnh đạo chặt chẽ, dựa trên hai yếu tố: (i) Hiệu quả làm việc và (ii) Khả năng đáp ứng được 5 giá trị theo tiêu chuẩn của tập đoàn, bao gồm – Sự am hiểu về thị trường, đối thủ cạnh tranh, khách hàng, chính phủ; Sự quyết đoán; Tính sáng tạo và tư duy dám nghĩ dám làm; Tinh thần làm việc theo nhóm; và Khả năng chuyên môn trong lĩnh vực mình phụ trách.

Yếu tố đầu tiên – năng lực lãnh đạo – được đánh giá dựa trên hiệu quả kinh doanh, chiến lược phát triển, tăng trưởng của tập đoàn ở địa phương. Yếu tố thứ hai được đánh giá dựa trên khả năng thích ứng, phù hợp của lãnh đạo cũng như nhân viên với 5 giá trị của tập đoàn đặt ra như đã nói. Hai yếu tố này chiếm tỷ lệ cân bằng như nhau và một lãnh đạo tốt phải hội tụ đủ cả hai yếu tố – Tổng Giám đốc của GE tại Việt Nam chia sẻ.

Bên cạnh việc đáp ứng được những tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn mẹ, các cấp quản lý và nhân viên GE Việt Nam còn được đánh giá cao bởi tố chất vốn có của người Việt Nam – sự chăm chỉ, tận tụy trong công việc. Bản thân bà My Lan lại bị hấp dẫn nhất về văn hóa của công ty, ở đây được hiểu là bao gồm cả yếu tố con người, chính sách cũng như chiến lược phát triển. Trong “Bộ quy tắc ứng xử” (Code of Conduct) của tập đoàn có lịch sử 130 năm này, các yếu tố môi trường làm việc bài bản, chuyên nghiệp và những chính sách minh bạch, cùng khả năng lãnh đạo trong công ty được đặc biệt chú trọng. Văn hóa của GE khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân viên vượt qua các giới hạn của bản thân.

Giới CEO thế giới đều biết đến Jack Welch, cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn GE toàn cầu. Ông được mệnh danh là “CEO số 1 thế giới trong thế kỷ 20”, còn tạp chí Fortune tặng ông danh hiệu “CEO tạo ra giá trị cao nhất thế giới”. Năm 1981, khi ông trở thành CEO của GE, doanh số của tập đoàn mới đạt khoảng 25 tỷ USD, lợi nhuận 1,5 tỷ USD và giá trị thị trường 12 tỷ USD. Đến năm 2001, khi Jack Welch nghỉ hưu, doanh số của GE đã tăng lên 130 tỷ USD, lợi nhuận 12,7 tỷ USD và giá trị thị trường lên tới 400 tỷ USD. 

Một trong các bí quyết lãnh đạo của Jack Welch được truyền đạt khắp thế giới là “Tạo động lực cho nhân viên”. Trong đó, ông quan niệm, cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để tăng năng suất lao động là “giải phóng” năng lượng, sự thông minh và tính tự tin của nhân viên. Ông không chủ trương quản lý nhân viên quá chặt, tối kỵ việc không tin nhân viên vì nó sẽ dẫn đến kết quả tệ hại: nhân viên sẽ bỏ ra hơn 90% thời gian công sức của họ để tìm lỗ hổng của cấp quản lý và “phá” công ty.

Bài học về trọng dụng người tài, được Jack Welch đúc kết sau 20 năm điều hành GE là: “Hãy biến nhân viên thành người chủ thật sự của công ty. Hãy tìm những chương trình để nhân viên tham gia sinh hoạt và xây dựng tinh thần đội nhóm. Hãy tạo điều kiện và lắng nghe họ nói”.


Bà Nguyễn My Lan, Tổng Giám đốc GE tại Việt Nam cho biết:

“Với vai trò là CEO của GE tại Việt Nam, tôi có nhiệm vụ đưa tập đoàn tiếp cận được gần hơn với thị trường, hiểu rõ hơn về những tiềm năng của thị trường, và ngược lại, làm sao để Việt Nam có thể nhìn nhận GE đúng với giá trị thực và những lợi ích mà chúng tôi có thể mang lại. Vì thế, tôi có thể ví von tôi như là một trong những đại sứ hình ảnh của GE tại Việt Nam. hình ảnh tốt thì chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tốt tới chính phủ, tới đối tác, cũng như nhân viên hiện tại và tiềm năng của GE”

Theo

Thành Trung

Diễn đàn Doanh nghiệp


tanhoa