10 nỗi khổ “không biết tỏ cùng ai” của hội mẹ bỉm sữa sau sinh, điều số 8 không phải ai cũng biết • Zlove

Bên cạnh niềm hạnh phúc khi con yêu chào đời khỏe mạnh, phụ nữ cũng phải trải qua hàng loạt cơn ác mộng sau khi sinh con. Dưới đây là những nỗi khổ “không biết tỏ cùng ai” của hội chị em bỉm sữa. 

1. Máu chảy nhiều trong khoảng 1 tháng đầu tiên sau sinh

Phụ nữ dù sinh thường hay sinh mổ thì cũng đều phải đối mặt với tình trạng sản dịch ra ồ ạt. Sản dịch gồm có máu, vi khuẩn cùng với niêm mạc tử cung bị hoại tử và bong ra ngoài. Thông thường, quá trình này sẽ kéo dài trong khoảng 2-4 tuần đầu tiên sau sinh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá biết ra sản dịch trong 6 tuần sau sinh. 

Sản dịch sẽ ra nhiều trong khoảng 1-2 tuần đầu tiên và giảm dần sau đó 

Trong khoảng 1-2 tuần đầu tiên, lượng máu ra rất nhiều nên sản dịch sẽ có màu đỏ tươi như kinh nguyệt. Lúc này, chị em nên sử dụng băng vệ sinh loại lớn hoặc bỉm người lớn để có thể thấm hết sản dịch. Băng vệ sinh thường không đủ sức để thấm hết lượng sản dịch thải ra ồ ạt mỗi ngày. Còn tampon cũng không được khuyến cáo sử dụng vì có thể gây viêm nhiễm tử cung, âm đạo.

Dần dần, lượng máu ít đi nên sản dịch sẽ chuyển sang màu hồng nhạt, vàng và cuối cùng là màu trắng. Khi lượng sản dịch đã giảm dần, chị em có thể sử dụng băng vệ sinh thông thường để thấm hút sản dịch. Một số lưu ý chị em cần nhớ là: 

  • nên thay băng vệ sinh thường xuyên (4 tiếng/lần)

  • vệ sinh vùng kín bằng nước sạch và lau khô bằng khăn bông mềm, khô

  • nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để tránh cọ xát vào vết thương gây đau

2. Luôn cảm thấy khó chịu và đau đớn  

Đáy quần của bạn là một mớ hỗn độn, cồm cộm, ẩm ướt và đôi khi còn bốc mùi do sản dịch ra quá nhiều. Những vết thương ở vùng kín thì căng tức như muốn bục chỉ và lúc nào cũng đau đớn. Tất cả những điều này khiến cho tâm trạng của bạn thật tệ hại, khó chịu và “muốn bùng cháy”. Nhưng bạn hãy yên tâm vì tất cả mọi chị em đều đã, đang và sẽ trải qua những cảm giác như thế. 

Đau đớn, khó chịu là cảm nhận chung của tất cả phụ nữ đã từng sinh con

Điều cần làm ngay lúc này là đối mặt với tất cả những khó khăn đó và khắc phục vấn đề bằng cách: 

  • ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm giúp nhanh chóng co hồi tử cung để đẩy nhanh sản dịch ra  ngoài

  • dành tối đa thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh

  • vệ sinh thân thể, nhất là vệ sinh vùng kín thường xuyên

3. Thân hình “xồ xề”, luộm thuộm sau khi sinh 

Thân hình “phì nhiêu”, bụng bèo nhèo, da dẻ chảy xệ và luôn xuất hiện trong những bộ quần áo rộng thùng thình ám đầy mùi sữa. Đây chính là “thảm cảnh” của hầu hết các chị em phụ nữ sau khi sinh. Tất cả những điều này khiến chị em phụ nữ không dám soi gương và không tự tin để gặp gỡ người khác. Nhưng bạn đừng lo, nếu được chăm sóc tốt thì sức khỏe cũng như nhan sắc sẽ nhanh chóng được khôi phục, thậm chí còn đẹp hơn cả ban đầu. Chẳng thế mà người xưa lại nói “gái một con trông mòn con mắt”. 

4. Dễ tủi thân, dễ khóc, dễ bị trầm cảm 

Sự suy giảm hormone nội tiết đột ngột sau sinh khiến cho tâm sinh lý của phụ nữ thay đổi thất thường. Các chị em có thể dễ dàng xúc động và dễ khóc hơn sau khi sinh con. Đặc biệt, một số trường hợp còn bị trầm cảm sau sinh, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe của cả mẹ và em bé. 

Quan tâm, chia sẻ là điều chồng nên làm để cùng vợ vượt qua khó khăn

Trong thời điểm này, các ông chồng nên động viên, an ủi và san sẻ khó khăn với vợ mình để vợ sớm vượt qua khó khăn trong những ngày đầu làm mẹ. Chỉ cần được chồng quan tâm, chăm sóc thì các chị em sẽ nhanh chóng ổn định tinh thần và lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống.

5. Tóc rụng nhiều “như lá mùa thu”

Các bạn không hề nhầm đâu, chính xác là tóc rụng nhiều như lá mùa thu đó. Thủ phạm gây ra tình trạng này cũng không xa lạ, chính là sự suy giảm estrogen đột ngột sau khi sinh con. Ngoài ra, việc thiếu ngủ, stress, trầm cảm cũng làm đảo lộn quá trình trao đổi chất trong cơ thể, máu lưu thông kém, tóc không được cung cấp đủ dưỡng chất nên yếu và dễ gãy rụng. Để ngăn ngừa tình trạng này, chị em phụ nữ nên bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cùng với việc nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể nhanh hồi phục và giúp tóc khỏe hơn. 

6. Da dẻ sạm đen, nhăn nheo, thiếu sức sống  

Có rất nhiều chị em “kêu trời” vì làn da sạm đen, thâm mụn từ lúc mang thai cho tới lúc sinh xong. Các vùng da bị ảnh hưởng nhiều nhất là da mặt, nách, bẹn, mông, cổ, bụng. 

Nguyên nhân là do một số hormone như melanosis, progesterone, estrogen, … tăng cao đột ngột trong quá trình mang thai. Quá trình tăng tiết hormone này kích thích các tiểu phân tử hắc tố melanin hình thành và gây sạm da, xỉn màu. Bên cạnh đó, phụ nữ sau sinh thường xuyên bị mất ngủ, stress nên tình trạng sạm da sẽ càng trầm trọng hơn. 

Sau sinh, phụ nữ phải đối mặt với các vấn đề như sạm da, nám da, tàn nhang 

Để làn da nhanh chóng phục hồi và trở lại trạng thái như trước, chị em có thể làm theo các hướng dẫn sau: 

  • uống nhiều nước lọc, nước trái cây (tốt nhất là không nên cho thêm đường)

  • ăn uống đủ chất, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất béo có lợi

  • giữ tinh thần thoải mái, thư thái

  • nghỉ ngơi đầy đủ 

7. Bỗng dưng thấy ghét chồng!

Chuyện này nghe có vẻ nực cười nhưng lại xảy ra ở một số trường hợp phụ nữ sau sinh. Hãy tưởng tượng như thế này nhé: trong khi bạn đau đớn, khổ sở để sinh con, chăm con, dỗ con thì “lão chồng” lại đang kê cao gối ngủ ngon lành. Những lúc như thế, bạn sẽ thấy cuộc đời này thật là bất công với mình, bạn bực bội và cảm thấy ghét chồng kinh khủng. 

Những cảm xúc này là do phụ nữ sau sinh thường xuyên bị căng thẳng, mất ngủ nên tâm lý bị ảnh hưởng rất nhiều. Vậy nên các ông chồng hãy cố gắng san sẻ khó khăn với vợ và động viên vợ để cùng nhau vượt khó khăn nhé.  

8. Vùng kín bị “tàn phá nặng nề”

Em bé sẽ đi qua cổ tử cung và âm đạo để ra bên ngoài. Lúc này, âm đạo sẽ căng ra hết cỡ, thậm chí có thể bị rách hoặc bị phải dùng dao rạch ra để em bé chào đời thuận lợi hơn. Đây chính là những nguyên nhân khiến “diện mạo” vùng kín có những thay đổi lớn sau khi sinh nở. Ngoài nhão rộng, lỏng lẻo, sự thay đổi nội tiết tố cũng khiến “cô bé” trở nên thâm sạm, khô khốc, không còn được hồng hào và căng mọng như trước.

Xem thêm: Các bước Trẻ hóa vùng kín tự nhiên chị em nhất định phải biết

Chị em có thể sử dụng một số sản phẩm có nguồn gốc thảo dược để phục hồi các tổn thương ở vùng kín 

Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng của chuyện “yêu” mà còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng kín sau sinh. Theo các bác sĩ, phụ nữ nên tránh quan hệ tình dục ít nhất là 6-12 tuần sau sinh để các tổn thương ở vùng kín có thời gian hồi phục. Chị em cũng có thể tập một số bài tập Kegel hoặc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên để cải thiện sinh lý và chăm sóc tân trang lại “cô bé” của mình.

9. Ngực cứng như cục đá và căng tức

Sau khi sinh con xong, bạn sẽ thấy bầu ngực của mình lúc nào cũng nóng hổi và căng tức vì sữa. Bạn cũng phải chuẩn bị tâm lý để đối mặt với các “sự cố” như tắc tia sữa, núm vú bị thụt vào trong hoặc sữa về quá nhiều. Có đôi lúc bạn còn cảm thấy ướt át, khó chịu vì sữa về nhiều quá, em bé không bú kịp nên thấm ra áo. Bạn cũng không thể mặc áo ngực vì phải liên tục cho con bú. 

Nếu các vấn đề về sữa không được giải quyết kịp thời có thể dẫn tới áp-xe vú 

Trong trường hợp này, một chiếc máy hút sữa có lẽ là giải pháp tốt nhất cho các chị em. Lượng sữa hút ra có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh cho em bé dùng dần. Nếu bé nhà bạn không dùng hết, bạn có thể tặng lại cho những chị em đang nuôi con nhỏ mà không may bị mất sữa sớm. 

10. Đi vệ sinh thật sự là điều khủng khiếp

Vết thương ở tầng sinh môn chưa lành cộng với chứng táo bón sau sinh sẽ khiến việc đi vệ sinh là nỗi kinh hoàng của các chị em. Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này là giữ vệ sinh vùng kín để vết thương nhanh chóng hồi phục, ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước để việc đi đại tiện dễ dàng hơn. 

Khó khăn là vậy nhưng được ngắm nhìn các con khôn lớn, khỏe mạnh thì phụ nữ chúng mình sẽ có thêm nhiều động lực để cố gắng đúng không nào? Chúc các chị em luôn luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!