10 nguyên tắc hài hước của người thành công
Phạm NhungThứ sáu, 10/12/2021
|
10:00 GMT+7
Nội dung sau trích từ cuốn sách Hài hước một chút thế giới sẽ khác đi (Chương 1:10 nguyên tắc hài hước của người thành công) của tác giả Lưu Cẩn Hồng.
Hài hước một nhân tố có tính hài kịch đặc biệt, đồng thời cũng là sự thể hiện hoặc tái hiện nhân tố hài kịch trong đời sống và nghệ thuật. Nó thông qua các thủ pháp như so sánh, khoa trương, tượng trưng, ngụ ý, điệp âm… vận dụng những ngôn từ thông minh, thú vị để tiết lộ, phê bình hay giễu cợt một cách hàm súc những sự vật, hiện tượng không hợp lý, mâu thuẫn trong đời sống xã hội, khiến người ta phủ định sự vật hay hiện tượng đó trong những tiếng cười thoải mái, nhẹ nhàng.
Nhưng hài hước không phải là muốn nói thế nào thì nói, cũng không phải là một tấc đến trời, mà cần phải thấu hiểu các nguyên tắc cơ bản.
1. Có một tâm lý lành mạnh, lạc quan, tích cực
Hài hước là một biểu hiện tâm trạng đặc biệt, nó là công cụ để con người thích nghi với môi trường, là một trong những phương pháp để con người giảm bớt áp lực tinh thần khi đối diện với khó khăn.
Một nhà văn người Đức từng nói: “Điều khiến cho người ta bật cười, là sự khôi hài; điều khiến người ta suy nghĩ một lát mới bật cười, là sự hài hước”. Bởi vậy, muốn học sự hài hước, thì trước tiên cần có một tâm lí lành mạnh, lạc quan và tích cực.
Chỉ khi sống trong tâm lí lạc quan, tích cực thì con người mới có thể sống tốt và hưởng thụ cuộc sống. Bởi vậy những người hài hước thường khỏe mạnh hơn người khác. Triết gia người Đức, Kant sống tới 80 tuổi, ông cho rằng hài hước có tác dụng rất lớn trong việc giúp con người sống khỏe mạnh và trường thọ. Ông từng nói rằng: “Nếu không biết đến sự hài hước thì cuộc sống của con người quả thực quá khổ sở”. Ông luôn giữ tâm trạng lạc quan và hài hước cho tới tận những năm tháng cuối đời.
Hài hước khiến tư duy bản thân trở nên nhạy bén hơn, phát hiện được “nhân tố có tính kịch” trong một hoàn cảnh không như ý, từ đó khiến cho tâm lí của bản thân được cân bằng.
Ngoài ra, một người hài hước khi giao thiệp sẽ dễ dàng nhận được sự tin tưởng và yêu mến của mọi người hơn, nâng cao khả năng giao tiếp, có thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp. Trong cuộc sống, thêm một phút hài hước là thêm một phút niềm vui; trong các mối quan hệ xã hội, thêm một chút hài hước là thêm một chút thân thiện; bất cứ nơi nào có sự hài hước thì đều có không khí hài hòa, vui vẻ.
2. Nhìn nhận thế giới từ góc độ thú vị
Sự hài hước, nói một cách đơn giản là kể chuyện cười. Từ góc độ này, muốn học sự hài hước thì cần phải học cách nhìn nhận thế giới từ những góc độ thú vị. Trắc trở hay thất bại là chuyện thường gặp trên đường đời, nếu không biết nâng cao khả năng chịu đựng áp lực thì những lo lắng và căng thẳng ấy chắc chắn sẽ khiến chúng ta mệt mỏi. Nhưng nếu nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề từ góc độ khác, có thể bạn sẽ phát hiện ra đó không phải là một khó khăn.
Triết gia nổi tiếng Socrates là một người vô cùng hài hước. Trước những sai lầm của người khác, ông không bao giờ chọn cách chỉ trích, mà chọn sử dụng một phương pháp khác – hài hước.
Vợ Socrates là một người tính tình nóng nảy, thường xuyên làm người chồng nổi tiếng của mình mất mặt trước đám đông. Có lần, khi Socrates đang cùng học trò thảo luận về mấy vấn đề học thuật, đột nhiên vợ ông xông vào quát tháo, khiến cả lớp học kinh ngạc. Sau đó, bà còn xách một thùng nước lạnh dội vào người Socrates, khiến ông ướt như chuột lột. Trong khi các học sinh đang rất bối rối thì Socrates cười hiền hòa và nói: “Ta biết ngay sau khi có sấm là trời mưa mà”.
Chỉ một câu nói hài hước ấy của ông đã khiến cơn tam bành của bà vợ lập tức tan biến, mọi người cùng bật cười. Điều khiến chúng ta khâm phục hơn nữa, đó là tố chất văn hóa cao siêu, nghệ thuật tu dưỡng và cả tấm lòng rộng lượng của bậc thầy trí tuệ này.
Cuộc đời mỗi người, hoặc sẽ trôi qua một cách bình yên, hoặc sẽ nhiều sóng gió, có vui và cũng có buồn. Quan trọng là chúng ta nhìn nhận và đối mặt với cuộc đời bằng thái độ nào.
3. Trí nhớ và khả năng phản ứng tốt
Sự hài hước luôn tồn tại trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, nhưng lại có thể chia thành hai loại: tầng nông và tầng sâu.
“Tầng nông” để chỉ sự hài hước được thể hiện qua biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể, thêm vào đó là lời nói, có thể khiến người ta bật cười, qua đó đạt mục đích chọc cười người khác.
Còn “tầng sâu” chỉ sự hài hước thông qua việc chọn một thời điểm thích hợp để bày tỏ quan điểm về thế giới và suy nghĩ về sự vật, mà cách biểu đạt suy nghĩ và quan điểm này lại vận dụng những hiện tượng tưởng chừng rất đơn giản và bình thường trong cuộc sống, dùng cách nói bình thường nhưng hàm chứa chân lí để chọc cười người khác.
Nói cách khác, đó là những câu nói nghe qua tưởng chừng hoang đường nhưng lại hàm chứa đạo lí hay một sự tổng kết đúng đắn, phản chiếu ánh sáng của trí tuệ. Và điều này cần phải được xây dựng trên cơ sở một nền móng kiến thức phong phú.
Hài hước ở tầng nông cần có đầu óc thông minh, phản ứng nhanh nhạy, trí nhớ tốt. Hài hước ở tầng sâu thì ngoài những nhân tố kể trên, còn cần có một tư duy nhạy bén và khả năng lí giải vấn đề, không phải ai cũng đạt tới được.
Thâm thúy khó lường, sự hài hước ở tầng sâu có lẽ sẽ không mang lại không khí náo nhiệt như sự hài hước ở tầng nông, mà thường chỉ khiến người tiếp nhận mỉm cười nhẹ nhàng, nhưng như thế không có nghĩa là nó làm giảm bớt sự tán thành và khâm phục mà người khác dành cho bạn. Có thể người khác không nói ra, nhưng hình ảnh của bạn trong lòng họ sẽ dần dần được nâng cao.
Người hài hước thường nhanh trí trong việc hóa giải những tình huống khó khăn, nguy hiểm bằng những cách sáng tạo và chu toàn. Thường những người có EQ cao sẽ giỏi vận dụng sự hài hước để đối phó với tình huống nguy cấp.
Chuyện kể rằng, một hôm Goethe – nhà thơ người Đức đang tản bộ trong công viên, trên con đường nhỏ chỉ vừa cho một người đi, ông thấy một nhà phê bình luôn có những bài phê bình rất gay gắt đối với tác phẩm của ông đang bước tới. Nhà phê bình này cao giọng nói: “Tôi chưa bao giờ nhường đường cho kẻ ngốc”. “Còn tôi thì ngược lại!”, Goethe bình tĩnh nói và mỉm cười bước sang một bên.
Cách xử sự thông minh của Goethe được truyền tụng mãi. Đương nhiên, khi thể hiện sự hài hước, bạn nên đặc biệt chú ý: Nguyên tắc quan trọng là tuyệt đối không được qua loa đại khái, các vấn đề khác nhau cần có cách xử lí không giống nhau, khi xử lí vấn đề phải có sự linh hoạt, hài hước nhưng không dung tục, như thế hài hước mới thực sự mang lại “dinh dưỡng” cho đời sống tinh thần của con người.
Vì vậy trong cuộc sống, chúng ta nên học cách củng cố trí nhớ thêm sâu sắc, nâng cao khả năng quan sát sự vật, hiện tượng, bồi dưỡng sự nhanh nhạy để nâng cao khiếu hài hước.
4. Lùi 1 bước để tiến 2 bước, biết nhường nhịn người khác
Khi nói về lí do thành công, người ta thường nhấn mạnh tinh thần tích cực tiến thủ. Nhưng có những lúc, chỉ biết lao về phía trước chưa chắc đã là phương pháp tốt nhất. Lùi một bước để tiến hai bước là một sách lược hữu hiệu trong cuộc sống.
Đương nhiên chúng ta nên cổ vũ tinh thần quyết không từ bỏ mục tiêu đã đề ra, bởi trên thực tế, tinh thần này đã giúp nhiều người đạt được thành công. Nhưng trong thế giới không ngừng thay đổi, chúng ta không thể sử dụng cùng một sách lược để đối phó với mọi tình huống. Nhún mình, nhường nhịn người khác cũng là cách giúp ta đạt được mục tiêu. Sự nhường nhịn đôi khi mang lại cho chúng ta những thu hoạch không ngờ.
Trong công việc, thêm một phần hài hước, bớt vài phần cứng nhắc, chúng ta có thể giảm bớt áp lực, nâng cao nhiệt tình với công việc. Trong giao tiếp, thêm một chút hài hước, bớt vài phần khắc nghiệt là chúng ta đã có thể biến mâu thuẫn thành mối quan hệ hòa hảo, tăng cường sự thấu hiểu, cảm thông lẫn nhau.
Khoan dung không chỉ mang lại lợi ích cho người được khoan dung, mà bản thân người khoan dung cũng tự giải phóng cho bản thân. Một trái tim khoan dung độ lượng có thể rút ngắn khoảng cách giữa người với người. Đó cũng là điều kiện cần có để trở thành một người hài hước.
Sự hài hước thể hiện sự chân thành, rộng lượng và lương thiện của con người, đồng thời đó cũng là một hành động văn minh được con người sáng tạo ra để ứng phó với những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Muốn hình thành một không khí văn hóa xã hội hài hước, cho dù là đối với cá nhân hay xã hội cũng đều phải có sự tự do tương đối. Nếu thiếu nền móng này thì sự hài hước sẽ như cái cây không có rễ. Bởi vậy, hài hước cũng phải thấu tình đạt lí.
Lùi, thể hiện sự khoan dung. Nếu nói rằng mặt biển vì rộng nên bao la, mặt đất vì rộng nên tràn đầy sức sống, bầu trời vì rộng nên bát ngát, vậy thì con người cũng nên vì rộng lượng mà trở nên cao thượng, bởi những người có phẩm chất cao thượng đều được hoan nghênh và được mọi người tôn kính.
“Lùi vài bước” có thể thúc đẩy tình cảm giữa người với người, đồng thời khiến các mối hợp tác trở nên thuận lợi hơn. Chỉ cần bạn chịu “lùi” thì bạn sẽ dễ dàng bước lên chiếc thang của xã hội, trèo ngày càng cao hơn. Hài hước là ngôn ngữ của bậc trí giả, hoặc là bạn lựa chọn thái độ mỉm cười và suy nghĩ vấn đề trên góc độ khác, hoặc là lựa chọn lùi lại một bước để khoảng không gian tiếp theo được rộng mở hơn.
5. Hiểu rõ “liều lượng” của hài hước
Tục ngữ nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hài hước cũng tương tự, muốn nói thì phải nói sao cho hợp lí, giữ nguyên tắc: Nắm được “mức độ” cần nói, phân biệt rõ từng trường hợp. Đùa giỡn quá đà sẽ dễ gây chuyện thị phi. Bởi vậy, muốn thể hiện sự hài hước thì cũng phải chú ý tới mức độ.
Nếu không nắm được “liều lượng” của hài hước thì sẽ làm tổn hại tới hình tượng thành thực, trang trọng và đáng tin cậy của mình trong lòng người khác, đồng thời giảm bớt uy tín của bản thân trong mắt họ, thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ đôi bên.
Bởi vậy, nói chuyện hài hước cũng cần phải có mức độ. Đừng bới móc hay cười nhạo người khác, cũng đừng nhại lại hành động hay câu nói của họ để chế giễu; đừng lải nhải nói không biết chán, bởi vì ngôn ngữ hài hước cần phải khổ luyện. Đừng chỉ biết trêu đùa, giỡn chơi, như thế bạn chỉ được cái tiếng là “thằng hề” chứ không phải là hài hước.
Hài hước cũng cần phải chọn thời điểm thích hợp. Một khi bạn phát hiện ra sự hài hước này khiến mọi người vui vẻ hoặc khuấy động không khí thì bạn đừng do dự mà hãy thể hiện ra. Nhưng nếu bạn phát hiện không khí xung quanh không thích hợp với sự hài hước thì hãy “biết điều” mà nén mình lại.
Hài hước cũng cần phải chú ý tới đối tượng, hãy phân biệt giới tính, thân phận, địa vị, kinh nghiệm, tố chất văn hóa và tính cách của từng đối tượng khác nhau, không phải ai cũng là đối tượng thích hợp để nói chuyện hài hước.
Thường thì với người quen, đồng hương, bạn học, đồng nghiệp, cấp dưới… có thể đùa giỡn, nói những câu hài hước, thú vị, nhưng cũng không nên đùa quá trớn. Đối với cấp trên, người nổi tiếng, người lớn tuổi, người lạ, nữ giới, đặc biệt là thiếu nữ, những người có tính cách khép kín, những người bất mãn với công việc hay nơi làm việc thì không nên tùy tiện nói đùa.
Lời nói hài hước phải đúng mức, đùa quá trớn dễ chuyển thành vô duyên, khiến người ta thấy ghét; sự hài hước không phù hợp có khi còn trở thành cuồng ngôn, bị người ta chỉ trích. Trong công việc cũng vậy, đặc biệt là ở những nơi thường xảy ra sóng gió như văn phòng làm việc thì càng cần phải chú ý tới nghệ thuật nói đùa, cho dù là một câu nói đùa nhẹ nhàng nhất cũng phải cẩn trọng. Đương nhiên là chẳng ai bắt bạn phải miệng câm như hến cả.
Trong công việc bạn còn cần lưu ý rằng, cấp trên mãi mãi là cấp trên, đừng hi vọng cấp trên sẽ bằng vai phải lứa với bạn. Cho dù trước đây hai người có là bạn học hay bạn thân đi nữa, thì trong công việc cũng đừng tự ý đùa cợt, đặc biệt là khi có mặt người khác.
Hài hước là liều thuốc bổ trong cuộc sống, bởi vì nhờ có sự hài hước, cuộc sống mới trở nên thú vị và sinh động hơn. Thế nhưng trên đời này tiếc thay lại có những người không biết nói đùa, thường khiến cho người nói đùa cảm thấy khó xử, ngượng ngùng.
Chẳng qua chỉ là một câu nói đùa mà dẫn tới bao nhiêu chuyện không hay, phá hoại nghiêm trọng mối quan hệ hòa thuận trước đó. Bởi vậy, điều này nhắc nhở chúng ta rằng, khi nói đùa hãy giữ mức độ vừa phải và cần chú ý một số điều sau đây:
1. Nói đùa tùy vào đối tượng
Tính cách của mỗi người là khác nhau, có người tính tình cởi mở, rộng lượng, có người thì lại hẹp hòi. Bởi vậy, đối với những người có tính cách khác nhau thì lời nói đùa cũng khác nhau.
Đối với những người có tính tình cởi mở, độ lượng, bạn có thể đùa nhiều hơn một chút, như thế sẽ khiến không khí trở nên sôi nổi hơn; còn với những người nhạy cảm, hẹp hòi thì nên hạn chế nói đùa. Đối với phụ nữ, nói đùa cần phải đúng mực; đối với người già, khi nói đùa càng phải chú ý tôn trọng đối phương.
Tóm lại, khi nói đùa, hãy nhớ mục đích là giúp không khí thoải mái, vui vẻ hơn mà không làm tổn hại tới lòng tự tôn của đối phương.
2. Quan sát tâm trạng của đối phương
Cùng một người nhưng trong các tình huống khác nhau sẽ có tâm trạng khác nhau. Khi tâm trạng của đối tượng không tốt, cần được an ủi và giúp đỡ thì bạn đừng đùa cợt, bởi vì nếu không cẩn thận, đối phương sẽ cho rằng bạn đang chế giễu sự đau khổ của họ.
Nói đùa cần chọn khi tâm trạng mọi người dễ chịu, thoải mái, hoặc khi đối phương vì một việc nhà mà không vui, bạn có thể thông qua lời nói đùa để giúp cho tâm trạng của đối phương tốt hơn.
3. Nội dung nói đùa phải lành mạnh, tao nhã
Tuyệt đối không được lấy khiếm khuyết của người khác ra đùa cợt, lấy nỗi đau khổ của người khác làm niềm vui cho mình. Đồng thời, cũng tránh nói những chuyện dung tục, thô thiển. Lời nói đùa phải có tri thức và thú vị, khiến mọi người học thêm được kiến thức mới, từ đó đạt được hiệu quả tích cực.
Tuy rằng hài hước cần hiểu rõ đâu là giới hạn, nhưng trong cuộc sống, giả sử gặp phải một người không biết điều thì nên đối phó như thế nào? Bạn có thể dùng sự hài hước để “hóa giải” điều đó, như thế có thể sẽ khiến bạn trở thành người có lí hơn.
Hãy ghi nhớ mấy điều sau đây:
1. Khi nói đùa với người lớn tuổi hay ít tuổi hơn, không nên quá trớn
Đặc biệt là không nên nói những chuyện nam nữ, mấy thế hệ cùng nói đùa với nhau thì nên chọn những câu chuyện tao nhã, hài hước, giúp không khí xung quanh thêm đầm ấm, hòa thuận. Còn khi những người cùng lứa đang đùa giỡn về những chuyện nam nữ, bản thân mình là người lớn tuổi hơn hoặc nhỏ tuổi hơn cũng có mặt thì tốt nhất là không nên tham dự, chỉ lặng yên lắng nghe.
2. Khi đùa với người tàn tật cần tế nhị
Chẳng ai muốn người khác lôi khuyết điểm của mình ra giễu cợt, đặc biệt là người tàn tật. Người xưa có câu: “Đừng nói chuyện ánh sáng với người mù”. Bạn nên biết rằng, con người chẳng có ai là thập toàn thập mĩ, khiếm khuyết của người khác không phải là trò đùa của bạn. Những lời nói đùa như thế sẽ làm tổn thương nghiêm trọng tới đối phương, gây ra hậu quả khó lường.
3. Khi ở riêng với bạn khác giới, không nên nói đùa
Cho dù là nói đùa ý nhị thì cũng thường gây phản cảm cho đối phương, hoặc khiến người khác suy đoán thị phi, bởi vậy nên chú ý giữ gìn khoảng cách. Đương nhiên, trong một số trường hợp nhất định cũng không cần phải nghiêm túc quá.
Sự hài hước giữa hai người khác giới nên có một giới hạn nhất định, những câu chuyện vô nghĩa không những không thể kéo gần khoảng cách giữa đôi bên, mà ngược lại còn hạ thấp nhân cách của bản thân, dễ khiến đối phương cho rằng bạn là người dung tục.
4. Không đùa cợt khi người khác đang tiếp khách
Khi người khác đã có chủ đề nói chuyện chung và đang có được không khí hòa thuận, nếu lúc này bạn đột nhiên chen ngang vào nói đùa với bạn bè để thu hút sự chú ý của mọi người cũng như làm ngắt chủ đề chuyện trò của họ, phá hoại hứng thú nói chuyện, thì bạn bè sẽ cho rằng bạn đang khiến họ mất mặt.
5. Không sa sầm mặt khi đùa với người khác
Cảnh giới cao nhất của sự hài hước là người nói đùa không cười nhưng lại khiến người nghe cười nghiêng ngả. Tuy vậy, chúng ta không phải là các danh hài, thế nên rất khó làm được điều này. Bởi vậy, bạn đừng mặt mũi sầm sì khi nói đùa với người khác để tránh bị họ hiểu lầm.
6. Đừng suốt ngày nói đùa với đồng nghiệp
Nói đùa cần phải nắm được giới hạn, không thể lúc nào cũng đùa cợt. Nếu cứ như vậy trong một thời gian dài, dần dần trước mặt đồng nghiệp, bạn sẽ không còn giữ được hình tượng nghiêm túc, các đồng nghiệp cũng sẽ mất dần sự tôn trọng đối với bạn. Hơn nữa, trước mặt cấp trên, bạn dễ bị cho là người không nghiêm túc đứng đắn, khiến cấp trên không dám đặt niềm tin cũng như giao trọng trách cho bạn. Làm như thế đúng là lợi bất cập hại.
7. Đừng cho rằng trêu chọc người khác chỉ là đùa vui
Trêu chọc người khác là thể hiện sự không tôn trọng đối với họ, dễ khiến họ tưởng rằng bạn có ác ý, hơn nữa sau đó sẽ rất khó giải thích rõ ràng. Trêu chọc không nằm trong phạm trù đùa vui, bởi vậy không được buông lời một cách tùy tiện. Trường hợp nhẹ thì chỉ làm tổn thương tới tình cảm của bạn với đồng nghiệp, nặng thì có thể còn ảnh hưởng tới “bát cơm” của bạn. Hãy nhớ “giữ mồm giữ miệng”, họa từ miệng mà ra! Đừng để sau này mới hối hận thì không còn kịp nữa.
8. Có thiện ý
Có thiện ý với người khác là một nguyên tắc quan trọng trong nói đùa. Quá trình nói đùa thực ra là quá trình giao lưu tình cảm với nhau, nếu mượn câu nói đùa để đả kích, châm biếm người khác, bộc lộ cảm xúc bất mãn của bản thân thì người khác sẽ dễ dàng nhận ra.
Có thể có những người không mau mồm mau miệng, ngoài mặt có vẻ như bạn chiếm ưu thế so với họ, nhưng “sự lấn lướt” của bạn dễ khiến người khác nghĩ rằng bạn không tôn trọng họ, bởi vậy họ sẽ dè chừng trong mối quan hệ với bạn.
9. Chú ý hành vi khi nói đùa
Ngoài việc sử dụng ngôn ngữ, có lúc người ta còn thông qua các hành vi, động tác để chọc cười người khác. Thông thường, hậu bối không nên đùa giỡn với tiền bối, cấp dưới không nên đùa giỡn với cấp trên, nam giới không nên đùa giỡn với nữ giới. Khi những người bạn cùng lứa đùa giỡn với nhau, nên nắm bắt đặc trưng tính cách và tâm trạng của đối phương để lựa chọn hình thức hài hước phù hợp.
Hãy cẩn trọng với lời nói đùa của mình, cho dù là về tâm trạng, ngôn ngữ hay hành động cũng đều nên “nháp” trước trong đầu, nếu không rất có thể bạn sẽ bắt đầu bằng lời nói đùa và kết thúc bằng “chiến tranh”. Việc đùa cần phải có mức độ, nếu không sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “quá mù ra mưa” như chúng ta thường nói.
Tóm lại, hãy biết thể hiện sự hài hước của mình một cách chừng mực, chứ đừng chỉ biết châm biếm, đả kích hay bới móc vào khuyết điểm của người khác, như thế chỉ làm tổn thương họ mà thôi. Đó là những điều rất quan trọng, nếu vận dụng tốt, bạn sẽ thấy rằng hài hước không chỉ mang lại cho bạn một tâm trạng vui vẻ, thoải mái mà còn khiến tình cảm giữa người với người càng thêm bền vững.
6. Tôn trọng là tiền đề của hài hước
Thường ngày, bạn bè đùa giỡn nhau để giảm bớt áp lực của cuộc sống là một việc rất bình thường, nhưng nếu khi nói đùa không biết tôn trọng đối phương thì sẽ có thể làm tổn thương hòa khí giữa đôi bên. Hài hước phải được đặt trên tiền đề là sự tôn trọng lẫn nhau chứ không phải là đùa một cách tùy tiện, nó là biểu hiện của một loại tri thức, thú vui, tư tưởng, trí tuệ, khi đã xác định được mức độ phù hợp thì sẽ giúp lời nói đùa đạt được hiệu quả cao nhất.
Sự tôn trọng đối với người khác được thể hiện qua việc giao tiếp với họ trên cơ sở bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, không tỏ ra “trên cơ”, trịch thượng. Nếu bạn không tôn trọng người khác thì cũng đừng mong sẽ nhận được sự tôn trọng của họ, ít nhất là người ta sẽ không muốn giao tiếp với bạn, mà bản thân bạn cũng không vui vì bị cô lập. Có một ví dụ rất thực tế trong cuộc sống như sau:
Ở làng nọ, có hai người nông dân, một người tên Lân, người còn lại tên Vương. Một hôm, Lân làm đồng xong, chẳng có việc gì để làm, bèn sang nhà Vương uống rượu. Hai người đang uống rượu rất vui vẻ, đột nhiên Lân làm ra vẻ úp mở, nói với Vương: “Vợ anh ngoại tình đấy, thế mà anh chẳng biết gì cả.”
Vương nghe vậy, bèn uống liền tù tì hai chén rượu rồi vào bếp lấy một con dao phay, sa sầm mặt hỏi Lân chuyện đó là thật hay giả.
Lân thấy Vương giận thật thì vội vàng giải thích: “Tôi chỉ đùa với anh thôi, đừng tưởng thật”.
Vương nghe thấy thế liền quát lớn: “Ai đùa như thế bao giờ, thế chẳng phải là sỉ nhục nhân cách của người khác sao?” Nói rồi cầm con dao chém cho Lân một nhát.
Vì sự việc xảy ra quá bất ngờ nên Lân không kịp tránh, bị con dao chém đúng vào phần thắt lưng. Những người hàng xóm nghe tiếng chạy đến kéo họ ra, đưa Lân vào bệnh viện, Vương cũng phải bồi thường cho Lân một khoản viện phí rất lớn.
Bởi vậy, nói đùa không nên quá trớn, những câu bông đùa phải trên cơ sở tôn trọng người khác thì mới nhận được sự đồng tình cũng như đạt được hiệu quả hài hước.
7. Có một trái tim ngây thơ, hồn nhiên
Hài hước, nói cách khác chính là “thích đùa”, nhưng không ai bẩm sinh đã biết đùa, vậy rốt cuộc hài hước từ đâu mà có?
Trong cuộc sống, để có thể hài hước thực ra rất đơn giản, chỉ cần bạn có một trái tim hồn nhiên, ngây thơ. Có câu chuyện như sau:
Một đứa trẻ hỏi người bán vé: “Cô ơi, bao nhiêu tiền một vé xem phim ạ?”
Nhân viên bán vé: “60 nghìn cháu ạ”.
Đứa trẻ nói: “Cô ơi, cháu chỉ có 30 nghìn . Cô cho cháu vào đi, cháu chỉ xem bằng một mắt thôi được không ạ?”
Lời nói hài hước và ngây thơ của đứa trẻ đã khiến cô nhân viên bán vé bật cười và cho nó vào xem.
Bạn thấy đó, trẻ em nói chuyện một cách ngây thơ, hồn nhiên, không giả bộ, bởi vậy luôn khiến mọi người yêu quý. Hay nói cách khác, “trái tim hồn nhiên” cũng đồng nghĩa với “sự thân thiện”, một người thân thiện sẽ khiến người khác cảm thấy gần gũi, không còn cảm giác xa lạ, từ đó trở nên thân thiết hơn.
Có một lần Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Đài Loan, phong thái ung dung tự tại, hóm hỉnh của ông lôi cuốn tất thảy cử tọa. Một phóng viên phỏng vấn Lạt Ma: “Bạch ngài, có phải trong Phật giáo có lệ là không được ăn khi đã quá giờ Ngọ đúng không ạ?”
Đạt Lai Lạt Ma đáp: “Đúng vậy!”
Phóng viên nọ lại hỏi tiếp: “Nhưng khi ấy đói bụng quá thì phải làm thế nào?”
Lạt Ma đáp: “Thì vào bếp ăn vụng thôi!”
Hài hước là ngôn ngữ của một trái tim ngây thơ, trong sáng. Không phải tất cả mọi người đều hài hước, nhưng chỉ cần bạn có sự hồn nhiên, ngây thơ như những đứa trẻ thì cũng đã đủ để làm một người hài hước rồi đó.
8. Nói một cách uyển chuyển, tế nhị
Nói chuyện hàm súc là một nghệ thuật, cũng là một kĩ năng của hài hước. Biểu đạt sự hài hước một cách tế nhị là không nói trực tiếp vào điều quan trọng mà mình muốn nói, nhưng lại khiến tất cả mọi người hiểu được ý của mình, hơn nữa còn thấy vui vẻ với câu chuyện đó.
Hài hước là dầu bôi trơn cho các mối quan hệ giao tiếp. Có những lúc, việc vận dụng sự hài hước một cách uyển chuyển, tế nhị để biểu đạt sự bất mãn đối với đối phương cũng là một giải pháp không tồi. Trong quan hệ giao tiếp, vì nhiều nguyên nhân mà có những lúc chúng ta phải “đụng chạm” đến người khác, nếu xử lí việc này không thỏa đáng thì sẽ rất dễ đắc tội với người khác.
Thông thường, bên chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận không nên nói điều gì quá đáng, cho dù đối phương có sai thật đi chăng nữa thì tốt nhất vẫn nên dùng cách nói đôi bên cùng hiểu để đối phương nhận ra cái sai của mình, kết thúc một cuộc tranh luận vô nghĩa.
Biểu đạt khéo léo, tế nhị là một nghệ thuật làm nên sự hài hước. Mấu chốt của việc vận dụng kĩ năng này là sử dụng cách nói nửa thật nửa đùa, vừa khúc triết vừa gián tiếp, đồng thời có tính giả định cao để bày tỏ ý kiến một cách uyển chuyển, mà vẫn khiến đối phương lĩnh ngộ được ý tứ của bạn.
Faraday là người đặt nền móng cho điện từ học cận đại, các phát minh, ứng dụng điện từ của ông đã mở ra cho nhân loại một tương lai đầy hứa hẹn. Nhưng trước khi phát minh ra đèn điện, điện thoại, động cơ điện, vẫn còn rất nhiều người hoài nghi về tác dụng của điện.
Có một lần, sau khi Faraday diễn giảng xong một loạt các lí thuyết về cảm ứng điện từ, thì có một người phụ nữ quý phái cố tình bới móc ông: “Thưa giáo sư, thứ mà ông đang nói tới có tác dụng gì vậy?”
Faraday điềm tĩnh trả lời: “Thưa phu nhân, bà có dự đoán trước được đứa trẻ vừa ra đời có vai trò gì không?”
Sự hài hước đúng lúc sẽ giúp ta tránh được những xung đột trực diện; hơn nữa, việc áp dụng thái độ tích cực, tâm trạng lạc quan sẽ cứu vãn được một tình huống khó xử.
Nếu Faraday trả lời trực tiếp vào câu hỏi, chưa chắc ông đã được thừa nhận và thông cảm; còn nếu đối kháng trực tiếp, có thể sẽ gây ra lòng thù hận, khiến sự giao tiếp bị đứt đoạn; trường hợp ông trốn tránh vấn đề thì lí thuyết của ông sẽ không bao giờ được mọi người chấp nhận.
Nhưng ông đã dùng một phương thức tư duy rất hài hước để thu phục đối phương, để đối phương nhìn nhận hiện thực trước mắt bằng cái nhìn khoan dung, cởi mở; đồng thời cũng để tăng thêm dũng khí và sự tự tin cho bản thân.
Có nhiều người sở dĩ thiếu sự hài hước, là vì họ quá quen với phương thức biểu đạt thẳng thắn, đơn giản, dễ hiểu. Nhưng thẳng thắn lại không phù hợp lắm với sự hài hước. Bởi vậy, muốn trở thành người hài hước thì trước tiên hãy học phương thức biểu đạt uyển chuyển, hàm súc.
9. Vòng vo một chút, hiệu quả sẽ tốt hơn
Cuộc sống không thể thiếu sự hài hước. Hài hước không những là tài năng, là sức mạnh, là ngọn nguồn của niềm vui và hạnh phúc mà còn là biểu hiện cao nhất của trí tuệ và các kĩ năng sống, đồng thời cũng là một phương pháp hữu hiệu để điều hòa các mối quan hệ xã hội.
Tuy vậy, không phải lúc nào cũng nên biểu đạt trực tiếp, sự hài hước cũng nên thể hiện vòng vo một chút, như vậy hiệu quả sẽ tốt hơn.
Ngày nọ, một sinh viên lớp chất lượng cao của trường đại học nổi tiếng đã tới công ty của người Do Thái để tham gia tuyển dụng.
“Cậu có yêu cầu gì?”, ông chủ hỏi.
“Tiền lương một tháng là 500 USD, một năm tôi được ra nước ngoài một tháng, công ty chịu trách nhiệm thuê nhà cho tôi”, chàng sinh viên đáp.
“Một tháng tôi trả cậu 1.000 USD, một năm được ra nước ngoài hai tháng, công ty tặng cậu một ngôi nhà”.
“Có phải ông đang đùa với tôi không?”, chàng sinh viên vô cùng kinh ngạc.
“Thế không phải cậu cũng đùa với tôi à?”, ông chủ hỏi.
Ông chủ không hề trực tiếp từ chối chàng sinh viên này mà vòng vo một hồi, dùng đãi ngộ cao gấp đôi so với yêu cầu của chàng sinh viên để làm anh ta ý thức được rằng yêu cầu mình nêu ra là không thể, hơn nữa để anh ta nhận thức rõ giá trị của mình.
Nhưng, trong cuộc sống của chúng ta, còn rất nhiều người có tính cách “thẳng như ruột ngựa”; trong lúc cư xử luôn thể hiện sự thẳng thừng, ngang bướng.
Những người này nên học “nghệ thuật vòng vo”, để tư duy của mình đi đường vòng một chút, như thế sẽ có lợi cho giao tiếp hơn.
10. Trí tuệ được cộng điểm nhờ sự hài hước
Hài hước là một biểu hiện của trí tuệ.
Người hài hước đi đâu cũng được mọi người yêu quý. Hài hước có thể giúp ta hóa giải được rất nhiều xung đột trong giao tiếp và những tình huống khó xử, khiến người khác khó lòng nổi giận được, thậm chí là trở nên rộng lượng hơn, mang lại nhiều tiếng cười cho người khác hơn.
Sức mạnh của hài hước vô cùng to lớn, nhưng hài hước vẫn cần có trí tuệ, nếu không sẽ rất dễ trở nên dung tục. Thứ chúng ta thiếu không phải là ý muốn trở nên hài hước, mà là trí tuệ để tạo ra sự hài hước. Bởi vậy, hãy để trí tuệ cộng điểm cho sự hài hước của bạn.
Einstein, nhà vật lí học vĩ đại người Đức cũng nổi tiếng là một người rất hài hước. Từng có một phóng viên yêu cầu Einstein: “Xin hãy dùng cách đơn giản nhất để giải thích về thuyết tương đối.”
Einstein nói: “Mùa hè ở bên bếp lò, bạn cảm thấy ngày dài như năm; khi hẹn hò với người tình, bạn lại cảm thấy thời gian như một mũi tên. Đây chính là thuyết tương đối về thời gian”. Phóng viên nghe xong chỉ còn biết mỉm cười.
Hài hước không phải là những câu nói thật thà như đếm, mà là sự vận dụng trí tuệ, sự thông minh và các kĩ năng gây cười để người nghe nhận được sự thú vị bất ngờ khiến họ phải kinh ngạc hoặc mỉm cười, từ đó rút ra được bài học cho riêng mình.
Hài hước một cách đúng mực giống như chiếc đũa thần tỏa sáng lấp lánh, chỉ cần gõ nhẹ một cái, nó sẽ biến cuộc sống nhạt nhẽo của bạn thành trăm ngàn đóa hoa rực rỡ.
Hài hước cần có trí tuệ và linh cảm, nhưng những người không hài hước có thể thông qua phương thức tư duy vui vẻ để thay đổi tính cách của mình.
Ví dụ, những người bạn già gặp nhau thường hay nói: “Gặp một lần bớt một lần”. Trong sự cảm khái đó bộc lộ vài phần luyến tiếc và bi ai. Nhưng nếu có thể thay đổi cách suy nghĩ, sửa câu đó thành “Gặp một lần thêm một lần” thì tâm trạng cũng sẽ thay đổi theo.
“Bớt một lần” được hiểu là ngày tháng không còn nhiều, ngày chết đã cận kề, còn “thêm một lần” lại thể hiện bạn bè cũ khó gặp mặt nhau, nên trân trọng hiện tại, cùng chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ này.
Thực ra, ai cũng thích sự hài hước, bởi hài hước có thể đưa tới sự thấu hiểu giữa người với người, do đó, nó thường khiến người ta dễ chấp nhận hơn. Người hài hước không chỉ mang lại niềm vui cho chính mình, mà còn mang lại niềm vui cho người khác.
Dù thế nào thì chúng ta cũng cần hiểu rằng: Buồn bã và tuyệt vọng không phải lúc nào cũng có người đồng cảm; những bất hạnh và phiền não trong cuộc sống không thể giúp bạn tìm được người chia sẻ. Buồn bã hay vui vẻ chủ yếu phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận sự việc ra sao.
Hài hước thực sự không phải là sự “khôn lỏi” hay trốn tránh thực tại, mà là một “trí tuệ của tâm hồn”.