10 năm thực hiện Nghị quyết 29: GDĐH vẫn còn nhiều tồn tại cần kiên trì đổi mới

10 năm thực hiện Nghị quyết 29: GDĐH vẫn còn nhiều tồn tại cần kiên trì đổi mới

Giáo dục đại học vẫn còn nhiều vấn đề cần phải làm, mà bản thân ngành GD&ĐT cũng như các cơ sở giáo dục đại học cũng chỉ là một bên có liên quan.

Năm 2023 là năm thứ 10 thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đến nay, giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, song vẫn còn không ít những bất cập, khó khăn, cần chung tay của cả hệ thống chính trị nhằm kiên định mục tiêu, kiên trì thực hiện và kiên quyết đổi mới, nhất là rất cần các chính sách vĩ mô có tầm chiến lược.

Kể từ năm 2013, Ban chấp hành Trung ương khoá XI đã đánh giá lại tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhận định: “chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp”, “Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động”, “Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp”… Nguyên nhân được xác định là: “Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm ‘giáo dục là quốc sách hàng đầu’ còn chậm và lúng túng”, “việc phân định giữa quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa rõ”.

Xuất phát từ những nhận định trên, Nghị quyết đã nhấn mạnh 7 quan điểm chỉ đạo và 9 nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện.

Những chủ trương lớn đối với giáo dục đại học

Mục tiêu đổi mới đối với giáo dục đại học được xác định là “tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài”, “hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia”.

Trên cơ sở mục tiêu, Nghị quyết nhấn mạnh “cần xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo. Coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục và đào tạo; là căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo”. “Hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục. Định kỳ kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo và các chương trình đào tạo; công khai kết quả kiểm định”.

Về tuyển sinh, Nghị quyết xác định “đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng”, “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”.

Về tổ chức và mô hình đại học, Nghị quyết khẳng định: “Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực”. “Tiếp tục sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu theo hướng gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học”. “Hoàn thiện mô hình đại học quốc gia, đại học vùng”; “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của hội đồng trường”; “Ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm”.

Về nhà giáo và cán bộ quản lý, Nghị quyết đề cập: “Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý”; “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”; “Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao”; “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”; “Có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học”.

Về cơ chế tài chính, Nghị quyết ghi rõ: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách”; “Từng bước bảo đảm đủ kinh phí hoạt động chuyên môn cho các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập. Hoàn thiện chính sách học phí”; “Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng một số trường đại học, ngành đào tạo trọng điểm, trường đại học sư phạm”.

Về nghiên cứu khoa học, “quan tâm nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học quản lý”; “Ưu tiên đầu tư phát triển khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn, phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành, trung tâm công nghệ cao, cơ sở sản xuất thử nghiệm hiện đại trong một số cơ sở giáo dục đại học”.

Việc triển khai và tác động chuyển biến

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT về việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ; Năm 2016, Chính phủ phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam (Quyết định số 1982/QĐ-TTg); Trên cơ sở tham mưu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) và Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14).

Nhờ thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 29-NQ/TW mà giáo dục đại học Việt Nam từng bước có những chuyển biến tích cực về mọi mặt, nhất là chất lượng giáo dục đại học từng bước được cải thiện, mô hình quản trị đại học thông qua Hội đồng trường ngày càng được hoàn thiện hơn. Công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo cũng như việc xây dựng mạng lưới bảo đảm chất lượng bên trong của các cơ sở giáo dục ngày càng hoàn chỉnh hơn. Nghiên cứu khoa học được các trường đại học quan tâm. Các trường đại học sư phạm chủ chốt từng bước khẳng định được vai trò trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; khoa học giáo dục cũng được quan tâm và đóng góp tích cực cho đổi mới phương pháp dạy học và quản lí giáo dục.

Vẫn còn nhiều tồn tại cần quyết tâm chính trị

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực đối với giáo dục đại học sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, tuy nhiên vẫn còn không ít những bất cập, tồn tại, cần kiên trì thực hiện đổi mới nhằm đáp ứng những kì vọng đã được Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra.

Thứ nhất, cần phải tập trung trí tuệ và sức lực, đầu tư quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học trong cả nước phù hợp với không gian lãnh thổ cũng như chiến lược phát triển quốc gia, trên cơ sở đó tập trung đầu tư nguồn lực có trọng tâm và trọng điểm nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi vì cho đến nay mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn nhiều bất cập, nguồn lực bị phân tán; các trường cao đẳng và cao đẳng sư phạm, nhiều trường đại học địa phương gặp nhiều khó khăn… rất cần sự quan tâm tháo gỡ.

10 năm thực hiện Nghị quyết 29: GDĐH vẫn còn nhiều tồn tại cần kiên trì đổi mới  ảnh 2

Giáo dục đại học vẫn còn không ít những bất cập, tồn tại, cần kiên trì thực hiện đổi mới nhằm đáp ứng những kì vọng đã được Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra. Ảnh minh họa: nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, hành lang pháp lý đảm bảo để các mô hình tổ chức và quản trị đại học tiên tiến phát huy được hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút và tập trung các nguồn lực để vươn lên các thứ hạng cao, tầm cỡ quốc tế và nhất là đảm bảo phát triển bền vững. Bởi vì trong thực tế, cơ chế tự chủ đã được thể chế hoá nhưng vẫn chưa nhất quán giữa các luật và văn bản dưới luật; thu hút đầu tư, sử dụng tài sản công vẫn còn rất nhiều bất cập…

Thứ ba, cần tiếp tục hoàn thiện mô hình đại học quốc gia và đại học vùng để tập trung nguồn lực đầu tư công, thực hiện “nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”, đặc biệt là đối với phát triển các ngành khoa học cơ bản, văn hoá – nghệ thuật, các lĩnh vực khoa học và công nghệ chiến lược ưu tiên phát triển… Trong thực tế, rất nhiều ngành đào tạo quan trọng cho sự phát triển bền vững đất nước, có thế mạnh từ đại học quốc gia, đại học vùng nhưng rất khó tuyển sinh đại học và sau đại học. Nếu không có mô hình phù hợp với các chính sách hợp lí thì sẽ khan hiếm dần và tiến tới “xóa sổ” các ngành, khoa và kể cả đội ngũ giảng viên, chuyên gia cũng như người học trong thời gian gần.

Thứ tư, “hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục” vẫn là nhiệm vụ cấp bách hiện nay, nhằm xây dựng văn hoá chất lượng trong và ngoài cơ sở giáo dục đại học, từ đó thúc đẩy môi trường giáo dục đại học lành mạnh, toàn diện, dân chủ, minh bạch, đảm bảo phát triển cân bằng trên 3 trụ cột: (1) sáng tạo tri thức (nghiên cứu khoa học), (2) truyền bá tri thức (đào tạo) và (3) phục vụ cộng đồng. Hiện nay, mặc dù đã có các trung tâm kiểm định và thực hiện chức năng nhưng còn rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, mới có thể đảm bảo thực hiện độc lập, công bằng và minh bạch…

Thứ năm, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lí cũng như với các cơ sở giáo dục đại học cần phải được thực sự quan tâm. Bởi lẽ, sau đúng 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, nhưng nhiều chính sách đã đề ra vẫn chưa được thực hiện, thậm chí là còn thiếu nhất quán (chẳng hạn như Nghị định 50/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định 141/2013/NĐ-CP). Phần nhiều các cơ sở giáo dục đại học tự xoay xở để phát triển đội ngũ chứ không phải xuất phát từ những chính sách của Nhà nước.

Tóm lại, Nghị quyết 29-NQ/TW là một chủ trương lớn, có tính chiến lược dài hạn, sau 10 năm thực hiện cũng đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, tuy nhiên đối với giáo dục đại học vẫn còn nhiều vấn đề cần phải làm, mà bản thân ngành giáo dục và đào tạo cũng như các cơ sở giáo dục đại học cũng chỉ là một bên có liên quan.

Mặc dù, quan điểm chỉ đạo đầu tiên của Nghị quyết 29-NQ/TW là “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”, tuy nhiên sau 10 năm thực hiện thì nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém đã được Nghị quyết 29 chỉ ra: “Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm ‘giáo dục là quốc sách hàng đầu’ còn chậm và lúng túng”, vẫn còn nguyên tính thời sự.

Hi vọng với sự quyết tâm chính trị cao, năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII sẽ tổng kết, đánh giá và tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới giáo dục đại học, vì mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”!

giaoduc.net.vn