10 bộ phim hay về chiến tranh Việt Nam do The Guardian giới thiệu

Khi khán giả đang đón chờ bộ phim Da 5 Bloods về chiến tranh về Việt Nam với Ngô Thanh Vân đóng chính, do Spike Lee làm đạo diễn, thì tờ báo uy tín của nước Anh – The Guardian đã điểm lại những bộ phim điện ảnh hay nhất về chiến tranh Việt Nam.

Apocalypse Now (Lời sấm truyền, 1979)

Một cảnh trong bộ phim Lời sấm truyền.

Bộ phim của đạo diễn Francis Ford Coppola được chuyển thể từ tiểu thuyết Heart of darkness (tựa Việt: Giữa lòng tăm tối) của nhà văn Joseph Conrad. Bộ phim tái hiện lại cuộc chiến tàn khốc của quân đội Mĩ tại Việt Nam những năm 1970 cùng những nguyên nhân sâu xa đã khiến quân đội Mĩ gục ngã. Một đội trưởng trẻ người Mĩ tên là Benjamin L. Willard được lệnh phải truy đuổi và giết một vị tướng của mình là Walter E. Kurtz – người đang dần trở nên điên loạn. Vị tướng này giết hàng trăm dân lành vô tội, tiến quân đến vùng biên giới Việt-Campuchia và xây một lãnh thổ kì lạ cho riêng ông ở sâu trong rừng, nơi ông được những người Cam-bốt xung quanh tôn vinh.

Little Girl of Hanoi (Em bé Hà Nội, 1974)

Em bé Hà Nội do nghệ sĩ Lan Hương (hồi nhỏ) thủ vai.

Em bé Hà Nội là một bộ phim của Việt Nam sản xuất và do Hải Ninh làm đạo diễn. Bộ phim khắc họa cuộc sống Hà Nội năm 1972, khi quân đội Hoa Kỳ tiến hành Chiến dịch Linebacker II, ném bom miền Bắc Việt Nam. Nhân vật Ngọc Hà, cô bé 12 tuổi, tìm kiếm gia đình bị thất lạc sau trận bom B52 lịch sử. Ngọc Hà được những người lính tốt bụng giúp đỡ và đoàn tụ với em gái, nhưng mẹ em thì mãi mãi ra đi sau khi cứu các em nhỏ. Có lẽ mục đích quan trọng nhất của bộ phim không phải là “Vinh danh những anh hùng của Hà Nội đã đánh bại đế quốc Mĩ” như lời giới thiệu, mà quan trọng hơn, đây là câu trả lời từ miền Bắc Việt Nam cho Rome Open City – một nghiên cứu năm 1974 về cuộc sống của người dân bị bắn phá, cho thấy góc nhìn nhiều chiều về chiến tranh Việt Nam.

Winter Soldier (Người lính mùa đông, 1972)

Phim tài liệu năm 1972 này tập trung vào một phần của cuộc chiến mà các tác phẩm hư cấu sau này sẽ cố gắng khéo léo và giải thích: những hành động tàn bạo mà lực lượng Mĩ thực hiện đối với dân thường ở Việt Nam. Trong Cuộc điều tra lính mùa đông (được thực hiện vào mùa đông năm 1971), các nhà làm phim trẻ đã dành nhiều ngày để thu hình những lời khai của 200 cựu binh sĩ từng tham chiến ở Việt Nam. Đây là một bộ phim tài liệu cấp tiến.

Full Metal Jacket (Áo giáp sắt, 1987)

Bộ phim do Stanley Kubrick làm đạo diễn. Full Metal Jacket chia làm hai phần: Phần một, theo chân một nhóm tân binh gia nhập trại huấn luyện thủy quân lục chiến Mĩ, với những góc quay thực tế về các phương pháp huấn luyện khắc nghiệt và chủ trương tẩy não các chàng trai trở thành những kẻ lạnh lùng tàn nhẫn; phần hai, theo chân nhóm tân binh trên đã trở thành những thủy quân lục chiến tinh nhuệ sang chiến trường Việt Nam. Và họ đã trở thành chứng nhân nghẹt thở của một trải nghiệm lịch sử đáng nhớ: Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Full Metal Jacket đã nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình và một đề cử Oscar cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Năm 2001, Viện phim Mĩ xếp bộ phim ở vị trí thứ 95 trong cuộc bình chọn “100 bộ phim hấp dẫn nhất mọi thời đại của điện ảnh Mĩ”.

When the Tenth Month Comes (Bao giờ cho đến tháng mười, 1984)

Một cảnh trong bộ phim.

Việt Nam có rất nhiều bộ phim về chiến tranh xuất sắc, nhưng bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn được coi là một kiệt tác của điện ảnh Việt Nam khắc họa về sự tàn phá của chiến tranh. Diễn viên Lê Vân đã vào vai một người phụ nữ miền Bắc Việt Nam đau đớn, giằng xé không thể chấp nhận cái chết của chồng – người lính Việt Nam chiến đấu. Bộ phim hiện thực và đầy trữ tình đó đã thể hiện những mát mát, đau đớn và những khao khát của người dân Việt Nam.

The Deer Hunter (Người săn nai, 1978)

Một tác phẩm kinh điển của làn sóng mới ở Hollywood, trước cả bộ phim Apocalypse Now nhưng lại thiên về tác hại về đạo đức, tinh thần mà chiến tranh gây ra cho xã hội Mĩ. The Deer Hunter giống như một vở kịch được chia làm 3 hồi, kể câu chuyện về ba người bạn là công nhân thép người Mĩ gốc Nga tham gia lực lượng bộ binh Mĩ và trải nghiệm khủng khiếp của họ trong và sau chiến tranh Việt Nam. Bộ phim cho khán giả cảm nhận sự kinh hoàng của chiến trường Việt Nam, dữ dội và khốc liệt hơn bất cứ một bộ phim chiến tranh nào cho đến thời điểm đó. Không có giới hạn nào trong cuộc chiến này – mọi người, kể cả dân thường lẫn lính tráng, phụ nữ và trẻ em, đều có thể bị bắn hoặc thiêu sống.

Hearts and Minds (Trái tim và khối óc, 1974)

Ảnh minh họa.

Chiến tranh Việt Nam là tâm điển của nhiều cuộc biểu tình của người dân Mĩ chống lại chính phủ của họ trong những năm 1960 và 1970. Bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar năm 1975 đã gói gọn tâm trạng này. Đạo diễn Peter Davis tập trung vào chủ đề phân biệt chủng tộc vô nhân đạo của quân đội và chính phủ Hoa Kì khi cuộc xung đột phát triển và khai thác cuộc sống, cảm xúc, trải nghiệm của những con người ở hai đầu chiến tuyến.

The Abandoned Field: Free Fire Zone (Cánh đồng hoang, 1979)

Tiếng nói của điện ảnh Việt Nam phần lớn đã bị át đi bởi vụ những bộ phim bom tấn Mĩ nhưng vẫn có một số điểm nổi bật, chẳng hạn như bộ phim của đạo diễn Hồng Sến sản xuất năm 1979 này, lấy bối cảnh vùng Đồng Tháp Mười, nơi một gia đình đang chống lại các cuộc tấn công của quân đội Mĩ, giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Do hạn chế về nguồn lực (người Mĩ trong phim do diễn viên Việt Nam đóng), song bộ phim vẫn hấp dẫn và sinh động.

Platoon (Trung đội, 1986)

Poster bộ phim.

Thông qua những dòng nhật kí của binh nhì Chris Taylor, phim kể về một trung đội lính Mĩ tham gia chiến tranh Việt Nam đóng quân tại biên giới Việt Nam – Campuchia. Từ lí tưởng cống hiến cho đất nước, sau này những người lính như Chris dần thấy rõ mặt trái của chiến tranh qua những xung đột, mất mát và hi sinh. Có thể nói Platoon kết tinh sâu sắc những trải nghiệm và cảm nhận của nước Mĩ về chiến tranh, khi cuộc chiến đã lùi vào dĩ vãng. Câu chuyện mà đạo diễn Oliver Stone mang đến đã giành giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất và Những thước phim đẹp nhất.

Little Dieter Needs to Fly (Cậu bé Dieter muốn bay, 1997)

Đây là một bộ phim tài liệu Đức-Anh-Pháp sản xuất năm 1997 do Werner Herzog viết kịch bản và đạo diễn. Phim nói về một anh lính người Mĩ gốc Đức, Dieter Dengler ngay từ nhỏ đã có một ước mơ cháy bỏng muốn làm phi công bay khắp mọi nơi. Anh ta gia nhập không quân Hoa Kì tham chiến trong chiến tranh Việt Nam. Trong một chuyến bay xuyên rừng rậm, máy bay đã bị bắn rơi. Dengler bị bắt làm tù binh nhưng ước mơ bay lượn mãi cháy bỏng trong anh, điều đó khiến anh quyết tâm tổ chức cuộc cuộc đào thoát khỏi quân Giải phóng… Bộ phim giành được nhiều giải thưởng như Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo cho phim tài liệu Quốc tế Amsterdam 1997; Giải thưởng IDA, Hiệp hội phim tài liệu quốc tế 1998…

HIÊN NGỌC theo The Guardian

VNQD