1 giáo viên có đến 2 kết quả đánh giá xếp loại cuối năm nhưng có thể vênh nhau?

GDVN- Kết quả đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp là Chưa đạt nhưng kết quả đánh giá theo Nghị định 90 vẫn có thể là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cuối mỗi năm học, giáo viên sẽ được nhà trường đánh giá và xếp loại để ghi nhận kết quả đạt được trong suốt một năm học mà bản thân đã rèn luyện và phấn đấu.

Thế nhưng điều bất cập ở chỗ, một giáo viên đôi khi có đến 2 kết quả đánh giá phân loại khác nhau.

Một kết quả là theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên dựa trên những tiêu chuẩn và tiêu chí của Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT. Một kết quả khác là xếp theo những quy định trong Nghị định 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

1 giáo viên có đến 2 kết quả đánh giá xếp loại cuối năm nhưng có thể vênh nhau? ảnh 1

Cụ thể, đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên sẽ có 4 mức đánh giá phân loại: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt.

Còn đánh giá theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng phân định thành 4 mức là: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hoàn thành nhiệm vụ và Không hoàn thành nhiệm vụ.

Một giáo viên có đến 2 kết quả?

Với việc cùng lúc đánh giá theo 2 quy định khác nhau như hiện nay dẫn đến một giáo viên đôi khi có đến 2 kết quả khập khiễng nhau.

Cụ thể, kết quả đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp là Khá nhưng kết quả đánh giá theo Nghị định 90 vẫn có thể là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hoặc kết quả theo Chuẩn nghề nghiệp chỉ là Đạt nhưng kết quả đánh giá theo Nghị định 90 vẫn là Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hay, theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên A chỉ được đánh giá Chưa đạt (chỉ vì chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, thiếu chứng chỉ) nhưng ở Nghị định 90 giáo viên này vẫn có thể được đánh giá là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Câu hỏi đặt ra: “Kết quả nào sẽ là cơ sở pháp lý, lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, để xem xét, xử lý khi cần thiết?”

Mặc dù chưa có quy định nào nói rằng kết quả xếp loại từ chuẩn nghề nghiệp giáo viên sẽ quan trọng hơn kết quả xếp loại theo Nghị định 90 của Chính phủ và ngược lại.

Đáng nói, Điều 21 Nghị định 90 nêu rõ:

Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Vậy nên có thể khẳng định rằng, kết quả đánh giá theo Nghị định 90 hằng năm là căn cứ vô cùng quan trọng.

Vì thế, không ít nhà giáo đã thắc mắc: “Kết quả đánh giá theo Nghị định 90 quan trọng đến thế thì kết quả đánh giá giáo viên theo Thông tư 20 Chuẩn nghề nghiệp để làm gì?

Người viết được biết có “cô giáo sống thẳng tính đã phải trả giá cho suốt thời gian dài bằng “Phiếu đánh giá giáo viên” liên tục bị xếp loại… Khá”.

Hai phiếu đánh giá, xếp loại mang hai kết quả khác nhau trong khi không ít những tiêu chí, tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất chính trị, hiệu quả công việc của Chuẩn nghề nghiệp và Nghị định 90 khá giống nhau.

Việc đánh giá giáo viên hàng năm là rất cần thiết. Thông qua kết quả đánh giá, chúng ta sẽ thấy được giáo viên ấy đã phấn đấu, nỗ lực trong suốt một năm học thế nào.

Thế nhưng, kết quả đánh giá thì chỉ có một và chỉ cần căn cứ vào một loại văn bản chuẩn là đủ.

Việc đánh giá giáo viên hiện nay đang được quy định bởi khá nhiều văn bản chồng chéo và cho ra các kết quả khác nhau, như vậy sẽ chẳng thể giúp nhà giáo thực hiện tốt hơn công việc giảng dạy của mình.

Trái lại, chỉ khiến những công việc hành chính rườm rà không cần thiết như tăng hồ sơ đánh giá và những buổi họp hành, bình xét sẽ nhiều thêm làm mất thời gian và công sức một cách lãng phí, không cần thiết.

Bởi vậy, thay vì cùng lúc đánh giá giáo viên theo 2 quy định khác nhau (Chuẩn nghề nghiệp và Nghị định 90 của Chính phủ), Bộ Giáo dục nên thống nhất chung một mẫu đánh giá và xếp loại dành riêng cho giáo viên.

Điều này không chỉ cho giáo viên một kết quả thống nhất mà còn bớt đi những cuộc họp hành, bình xét thi đua vào cuối mỗi năm học.

Tài liệu tham khảo:

https://lawnet.vn/vb/nghi-dinh-90-2020-nd-cp-xep-loai-chat-luong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-6de41.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên