1. HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM SÁT VIÊN KHI KIỂM SÁT VIỆC THỤ LÝ, LẬP HỒ SƠ CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH. | VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
1. Hoạt động kiểm sát việc thụ lý.
– Xem xét đơn kiện để xác định người khởi kiện có quyền khởi kiện hay không. Căn cứ Điều 103 Luật TTHC, người khởi kiện vụ án có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức:
+ Cá nhân khởi kiện phải bảo đảm những điều kiện theo quy định tại Điều 48 của Luật TTHC.
+ Pháp nhân khởi kiện phải thông qua người đại diện theo quy định của pháp luật theo khoản 5 Điều 48 Luật TTHC. Việc ủy quyền khởi kiện, tham gia tố tụng phải làm thành văn bản theo quy định của pháp luật.
+ Người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thực hiện quyền và nghĩa vụ thông qua người đại diện theo quy định tại Điều 48 Luật TTHC.
– Thông qua đơn kiện, Kiểm sát viên còn xem xét điều kiện khởi kiện. Căn cứ Điều 103 Luật TTHC thì trước khi thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính, cá nhân, cơ quan, tổ chức không bắt buộc phải thực hiện thủ tục khiếu nại, trừ một số trường hợp khiếu kiện về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại Hội đồng nhân dân.
+ Để làm rõ các điều kiện khởi kiện, Kiểm sát viên phải xem xét đối chiếu đơn kiện với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, với danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc các tài liệu chứng minh việc người khởi kiện đã khiếu nại, hết thời hạn giải quyết mà người có thẩm quyền không giải quyết. Nếu thiếu điều kiện trên phải yêu cầu Tòa án khắc phục ngay.
+ Để xác định bên bị kiện, Kiểm sát viên phải nghiên cứu đơn kiện, quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức và quyết định trả lời khiếu nại (nếu có). Bên bị kiện phải là bên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hoặc hành vi hành chính bị khiếu kiện.
– Thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án , Kiểm sát viên căn cứ vào các quy định tại Điều 28 Luật TTHC để xác định vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không.
+ Nếu đối tượng khởi kiện là hành vi hành chính thì Kiểm sát viên phải xác định hành vi hành chính bị khiếu kiện có phải là hành vi do chủ thể quản lý hành chính tiến hành khi thực hiện nhiệm vụ công vụ hay không, đồng thời phải tiếp tục nghiên cứu đối tượng này khi kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án.
+ Trường hợp đối tượng khởi kiện là quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống thì đối tượng khởi kiện tương đối rõ, Kiểm sát viên cần lưu ý các trường hợp đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính. Quyết định hành chính bị khiếu kiện phải bảo đảm các điều kiện sau: Là quyết định cụ thể cá biệt (văn bản ban hành quy phạm pháp luật không thể là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính); Là quyết định lần đầu phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước được hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2006; Quyết định hành chính bị khiếu kiện phải là những quyết định trực tiếp gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện mà người khởi kiện được quyền khởi kiện; Nội dung của quyết định hành chính bị khiếu kiện phải được quy định tại Điều 28 của Luật Tố tụng hành chính, khi phát sinh tranh chấp TAND có thẩm quyền sẽ giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính.
– Xác định thời hiệu khởi kiện: Căn cứ vào Điều 104 của Luật TTHC, Kiểm sát viên phải xem xét thời hiệu khởi kiện còn hay hết.
+ Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau: 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
+ Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thuc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 5 ngày. Lưu ý thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện theo khoản 3 Điều 104 Luật TTHC .
+ Kiểm sát viên cần lưu ý các trường hợp khởi kiện vụ án khi người khởi kiện đã khiếu nại nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 36 Luật khiếu nại tố cáo. Nếu phát hiện vụ việc đã hết thời hiệu khiếu nại bị cơ quan có thẩm quyền từ chối giải quyết khiếu nại thì nguyên đơn không có quyền khởi kiện. Tòa án cũng không thể thụ lý vụ án hành chính để giải quyết. Những trường hợp khiếu nại không đúng địa chỉ hoặc không đúng thủ tục, cơ quan có thẩm quyền đang yêu cầu đương sự khắc phục để giải quyết cũng chưa thể thụ lý để giải quyết. Những nghi vấn về thời hiệu phải yêu cầu Tòa án xác minh làm rõ.
– Xác định nội dung việc kiện đã được giải quyết bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật hay chưa. Nếu hồ sơ chưa đủ để xác định vụ việc đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hay chưa thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Tòa án tiếp tục làm rõ và lưu ý trong khi tiến hành kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án.
– Ở các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, việc thụ lý vụ án được tiến hành bằng thủ tục tiếp nhận hồ sơ do Tòa án đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị chuyển tới, do đó Kiểm sát viên khi kiểm sát việc thụ lý vụ án theo các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm cần phải xem xét thêm tính kịp thời, đầy đủ của hồ sơ vụ án.
– Nếu phát hiện chưa đủ điều kiện để thụ lý vụ án, Kiểm sát viên phải yêu cầu Tòa án khắc phục. Nếu phát hiện các trường hợp không thụ lý vụ án của TAND có vi phạm pháp luật thì đề xuất biện pháp khắc phục.
2. Hoạt động kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án hành chính.
– Kiểm tra xác định tính hợp pháp, kịp thời, đầy đủ, khách quan trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ xác minh, lập hồ sơ của Toà án bằng các hoạt động:
+ Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu để xác định tính hợp pháp và giá trị chứng minh của tài liệu, chứng cứ. Giá trị chứng minh của tài liệu, chứng cứ phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ và thủ tục thu thập, xác minh của Toà án.
+ Xác minh thêm hoặc yêu cầu Toà án trưng cầu giám định, xác minh làm rõ tài liệu, chứng cứ.
+ Sau khi xác định tính hợp pháp của từng tài liệu, chứng cứ, Kiểm sát viên tiến hành tổng hợp, phân tích, đánh giá tính khách quan của các tài liệu, chứng cứ đó. Nếu tài liệu, chứng cứ thiếu khách quan, chỉ có lợi cho một bên, thì kịp thời yêu cầu Toà án khắc phục.
– Kiểm tra lại tính hợp pháp trong việc thụ lý vụ án:
+ Kiểm sát viên căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã thu thập, Kiểm sát viên kiểm tra lại tính hợp pháp trong việc thụ lý: Người khởi kiện và quyền khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, đối tượng khởi kiện và nội dung việc kiện có thuộc thẩm quyền của Toà án hay không.
+ Tập trung nghiên cứu những vướng mắc hoặc thay đổi, bổ sung của tài liệu, chứng cứ so với hồ sơ ban đầu. Những vấn đề cần được bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc xác minh thêm nếu không có điều kiện tự mình tiến hành thì yêu cầu Toà án khắc phục. Trường hợp hồ sơ vụ án chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Kiểm sát viên yêu cầu Toà án bổ sung.
– Ở thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, hoạt động kiểm sát lập hồ sơ vụ án phài tập trung làm rõ những nội dung quyết định của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị; những tài liệu, chứng cứ có liên quan do Toà án đã giải quyết vụ án dùng làm căn cứ để nhận định, phán quyết và những tài liệu chứng cứ mới bổ sung sau kháng cáo, kháng nghị.
– Kiểm sát viên cần lưu ý một số vấn đề sau:
+ Nghiên cứu đơn kiện: Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ đơn kiện và đối chiếu với các tài liệu có liên quan để xác định tính hợp pháp của việc kiện; xác định tư cách của người khởi kiện, người đại diện hoặc người được uỷ quyền, xác định bên bị kiện thông qua tên, tuổi, địa chỉ, chữ ký của người kiện; xác định thời hiệu khởi kiện còn hay hết thông qua ngày, tháng, năm khởi kiện, đối chiếu với các tài liệu khác; đánh giá được tính hợp pháp trong các yêu cầu của nguyên đơn, xác định ai là người bị kiện, ai là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
+ Nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn xuất trình và Toà án xác minh thu thập để xác định tính hợp pháp của các tài liệu chứng cứ, xem xét các diễn biến về quan điểm, yêu cầu của nguyên đơn, những thay đổi về nội dung yêu cầu của người khởi kiện.
+ Nghiên cứu các tài liệu chứng cứ do bên bị kiện giải trình và những tài liệu chứng cứ do Toà án xác minh thu thập để xác định tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc cán bộ, công chức bị khiếu kiện (xem xét thẩm quyền ban hành quyết định hoặc thẩm quyền thực hiện hành vi bị khiếu kiện; xem xét những căn cứ mà bên bị kiện dựa vào đó để ban hành quyết định hoặc thực hiện hành vi bị khiếu kiện).
+ Nghiên cứu quan điểm của bên bị kiện về việc kiện thông qua quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu, chứng cứ mà bên bị kiện dùng để bảo vệ quan điểm của mình.
+ Nghiên cứu những tài liệu, chứng cứ của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thông qua việc đánh giá các tài liệu, chứng cứ để xác định những ai là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, quan điểm và yêu cầu hợp pháp của từng người. Kiểm sát viên phải lưu ý những thay đổi trong yêu cầu của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vì những thay đổi đó có thể dẫn đến sự thay đổi về bản chất vụ án.