07 điểm lưu ý khi kinh doanh dịch vụ cầm đồ – Hãng Luật Quốc Tế Thành Công
Thứ nhất, lưu ý về thuê nhân viên làm việc tại tiệm cầm đồ
Mục Lục
Thứ nhất, lưu ý về thuê nhân viên làm việc tại tiệm cầm đồ
Theo quy định pháp luật, cửa hàng cầm đồ chỉ được sử dụng nhân viên từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự, không nghiện ma túy. Không sử dụng nhân viên đang trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử, tạm hoãn phạt tù, án treo, cải tạo không giam giữ.
Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý lập danh sách người làm việc tại cửa hàng cầm đồ của mình và lưu trữ tại cửa hàng. Danh sách này cần đầy đủ thông tin cơ bản như: họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số CMND, địa chỉ thường trú,…
Cuối cùng, bạn có trách nhiệm phải tổ chức tập huấn về công tác đảm bảo an ninh, trật tự cho nhân viên của mình theo hướng dẫn của cơ quan công an (nếu có);
Thứ hai, kiểm tra thông tin khách hàng và lưu trữ
Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách hàng mang tài sản đến cầm cố là việc làm bắt buộc.
Các giấy tờ cần kiểm tra bao gồm: Giấy chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/Hộ chiếu hoặc giấy tờ cá nhân khác có dán ảnh do cơ quan quản lý nhà nước cấp, còn giá trị sử dụng.
Sau khi chắc chắn về thông tin của khách hàng, hãy photocopy các giấy tờ này và lưu lại bạn nhé.
Thứ ba, kiểm tra tính hợp pháp của tài sản cầm cố của khách hàng
Tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Bạn chỉ được cầm cố khi các tài sản đó có đầy đủ giấy tờ. Đồng thời lưu giữ lại bản chính của các loại giấy đó trong thời gian cầm cố tài sản.
Trường hợp tài sản cầm cố không phải của người mang đi cầm mà là của người khác, bạn cần yêu cầu người đi cầm đồ phải cung cấp được giấy ủy quyền của chủ sở hữu. Việc này tránh cho bạn tiêu thụ những tài sản trộm cắp, không rõ nguồn gốc. Đồng thời cũng là quy định bắt buộc của pháp luật cần bạn tuân thủ.
Đặc biệt, bạn không được nhận cầm cố đối với các tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm mà có. Do đó bạn nên lưu ý để tránh vướng phải do không biết luật.
Xem thêm: Các điều kiện cơ bản về đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ
Thứ tư, lập hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định pháp luật cho từng khách hàng, lập sổ kinh doanh dịch vụ cầm đồ
Hợp đồng cầm cố là chứng từ ghi nhận các điều khoản thỏa thuận giữa hai bên.
Hợp đồng cầm cố sẽ bao gồm các nội dung chính: Hai bên chủ thể, tài sản cầm cố, số tiền cho vay, thời hạn thỏa thuận, quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia hợp đồng, cách xử lý tài sản cầm cố,…
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 42/2017/TT-BCA, bạn còn cần phải lập Sổ quản lý kinh doanh dịch vụ cầm đồ theo mẫu số DK19. Cơ quan công an sẽ thường xuyên kiểm tra các chứng từ này trong quá trình hoạt động của cửa hàng, do đó bạn nên lưu ý để thực hiện cho đúng.
Thứ năm, lưu ý về lãi suất cho vay tiền
Lãi suất cho vay tiền khi bạn nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự. Cụ thể, tại khoản 1, điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015 quy đinh:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay…”
Như vậy, mức lãi suất cụ thể là do bạn và bên thuê thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo lãi suất không được quá 20%/năm theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, bảo quản tài sản cầm cố
Khi đang nhận cầm đồ, bạn cần bảo quản và giữ gìn các tài sản này. Nếu làm hư hỏng, mất hay thất lạc thì bạn buộc phải bồi thường thiệt hại. Nguyên tắc là bạn không được quyền bán, trao đổi, tặng cho hay sử dụng tài sản này để tiếp tục đi cầm cố ở nơi khác.
Đồng thời bạn cũng không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng lợi từ tài sản này trừ khi đã thỏa thuận với chủ của tài sản ngay từ ban đầu.
Sau cùng, khi bên đi vay đã trả bạn đầy đủ số tiền nợ, bạn buộc phải bàn giao lại tài sản của họ và các giấy tờ họ đã cung cấp cho bạn. Nếu không thực hiện hoặc thực hiện trái các điều trên, bạn sẽ có nguy cơ phải “Hầu tòa” khi bên phía người đi cầm cố có yêu cầu khởi kiện.
Thứ bảy, đảm bảo tính pháp lý của cửa hàng xuyên suốt quá trình hoạt động kinh doanh
Hồ sơ pháp lý của toàn bộ cửa hàng cần được bảo quản, lưu trữ và đảm bảo duy trì trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
Trường hợp làm mất, hư hỏng một trong những giấy tờ, tùy vào nơi cấp mà bạn sẽ liên lạc các cơ quan đó để xin cấp lại trong vòng 03 ngày sau khi mất.
Trường hợp có thay đổi thông tin trên các giấy phép, tương tự bạn cần thay đổi giấy phép mới với nội dung thông tin mới nhất của của hàng
Trường hợp cơ sở tạm ngừng kinh doanh thì trước 10 ngày kể từ ngày tạm ngừng hoạt động, cơ sở kinh doanh phải có văn bản thông báo cho cơ quan Công an có thẩm quyền và Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ sở hoạt động kinh doanh biết, trong đó nêu rõ lý do và thời gian tạm ngừng hoạt động.