[05] Chủ quyền quốc gia

Chủ quyền quốc gia là khái niệm nền tảng trong luật quốc tế, được xem là quyền nguyên gốc về mặt pháp lý theo nghĩa tất cả các quyền và tự do của mọi và mỗi quốc gia đều xuất phát từ quyền nguyên gốc này. Chủ quyền là vốn có, tự nhiên và chỉ duy nhất thuộc về quốc gia. Dưới đấy sẽ tập hợp các nhận định của học giả, cơ quan tài phán về các cách hiểu “chủ quyền quốc gia”. Ngoài ra, ở cuối post sẽ đề cập đến câu hỏi xuất hiện khá thường xuyên: liệu việc ký kết điều ước quốc tế ngày càng nhiều có làm suy giảm chủ quyền quốc gia khi chúng tạo ra ngày càng nhiều nghĩa vụ và giới hạn ngày càng hẹp không gian tự do hành động của các quốc gia?

  1. Ý kiến học giả

MALCOLM N. SHAW: “Luật pháp quốc tế được xây dựng dựa trên khái niệm quốc gia. Quốc gia lại được đặt trên nền tảng của chủ quyền, được thể hiện như quyền lực tối cao của các thiết chế nhà nước bên trong quốc gia đó và bên ngoài quốc gia đó thể hiện là quyền lực tối cao của quốc gia với tư cách một chủ thể pháp lý.” [1]

JAMES CRAWFORD: “Thuật ngữ ‘Chủ quyền’ có rất nhiều cách sử dụng. Theo nghĩa nguyên gốc thuật ngữ này chỉ đến quyền lực tối cao bên trong một quốc gia – thuộc về vấn đề của luật hiến pháp hơn là pháp luật quốc tế, và là vấn đề mà ở nhiều quốc gia không được xem là một vấn đề thực sự. Theo nguyên tắc phân chia quyền lực, không có bất kỳ thiết chế nào bên trong một quốc gia có quyền lực toàn bộ; quyền lực sẽ được phân chia, nhưng quốc gia vẫn được xem là có ‘chủ quyền’. Luật pháp quốc tế để vấn đề phân chi quyền lực trong nội bộ quốc gia cho từng quốc gia quyết định. Luật pháp quốc tế xem mỗi quốc gia như một thực thể có chủ quyền, theo nghĩa rằng quốc gia mặc nhiên có toàn bộ thẩm quyền để hoạt động không chỉ bên trong quốc gia mà còn ở phạm vi quốc tế, để ký kết (hoặc không ký kết) các điều ước quốc tế và các cam kết khác, để quan hệ (hoặc không quan hệ) với quốc gia khác bằng nhiều cách thức, để đồng ý (hoặc không đồng ý) giải quyết các tranh chấp quốc tế.” [2]

PETER MALANCZUK: “Khi một luật sư quốc tế nói rằng quốc gia có chủ quyền thì họ chỉ có ý cho rằng quốc gia đó độc lập, và rằng quốc gia đó không phụ thuộc vào các quốc gia khác. Họ không có ý cho rằng quốc gia đó có thể theo bất kỳ cách thức nào đứng trên pháp luật. Sẽ tốt hơn nếu từ ‘chủ quyền’ được thay thế bằng từ ‘độc lập’. Trong chừng mực mà từ ‘chủ quyền’ có nghĩa vượt quá nghĩa ‘độc lập’ thì từ này không phải là một thuật ngữ pháp lý với một ý nghĩa cố định, mà thực chất là một thuật ngữ hoàn toàn mang tính cảm tính. Mọi người biết rằng các quốc gia rất hùng mạnh, nhưng việc quá tập trung vào chủ quyền đã khuyếch đại quyền lực của họ và khuyến khích họ lạm dụng nó…”[3]

ANTONIO CASSESE: “Chủ quyền quốc gia không phải là không bị giới hạn. Rất nhiều quy định của luật pháp quốc tế đặt ra giới hạn đối với chủ quyền. Bên cạnh các quy định điều ước, khác nhau giữa các Quốc gia, các giới hạn còn được đặt ra với chủ quyền quốc gia từ các quy định tập quán. Chúng là hệ quả pháp lý tự nhiên của nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền của các Quốc gia khác… Một Quốc gia có thể không được thực thi quyền lực chủa quyền của mình, hay can thiệp vào, các hoạt động được thực hiện hợp pháp bở Quốc gia khác trên lãnh thổ của chính mình. Sự bất lực pháp lý này bắt nguồn từ nguyên tắc chung áp đặt nghĩa vụ tôn trọng sự độc lập và danh dự của các Quốc gia khác (par in parem non habet imperium, nghĩa là, những người bình đẳng không có thẩm quyền với những người bình đẳng khác).”[4]

ROBERT BECKMAN và DAGMAR BUTTE: “Chủ quyền là quyền độc quyền thực thi quyền lực chính trị tối cao đối với một lãnh thổ xác định (vùng đất, không phận và một số khu vực biển nhất định như lãnh hải) và con người bên trong lãnh thổ đó. Không một Quốc gia khác nào có thể có quyền lực chính trị chính thức bên trong Quốc gia đó. Do đó, chủ quyền có liên quan chặt chẽ đến khái niệm độc lập chính trị.”[5]

  1. Án lệ của cơ quan tài phán quốc tế

VỤ ĐẢO PALMAS (PCIJ, 1928): “Chủ quyền đặt trong quan hệ giữa các Quốc gia nhấn mạnh đến sự độc lập. Sự độc lập liên quan đến một phần của trái đất là quyền thực thi các chức năng của một Quốc gia bên trong tách biệt khỏi bất kỳ Quốc gia nào khác […] Như đã nói trên, chủ quyền lãnh thổ liên quan đến quyền độc quyền trong việc thực thi các hoạt động của một Quốc gia. Quyền này đi kèm một nghĩa vụ song song: nghĩa vụ phải bảo vệ các quyền của các Quốc gia khác bên trong lãnh thổ của mình, cụ thể là quyền của các quốc gia này đối với sự toàn vẹn và bất khả xâm phạm trong thời bình và thời chiến, cùng với các quyền mà mỗi Quốc gia có thể yêu sách cho công dân của họ trên lãnh thổ nước ngoài. Việc không thực thi chủ quyền lãnh thổ theo cách thức phù hợp với các hoàn cảnh, một Quốc gia không thể hoàn thành nghĩa vụ trên. Chủ quyền lãnh thổ không thể tự giới hạn trong khía cạnh bị động của mình, cụ thể là chỉ xem xét từ tính chất loại trừ các hoạt động của quốc gia khác; bởi vì chủ quyền lãnh thổ là nhằm chia tách phạm vi không gian giữa các quốc gia, mà trong đó các hoạt động của con người diễn ra, nhằm bảo đảm tại bất kỳ thời điểm nào mức bảo vệ tối thiểu mà luật pháp quốc tế là người bảo vệ. […]”[6]

VỤ QUY CHẾ THUẾ QUAN GIỮA ĐỨC VÀ ÁO (PCIJ, 1931), Ý KIẾN CÁ NHÂN CỦA THẨM PHÁN M. ANZILOTTI: “Chúng ta bây giờ phải xác định nghĩa và phạm vi của thuật ngữ ‘độc lập’ … tôi nghĩ các nhận định nêu trên cho thấy sự độc lập của nước Áo … không là gì khác hơn sự tồn tại của một nước Áo, bên trong biên giới được xác định theo Hiệp ước Saint-Germain, như một Quốc gia riêng biệt và không phụ thuộc vào thẩm quyền của bất kỳ Quốc gia hay nhóm Quốc gia nào khác. Độc lập được hiểu như thế thực sự không là gì hơn chính là tiêu chí thông thường của một Quốc gia theo luật pháp quốc tế; nó có thể cũng được miêu tả như chủ quyền (suprema potestas), hay chủ quyền bên ngoài, theo nghĩa một Quốc gia không có bất kỳ cái gì có thẩm quyền bên trên nó ngoại trừ luật pháp quốc tế.”[7]

  1. Ký kết điều ước quốc tế có thu hẹp chủ quyền quốc gia?

Một câu hỏi cũng khá hay mà đôi khi cũng đặt ra là “liệu việc một quốc gia ký kết nhiều điều ước quốc tế, với ngày càng nhiều các nghĩa vụ phải thực hiện, có làm cho chủ quyền quốc gia bị hạn chế dần hay không?”. Để trả lời câu hỏi này, xin trích lại ý kiến của Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ) trong Vụ Wimbledon năm 1923:

“Tòa từ chối cho rằng, khi ký kết các điều ước quốc tế mà theo đó một quốc gia cam kết thực hiện hoặc không được thực hiện một hành vi cụ thể, là một hành động từ bỏ chủ quyền. Không có bất kỳ nghi ngờ nào rằng một điều ước quốc tế tạo ra một nghĩa vụ thuộc loại này lại áp đặt giới hạn lên trên việc thực thi quyền chủ quyền của một Quốc gia, theo nghĩa là nó yêu cầu các quyền này phải được thực hiện theo một cách nhất định. Nhưng quyền tham gia vào các mối quan hệ quốc tế là một biểu hiện của chủ quyền quốc gia.”[8]

Về vấn đề này, tác giả cũng từng nghe Giáo sư Allain Pellet trả lời. Giáo sư cho rằng việc ký kết điều ước quốc tế không thể xem là ảnh hưởng đến chủ quyền của quốc gia, bởi lẽ chủ quyền của các quốc gia là bình đẳng – nguyên tắc bình đẳng chủ quyền – do đó không thể có chuyển chủ quyền của một quốc gia ký kết nhiều điều ước quốc tế lại hẹp/giới hạn hơn so với một quốc gia ký kết ít điều ước quốc tế hoặc không ký kết bất kỳ điều ước quốc tế nào.

Trần H. D. Minh (chỉnh sửa 22/01/2018)

———————————————————————-

[1] Malcolm N. Shaw, International Law, 6th ed., CUP, 2008, tr. 487.

[2] James Crawford, Sovereignty as a legal value, in trong James Crawford and Martti Koskenniemi, Cambridge Companion to International Law, CUP, 2012, tr. 118.

[3] Peter Malanczuk, Akehurst’s Modern Introduction to International Law, 7th ed., Routledge, 1997, tr. 17-18

[4] Antonio Cassese, International Law, 2nd ed., OUP, 2005, tr. 98.

[5] Robert Beckman và Dagmar Butte, Introduction to International Law, tr. 2, xem tại https://www.ilsa.org/jessup/intlawintro.pdf

[6] Vụ đảo Palmas (Hà Lan/Mỹ), Phán quyết của Tòa PCIJ năm 1928, Reports of International Arbitral Awards, vol. II, tr. 838 – 839.

[7] Vụ Quy chế thuế quan giữa Đức và Áo, Ý kiến tư vấn của Tòa PCIJ năm 1931, Ý kiến cá nhân của thẩm phán M. Anzilotti, tr. 57.

[8] Phán quyết của Tòa PCIJ năm 1923, tr. 22.

Chia sẻ:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…