02/2014/NĐ-CP – thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 02/2014/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2014

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG, THI HÀNH BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH ĐƯA VÀO TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC BẮT BUỘC

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về lập hồ sơ đề nghị, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc (sau đây viết gọn là đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc); thành lập trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; chế độ quản lý, giáo dục người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và những quy định khác có liên quan đến việc lập hồ sơ đề nghị, thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

2. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị và thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập hồ sơ đề nghị, thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Học sinh là người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng.

2. Trại viên là người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

3. Người đang ốm nặng là người đang ở trong tình trạng bị bệnh nặng đến mức không còn khả năng lao động và sinh hoạt bình thường hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và phải điều trị trong một thời gian nhất định theo chỉ định của bác sĩ mới có thể bình phục trở lại.

4. Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS hoặc bệnh hiểm nghèo khác theo quy định của Bộ Y tế.

5. Gia đình đang gặp khó khăn đặc biệt là các trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc là người lao động duy nhất để bảo đảm cuộc sống gia đình; gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn hoặc có thân nhân bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà ngoài người đó ra không còn ai khác để khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn hoặc chăm sóc người bệnh.

6. Có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật là việc người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thành thật hối lỗi, tích cực lao động, học tập, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

7. Lập công là việc người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc tố cáo hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; dũng cảm cứu người, cứu tài sản có giá trị lớn của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác; có thành tích trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được nhận giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân từ cấp huyện trở lên; có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lao động được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận.

Điều 4. Thành lập, sáp nhập, giải thể và thiết kế, xây dựng trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc

1. Bộ Công an quyết định việc thành lập, sáp nhập hoặc giải thể trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

2. Trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc được thiết kế, xây dựng theo quy định thống nhất của Bộ Công an, bảo đảm phù hợp với đặc điểm yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục, cai nghiện ma túy, chữa bệnh, dạy nghề, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí cho học sinh, trại viên và bảo đảm các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường.

Điều 5. Điều kiện bảo đảm cho việc áp dụng, thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc

1. Kinh phí bảo đảm cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, tổ chức hoạt động của trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; kinh phí lập hồ sơ, tổ chức đưa người vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; truy tìm đối tượng bỏ trốn; tổ chức cai nghiện ma túy; điều trị cho học sinh, trại viên bị nhiễm HIV/AIDS; kinh phí bảo đảm ăn, mặc, ở, học tập, học nghề, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phòng bệnh, khám, chữa bệnh của học sinh, trại viên; kinh phí tổ chức đưa học sinh dưới 16 tuổi, học sinh, trại viên bị ốm khi chấp hành xong quyết định về địa phương mà không có thân nhân đến đón và các khoản kinh phí khác phục vụ cho việc áp dụng, thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc do ngân sách trung ương bảo đảm và được dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an.

2. Trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc được trực tiếp nhận sự giúp đỡ về vật chất, chuyên môn, kỹ thuật của Ủy ban nhân dân địa phương, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước; được tham gia hợp đồng, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh tế theo quy định của pháp luật để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc sử dụng vào việc dạy văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, đồ dùng phục vụ học tập, sinh hoạt, khám, chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma túy cho người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Điều 6. Cưỡng chế thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc

Người phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nếu không tự giác chấp hành quyết định hoặc chống đối thì cơ quan Công an có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an để buộc người đó phải chấp hành. Trường hợp hành vi chống đối có dấu hiệu của tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 7. Truy tìm người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc mà bỏ trốn

1. Người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc chưa thi hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc mà bỏ trốn thì Trưởng Công an cấp huyện nơi đã lập hồ sơ ra quyết định truy tìm.

2. Học sinh bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm; trại viên bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định truy tìm. Thời gian trốn khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

3. Cơ quan đã ra quyết định truy tìm có trách nhiệm tổ chức truy tìm đối tượng bỏ trốn; nếu đối tượng có hành vi chống đối thì được áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để buộc người đó phải chấp hành.

4. Ủy ban nhân dân và cơ quan Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp, giúp các cơ quan nêu tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này trong việc truy tìm đối tượng bỏ trốn.

Khi phát hiện đối tượng có quyết định truy tìm, mọi người có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất hoặc đưa ngay đối tượng đến cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để đưa đối tượng đến cơ quan Công an cấp huyện.

5. Khi nhận đối tượng, cơ quan Công an phải lập biên bản, lấy lời khai của người đó, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy tìm biết để đến nhận đối tượng.

Khi nhận được thông báo, cơ quan đã ra quyết định truy tìm phải cử người đến ngay để nhận, đưa người đó về trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Khi giao, nhận đối tượng phải lập biên bản. Việc đưa đối tượng về trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện theo quy định của pháp luật về áp giải người theo thủ tục hành chính.

6. Đối với người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, nhưng chưa chấp hành mà bỏ trốn, nếu khi truy tìm được mà người đó đủ 18 tuổi trở lên thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng đóng trụ sở chính xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Đối với học sinh đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng bỏ trốn, nếu khi truy tìm được mà người đó đã đủ 18 tuổi trở lên thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng đóng trụ sở chính xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Chuyển hồ sơ của người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Khi xem xét hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, nếu xét thấy hành vi vi phạm của người đó có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án thì quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án kèm theo hồ sơ được chuyển cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện. Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và chuyển cho Trưởng công an cấp huyện để chuyển cho Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

2. Đối với trường hợp đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, nếu sau đó phát hiện hành vi vi phạm của người bị áp dụng biện pháp này có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì giải quyết như sau:

a) Trường hợp chưa chấp hành quyết định thì Trưởng Công an cấp huyện nơi Tòa án nhân dân đã ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét, quyết định hủy quyết định đó. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hủy quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc phải chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền. Nếu sau đó, có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc được Tòa án tuyên không phạm tội, thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển lại hồ sơ cho Tòa án nhân dân để xem xét, ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc đối với người đó;

b) Trường hợp người đó đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thì theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc đề nghị Tòa án nhân dân đã ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc xem xét, quyết định hủy quyết định đối với người đó. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hủy quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền. Nếu sau đó, có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc được Tòa án tuyên không phạm tội, thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển lại hồ sơ cho Tòa án nhân dân để xem xét, ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc đối với người đó.

Điều 9. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc

1. Trường hợp phát hiện người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định thì giải quyết như sau:

a) Trường hợp chưa chấp hành quyết định thì theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền;

b) Trường hợp đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thì theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định đối với người đó, đồng thời chuyển hồ sơ và người đó cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và thông báo cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định đưa họ vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

2. Trường hợp có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc được Tòa án tuyên không phạm tội thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đưa đối tượng trở lại để họ tiếp tục chấp hành quyết định. Khi tiếp nhận trở lại thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc mà mình đã ban hành.

3. Trường hợp đối tượng bị Tòa án xử phạt tù thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc phải ra quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc do mình ban hành.

Điều 10. Tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự

1. Khi có yêu cầu đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền phải có văn bản gửi Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, trong đó phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của học sinh, trại viên, lý do và thời hạn tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Căn cứ vào văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc để tham gia tố tụng. Quyết định phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của học sinh, trại viên; mục đích, thời hạn tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; họ tên, chức vụ của người ký quyết định.

2. Cơ quan có yêu cầu đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm đưa học sinh, trại viên đi và trả lại họ theo đúng thời hạn đã ghi trong quyết định hoặc khi không còn yêu cầu. Khi giao, nhận phải lập biên bản.

3. Thời hạn tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc được tính vào thời hạn chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Chương 2.

THỦ TỤC LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ, THI HÀNH; CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, GIÁO DỤC; CHẾ ĐỘ ĂN, MẶC, Ở, HỌC TẬP, SINH HOẠT, LAO ĐỘNG, PHÒNG BỆNH, KHÁM, CHỮA BỆNH VÀ CHẾ ĐỘ KHÁC ĐỔI VỚI HỌC SINH, TRẠI VIÊN

MỤC 1. THỦ TỤC LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ, THI HÀNH; CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, GIÁO DỤC; CHẾ ĐỘ ĂN, MẶC, Ở, HỌC TẬP, SINH HOẠT, LAO ĐỘNG, PHÒNG BỆNH, KHÁM, CHỮA BỆNH VÀ CHẾ ĐỘ KHÁC ĐỐI VỚI HỌC SINH

Điều 11. Hồ sơ, thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

1. Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ quan đã lập hồ sơ chuyển hồ sơ đó cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Hồ sơ gồm:

a) Công văn của cơ quan đã lập hồ sơ đề nghị Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ;

b) Các tài liệu, giấy tờ có trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Việc giao, nhận hồ sơ phải được lập biên bản.

2. Sau khi kiểm tra tính pháp lý theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính thì Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện chuyển lại toàn bộ hồ sơ cho Trưởng Công an cấp huyện để xem xét, quyết định việc đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Hồ sơ gồm:

a) Các tài liệu, giấy tờ theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này;

b) Văn bản kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện.

Việc giao, nhận hồ sơ phải được lập biên bản.

Điều 12. Hồ sơ, thủ tục đưa người đã có quyết định vào trường giáo dưỡng

1. Khi đưa người vào trường giáo dưỡng phải có hồ sơ kèm theo. Hồ sơ gồm:

a) Quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện về việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;

b) Bản tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;

c) Danh, chỉ bản của người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;

d) Bản sao các quyết định giáo dục đã áp dụng (nếu có);

đ) Quyết định giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp này (nếu có);

e) Tài liệu khác liên quan đến nhân thân của người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (nếu có).

2. Khi giao, nhận người có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng phải lập biên bản. Trường giáo dưỡng phải đối chiếu, kiểm tra người được giao, nhận với hồ sơ và lập biên bản ghi rõ những tài liệu có trong hồ sơ, tình trạng sức khỏe hiện tại của người được giao, nhận; tư trang, đồ dùng cá nhân mang theo và những vấn đề khác có liên quan đến việc giao, nhận.

Điều 13. Hồ sơ, thủ tục đề nghị xem xét, quyết định hoãn, giảm thời hạn, tạm đình chỉ, miễn chấp hành toàn bộ hoặc phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng

1. Hồ sơ, thủ tục đề nghị xem xét, quyết định hoãn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng

Người phải chấp hành quyết định hoặc người đại diện hợp pháp của họ thấy đủ điều kiện hoãn chấp hành quyết định thì làm đơn gửi Trưởng Công an cấp huyện nơi Tòa án nhân dân đã ra quyết định để đề nghị Tòa án nhân dân xem xét, quyết định hoãn. Hồ sơ gồm:

a) Đơn xin hoãn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng nêu rõ lý do;

b) Công văn đề nghị Tòa án nhân dân xem xét, quyết định hoãn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng;

c) Văn bản của bệnh viện cấp huyện trở lên chứng nhận về tình trạng ốm nặng của người phải chấp hành quyết định hoặc văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận về gia đình của người phải chấp hành quyết định đang có khó khăn đặc biệt.

2. Hồ sơ, thủ tục đề nghị xem xét, quyết định miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng

Người phải chấp hành quyết định hoặc người đại diện hợp pháp của họ thấy đủ điều kiện miễn chấp hành quyết định thì làm đơn gửi Trưởng Công an cấp huyện nơi Tòa án nhân dân đã ra quyết định để đề nghị Tòa án nhân dân xem xét, quyết định. Hồ sơ gồm:

a) Đơn xin miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng nêu rõ lý do;

b) Công văn đề nghị Tòa án nhân dân xem xét, quyết định miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng;

c) Một trong các giấy tờ sau:

– Văn bản của bệnh viện cấp huyện trở lên chứng nhận về tình trạng đang mắc bệnh hiểm nghèo của người phải chấp hành quyết định;

– Văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận về tình trạng không còn nghiện ma túy của người phải chấp hành quyết định;

– Văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân từ cấp xã trở lên xác nhận về việc có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc có giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân từ cấp huyện trở lên về việc lập công;

– Văn bản của cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lao động;

– Văn bản của bệnh viện chứng nhận về tình trạng đang mang thai.

3. Thủ tục đề nghị xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng

Học sinh đã chấp hành một nửa thời hạn nếu có đủ điều kiện giảm hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng làm hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng xem xét, quyết định giảm hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng.

4. Thủ tục đề nghị xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng

Học sinh bị ốm nặng mà được đưa về gia đình điều trị thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng làm hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng.

Điều 14. Chế độ quản lý học sinh

1. Học sinh phải học tập, lao động và sinh hoạt dưới sự quản lý, giám sát của trường giáo dưỡng.

2. Căn cứ vào quy mô của từng lớp trong trường giáo dưỡng, thời hạn chấp hành quyết định, đặc điểm nhân thân, tính chất, mức độ vi phạm, tình trạng sức khoẻ, giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn của từng học sinh, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng sắp xếp họ vào đội, lớp, tổ, nhóm cho phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục. Mỗi đội, lớp phải có cán bộ của trường giáo dưỡng trực tiếp phụ trách.

Điều 15. Chế độ ăn của học sinh

Tiêu chuẩn ăn của mỗi học sinh trong một tháng như sau:

a) Gạo 17 kg;

b) Thịt 01 kg;

c) Cá 01 kg;

d) Đường 0,5 kg;

đ) Nước mắm 01 lít;

e) Bột ngọt 0,1 kg;

g) Muối 0,8 kg;

h) Rau xanh 15 kg.

Ngày lễ, Tết dương lịch thì học sinh được ăn thêm không quá 3 lần tiêu chuẩn ngày thường; các ngày Tết Nguyên đán thì học sinh được ăn thêm không quá 5 lần tiêu chuẩn ăn của ngày thường; Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế để bảo đảm học sinh ăn hết tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn ăn được tính theo giá thị trường của từng địa phương. Chế độ ăn, nghỉ đối với học sinh ốm đau do Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định theo chỉ định của cơ sở y tế.

2. Tiêu chuẩn chất đốt của mỗi học sinh trong một tháng tương đương 15 kg than hoặc 17 kg củi.

3. Nguồn nước để sử dụng vào việc ăn, uống và sinh hoạt phải là nguồn nước sạch theo quy định của ngành y tế. Trường giáo dưỡng phải bảo đảm tiêu chuẩn ăn tối thiểu của học sinh theo đúng quy định và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Điều 16. Chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của học sinh

1. Chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của học sinh trong một năm được cấp như sau:

a) 02 bộ quần, áo dài; 01 bộ quần, áo dài đồng phục;

b) 02 bộ quần, áo lót;

c) 03 khăn mặt;

d) 02 đôi dép nhựa;

đ) 03 bàn chải đánh răng;

e) 01 áo mưa nilông;

g) 01 mũ cứng;

h) 01 mũ vải;

i) 02 chiếc chiếu cá nhân;

k) Mỗi quý, mỗi học sinh được cấp 01 tuýp kem đánh răng 150 g loại thông thường, 01 kg xà phòng, 01 lọ nước gội đầu 200 ml loại thông thường;

l) Đối với học sinh ở các trường giáo dưỡng từ Thừa Thiên Huế trở ra, mỗi học sinh được cấp thêm 01 áo ấm, 02 đôi tất và 01 mũ len, một chăn bông 02 kg, có vỏ. Màn, chăn bông, tấm đắp được cấp cho học sinh khi vào trường giáo dưỡng. Đối với học sinh phải chấp hành từ 12 tháng trở lên thì được cấp 2 lần;

m) Đối với các trường giáo dưỡng từ Đà Nẵng trở vào, mỗi học sinh được cấp một tấm đắp.

2. Học sinh được mang vào trường giáo dưỡng những đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định của Bộ Công an. Học sinh nữ được cấp thêm mỗi tháng một khoản tiền tương đương với 03 kg gạo tẻ loại thường tính theo giá thị trường của từng địa phương để mua những đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân.

Điều 17. Chỗ ở của học sinh

1. Học sinh được bố trí ở buồng tập thể theo lớp, đội, tổ hoặc nhóm phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục từng loại đối tượng. Ban đêm, học sinh ngủ trong các phòng tập thể có khóa cửa bên ngoài và có cán bộ thường trực tại các khu ở.

2. Phòng ở phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Học sinh được bố trí giường hoặc sàn nằm. Nếu chỗ nằm của học sinh bằng sàn xây xi măng hoặc lát gạch men thì phải có ván ép bằng gỗ đặt trên mặt sàn. Diện tích nằm tối thiểu cho mỗi học sinh là 2,5 m2. Khu ở của nam, nữ tách riêng.

Điều 18. Chế độ học tập, sinh hoạt của học sinh

1. Chế độ học tập

a) Học sinh được học văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc học văn hóa đối với học sinh chưa phổ cập giáo dục là bắt buộc. Đối với những học sinh khác thì tùy theo khả năng và điều kiện thực tế của trường mà tổ chức học tập. Đối với học sinh đã bỏ học trước khi vào trường giáo dưỡng mà không có hồ sơ, học bạ thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện nơi trường giáo dưỡng đóng trụ sở tổ chức kiểm tra kiến thức hai môn văn và toán bằng hình thức kiểm tra viết. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định xếp lớp học văn hóa cho phù hợp. Quyết định này thay cho học bạ những năm trước đã mất để xét tốt nghiệp cho học sinh.

Ngoài việc học văn hóa, học sinh phải được học tập chương trình giáo dục công dân, giáo dục hướng nghiệp, học nghề và chương trình giáo dục khác do Bộ Công an quy định. Kinh phí chi cho việc dạy và học nghề theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

b) Kinh phí mua sách, vở, đồ dùng học tập cho mỗi học sinh hàng tháng tương đương với 07 kg gạo tẻ loại thường tính theo giá thị trường của từng địa phương;

c) Trường giáo dưỡng có trách nhiệm tổ chức cho học sinh thi học kỳ, thi kết thúc năm học, thi chuyển cấp, thi tuyển chọn học sinh giỏi, thi vào lớp chuyên và cấp chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp tương ứng với chương trình học cho học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

d) Sổ điểm, học bạ, hồ sơ và các biểu mẫu liên quan đến việc giảng dạy và học tập ở trường giáo dưỡng phải theo mẫu chung thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an;

đ) Văn bằng, chứng chỉ học văn hóa, học nghề trong trường giáo dưỡng có giá trị như văn bằng, chứng chỉ của các trường phổ thông.

2. Chế độ sinh hoạt

a) Ngoài giờ học văn hóa, học nghề, lao động theo quy định của pháp luật, trường giáo dưỡng phải tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác cho học sinh;

b) Mỗi trường giáo dưỡng được thành lập một thư viện; mỗi phân hiệu của trường được thành lập một phòng đọc sách, báo, khu vui chơi, nhà luyện tập thể dục, thể thao, sân thể thao để học sinh rèn luyện thể lực; được trang bị hệ thống truyền thanh, truyền hình. Mỗi phòng ở tập thể được trang bị một vô tuyến truyền hình màu, được phát một tờ báo Thanh niên và một tờ báo phù hợp với từng lứa tuổi.

3. Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình học tập và đào tạo, cấp chứng chỉ, bằng tốt nghiệp, bố trí giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề cho các trường giáo dưỡng.

Điều 19. Chế độ lao động của học sinh

1. Học sinh từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi ngoài giờ học tập phải tham gia lao động do trường tổ chức. Trường giáo dưỡng có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp sức khoẻ của học sinh để bảo đảm sự phát triển bình thường về thể lực, trí lực và nhân cách.

2. Không sử dụng học sinh làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại, làm việc vào ban đêm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của học sinh theo Danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

3. Thời gian lao động, học tập và học nghề của học sinh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, pháp luật về giáo dục, về lao động. Thời gian học nghề được tính vào thời gian lao động. Thời gian lao động không được nhiều hơn thời gian học tập. Học sinh được nghỉ lao động trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết theo quy định của pháp luật.

Ngoài thời gian được nghỉ lao động theo quy định chung, học sinh được nghỉ lao động khi ốm đau theo chỉ định của y sĩ, bác sĩ. Khi gặp thân nhân trong thời gian lao động, học tập phải được cán bộ có thẩm quyền của trường giáo dưỡng cho phép.

4. Đối với những công việc mà pháp luật quy định phải có bảo hộ lao động thì trường giáo dưỡng có trách nhiệm trang bị quần áo, thiết bị bảo hộ lao động phù hợp với yêu cầu của công việc. Trường hợp học sinh bị tai nạn thì trường giáo dưỡng phải tổ chức cứu chữa kịp thời và làm các thủ tục cần thiết để giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Quản lý và sử dụng kết quả lao động của trường giáo dưỡng

1. Quản lý và sử dụng kết quả lao động của trường giáo dưỡng

a) Kết quả lao động do học sinh làm ra được trường giáo dưỡng quản lý theo quy định của pháp luật;

b) Kết quả lao động của học sinh, sau khi trừ chi phí hợp lý được sử dụng để hỗ trợ cho việc học tập, ăn uống, sinh hoạt, khám, chữa bệnh cho học sinh; bồi dưỡng cho học sinh làm thêm giờ hoặc làm ngày nghỉ, khen thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc, bổ sung vào quỹ hòa nhập cộng đồng cho học sinh;

c) Học sinh được gửi số tiền bồi dưỡng làm thêm giờ, làm trong ngày nghỉ, tiền thưởng do có thành tích xuất sắc cho thân nhân hoặc được sử dụng theo quy định hoặc được gửi trường giáo dưỡng quản lý và được nhận lại khi chấp hành xong quyết định.

2. Bộ Công an, Bộ Tài chính quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng kết quả lao động của trường giáo dưỡng.

Điều 21. Chế độ khen thưởng, xử lý vi phạm đối với học sinh

1. Học sinh có thành tích trong rèn luyện nhân cách, học tập, lao động, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy trường giáo dưỡng hoặc lập công thì được khen thưởng bằng các hình thức sau đây:

a) Biểu dương;

b) Được tham quan hoặc giao lưu với các trường giáo dưỡng khác do trường giáo dưỡng tổ chức;

c) Được tặng giấy khen kèm theo thưởng tiền hoặc hiện vật;

d) Được thưởng năm ngày về thăm gia đình, không kể thời gian đi đường và một khoản tiền để ăn đường, mua vé tàu, xe đi, về. Trường hợp hết thời gian thưởng mà học sinh cố tình không trở lại trường giáo dưỡng thì bị áp dụng biện pháp áp giải; nếu bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm;

đ) Được đề nghị xem xét giảm hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng.

2. Học sinh đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, nếu vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy trường giáo dưỡng, chây lười lao động, học tập, không tự giác rèn luyện nhân cách, chống lại người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành hoặc trốn khỏi trường giáo dưỡng hoặc có hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính, bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thẩm quyền xét và quyết định kỷ luật học sinh vi phạm bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách ly với học sinh khác trong thời hạn tối đa 5 ngày.

3. Các quyết định khen thưởng hoặc kỷ luật phải bằng văn bản do Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ký và lưu vào hồ sơ của học sinh.

Điều 22. Chế độ khám bệnh, chữa bệnh cho học sinh

1. Trường giáo dưỡng phải định kỳ tổ chức khám sức khỏe cho tất cả học sinh sáu tháng một lần và thường xuyên có biện pháp đề phòng dịch bệnh; thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm cho học sinh. Tiền khám, chữa bệnh thường xuyên hàng tháng cho mỗi học sinh được cấp tương đương với 04 kg gạo tẻ loại thường tính theo giá thị trường của từng địa phương. Kinh phí tổ chức cai nghiện ma túy, điều trị HIV/AIDS cho học sinh theo định mức kinh phí mà Nhà nước cấp cho các cơ sở cai nghiện, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an.

2. Học sinh bị ốm được điều trị tại cơ sở y tế của trường giáo dưỡng. Trường hợp học sinh bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị tại cơ sở y tế của trường giáo dưỡng thì được đưa đi bệnh viện hoặc đưa về gia đình để điều trị. Trường hợp học sinh được tạm đình chỉ để đưa về gia đình điều trị, thì gia đình phải chi trả toàn bộ kinh phí khám, chữa bệnh cho học sinh.

3. Trường hợp học sinh bị ốm nặng phải đưa đến bệnh viện để điều trị lâu dài thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày đưa học sinh đến bệnh viện, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải báo cáo Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp và thông báo cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của học sinh. Kinh phí khám, chữa bệnh cho học sinh do ngân sách nhà nước cấp. Trường giáo dưỡng trực tiếp thanh toán tiền viện phí cho bệnh viện nơi học sinh được điều trị. Trong thời gian điều trị tại bệnh viện, trường giáo dưỡng có trách nhiệm chăm sóc và phối hợp với gia đình học sinh chăm sóc họ; trường giáo dưỡng có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, không để học sinh trốn hoặc vi phạm pháp luật.

Trường hợp học sinh có biểu hiện không bình thường về thần kinh thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có văn bản gửi Bệnh viện tâm thần trung ương theo khu vực, đồng thời, cử cán bộ đưa học sinh đến để giám định tâm thần. Bệnh viện tâm thần trung ương theo khu vực có trách nhiệm giám định cho học sinh theo đề nghị của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng và có kết luận bằng văn bản để làm thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trường hợp học sinh bị thương tích do tai nạn lao động, thiên tai, hỏa hoạn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải làm thủ tục để thực hiện chế độ trợ cấp cho học sinh theo quy định.

Thời gian điều trị bệnh của học sinh được tính vào thời gian chấp hành quyết định. Một ngày điều trị bệnh được tính bằng một ngày chấp hành quyết định.

Điều 23. Giải quyết trường hợp học sinh bị chết

1. Khi có học sinh bị chết, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trường giáo dưỡng đóng trụ sở, cơ sở y tế gần nhất đến lập biên bản xác định nguyên nhân chết, có mời học sinh của trường giáo dưỡng chứng kiến và làm thủ tục khai tử với chính quyền địa phương, thông báo cho thân nhân học sinh. Sau đó, phải gửi giấy chứng tử cho thân nhân học sinh bị chết (nếu có) và thông báo cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định đưa người đó vào trường giáo dưỡng, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã lập hồ sơ đề nghị đưa người đó vào trường giáo dưỡng. Trường hợp học sinh bị chết khi đang điều trị tại cơ sở y tế nhà nước từ cấp huyện trở lên thì cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo và gửi giấy chứng tử cho trường giáo dưỡng.

Trường hợp học sinh chết do bị HIV/AIDS có kết luận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng mời đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trường giáo dưỡng đóng trụ sở, cơ sở y tế, thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của học sinh chết (nếu có) đến để lập biên bản theo quy định và không cần giám định pháp y.

2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi làm xong các thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều này, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có trách nhiệm tổ chức mai táng tử thi, gửi giấy báo tử cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của học sinh chết (nếu có) và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã lập hồ sơ đề nghị đưa người đó vào trường giáo dưỡng. Kinh phí mai táng do ngân sách nhà nước cấp.

3. Trong trường hợp thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người chết có đơn đề nghị đưa tử thi về mai táng hoặc đề nghị được đưa hài cốt đã được địa táng từ đủ 3 năm trở lên về mai táng, thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng xem xét, quyết định. Đơn đề nghị phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và phải cam đoan thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

Điều 24. Chế độ thăm gặp người thân, nhận, gửi thư, nhận tiền, quà của học sinh

1. Học sinh được gặp người thân tại nhà thăm gặp của trường giáo dưỡng, được liên lạc với thân nhân bằng điện thoại và phải chấp hành đúng những quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Công an về thăm gặp và liên lạc bằng điện thoại.

2. Người đến thăm học sinh phải xuất trình Chứng minh nhân dân. Trường hợp ngủ lại qua đêm tại trường giáo dưỡng phải được sự đồng ý của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng.

3. Học sinh được nhận và gửi thư, nhận tiền, quà (trừ rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích, đồ vật và các loại văn hóa phẩm bị cấm). Trường giáo dưỡng có trách nhiệm kiểm tra thư, giám sát nội dung các cuộc nói chuyện điện thoại và các loại quà trước khi trao cho học sinh. Riêng tiền hoặc giấy tờ có giá, học sinh phải gửi vào bộ phận lưu ký của trường giáo dưỡng và được sử dụng theo quy định của Bộ Công an.

Điều 25. Giải quyết trường hợp học sinh có việc tang của thân nhân hoặc có trường hợp cấp thiết khác

Khi có việc tang của thân nhân trong gia đình hoặc có trường hợp cấp thiết khác và có đơn xin bảo lãnh của gia đình hoặc người giám hộ được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận, thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể xét cho học sinh về gia đình không quá 5 ngày, không kể thời gian đi đường. Thời gian về gia đình được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

MỤC 2. THỦ TỤC LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ, THI HÀNH; CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, GIÁO DỤC; CHẾ ĐỘ ĂN, MẶC, Ở, HỌC TẬP, SINH HOẠT, LAO ĐỘNG, PHÒNG BỆNH, KHÁM, CHỮA BỆNH VÀ CHẾ ĐỘ KHÁC ĐỐI VỚI TRẠI VIÊN

Điều 26. Hồ sơ, thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ quan đã lập hồ sơ chuyển hồ sơ đó cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Trường hợp Trưởng Công an cấp huyện nơi có cơ sở cai nghiện bắt buộc đóng trụ sở nhận hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc từ Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Trưởng Công an cấp huyện gửi hồ sơ cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Hồ sơ và thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.

Điều 27. Hồ sơ, thủ tục đưa người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

1. Khi đưa người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc phải có hồ sơ kèm theo. Hồ sơ gồm:

a) Quyết định của Tòa án nhân dân về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

b) Quyết định giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc trong thời gian làm thủ tục (nếu có);

c) Bản tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

d) Bản sao các quyết định giáo dục đã áp dụng (nếu có);

đ) Danh, chỉ bản của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

e) Tài liệu cần thiết khác liên quan đến nhân thân của người phải chấp hành quyết định và để phục vụ cho việc quản lý, giáo dục người đó (nếu có).

2. Khi tiếp nhận người có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc phải đối chiếu, kiểm tra người được giao, nhận với hồ sơ, Chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân khác của người đó và lập biên bản giao, nhận, ghi rõ những tài liệu có trong hồ sơ, tình trạng sức khoẻ hiện tại của người được giao, nhận; tư trang, đồ dùng cá nhân mang theo và những vấn đề khác liên quan đến việc giao, nhận.

Điều 28. Hồ sơ, thủ tục đề nghị xem xét, quyết định hoãn, giảm thời hạn, tạm đình chỉ, miễn chấp hành toàn bộ hoặc phần thời gian còn lại tại cơ sở giáo dục bắt buộc

1. Hồ sơ, thủ tục đề nghị xem xét, quyết định hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Người phải chấp hành quyết định hoặc người đại diện hợp pháp của họ thấy đủ điều kiện hoãn chấp hành quyết định thì làm đơn gửi Trưởng Công an cấp huyện nơi Tòa án nhân dân đã ra quyết định để đề nghị Tòa án nhân dân xe