#006 | Đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Tình tiết sự kiện:

Công ty Indonesia (Nguyên đơn) ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với Công ty Việt Nam (Bị đơn) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn trong vụ tranh chấp kinh doanh thương mại với một công ty của Việt Nam tại Tòa án Việt Nam. Sau khi kết thúc giai đoạn phúc thẩm, Bị đơn gửi Nguyên đơn một dự thảo hợp đồng dịch vụ pháp lý cho giai đoạn giám đốc thẩm. Theo Hội đồng Trọng tài, giữa các Bên có thể tồn tại hợp đồng dịch vụ pháp lý mới.

Bài học kinh nghiệm:

Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên. Với kết quả của sự ưng thuận giữa các bên, hợp đồng thường được hình thành trên cơ sở một đề nghị giao kết hợp đồng và một chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, thực tiễn thường gặp khó khăn trong việc xác định khi nào được coi là đề nghị giao kết hợp đồng và khi nào được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Trong vụ việc trên, Tòa án nhân dân tối cao ra Bản án xét xử phúc thẩm và Hội đồng Trọng tài xác định “sau khi có Phiên phúc thẩm, công việc của Bị đơn cũng đã hoàn thành. Thực tế, sau giai đoạn phúc thẩm, Bị đơn có gửi cho Nguyên đơn một email trong đó có kèm theo một dự thảo hợp đồng dịch vụ pháp lý mới cho giai đoạn giám đốc thẩm”. Liên quan đến hợp đồng dịch vụ mới, Hội đồng Trọng tài cho rằng “các diễn biến và quy định nêu trên đã cho thấy ý chí cuối cùng của Bị đơn là đề nghị Nguyên đơn giao kết một hợp đồng dịch vụ pháp lý mới cho giai đoạn giám đốc thẩm và tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này (nếu có) sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Hội đồng Trọng tài cho rằng có thể các Bên đã giao kết một hợp đồng dịch 2 vụ tư vấn pháp lý mới trong giai đoạn Giám đốc thẩm, trong đó lời đề nghị giao kết được thể hiện bằng văn bản (cụ thể là dự thảo hợp đồng dịch vụ pháp lý kèm theo email ngày 29/11/2011) và chấp thuận được thể hiện qua sự im lặng mà không phản đối của Nguyên đơn. Tuy nhiên, do Bị đơn không có Đơn kiện lại và Đơn khởi kiện của Nguyên đơn chỉ dựa trên hợp đồng 027 và văn bản cam kết 028 nên việc kết luận có hay không có một hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý mới trong giai đoạn giám đốc thẩm và tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này (nếu có) không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài”.

Phần trên cho thấy hợp đồng mới giữa các Bên cho giai đoạn giám đốc thẩm “có thể” đã được giao kết nhưng vẫn chưa thể “kết luận có hay không có một hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý mới”. Ở đây, Hội đồng Trọng tài đã đưa ra một số thông tin đáng lưu ý liên quan đến giao kết hợp đồng và cụ thể là liên quan đến lời đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Hội đồng Trọng tài cho rằng “lời đề nghị giao kết được thể hiện bằng văn bản (cụ thể là dự thảo hợp đồng dịch vụ pháp lý kèm theo email ngày 29/11/2011)”. Kết luận này là thuyết phục trên cơ sở Điều 390 Bộ luật dân sự năm 2005 theo đó “đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể”. Việc Bị đơn gửi cho Nguyên đơn dự thảo hợp đồng dịch vụ mới cho thấy Bị đơn đã “thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này” và việc Bị đơn gửi kèm dự thảo hợp đồng theo email gửi tới Nguyên đơn cho phép khẳng định lời đề nghị giao kết hợp đồng của Bị đơn đã gửi tới “bên đã được xác định cụ thể” (gửi tới Nguyên đơn). Bộ luật dân sự năm 2015 có sự thay đổi liên quan đến đề nghị giao kết hợp đồng vì ngày nay khoản 1 Điều 386 Bộ luật dân sự năm 2015 khẳng định “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng”. Ở đây, Bộ luật dân sự năm 2015 đã bổ sung đề nghị gửi tới công chúng và đề nghị trong vụ việc trên không liên quan đến 3 đề nghị gửi tới công chúng nên hướng giải quyết trên vẫn được duy trì khi áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015.

Tuy nhiên, sự tồn tại của đề nghị giao kết hợp đồng chưa đủ để hình thành hợp đồng. Hợp đồng chỉ được coi là giao kết khi có lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Theo Điều 396 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 393 Bộ luật dân sự năm 2015, “chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị”. Vậy, sau khi nhận được lời đề nghị giao kết của Bị đơn, Nguyên đơn có chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng không? Thực ra, Nguyên đơn im lặng và Hội đồng Trọng tài cho rằng “chấp thuận được thể hiện qua sự im lặng mà không phản đối của Nguyên đơn”. Đây là điểm rất đáng lưu tâm liên quan đến giai đoạn giao kết hợp đồng.

Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định theo hướng sự im lặng của người được đề nghị có thể là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng và tạo ra hợp đồng tại khoản 2 Điều 404 theo đó “hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết”. Bộ luật dân sự năm 2015 đã mở rộng thêm trường hợp áp dụng thói quen vì khoản 2 Điều 393 quy định “sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên”. Trong vụ việc trên, chúng ta chưa rõ các Bên có thỏa thuận hay thói quen sự im lặng của Nguyên đơn là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng nên chưa thể khẳng định, theo Bộ luật dân sự năm 2015, Nguyên đơn đã chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng của Bị đơn (tức chưa thể khẳng định đã tồn tại hợp đồng mới giữa các Bên). Thực tiễn xét xử tại Tòa án còn theo hướng khi lời đề nghị giao kết hợp đồng hoàn toàn vì lợi ích của người được đề nghị (như người có quyền gửi thư miễn thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ) thì sự im lặng được coi là chấp 4 nhận đề nghị giao kết hợp đồng[1]. Tuy nhiên, khó có thể khẳng định lời đề nghị của Bị đơn nêu trên là hoàn toàn vì lợi ích của Nguyên đơn nên cũng chưa thể khẳng định có hợp đồng mới giữa các Bên cho giai đoạn giám đốc thẩm tại Tòa án Việt Nam.

Phải chăng Hội đồng Trọng tài muốn mở rộng trường hợp chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng thông qua im lặng? Thông tin của Phán quyết trọng tài chưa đủ để có câu trả lời minh thị và đây là vấn đề hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ trong pháp luật Việt Nam. Mặc dù vậy, doanh nghiệp cần biết rằng trong một số trường hợp im lặng cũng được coi là chấp nhận giao kết hợp đồng và do đó ràng buộc bên im lặng như đã trình bày ở trên.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

 [1] Xem Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và Bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam 2018 (tái bản lần thứ bảy), Bản án số 26 – 28.