✅ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC
5/5 – (1 bình chọn)
✅ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA NHẬT BẢN
✅ NHẬT BẢN: GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC LÀ CỐT LÕI
📔 Ngành giáo dục Nhật Bản có vị thế tốp đầu thế giới như hiện nay vốn được xây dựng trên triết lý “con người = đạo đức”, đề cao tuyệt đối tính kỷ luật và tinh thần tự lập
📕 Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định giáo dục Nhật Bản thời kỳ cận-hiện đại được bắt đầu từ thời Minh Trị (1868-1912). Tuy nhiên, các văn bản pháp luật, các quy định giáo dục thời Minh Trị chưa nhắc đến “triết lý giáo dục”.
📕 Mãi sau Thế chiến thứ II, các nhà nghiên cứu giáo dục người Nhật cho rằng giáo dục Nhật Bản ngay từ trước 1945 vận hành theo triết lý “mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức” – được thể hiện trong Sắc chỉ giáo dục (hay còn được biết đến là “thánh chỉ” của Thiên hoàng Minh Trị ban bố vào năm 1879).
📕 Triết lý “đạo đức” trong thánh chỉ của Minh Trị chứa thông điệp giáo dục đạo đức mang màu sắc Nho giáo – hết lòng vì vua, trung quân mới là ái quốc.
✅ TỪ THẦY CÔNG BẰNG ĐẾN TRÒ CỐNG HIẾN
📖 Thời Minh Trị, từ triết lý “đạo đức”, không phân biệt hoàn cảnh, sắc tộc, tôn giáo, giai tầng của bất cứ thanh niên nào, hễ có tiềm năng và phát huy được tố chất, mong mỏi và khát vọng phát triển quốc gia, chính phủ Nhật liền đưa sang các nước phương Tây để tiếp thu các giá trị khoa học kỹ thuật, công nghệ mới rồi quay về phục vụ “vua”.
📖 Triết lý “đào tạo người phục vụ cho đất nước” dựa trên nguyên tắc công bằng nhanh chóng mang về hiệu quả khi nhân tài từ phương Tây trở về phục vụ Nhật Bản.
📖 Giáo dục Nhật nhờ đó mà học hỏi tinh túy từ hệ thống giáo dục nước ngoài: Hệ thống hành chính giáo dục chặt chẽ và trật tự của Pháp; hệ thống đại học “người dẫn đầu”, tập trung phát triển giáo dục đại học theo mô hình các trường đại học ưu tú của Đức; mô hình trường học công lập dựa trên đạo đức và sự công bằng cho mọi người từ Anh; cùng với phương châm “Trường học phải đảm bảo sự phát triển cho tất cả trẻ em” đến từ John Dewey, một nhà triết học và nhà cải cách giáo dục Mỹ.
📖 Nhờ việc dạy cho trẻ triết lý “ái quốc”, một lực lượng đông đảo trí thức Nhật tiếp thu Tây học nhanh chóng quay về, đưa Nhật Bản theo kịp quá trình hiện đại hóa quốc gia với nhiều nước phương Tây.
📖 Hiện nay các lớp học ở Nhật không tổ chức theo kiểu “gom học sinh có điểm số cao lại với nhau”. Nhà trường cũng không chủ trương “khoe” kết quả học tập của các em đến mọi người, vì cho rằng điểm số không phản ánh được khả năng thực sự của trẻ, mọi học sinh đều có cơ hội học tập trong môi trường bình đẳng.
📖 Cho đến vài năm gần đây Nhật Bản mới chủ trương thí điểm kỳ thi cho các em lớp 6 và lớp 9 nhằm giám sát hiệu suất của hệ thống giáo dục chứ không phải đánh giá năng lực học sinh. Kỳ thi chính thức duy nhất chỉ được tổ chức để các em học sinh vào học trường trung học và đại học.
📖 Gánh nặng thi cử được chia sẻ lên vai của thầy cô, cha mẹ, bạn bè cùng lớp của các em học sinh. Thầy cô dạy cho trẻ nghĩa vụ giúp bạn vượt khó vì đó là giá trị “đạo đức” – yếu tố truyền thống của người Nhật, đồng thời cũng là cơ hội để cả học sinh yếu tiến bộ, còn học sinh giỏi trải nghiệm và rút kinh nghiệm được nhiều điều từ người bạn của mình.
📖 Trách nhiệm của thầy cô với trẻ rất cao, được thể hiện thông qua môi trường học tập thầy cô xây dựng cho trẻ trải nghiệm; mối quan hệ tương trợ của thầy cô với trẻ em ngoài giờ học; sự kết hợp giữa thầy cô với phụ huynh để giúp trẻ vượt khó khăn và phát triển toàn diện.
📖 Năng lực của giáo viên được đánh giá thông qua những thành quả hiện hữu, những sáng kiến đột phá, mức độ đóng góp vì cộng đồng… của các em học sinh mà họ giảng dạy (chứ không phải điểm số).
📖 Bên cạnh đó, hiệu trưởng và giáo viên của các trường học được phân bố theo các quận và luân chuyển thường xuyên để đảm bảo rằng không có bất kỳ sự độc tài nào tồn tại.
📖 Chưa kể việc phân bổ tài chính, y tế, khuyến học… từ chính phủ cũng rất công bằng, nhằm hình thành tư duy công bằng trong suy nghĩ trẻ.
📖 Từ triết lý “đạo đức”, môi trường giáo dục công bằng qua nhiều thế hệ tạo ra một nước Nhật rất minh bạch, với tỉ lệ tiêu cực và tham nhũng rất thấp. Theo số liệu mới nhất, Nhật Bản đứng thứ 17/178 nước trên thế giới về minh bạch.
✅ Ý THỨC TUÂN THỦ KỶ LUẬT TUYỆT ĐỐI
📗 Chuyên gia giáo dục Bassey Ubong (Nigeria) trong bài viết “Triết lý giáo dục và những ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển của quốc gia” đã dẫn lời nhà nghiên cứu giáo dục F. N. Kerlinger (1951) nhận định giáo dục Nhật Bản sau thời Minh Trị, rõ nhất là từ giữa thế kỷ 20 cho đến tận nay, vẫn vận hành theo triết lý “shữshin”. Hiểu nôm na, “shữshin” được gói gọn trong từ “đạo đức” – trung tâm của giáo dục kiến thức, đời sống, sinh hoạt, kỹ năng làm việc của người Nhật.
📗 Nhà giáo Nguyễn Quốc Vương, ĐH Sư phạm Hà Nội, trong bản dịch Luật giáo dục cơ bản (được Quốc hội Nhật Bản ban hành lần đầu năm 1947 và sửa đổi năm 2006) đã chỉ ra triết lý “đạo đức làm nền tảng trong giáo dục” của người Nhật được mô tả: “Cần phải nhắm tới thực hiện xã hội ở đó từng quốc dân có thể mài giũa nhân cách bản thân…”. Tuy nhiên, triết lý giáo dục “đạo đức” không còn là đào tạo người trung quân ái quốc.
📗 Chuyên gia giáo dục Bassey Ubong còn cắt nghĩa “đạo đức” trong triết lý giáo dục người Nhật ngày nay chính là tính kỷ luật trong đời sống, sinh hoạt và làm việc.
📗 Bassey Ubong mô tả “Đạo đức còn có nghĩa là ý thức tuân thủ kỷ luật cao độ được phản ánh thông qua quan niệm xem giáo dục là một con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
📗 Từ đó thanh niên tích cực học tập, tuân theo các chuẩn mực về tôn trọng mọi người xung quanh và tham gia đóng góp nhằm giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp, ai nấy đều tốt nghiệp và có việc làm”.
📗 Người Nhật luôn tin tưởng rằng nếu giáo dục tính kỷ luật hiệu quả cho một thế hệ trẻ em hôm nay thì trong tương lai gần Nhật Bản sẽ nhận được một thế hệ nhân tài trưởng thành “kỷ luật thép”, có khả năng đóng góp to lớn cho tổ quốc.
📗 Các nguyên tắc kỷ luật: Quản lý thời gian; tuân thủ quy trình làm việc, nguyên tắc hợp tác và phối hợp, tự phê bình bản thân, dám chịu trách nhiệm, không đổ lỗi hoàn cảnh, văn hóa từ chức… được người Nhật hiểu và vận dụng thuần thục.
📗 Lý thuyết ngành kinh tế học đã chứng minh được rằng người Nhật đã đúng khi tích lũy tính kỷ luật cho từng thế hệ trẻ em. Qua nhiều thập niên, các thế hệ người trưởng thành cộng hưởng các giá trị kỷ luật, tạo thành một dân tộc làm việc khoa học, bài bản, hiệu quả tối đa.
✅ GIÁO DỤC TỰ DUY TỰ LẬP ĐỂ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI
📘 Trên nền tảng triết lý giáo dục đạo đức, trẻ em Nhật còn được định hướng “đạo đức = tự lực cánh sinh”. Mỗi bản thân cố gắng học tập, làm việc tự chủ, không ỷ lại để có thể hòa nhập môi trường hội nhập đầy biến động các giá trị văn hóa và tri thức.
📘 Việc tự lập còn giúp học sinh có cuộc đời phong phú, có thể học tập ở mọi nơi, mọi lúc trong suốt cuộc đời mình và có thể vận dụng thích hợp những thành quả đó.
📘 Để thực hiện triết lý này, nội dung và phương pháp giáo dục môn nghiên cứu xã hội được nhấn mạnh “học sinh làm trung tâm” và nhấn mạnh giá trị trải nghiệm từ các bài học hơn là nhồi nhét kiến thức.
📘 Nhật thay đổi hệ thống sách quốc định thành kiểm định – nhiều loại sách với các chuẩn đầu ra khác nhau để tăng cường khả năng phản biện cho học sinh, kích thích việc tìm tòi, phát huy sức sáng tạo.
📘 Chưa dừng tại đó, trong các lớp học, học sinh phổ thông sớm được giáo viên dạy rằng “không có chân lý đúng vĩnh viễn”. Thế nên các bài học thầy cô đưa ra đều được “trích nguồn”, cổ vũ các em tìm thêm nguồn thông tin, góc nhìn, phát hiện vấn đề mới.
📘 Đó là một trong những lý do cốt yếu giúp người Nhật nằm trong tốp đầu các quốc gia có lượng bằng sáng chế “khủng” nhất thế giới với vô số thương hiệu tồn tại xuyên thế kỷ.
📘 Thầy cô thường xuyên trao đổi, tư vấn cho bậc cha mẹ chủ động dạy cho con họ tính tự lập, ngay trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
✅ HỌC GÌ TỪ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA NGƯỜI NHẬT
📙 Thực tế mỗi quốc gia, trong đó có Nhật Bản, xây dựng và phát triển triết lý giáo dục dựa trên điều kiện nguồn lực và hoàn cảnh cụ thể của quốc gia.
📙 Điều quan trọng mà chúng ta có thể học từ triết lý của người Nhật chính là “học sinh làm trung tâm” của các hoạt động giàu tính trải nghiệm, chia sẻ, trách nhiệm.
📙 Việc giữ học sinh ngồi ù lì trong lớp sẽ tạo nên nền giáo dục nghèo nàn.
✅ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA SINGAPORE
✅ SINGAPORE TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CHO THẾ KỶ XXI
📚 Chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục, chừng nửa thập kỷ, Singapore đã thoát nghèo để vươn mình thành quốc gia có mức GDP đầu người cao thứ 3 trên thế giới.
📚 Việc áp dụng các chiến lược giáo dục phù hợp cho từng thời kỳ, với triết lý đi từ ‘Sống sót’, ‘Hiệu quả’, ‘Thúc đẩy năng lực’ đến lấy ‘Học sinh là trọng tâm, dựa trên giá trị’, trong đó chú trọng đến những kỹ năng cần thiết của thế kỷ XXI đã giúp đảo quốc sử tư làm nên điều kỳ diệu đó.
✅ SÁNG KIẾN DẠY ÍT, HỌC NHIỀU
🖋️ Năm 2005, Bộ Giáo dục Singapore đưa ra sáng kiến “Dạy ít, học nhiều” để cải thiện chất lượng dạy và học trong nước. Nó được Thủ tướng Lý Hiển Long đề cập lần đầu tiên trong phát biểu nhân ngày Quốc khánh của Singapore vào 24.8.2004. Lúc đó, ông kêu gọi các nhà giáo dục phải “dạy ít hơn để học sinh có thể học được nhiều hơn”.
🖋️ Nói cách khác, họ phải để sắp xếp lại các giáo trình, áp dụng những phương pháp giảng dạy hiệu quả, chuẩn bị giúp các em bước vào thế giới thực.
🖋️ Thực ra, ý tưởng này cũng được lấy cảm hứng từ tầm nhìn của Singapore về “Trường học tư duy, quốc gia học tập”, vốn được giới thiệu từ năm 1997 nhằm tạo ra một hệ thống giáo dục nuôi dưỡng sáng tạo, tư duy tích cực và cảm hứng học tập suốt đời.
🖋️ Với “Dạy ít, học nhiều”, kiểu “học vẹt” truyền thống sẽ bị loại bỏ. Thay vào đó, học sinh sẽ chủ động hơn trong học tập, khám phá tri thức thông qua các thí nghiệm, trải nghiệm thực tế, kỹ năng sống.
🖋️ Ở đây, vai trò của giáo viên sẽ thay đổi, chỉ còn là người hướng dẫn chứ không cung cấp lời giải. Họ tạo một môi trường học tập trong đó học sinh hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề và thực hiện những nhiệm vụ thực tế.
🖋️ Các em được khuyến khích học hỏi tích cực, sáng tạo và độc lập vượt ra ngoài chương trình giảng dạy chính thức. Việc đánh giá kết quả học tập sẽ không chỉ dừng ở chất lượng làm bài tập về nhà hay điểm số kiểm tra. Giáo viên sẽ sử dụng thêm thước đo về khả năng tương tác với xã hội của học sinh bên ngoài năng lực tiếp thu kiến thức.
🖋️ Để hỗ trợ điều đó, các trường có thể thuê thêm nhân viên hỗ trợ, như các cố vấn làm việc toàn thời gian tại trường hay các giám đốc phụ trách chương trình ngoại khóa, để giảm tải công việc cho người dạy.
🖋️ Các thầy cô sẽ có thêm thời gian tập trung cải tiến giáo án, tìm cách truyền đạt kiến thức hiệu quả và mang tính tương tác hơn để đáp ứng nhu cầu học tập khác nhau của học sinh.
✅ TRÁI NGỌT TRỒNG NGƯỜI
💐 Mới đây, Bộ Giáo dục Singapore đã công bố danh sách “các kỹ năng của thế kỷ XXI” với mong muốn học sinh sẽ tích lũy được, trong đó có những kỹ năng mềm như tự nhận thức và đưa ra những quyết định có trách nhiệm.
💐 Bên cạnh đó, để giảm tải bệnh thành tích, đảo quốc sư tử đặt mục tiêu giảm dần sự chú trọng vào các kỳ thi. Vừa qua, Bộ quyết định sẽ thay đổi việc đánh giá học sinh tiểu học và trung học từ năm 2019. Theo đó, học sinh cấp 1 – 2 sẽ được giảm thi cử, không xếp hạng trong lớp và các chỉ số học tập khác trong học bạ.
💐 Song song với đó, chiến dịch “Cuộc sống ngoài điểm số” cũng được khởi động để giúp các bậc phụ huynh bớt chú trọng điểm số, nới lỏng áp lực học tập cho con em mình.
💐 Việc áp dụng các chiến lược giáo dục một cách linh hoạt, hiệu quả đã giúp học sinh Singapore đạt được những thành tích rất ấn tượng trong các cuộc thi quốc tế.
💐 Đơn cử, năm 2016, học sinh quốc gia Đông Nam Á này đã đứng ở ngôi vị quán quân trong bảng xếp hạng của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) về kết quả các bài thi toán học, đọc hiểu và khoa học. Xếp hạng trên được tiến hành 3 năm/lần, dựa trên các bài kiểm tra dành cho lứa tuổi 15 ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.
💐 Tổng kết lại, theo giáo sư Lee Sing Kong- Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu giáo dục quốc gia Singapore, bí quyết thành công của hệ thống giáo dục Singapore trước hết phải kể đến việc đặt ra mục tiêu cực kỳ rõ ràng.
💐 Nó liên tục bám sát môi trường thực tế để thay đổi, đặc biệt là các kỹ năng và yêu cầu việc làm thời đại mới. Đây được coi như la bàn giúp các nhà giáo dục Singapore lập biểu đồ hành trình giáo dục cho học sinh.
💐 Thứ hai, cho dù thế giới có xoay vần ra thế nào, các học sinh của tương lai vẫn phải thông tuệ nền tảng khoa học, toán học và khả năng đọc, viết.
💐 Singapore không bao giờ cho phép các chương trình giảng dạy của mình trở nên quá cồng kềnh vì điều đó sẽ chiếm quá nhiều thời gian của giáo viên, cản trở các phương pháp luận mang tính đổi mới và sáng tạo.
💐 Cuối cùng là Bộ Giáo dục đầu tư mạnh vào việc phát triển đội ngũ giáo viên và lãnh đạo nhà trường có năng lực tốt, yêu nghề. Chính họ đã biến nghề giáo trở thành nghề được coi trọng và đóng góp không nhỏ vào việc dựng xây đất nước.
✅ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA MỸ
🌼 Học sinh đi học không để mang lại vinh quang cho trường và các thày cô, không học vì trường, mà học cho mình.
🌸 Ở Mỹ, triết lý giáo dục không hề chung chung và cao xa mà mang tính cụ thể, xuất phát từ bản thân học sinh và nhu cầu của địa phương, của xã hội.
🌸 Học sinh đi học không để mang lại vinh quang cho trường và các thày cô, không học vì trường, mà học cho mình.
🌸 Triết lý giáo dục ở Mỹ thể hiện qua tầm nhìn (vision) và nhiệm vụ (mission) của từng trường hay quận đề ra.
🌸 Ở Mỹ, trường nào, cụm trường/quận (school district) nào cũng có nêu cực kỳ rõ ràng những tầm nhìn và nhiệm vụ, niềm tin cụ thể cho trường hay quận của mình.
🌸 Từ tầm nhìn và nhiệm vụ đó thì những kế hoạch hành động mới được ra đời và phát triển cụ thể. Vì triết lý sẽ quyết định toàn bộ hành động tiếp theo.
🌸 Lấy ví dụ 3 school district, trong đó 2 ở những tiểu bang phía Đông Nam của Mỹ (Clayton County School District, Gwinnett School District đều thuộc tiểu bang Georgia) và 1 ở vùng Đông Bắc (Fairfax County School District, thuộc tiểu bang Virginia).
Tầm nhìn và nhiệm vụ của trường Clayton
🌸 Những nội dung về tầm nhìn (vision) và nhiệm vụ (mission) đều có thể dễ dàng tìm thấy ở trang web của từng trường hay từng school district/quận.
🌸 Tựu trung, lời lẽ ở các nơi có thể khác nhau đôi chút nhưng đều nói đến mục tiêu đào tạo ra những công dân:
🌹 Có khả năng cạnh tranh toàn cầu
🌹 Đủ sẵn sàng để học đại học hoặc lập nghiệp (college and career ready)
🌹 Đủ kỹ năng hoàn thành những mục tiêu cá nhân và nhu cầu của địa phương /đất nước /khu vực
🌹 Sống có trách nhiệm, mạnh khỏe và thành công
🌸 Những tầm nhìn và nhiệm vụ này được quán triệt và phổ quát tới mức:
🌺 In ra ở trên các ấn phẩm của trường như sổ tay/cẩm nang học sinh sinh viên (Student handbook), bản tin (Newsletter).
🌺 Cuộc họp trường hay quận nào, từ họp thường niên đến họp tổng kết hay họp khẩn cấp, cũng được mở đầu bằng việc đọc hay xem lại những tuyên bố về tầm nhìn (vision) và nhiệm vụ (mission) này.
🌺 Tất cả các cuộc tập huấn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và hành chính đều xoay quanh những tầm nhìn và nhiệm vụ này.
🌺 Cả lễ tổng kết trao bằng khen cuối năm cho học sinh, học sinh cũng phải biết, được nghe và nhắc lại được những tầm nhìn và nhiệm vụ của trường, của quận.
🌺 Từ góc độ của phụ huynh, việc trường của con em mình có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng giúp cho phụ huynh và bản thân các em học sinh trả lời được câu hỏi “Học để làm gì?”
Ở Mỹ, triết lý giáo dục không hề chung chung và cao xa mà mang tính cụ thể, xuất phát từ bản thân học sinh và nhu cầu của địa phương, của xã hội
🌻 Sinh viên ngành sư phạm ngay từ lúc chuẩn bị tốt nghiệp, trong bộ hồ sơ tốt nghiệp phải thảo sẵn, viết, trình bày suy nghĩ của mình về triết lý giáo dục (Philosophy of education).
🌻 Nếu không trình bày hay xác định được triết lý của mình thì coi như chưa sẵn sàng để ra nghề, tức là đi làm giáo viên, đi dạy học.
🌻 Đây chính là điều kiện cần đầu tiên vì nếu sinh viên có một triết lý, tức là ít nhất có một nhận thức căn bản về nghề nghiệp, nhiệm vụ của người làm nghề.
🌻 Tất nhiên triết lý của những sinh viên ngành sư phạm hay pre-service teachers này về sau sẽ thay đổi nhiều, phụ thuộc vào kinh nghiệm đi làm và môi trường làm việc sau này.
🌻 Vì khi đã trở thành giáo viên ở trường nào đó thì chắc chắn có chung quan điểm và tầm nhìn của trường nơi mình dạy.
🌻 Thế nên khi nộp hồ sơ xin việc, các ứng viên cũng hay phải trả lời về triết lý giáo dục cho nhà tuyển dụng.
🌻 Trích dẫn câu của Bác Hồ “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”. Dạy học phải có tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Từ đó mới có thể chăm cho từng cây, từng người mạnh giỏi.
✅ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA PHẦN LAN
🌲 Trong những năm gần đây, giáo dục Phần Lan được đánh giá hàng đầu thế giới. Đã có rất nhiều những buổi hội thảo và vô số các chuyên gia trên thế giới đã đến Phần Lan để tìm nguyên nhân. Hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao một đất nước Bắc Âu lạnh lẽo, dân số ít lại làm nên được kỳ tích này?
Khẩu hiệu của Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Centria: “Ngôi trường với một trái tim đầy nhiệt huyết!”
✅ TRẺ EM CÓ NHỮNG KHỞI ĐẦU VỮNG CHẮC
🌳 Chính phủ Phần Lan có rất nhiều hỗ trợ để giúp đỡ các gia đình, bắt đầu với thùng quà trẻ em nổi tiếng của họ có chứa quần áo, sách và các đồ dùng cho trẻ sơ sinh trong năm đầu tiên, được tặng miễn phí cho mọi bà mẹ tương lai ở Phần Lan.
Thùng quà trẻ em từ Chính phủ Phần Lan
🌳 Chính phủ không chỉ hỗ trợ cha mẹ, đứa trẻ ngay khi đầy tháng đã nhận được tiền trợ cấp hằng tháng cho đến khi bước sang tuổi 18. Mục đích chính của những hỗ trợ này là Chính phủ mong muốn tất cả những đứa trẻ được sinh ra trên đất nước Phần Lan đều phải có xuất phát điểm đầy đủ và công bằng như nhau.
✅ LUÔN HỖ TRỢ HỌC SINH YẾU KÉM ĐỂ BẮT KỊP
🌴 Một trong những yếu tố giúp các trường học Phần Lan thực hiện tốt là nhờ sự tập trung toàn quốc vào việc đạt được bình đẳng giữa các trường học và giữa các học sinh.
🌴 Một điều khắc sâu trong suy nghĩ của các nhà giáo Phần Lan: “Chúng tôi luôn cố gắng gần gũi và phụ đạo những học sinh yếu”. Các trường học sẽ nhận được hỗ trợ từ quỹ phân biệt đối xử tích cực cho các giáo viên và cố vấn bổ sung.
🌴 Mục tiêu là giáo dục tất cả trẻ em hiểu rằng trong cùng một lớp học, các bạn đều được phát triển đồng đều, không hề có sự so sách hay kì thị.
🌴 Phỏng vấn các bạn sinh viên tại Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Centria: “Giáo viên ở Centria rất tuyệt vời, rất quan tâm học sinh, họ có thể dành hàng giờ cùng em giải quyết khúc mắc.
🌴 Họ tận tình giảng dạy không chỉ trên lớp, mà còn rất chủ động trao đổi email phúc đáp riêng”. Có bạn còn bồi hồi kể lại một câu nói ấn tượng của thầy Trưởng khoa Kinh tế trường Centria: “Công việc của chúng tôi là ngồi đây chờ để được trả lời mọi thắc mắc của các em và giúp các em hạnh phúc với những nỗ lực nghiên cứu của bản thân”.
✅ BÌNH ĐẲNG GIỮA CÁC TRƯỜNG
🌵 Như đã phân tích ở trên, khái niệm bình đẳng, từ lâu luôn quan trọng trong văn hóa Phần Lan, là một trong những lý do trọng tâm khiến các trường học ở đất nước này rất thành công.
🌵 Nhưng ý tưởng về sự bình đẳng trong hệ thống trường học Phần Lan vượt xa việc đảm bảo tất cả trẻ em có một khởi đầu tốt trong cuộc sống và giáo viên làm việc tích cực để giúp học sinh yếu hơn bắt kịp.
🌵 Điều này có nghĩa là không chỉ giảm thiểu sự khác biệt giữa các học sinh mà còn có nghĩa là giảm thiểu sự khác biệt giữa các trường, đảm bảo rằng tất cả các trường ở Phần Lan đều mạnh như nhau.
🌵 Tại sao các trường học Phần Lan đều ngang bằng nhau và không sắp xếp thứ hạng lại quan trọng như vậy? Điều này ngăn cản việc phụ huynh “mua sắm” trường học cho con em mình!
🌵 Theo Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan, trường học tốt nhất là trường học gần nơi mình sống vì chất lượng của trường ở tỉnh nhỏ hay tại thành phố lớn cũng không khác gì nhau. Các trường đại học ở Phần Lan đều là trường công lập và sự thành công cũng như chất lượng đều được đầu tư tập trung vào các trường công lập trên toàn quốc.
🌵 Theo bà Hannele Teir, Giám đốc Giáo dục xuyên Quốc gia kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa Ứng dụng Centria, đồng thời là cố vấn danh dự về xuất khẩu giáo dục Phần Lan cho hay: “Chúng tôi không muốn có sự cạnh tranh giữa các trường, làm điều gì thành công chúng tôi đều chia sẻ và hỗ trợ nhau cùng thực hiện. Có như vậy, chúng tôi mới có thể cùng nhau đưa giáo dục Phần Lan phát triển được như ngày hôm nay”.
✅ GIÁO VIÊN HÀNG ĐẦU VỚI ĐÀO TẠO MỞ RỘNG
🌾 Ở Phần Lan, giảng dạy được coi là một nghề nghiệp rất được mong muốn và bằng thạc sĩ dựa trên nghiên cứu là điều kiện tiên quyết cho vị trí giảng dạy.
🌾 Yêu cầu của loại bằng thạc sĩ này có nghĩa là các giáo viên Phần Lan cần có từ 5 đến 7,5 năm nghiên cứu và thực tập cho vai trò giảng dạy trước khi họ được phép đứng lớp một cách độc lập.
🌾 Bởi vì các giáo viên đã được đào tạo chuyên môn rất sâu và kỹ, nên họ coi việc dạy học là một nghề trọn đời và xã hội Phần Lan luôn dành cho giáo viên một vị trí tôn trọng và uy tín, từ đó tạo động lực cho họ làm việc hiệu quả hơn.
✅ NIỀM VUI VÀ CHƠI LÀ MỘT PHẦN CỦA CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY
🌿 Arja-Sisko Holappa, cố vấn của Ủy ban Giáo dục quốc gia Phần Lan, nhấn mạnh tầm quan trọng việc các trường học Phần Lan giúp cho trẻ em thích học.
🌿 Ông còn chỉ ra một câu nói truyền miệng của người Phần Lan: “Những điều bạn học mà không có niềm vui bạn sẽ dễ dàng quên đi”. Luôn tuân theo triết lý đó, mỗi trường học Phần Lan đều có một nhóm phúc lợi dành riêng để thúc đẩy hạnh phúc của học sinh.
🌿 Trường học là nơi giúp các em tìm thấy điều gì làm mình hạnh phúc, hướng dẫn định hướng các em tiếp cận ước mơ nghề nghiệp tương lai; là nơi các em xem như nhà và thích thú đến lớp.
✅ LÝ DO CHÍNH: GIÁO VIÊN KHÔNG DẠY CHO BÀI KIỂM TRA (VÌ KHÔNG CÓ BÀI KIỂM TRA)
☘️ Mặc dù thực tế là trẻ em Phần Lan thường xuyên đạt được điểm số cao nhất trong các bài kiểm tra toán và đọc quốc tế, bài kiểm tra tiêu chuẩn không phải là một phần của hệ thống giáo dục Phần Lan.
☘️ Bài kiểm tra tiêu chuẩn bắt buộc duy nhất cho học sinh Phần Lan diễn ra sau khi hoàn thành năm cuối trung học phổ thông. Trước đó, có thể có các bài kiểm tra tùy chọn, nhưng kết quả của những bài kiểm tra này không được giáo viên, trường học cũng như phụ huynh quá quan trọng.
☘️ Giáo dục Phần Lan đặc biệt không ủng hộ bài kiểm tra trắc nghiệm, hoặc nếu có cũng chỉ một vài câu hỏi nhỏ. Cả học sinh lẫn giáo viên đều đồng tình rằng bạn phải thực sự biết câu trả lời; hiểu, giải thích và diễn đạt được chúng thành văn chứ không phải là lựa chọn đáp án đúng.
✅ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC 5H
🌷 Với triết lý 5H, học sinh sẽ được truyền cảm hứng để trau dồi giá trị đạo đức, trang bị kiến thức, kỹ năng trở thành công dân toàn cầu.
🌷 Theo Tiến sĩ Thomas Armstrong, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và Phát triển con người Mỹ đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách dạy con nổi tiếng thế giới, mỗi đứa trẻ ra đời đều có những tiềm năng riêng biệt.
🌷 Nếu được nuôi dưỡng định hướng trong môi trường giáo dục thích hợp việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thành công trong tương lai trẻ – chúng có thể góp phần làm cho thế giới tốt hơn. Đó là Triết lý giáo dục 5H là Head, Heart, Hand, Health và Human.
🌱 Trong đó, Head chỉ sự phát triển tối đa trí tuệ của trẻ ở khả năng tư duy tích cực, tư duy phản biện, khả năng lý luận, tìm hiểu và giải quyết vấn đề thông qua những phương pháp học tập hiện đại.
🌱 Heart xây dựng cho trẻ một nền tảng về cảm xúc như giàu nhiệt huyết, biết cảm thông, chia sẻ; biết kiềm chế, yêu thương và suy xét chín chắn; học cách tôn trọng, ứng xử tích cực với bản thân và người khác.
🌱 Hand là thường xuyên rèn luyện để có những thói quen tốt, hữu ích. Thói quen tốt hình thành nên tính cách, tích cách ảnh hưởng đến hành vi và hành vi tạo ra kết quả. Đây là nền tảng cơ bản để trẻ phát triển trí lực, thể lực và đạt nhiều thành công trong tương lai.
🌱 Health xây dựng nền tảng thể chất, phát triển chiều cao và tinh thần toàn diện, để trẻ không chỉ đẹp về trí tuệ, tâm hồn mà còn đẹp về ngoại hình.
🌱 Human: Bốn yếu tố trên tạo nên năng lực nhân văn hoàn thiện trong đời sống của trẻ. Đó là sự kết hợp dựa trên những giá trị sống của các nước châu Âu, điển hình là Pháp và Luxembourg với nền giáo dục, truyền thống và văn hóa của nước ta để tạo nên những người con Việt sánh ngang tầm quốc tế.
✅ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC KHAI PHÓNG
🍀 Giáo dục khai phóng (tiếng Anh: liberal education) là giáo dục nhắm tạo ra con người tự do. Nó dựa trên khái niệm các môn khai phóng trong thời Trung cổ, hay gần hơn là chủ nghĩa tự do trong thời Khai minh.
🍀 Hiệp hội các Trường và Viện Đại học Hoa Kỳ (Association of American Colleges and Universities) mô tả giáo dục khai phóng là “một triết lý giáo dục cung cấp cho các cá nhân một nền tảng kiến thức rộng và những kỹ năng có thể chuyển đổi được, và một cảm nhận mạnh mẽ về các giá trị, đạo đức, và sự can dự vào đời sống công dân…”
🍀 Phạm vi của giáo dục khai phóng thường mang tính đa nguyên và toàn cầu; nó có thể bao gồm một chương trình học giáo dục tổng quát cung cấp cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực học thuật và nhiều chiến lược học tập, bên cạnh chương trình học chuyên sâu trong ít nhất một lĩnh vực học thuật nào đó.
🍀 Vào thế kỷ 19, những nhà tư tưởng như John Henry Newman, Thomas Huxley, và F.D. Maurice đã cổ vũ cho giáo dục khai phóng. Sir Wilfred Griffin Eady định nghĩa giáo dục khai phóng là giáo dục cho chính nó và cho sự trao dồi cá nhân, trong đó bao gồm việc giảng dạy các giá trị.
🍀 Những năm gần đây, giáo dục khai phóng được nhắc tới nhiều ở Việt Nam. Và được biết đến như một xu hướng mới trong đào tạo đại học.
🍀 Một số trường đại học ở Việt Nam, như Đại học Fulbright và Đại học Việt – Nhật đã tuyên bố áp dụng Giáo dục khai phóng trong chương trình đào tạo của mình.
🍀 Các trường phổ thông tư thục, quốc tế tại Việt Nam như hệ thống trường Gateway cũng coi giáo dục khai phóng như là tư tưởng nền tảng trong hệ thống đào tạo của mình.