​ “NAM TẢ, NỮ HỮU” – NGUỒN GỐC VÀ CƠ SỞ

“NAM TẢ, NỮ HỮU” – NGUỒN GỐC VÀ CƠ SỞ

“Nam tả, nữ hữu”
có nghĩa là đàn ông bên trái, phụ nữ bên phải. Đây là một quy
tắc lâu đời được lưu truyền trong dân gian và vận dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc
sống, sinh hoạt, nghi lễ, như: khi chụp ảnh, nam bên trái, nữ bên phải; trong lễ
nghi tiếp khách, chủ nhà bên trái, khách bên phải; sắp xếp di ảnh trên bàn thờ:
Ảnh cụ ông đặt bên trái, cụ bà đặt bên phải; khi xem chỉ tay thì con trai thường
xem tay trái, con gái xem tay phải…Tuy nhiên, đây không phải là một quan niệm hủ
bại mà là một quy tắc hoàn toàn hợp lý và có nguồn gốc, cơ sở rõ ràng.

1. Nguồn gốc

Theo truyền thuyết, quan niệm này bắt nguồn từ câu chuyện thủy tổ Bàn Cổ của
người Trung Hoa xưa. Theo “Tam Hoàng Thiên Kinh”, tại núi Côn Lôn có một cục đá
lớn đã thọ khí Âm Dương chiếu diệu rất lâu đời, nên đã thâu được các tính linh
thông của vũ trụ mà tạo thành thai người. Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần,
một tiếng nổ vang, khối đá linh ấy nứt ra một vị Linh Chân mang hình hài như con
người được gọi là Bàn Cổ. Vừa sinh ra thì vị ấy tập đi, tập chạy, tập nhảy, hớp
gió, nuốt sương, ăn hoa quả, dần dần lớn lên, mình cao trăm thước, đầu như rồng,
có lông đầy mình, sức mạnh vô cùng. Một ngày kia, Bàn Cổ chạy qua hướng Tây, bắt
gặp một cái búa và một cái dùi ước nặng ngàn cân. Bàn Cổ, tay phải cầm búa, tay
trái cầm dùi, ra sức mở mang cõi trần. Sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, thì
các bộ phận trên thân thể của ông hóa thành thành đất trời, sông núi cùng với
vạn vật sinh linh, trong đó, Thần Mặt Trời và Thần Mặt Trăng là do hai mắt của
Bàn Cổ biến hóa thành. Thần Mặt Trời là do mắt trái, còn Thần Mặt Trăng là do
mắt phải hóa thành. Tập tục “Nam tả nữ hữu” lưu truyền trong dân gian có nguồn
gốc từ câu chuyện này.

2. Cơ sở

Cơ sở của quy tắc này trước hết dựa vào thuyết Âm – Dương của
người Trung Quốc. Theo thuyết này, mọi vật trong vũ trụ khi sinh ra đều có 2 mặt
đối lập là âm và dương, sự vật trong tự nhiên là có lớn bé, dài ngắn, trên dưới,
trái phải, v.v… hai thế lực đối lập nhau nhưng lại thống nhất với nhau trong vạn
vật, là khởi đầu của mọi sinh thành biến hóa. Âm dương không loại trừ nhau mà
tạo điều kiện tồn tại cho nhau, là động lực của mọi vận động và phát triển. Quy
luật âm dương chỉ rõ mọi sự vật đều có âm dương, trong dương có âm, trong âm có
dương, âm thăng dương giáng, âm dương cân bằng thì sự vật tồn tại”.

Học thuyết âm – dương quy định đàn ông là dương, phụ nữ là âm. Trong cùng một
con người thì phía trên là dương, phía dưới là âm, phía sau lưng là dương, phía
trước bụng là âm; phía tay trái là dương, phía tay phải là âm. Theo đó, bên phải
của nam là âm cần hợp với bên trái của nữ là dương, vậy nam nằm bên trái (tả),
nữ nằm bên phải (hữu) nam là hợp quy luật âm – dương.

            3. Chọn bên Tả bên Hữu theo hướng nào?

Có bạn hỏi : Nam Tả Nữ Hữu, biết thế nhưng vẫn không hiểu là bên phải, bên trái
theo hướng nào?
Chúng ta thường nghe nói trong khi vào chầu vua, quan văn đứng bên tả (bên trái)
còn quan võ đứng bên hữu (bên phải) hay ngược lại; lại thấy trong từ đường ngoài
ban thờ chính đặt ở chính giữa, hai bên còn có tả ban 左 班, hữu ban 右 班; hoặc ở
chùa đình thì có tả vu 左 廡, hữu vu 右 廡 v.v… Vậy bên trái hay bên phải được xác
định như thế nào: từ trong nhìn ra, hay từ ngoài nhìn vào?
Chúng tôi cho rằng Nam Tả Nữ Hữu căn cứ theo hướng nhìn của mình, chúng ta không
thể nhìn ngược về sau gáy!
   
Tra Hán Việt tự điển thì :

左 Tả, Tá Bộ công 工: 1– Bên trái, phàm cái gì ở bên tay trái đều gọi là tả. Như
hư tả dĩ đãi 虛 左 以 待 để chừa bên trái xe để đợi người đến, ý nói cần dùng lắm.
2- Phía đông. Cách định phương hướng cho phương đông là bên tay trái, nên Sơn
đông 山 東 gọi là Sơn tả 山 左, Giang đông 江 東 gọi là Giang tả 江 左, v.v. 3– Bất tiện.
Như tả kế 左 計 kế không hay, hai bên không hợp nhau gọi là tương tả 相 左. 4– Không
được chính đính. Như tả đạo hoặc chúng 左 道 惑 眾 đạo dối lừa chúng. 5-Giáng xuống,
quan bị giáng chức gọi là tả thiên 左 遷. 6– Một âm là tá. Giúp, cũng như chữ tá
佐. 7– Tiếng nói khiêm trong thư từ. Như dĩ ngu tá hữu 以 娛 左 右 nghĩa là chỉ để
làm vui cho người hầu hạ, chứ không dám nói ngay đến người mình nói vậy. 8–
Chứng nghiệm. Như chứng tá 證 左 người làm chứng.

右 Hữu Bộ khẩu 口: 1– Bên phải. 2– Giúp, cũng như chữ hữu 佑. Như bảo hữu 保 右 giúp
giữ. 3– Bên trên. Đời xưa cho bên phải là trên. Như hữu văn hữu vũ 右 文 右 武 trọng
văn trọng võ. Vì thế nên họ sang gọi là hữu tộc 右 族, nhà hào cường gọi là hào
hữu 豪 右, v.v. 4- Phương tây. Như Sơn hữu 山 右 tức là Sơn tây. Giang hữu 江 右 tức
là Giang tây.

Xem giải thích của tự điển như vậy thì có thể hiểu rằng, bên trái đồng thời là
phương đông và bên phải đồng thời là phương tây
. Như vậy nếu một người đứng quay
mặt về phương nam, sau lưng là phương bắc, thì bên tay trái chính là phương đông
và bên tay phải chính là phương tây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xác định
bên phải hay bên trái được tính từ trong nhìn ra ngoài.

 

4. Hướng bàn thờ và bày trí đồ thờ

Trong thực tế hiện nay, từ đường, nhà cá nhân cùng các bàn thờ
quay mặt về nhiều phương nhiều hướng, đông tây nam bắc đều có đủ tùy theo 
người chủ nhà, vì vậy việc xác định bên phải hay bên trái cũng phải được tính
như trên, cũng từ trong nhìn ra ngoài, cụ thể:

-Nếu bàn thờ quay mặt về phương đông thì phương bắc là bên trái và phương nam là
bên phải.

-Nếu bàn thờ quay mặt về phương bắc thì phương tây là bên trái và phương đông là
bên phải.

-Nếu bàn thờ quay mặt về phương tây thì phương nam là bên trái và phương bắc là
bên phải.

-Nếu bàn thờ quay mặt về phương nam thì phương đông là bên trái và phương tây là
bên phải.

Cũng tương tư, trong việc đặt vật cúng, ta cũng thường nghe câu nói “đông bình
tây quả” nghĩa là phương đông, tức bên trái, cúng hoa (bình) và phương tây, tức
bên phải, cúng trái cây (quả), như vậy việc đặt vật phẩm cúng cũng được tính từ
bên trong nhìn ra ngoài.

(Bài viết có tham khảo của Phạm Bá Lượng :
https://hophanblog.wordpress.com/2011/06/06/ve-viec-xac-dinh-ben-trai-ben-phai/)