” Mùi cỏ cháy” – cháy trong trái tim người trẻ hôm nay
GD&TĐ -Vừa qua, CLB Vovinam – Việt võ đạo Học viện Ngoại giao đã tổ chức buổi chiếu phim “ Mùi cỏ cháy”.
Buổi chiếu phim miễn phí đã thu hút hơn 300 sinh viên các trường đại học thuộc khu vực Chùa Láng như: Học viện Ngoại giao, Đại học Ngoại thương, Học viện Hành chính, Học viện Thanh Thiếu niên, Đại học Luật Hà Nội và đặc biệt có sự tham gia của nhà biên kịch bộ phim, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
Mùi cỏ cháy là bộ phim sống động tái hiện một cách chân thực sự bi tráng của mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị, khi chúng ta đang giành giật từng tấc đất, viên gạch của Thành cổ Quảng Trị để có thể có được lợi thế trên bàn đàm phán Paris.
Có thể nói mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ chấm dứt và để lại cho chúng ta sự yên bình, nhưng là một sự yên bình được trả bằng máu và sự hi sinh của các anh – những người thanh niên mười tám đôi mươi, cũng yêu đời, vô tư, cũng có bao ước mơ, khát khao nhưng họ đã tạm gác lại tất cả để cầm súng chiến đấu, để “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Với những ý nghĩa như vậy, qua bộ phim CLB mong muốn có thể nâng cao nhận thức, hiểu biết của các bạn sinh viên về lịch sử, cũng như những năm tháng hào hùng của dân tộc.
Đồng thời, thông qua hoạt động nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tri ân đối với sự hy sinh của thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, hòa bình của Tổ quốc.
Đặc biệt, qua bộ phim cũng như buổi giao lưu, trò chuyện với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – một chiến sĩ đã trực tiếp chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị, các bạn sinh viên sẽ có ý thức trân trọng hơn những khoảnh khắc bình yên hiện tại, để sống, phấn đấu và cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Với chủ đề “Chết để sống” xuyên suốt buổi chiếu phim, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ: “Mỗi lần xem là một lần tôi như chết đi sống lại. Viên đạn đó như ghim vào lồng ngực tôi chứ không phải những người đồng đội của tôi”.
Là người sống sót và trở về từ chiến trường, nhà thơ vẫn phải tiếp tục sống dù “không sung sướng gì”, nhưng nhà thơ phải sống thay cho đồng đội của mình, sống vì đất nước, vì ngày hôm nay, để cái chết của những người đồng đội không là vô nghĩa.
Trong buổi chiếu phim, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tham gia với tư cách là nhà biên kịch bộ phim nhưng đồng thời cũng là một nhân chứng sống, trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đã có những chia sẻ hết sức chân thành về những kỷ niệm về ngày tháng khốc liệt của “ Mùa hè đỏ lửa năm 1972”.
Khi được hỏi về hình tượng 4 nhân vật chính trong phim và lý do nhà biên kịch chọn tên là Hoàng, Thành, Thăng, Long, cho nhân vật của mình nhà thơ có chia sẻ: 4 anh là nguyên mẫu của nhà thơ và đồng đội năm xưa.
Hoàng chính là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và những đồng đội của ông là các liệt sĩ: Nguyễn Văn Thạc, Vũ Đình Văn, Hoàng Thượng Lân, Đặng Thùy Trâm,…
Bốn anh cũng như hàng nghìn sinh viên khác, năm xưa vì tiếng gọi của Tổ quốc đã gác bút ra chiến trường. Họ đều là sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Và chỉ cần nhắc đến “Hoàng Thành Thăng Long” là có thể thấy được tình yêu Hà Nội thăm thẳm trong trái tim không chỉ ngày hôm nay mà đã có từ ngàn năm xưa.
Nhà thơ cũng chia sẻ thêm: “ Thật ra chiến tranh còn khốc liệt hơn nhiều nhưng tôi nghĩ sự khốc liệt đôi khi không nhất thiết là một quả nổ mà nằm ngay ở hình ảnh lời hẹn chơi bi của anh Thành khi trở về, lời hẹn gánh nước của Long với cô gái bên giếng nước và rồi không có ngày trở về”.
Được biết buổi chiếu phim Mùi cỏ cháy là một trong những sự kiện tiêu biểu thuộc Chiến dịch “Hành trình trở về – Đi để tìm lại 2017” do Câu lạc bộ Vovinam – Việt Võ Đạo Học viện Ngoại giao tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các bạn sinh viên, các bạn trẻ về giá trị của lịch sử, bồi đắp thêm lòng tri ân đối với sự hy sinh của thế hệ đi trước.
Chiến dịch còn có nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: triển lãm tranh, tư liệu lịch sử; gây Quỹ Nhân ái hỗ trợ các hội viên thuộc Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Bình; chuyến hành hương đưa hơn 200 bạn trẻ trở về với Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghĩa trang Đường 9…